Lệnh cấm TikTok đẩy các tập đoàn công nghệ Mỹ vào thế khó
Lệnh cấm TikTok tại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 19/1, không chỉ tác động trực tiếp đến ứng dụng này mà còn gây áp lực nghiêm trọng lên các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google và Oracle.
Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN
Theo quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ, TikTok phải được bán từ ByteDance – công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Dù không yêu cầu ngừng hoạt động ứng dụng ngay lập tức, nhưng luật áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ đơn vị nào phân phối, cập nhật hoặc duy trì TikTok. Apple và Google buộc phải gỡ bỏ ứng dụng khỏi kho ứng dụng, trong khi Oracle – đối tác cung cấp dịch vụ đám mây cho TikTok – đối diện rủi ro lớn nếu tiếp tục hỗ trợ nền tảng này. Các công ty vi phạm có thể bị phạt đến 5.000 USD mỗi ngày cho mỗi người dùng vẫn truy cập được TikTok, khiến tổng mức phạt có thể lên đến hàng tỷ USD.
Trong thời điểm Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm, TikTok cùng các công ty liên quan đã kêu gọi ông đưa ra cam kết rõ ràng về việc không thực thi lệnh cấm. Tuy nhiên, Nhà Trắng bác bỏ yêu cầu này, cho rằng đây là một động thái nhằm gây áp lực từ phía TikTok. Chính quyền hiện tại khẳng định không có kế hoạch hành động trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Video đang HOT
Ông Donald Trump – người sẽ chính thức đảm nhận vai trò Tổng thống Mỹ, đang cân nhắc gia hạn thêm 90 ngày để TikTok hoàn tất việc thoái vốn. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết khả năng cao sẽ công bố quyết định này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, điều này không mang lại sự chắc chắn cho các công ty công nghệ lớn như Apple và Google. Giáo sư luật Gus Hurwitz từ Đại học Pennsylvania nhận định rằng đây là một quyết định kinh doanh đầy rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa các công ty công nghệ và chính quyền mới còn nhiều bất ổn.
Oracle với mối quan hệ gần gũi với ông Trump, có thể sẽ hành động khác biệt. Trước đây, công ty này từng ký hợp đồng lưu trữ dữ liệu TikTok tại Mỹ thông qua “ Dự án Texas” – một sáng kiến lưu trữ dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ nhằm xoa dịu lo ngại về an ninh quốc gia. Dù vậy, kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ Quốc hội Mỹ, dẫn đến việc luật cấm TikTok vẫn được thông qua.
Các nhà lập pháp Mỹ đang theo dõi sát sao phản ứng của các tập đoàn công nghệ. Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi Apple và Google tuân thủ luật pháp bằng cách nhanh chóng gỡ bỏ TikTok. Thượng nghị sĩ Mike Rounds đồng tình và cho rằng không cần thêm thời gian để thực thi lệnh cấm. Lãnh đạo Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc cũng đã gửi thư yêu cầu CEO của Google và Apple có hành động mạnh mẽ để đảm bảo tuân thủ các quy định.
Sự mơ hồ về mặt pháp lý và rủi ro tài chính đang đặt các tập đoàn công nghệ lớn vào thế khó. Trong khi Oracle có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ từ chính quyền Trump, Apple và Google lại phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Các công ty này buộc phải ra quyết định nhanh chóng trước khi luật có hiệu lực, giữa nguy cơ bị phạt khổng lồ và mất lòng tin từ chính phủ.
Lệnh cấm TikTok với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ứng dụng mà còn tạo ra những hiệu ứng dây chuyền sâu rộng trong ngành công nghệ Mỹ. Điều này buộc các tập đoàn lớn phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tuân thủ pháp luật hay bảo vệ lợi ích kinh doanh trong bối cảnh chính trị đầy căng thẳng.
Tòa án tối cao Mỹ thông qua luật cấm TikTok
Tòa án Tối cao Mỹ ngày 17/1 đã thông qua đạo luật liên bang về cấm TikTok bắt đầu từ ngày 19/1 tới, trừ khi ứng dụng này được công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) bán lại.
Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tòa cho rằng mối đ.e dọ.a an ninh quốc gia từ khả năng TikTok chuyển dữ liệu về Trung Quốc một cách trái phép đã vượt qua mối lo ngại về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Theo quyết định trên, mặc dù ứng dụng TikTok sẽ không biến mất ngay lập tức khỏi các điện thoại của người dùng hiện tại, nhưng những người dùng mới sẽ không thể tải xuống ứng dụng, trong khi các bản cập nhật của ứng dụng này cũng sẽ bị vô hiệu hóa tại Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những biện pháp trên sẽ dần dần khiến ứng dụng TikTok trở nên không khả dụng.
Luật trên được thông qua với sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ và được Tổng thống Biden ký thành luật vào tháng 4/2024. TikTok đã kiện Chính phủ Mỹ vì cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận của mình và người dùng. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã quyết định phê duyệt luật, đồng thời đảo ngược quyết định của tòa án cấp thấp hơn.
TikTok đã nhiều lần khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã thao túng nội dung hoặc thu thập dữ liệu người dùng tại Mỹ thông qua nền tảng của mình. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng cần đề phòng mọi nguy cơ.
Bên cạnh những lo ngại về an ninh quốc gia, TikTok cũng đối mặt với các vụ kiện cáo buộc rằng ứng dụng này gây nghiệ.n và tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của tr.ẻ e.m. Hơn 12 bang tại Mỹ đã đệ đơn kiện TikTok vì lý do này, tuy nhiên, TikTok đã bác bỏ các cáo buộc.
Quyết định của Tòa án Tối cao cũng đặt ra câu hỏi về sự tương lai của TikTok tại Mỹ. Theo luật mới, các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google sẽ không thể cung cấp TikTok và các dịch vụ lưu trữ internet cũng bị cấm tiếp tục lưu trữ ứng dụng này nếu không có sự bán lại cho một bên mua đã được phê duyệt.
Tuy ByteDance đã tuyên bố sẽ không bán TikTok, nhưng một số nhà đầu tư, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và tỷ phú Frank McCourt, đã bày tỏ sự quan tâm tới thương vụ này.
Sau TikTok, ứng dụng Trung Quốc RedNote liệu có rơi vào hoàn cảnh tương tự tại Mỹ? Sau khi TikTok nhận phán quyết chính thức bị "cấm cửa" tại Mỹ, 170 triệu người dùng của ứng dụng này tại "xứ sở cờ hoa" được cho là đang phải tìm kiếm các nền tảng thay thế, trong đó nổi lên là RedNote -cũng thuộc sở hữu của một công ty công nghệ Trung Quốc. Ứng dụng RedNote bất ngờ vươn lên...