“Lên trời” lấy mật cho đời, ở Việt Nam chỉ ở đây mới có nghề này
Là đặc sản của vùng Bảy Núi ( tỉnh An Giang), đường thốt nốt được thực khách gần xa ưa chuộng bởi vị ngọt hài hòa kết tinh từ nắng gió. Muốn có được thứ đặc sản ấy, người ta phải thực hiện nhiều bước và những người leo thốt nốt chính là công đoạn đầu để cây thốt nốt “kết mật” cho đời.
Từ sự vất vả….
Cứ đến 2 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Phụng (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang) lại trở dậy giở cơm mang theo để bắt đầu ngày lao động của mình. Gắn bó cùng cái “nghiệp” leo thốt nốt từ khi còn là chàng trai 16 tuổi, đến nay anh đã có 20 năm kinh nghiệm cho mình.
Leo thốt nốt là nghề “lấy công làm lời”.
Anh cho biết, thốt nốt có thể cho nước quanh năm nhưng phẩm chất tốt nhất là vào mùa nắng, khi cái nóng râm ran thiêu đốt đất trời. Nhờ sự “gan lì” sẵn có đã giúp thốt nốt có thể trụ vững và kết tinh những dòng nước ngon ngọt cho đời.
Anh Phụng tâm sự: “ Nghề leo thốt nốt vất vả lắm, người không quen không làm nổi. Mỗi ngày tôi phải leo đến 70 cây thốt nốt nên phải thức dậy từ khi gà chưa gáy sáng và trở về nhà khi đã tối mịt. Biết là cực nhọc nhưng do cuộc sống khó khăn nên tôi không ngại khó, ngại khổ. Nhờ đồng vô cũng đỡ nên gia đình tôi sống với cây thốt nốt từ trước tới giờ. Nó đã không phụ mình nên mình phải cố gắng để trang trải cuộc sống!”.
Nhiều năm nay, anh Phụng thuê thốt nốt của người khác để lấy nước. Ngày 2 bận, anh leo lên những thân cây trơn trụi để lấy thứ “mật” của đất trời ở tít trên cao. Do đó, anh Phụng phải đối mặt với đủ thứ hiểm nguy rình rập.
Anh Phụng chia sẻ, đã có người không may lâm vào cảnh “sinh nghề tử nghiệp”, bản thân anh cũng té mấy lần nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Vì thốt nốt không có cành nên người ta phải dùng một cây tre có nhiều mắc cặp vào thân cây như một chiếc thang dã chiến. Nếu chẳng may mắc tre bị mục thì sẽ rất nguy hiểm cho người leo.
“Biết là nguy hiểm nhưng cuộc sống buộc mình phải làm! Trước khi leo cây, tui hay van vái các vị thánh thần phù hộ cho mình và coi đó như niềm tin để gắn bó với công việc này. Đó là chưa kể đến chuyện phải đội đèn để leo cây khi trời còn tối mịt hay những khi gió giông làm ngọn thốt nốt giật đưa như võng, lúc kẹt trên đó tôi sợ vô cùng, cứ nghĩ mình sẽ không về được với gia đình” – anh Phụng trải lòng.
Video đang HOT
… đến sự lạc quan
Dù công việc có cực nhọc, nguy hiểm nhưng nụ cười vẫn nở trên môi của anh Phụng và những người làm nghề leo thốt nốt. Đó là lúc họ được thấy những giọt “mật” rỉ ra từ bông của loài cây này. Thứ nước thơm ngon đặc trưng ấy là kết tinh của đất, trời Bảy Núi ban tặng cho những con người cần lao, vất vả kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình.
Thành quả thu được.
Nhìn thành quả thu được, anh Phụng đã quên đi những lúc phải ăn cơm ngay tại gốc thốt nốt rồi nhanh chóng leo lên cho kịp lấy nước, hay thời điểm phải nhọc nhằm mưu sinh khi mọi người còn đang ngon giấc.
