Lên sàn hai phiên, Uber mất gần 15 tỷ USD vốn hóa
Giá cổ phiếu Uber giảm gần 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nối tiếp cú giảm chóng mặt vào hôm thứ Sáu trong phiên đầu tiên giao dịch trên thị trường đại chúng.
Các nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, trong phiên chào sàn của cổ phiếu Uber hôm 10/5 – Ảnh: Getty/CNBC.
Theo hãng tin Reuters, giá cổ phiếu công ty ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới có thời điểm chạm đáy 36,58 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tuần, so với mức giá 45 USD/cổ phiếu trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hôm thứ Năm tuần trước. Ở đáy này, vốn hóa của Uber giảm khoảng 15 tỷ USD so với mức vốn hóa IPO.
Trước đó, trong phiên chào sàn ngày thứ Sáu, cổ phiếu Uber rớt 7,6%.
Lúc đóng cửa phiên đầu tuần, cổ phiếu Uber giảm gần 11%, còn 37 USD/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa khoảng 68,2 tỷ USD.
Mức vốn hóa này của Uber chỉ bằng hơn một nửa so với mức định giá 120 tỷ USD mà giới phân tích đồn đoán khi Uber mới hé lộ ý định lên sàn. Trong vụ IPO, Uber định giá công ty ở mức 82,4 tỷ USD.
Video đang HOT
Hai phiên giảm chóng mặt liên tiếp của cổ phiếu Uber diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh trở lại. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là giới đầu tư không dám chắc đến bao giờ công ty này mới có thể làm ăn có lãi.
Cổ phiếu Lyft, đối thủ “nhỏ con” hơn của Uber giảm 7,3% trong phiên ngày thứ Hai, nối tiếp xu hướng trượt dài từ sau vụ IPO hồi cuối tháng 3. Kể từ khi lên sàn, cổ phiếu Lyft đã giảm khoảng 35%.
Một lá thư gửi nhân viên của Tổng giám đốc (CEO) Uber, ông Dara Khosrowshahi, do Reuters thu thập được thừa nhận rằng cổ phiếu công ty “không có được diễn biến khả quan như chúng tôi hy vọng sau IPO”. Tuy nhiên, ông Khosrowshahi nhấn mạnh “tâm lý không thể thay đổi ngay, và tôi cho rằng sẽ còn khó khăn về giá cổ phiếu trong mấy tháng tới. Nhưng chúng ta có đủ vốn cần thiết cho con đường đi đến lợi nhuận”.
Trong lúc cả Uber và Lyft đều đang cố gắng tìm cách giảm chi phí để có lãi, giới tài xế đã biểu tình tại nhiều thành phố của Mỹ trong tháng 5 này, đòi đảm bảo công việc, thu nhập đủ cho cuộc sống, và đưa ra một mức trần về phí mà tài xế phải nộp cho công ty.
Giới đầu tư lo ngại rằng chi phí gia tăng có thể khiến Uber và Lyft càng khó có lãi hơn. Một số chuyên gia nói rằng chi phí sẽ chỉ tăng lên khi doanh thu của hai công ty này tăng và các đòi hỏi của cánh tài xế cũng tăng.
Tuần trước, Lyft báo khoản lỗ quý 1,1 tỷ USD. Trong hồ sơ IPO, Uber cảnh báo có thể không bao giờ có lãi.
Theo vneconomy.vn
Vừa lãi lớn nhờ Uber, SoftBank mất ngay 9 tỷ USD vốn hóa
Mới hôm thứ Sáu tuần trước, một ngày sau khi Uber phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tập đoàn Nhật Bản SoftBank ghi nhận khoản lãi 3,8 tỷ USD từ việc nắm cổ phần trong ứng dụng gọi xe này.
Tỷ phú Masayoshi Son, CEO SoftBank.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Uber đã giảm chóng mặt trong phiên chào sàn, khiến cổ phiếu Softbank trượt theo.
Vào hôm thứ Sáu, giá cổ phiếu SoftBank sụt 5,4% trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Trong phiên sáng ngày thứ Hai, cổ phiếu SoftBank tiếp tục lao dốc, có lúc giảm 4,9%.
Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu SoftBank giảm mạnh phiên đầu tuần là diễn biến giá cổ phiếu Uber trong phiên chào sàn hôm thứ Sáu. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau IPO, cổ phiếu Uber giảm 7,6% trên sàn NYSE ở New York.
Như vậy, chỉ từ ngày thứ Sáu đến sáng nay, SoftBank chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn "bốc hơi" khoảng 9 tỷ USD - hãng tin Bloomberg cho hay. Điều đáng nói là cú sụt này diễn ra sau khi SoftBank công bố lợi nhuận tăng gấp 3 lần nhờ cổ phần trong Uber.
Tổng giám đốc (CEO) SoftBank, ông Masayoshi Son, đã đưa tập đoàn này từ chỗ tập trung vào lĩnh vực mạng viễn thông trở thành một công ty đi đầu trong lĩnh vực đầu tư công nghệ. Quỹ Vision Fund có quy mô 100 tỷ USD của Softbank đã chứng tỏ là một nguồn đóng góp ngày càng lớn vào lợi nhuận tập đoàn. Tính đến hôm thứ Năm tuần trước, giá cổ phiếu Softbank đã tăng 60% từ đầu năm.
Tuy nhiên, hai phiên giảm vào ngày thứ Sáu và thứ Hai cho thấy vốn hóa của SoftBank rất nhạy cảm trước những thông tin, bao gồm cả tốt và xấu, về danh mục đầu tư của Vision Fund.
"Phiên chào sàn của Uber đã không đáp ứng được kỳ vọng, và đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu này", nhà phân tích Tomoaki Kawasaki thuộc Iwai Cosmo Securities nhận xét. "Còn quá sớm để nói SoftBank nhạy cảm thế nào với biến động giá cổ phiếu Uber trong thời gian tới. Nhưng nếu giá cổ phiếu Uber có giảm một chút, thì điều đó sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Vision Fund".
Hai quỹ đầu tư Vision Fund và Delta Fund đóng góp 11,5 tỷ USD vào lợi nhuận của SoftBank trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3, chiếm hơn một nửa tổng lợi nhuận. Đầu tư vào 29 công ty có sự gia tăng giá trị trong kỳ báo cáo, trong khi đầu tư vào 12 công ty giảm giá trị.
Ngoài khoản lãi nhờ cổ phần Uber, SoftBank còn lãi lớn nhờ cổ phần của Guardant Health, công ty lên sàn hồi tháng 10 năm ngoái, và cổ phần trong tập đoàn khách sạn Oyo của Ấn Độ. Trong khi đó, SoftBank gánh lỗ trong tài khóa vừa rồi đối với cổ phần trong Nvidia do giá cổ phiếu nhà sản xuất con chip này sụt giảm.
Theo vneconomy.vn
Nhà đầu tư bán tháo, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất từ đầu năm Thị trường chứng khoán Mỹ "rực lửa" trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ, đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cổ phiếu đã bị giới đầu tư bán tháo để chuyển...