Cũng theo nghề vất vả này, anh Trần Văn Tâm (ngụ xã An Phú, Tịnh Biên) phải lấy nước của 60 cây thốt nốt mỗi ngày. Những tháng mùa nắng, thốt nốt cho nước khá nên mỗi cây có thể thu được 4-5 lít, vì vậy anh Tâm cố gắng kiếm được nhiều nhất có thể.
Lượng nước thu được, anh Tâm bán cho những người kinh doanh nước giải khát với giá 5.000 đồng/lít, số còn lại nấu đường. Số đường nấu được gia đình anh đem cân lại cho các mối thu mua với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, tính ra cũng được 600.000 – 700.000 đồng/ngày trong những tháng cao điểm mùa khô. Bởi leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên anh Tâm không quản ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình.
Khi gặp tôi, anh Tâm khá cởi mở. Gương mặt đen sạm vì nắng gió lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi, đôi bàn tay chai sần, nứt nẻ như dấu chân chim cứ thoăn thoắt bám vào những cây tre đài để leo lên ngọn thốt nốt. Một chiếc xe máy cũ, vài chục chiếc bình đựng nước thốt nốt, 1 cây dao ngắn vắt sau lưng như kiểu đi rừng, đó là tất cả hành trang của 1 người đã gắn bó với nghề leo thốt nốt mấy chục năm trời.
Vì là “dân chuyên nghiệp” nên anh Tâm chỉ mất vài phút để phăng từ gốc lên đến ngọn cây. Muốn tiện việc di chuyển trên cao, anh Tâm bắc thêm những cây tre nối từ ngọn thốt nốt này sang ngọn kia để đỡ phí sức trong quá trình lấy nước. Đôi tay rắn rỏi, anh nhanh chóng rót số nước thu được vào can nhựa rồi tìm một cây khác để leo lên. Quá trình đó cứ lặp đi, lặp lại cho đến khi mặt trời khuất hẳn phía sau rặng thốt nốt xa xa, anh mới trở về nhà.
Lúc tạm biệt nhau, anh Tâm còn định rót một ít “mật” thốt nốt ra mời nhưng tôi từ chối, vì nghe đâu loại nước này có thể khiến người ta say như rượu. Nhìn theo bóng anh khuất dần dưới những hàng cây thốt nốt, tôi càng thêm trân quý những con người lao động hăng say để trang trải cuộc sống của mình. Và đáng quý hơn, anh còn mong mỏi sẽ lo cho các con ăn học nên người để không phải leo thốt nốt mưu sinh như đời ông, đời cha của chúng phải làm!
Thanh Tiến
Hương vị độc đáo từ mứt thốt nốt
Mặc dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhưng mứt thốt nốt với hương vị độc đáo, chất lượng thơm ngon... đã và đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.
Món ngon từ cây thốt nốt
Cây thốt nốt là một loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi, gắn bó với người dân từ bao đời nay. Đây là loại cây có nhiều công dụng về giá trị kinh tế, như: lá cây sẽ được dùng để lợp nhà, dừng vách nhà, làm chuồng nuôi dơi; thân cây dùng để sản xuất các loại đồ dùng gia dụng, như: đũa, muỗng, vá... và đồ thủ công mỹ nghệ; nước thốt nốt được lấy từ lưỡi mèo (phần hoa) được chế biến thành đường.
Đường thốt nốt với vị ngọt thanh, ăn vào không quá gắt như đường cát, có mùi thơm, béo, từ lâu trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng khắp cả nước. Phần "cơm" nằm trong trái còn được người dân sáng tạo các món ăn hấp dẫn, như: bánh bò thốt nốt, chè thốt nốt... đặc biệt là sự xuất hiện của mứt thốt nốt, mứt thốt nốt sữa.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn, một trong những người nâng giá trị trái thốt nốt) cho biết, ở huyện Tri Tôn, trái thốt nốt được tiêu thụ mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 5 (âm lịch).
Do thời gian này là cao điểm của mùa du lịch, nên du khách gần xa khi đến đây ngoài tham quan du lịch sẽ mua các sản phẩm từ thốt nốt, một đặc sản của địa phương về làm quà tặng cho bạn bè, người thân rất nhiều. Tuy nhiên sau khoảng thời gian này, trái thốt nốt rất khó bán do lượng du khách giảm.
"Thấy tình trạng như vậy, nên tôi đã nghĩ đến việc làm mứt thốt nốt. Sản phẩm sau khi làm ra, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân dùng thử và nhận được nhiều phản ứng tích cực. Cho nên, tôi quyết định sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường và được thị trường đón nhận rất tích cực" - chị Tuyết vui vẻ chia sẻ.
Công phu đầu bếp
Chứng kiến quá trình làm mứt thốt nốt mới biết sự công phu của người đầu bếp trong giai đoạn chế biến để làm ra được mứt thốt nốt. Nhìn chung, các công đoạn để làm nên mứt thốt nốt cũng giống như mứt dừa, tuy nhiên để có được sản phẩm thơm ngon, điều đầu tiên và quan trọng nhất là lựa chọn những trái thốt nốt không quá non, cũng không được quá già. Lý giải điều này, chị Tuyết cho biết, nếu sử dụng trái quá già, mứt làm ra sẽ bị cứng và rất khó ăn; nếu lựa trái non sẽ chảy nước, nhảo dính.
Sau khi chọn được trái thốt nốt đủ chuẩn, công việc kế đến là tách lấy phần thịt bên trong, rửa sạch, cắt cơm đó thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Phần nguyên liệu được trộn với đường cát, theo tỷ lệ 1kg thốt nốt - 1/2kg đường. Đôi khi, người đầu bếp cho thêm sữa vào để tăng hương vị cho sản phẩm.
Phần hỗn hợp được đặt lên chảo và sên đều. Đun cho đến khi hỗn hợp sôi thì bắt đầu giảm lửa nhỏ dần, dùng đũa đảo để vừa chín đều màu và không bị cháy. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên đảo quá nhiều vì thốt nốt đang khô dần sẽ dễ bị gãy vụn. Trung bình, mỗi mẻ mứt phải sên trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ.
Sau khi thành phẩm, thốt nốt sẽ từ màu trắng đục chuyển sang màu vàng đậm rất bắt mắt, mùi thơm đặc trưng. Trung bình cứ 4-5kg cơm thốt nốt tươi sẽ cho ra 1kg mứt. Mứt thốt nốt thoạt nhìn giống mứt dừa, tuy nhiên khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị khác nhau rõ ràng giữa 2 loại mứt này. "Mứt thốt nốt không béo ngậy nên lâu ngán hơn so với mứt dừa. Mứt thốt nốt thường dai, có hương vị độc đáo.
Hiện trên thị trường, 1kg mứt thốt nốt sẽ được bán với giá 250.000 đồng" - chị Tuyết chia sẻ. Trước đây, người dân ở huyện Tri Tôn chỉ làm mứt thốt nốt để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, người tiêu dùng đã biết nhiều đến sản phẩm, khâu tiêu thụ ổn định nên gia đình chị Tuyết phải chế biến quanh năm.
Hiện nay, sản phẩm mứt thốt nốt đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách hàng ở các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội... thường đặt hàng sản phẩm này, nhưng để có thể thưởng thức được sản phẩm, nhiều người phải đặt trước trong một thời gian mới có hàng.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Tuyết cho biết sẽ cho ra thị trường các loại mứt thốt nốt mang hương vị mới; thêm vào đó là các sản phẩm mới từ cây thốt nốt để phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của người tiêu dùng, cũng như làm phong phú thêm các sản phẩm từ cây thốt nốt.
ĐỨC TOÀN
Phát triển du lịch gắn với giá trị nguyên bản Nằm giữa sông Hậu, cù lao Tân Lộc vẫn giữ được nét đẹp yên bình, mộc mạc, nguyên sơ của một làng quê sông nước Nam bộ. Nơi đây còn lưu giữ những nhà cổ khá lâu đời, nét sinh hoạt văn hóa của cư dân sông nước miền Tây với tiếng đờn ca tài tử. Tài nguyên thiên nhiên này cho phép...