Lên non tắm suối
Mùa mưa đến cũng là lúc những con suối ở vùng Bảy Núi bừng ‘ tỉnh giấc’, mang đến những trải nghiệm rất mới về miền đất sơn thủy hữu tình. Và những lần lên non tắm suối bao giờ cũng là chuyến đi đáng nhớ!
Tháng 6 (âm lịch), trời mưa già. Nước từ trong kẽ đá tuôn ra chảy thành dòng suối nhỏ. Nhiều dòng suối nhỏ kết lại thành con suối to. Tiếng suối lúc rì rầm, khi réo rắt như tiếng hát của rừng. Khi ấy, những người dân trên núi cũng háo hức đón nguồn nước trời vào thời điểm dồi dào nhất trong năm, để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, những con suối trong mùa mưa còn mang đến trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ yêu thích thiên nhiên về một Thất Sơn trong mát, nhẹ nhàng và pha chút mộng mơ.
Núi Cấm ngày mây phủ. Tôi theo chân những người bạn chinh phục ngọn núi hùng vĩ này bên vách hồ Ô-tưk-xa. Phan Hữu (một người bạn thân của tôi) đã định cư khá lâu trên núi Cấm từng giới thiệu về con suối gần nhà còn khá hoang sơ. Vì thế, tôi quyết định làm một chuyến đi để cảm nhận phong vị tắm suối núi Cấm trong mùa mưa.
Hà Hiếu Thuận (một người bạn “thích xê dịch” của tôi) làm nhiệm vụ dẫn đường. Sau khi vượt qua những con đường láng nhựa, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi… bằng xe! Hà Hiếu Thuận nói đùa rằng nhà Phan Hữu nằm gần đỉnh núi, phía sau lưng tượng Phật Di Lặc khiến tôi rùng mình. Bởi lẽ, chiếc xe gắn máy già cỗi của tôi sẽ không thể leo dốc cao như thế!
Nhóm bạn trải nghiệm tắm suối trên núi Cấm mùa mưa
Tuy nhiên, sự thật là nhà Phan Hữu chỉ cao hơn đồng bằng chưa đầy trăm mét. Khi tiếng xe gắn máy vừa tắt thì âm thanh rì rào của suối đã tràn ngập không gian. Nhóm chúng tôi háo hức ra suối, kẻ mang theo nước uống, người xách thức ăn nhanh cùng đi về phía có tiếng nước chảy. Phan Hữu đứng đón những người bạn từ đồng bằng với nụ cười khoái chí, bởi đây là dịp bạn giới thiệu với chúng tôi nét đẹp của ngọn núi quê hương trong mùa mưa.
Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tiếng suối trong veo như đưa lòng người về với thuở hoang sơ nào đó. Nhóm bạn đi cùng thích thú chụp ảnh, quay video và chuẩn bị thức ăn. Quả thực, không gì thú vị hơn là được ngắm những dòng nước trong mát chảy dài trên đá. Con suối chảy ngang vườn nhà Phan Hữu nằm trên thượng nguồn hồ Ô-tưk-xa nên còn rất hoang sơ, trong mát. Hà Hiếu Thuận tếu táo gọi đây là “Suối Ô-tưk-Hưu” khiến nhóm bạn cười vui vẻ.
Một đoạn của con suối “Ô-tưk-Hưu”
Dù nhiều lần lên núi Cấm và ngắm nhìn suối Thanh Long trong mùa đầy nước, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với con suối cạnh vườn nhà Phan Hữu. Giữa màu xanh ngút ngàn, con suối tuôn dài như “áng tóc trữ tình” khiến cho khung cảnh trở nên mơ màng.
Mấy người bạn từ TP. Long Xuyên lên đây đều đánh giá con suối này đẹp không kém suối Tranh ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Mấy tảng đá đầy rêu trơn trượt khiến cho các thành viên trong nhóm di chuyển chầm chậm để tránh sự cố. Trong khi nhóm bạn nữ chuẩn bị thức ăn thì các bạn nam ngâm những lon nước uống dưới suối để làm lạnh trước khi thưởng thức.
Phan Hữu cho biết, con suối chảy âm thầm vào buổi sớm mai nhưng càng trưa dòng nước sẽ càng mạnh. Khi vừa đặt chân xuống nước, tôi giật mình bởi cảm giác lạnh đột ngột. Tuy nhiên, ngâm chân một lúc rồi quen và cảm giác lạnh cũng bớt đi. Vài anh bạn nằm ngay ra giữa suối để ngâm mình trong dòng nước mát lành, họ chia sẻ rằng nước thiên nhiên tắm sướng hơn… nước máy. Trời trưa, nắng gắt hơn. Sau thời điểm tắm suối thỏa thích, bụng chúng tôi bắt đầu kêu và đó cũng là lúc đặc sản ẩm thực của Phan Hữu và Hà Hiếu Thuận lên ngôi, món bò nướng đá!
Chẳng biết lý do gì khiến anh bạn của tôi nghĩ ra món ăn này nhưng nó khá hợp với những buổi dã ngoại trên núi. Để làm món bò nướng đá, Phan Hữu nhờ mọi người chọn một hòn đá to cỡ bàn tay xòe, có hình dẹp tương tự cái dĩa. Sau đó, mọi người bắt một cái cà ràng bằng 3 hòn đá rồi đốt lửa. Khi lửa cháy thì đặt hòn đá dẹp lúc nãy lên để nung nóng. Đợi đá nóng thì đặt thịt bò lên đó để nướng. Cứ như thế, lửa nướng đá, đá nướng thịt bò làm bốc mùi thơm phức.
Để đảm bảo an toàn, nhóm bạn chọn chỗ bắt bếp cặp bên bờ suối và dọn sạch sẽ lá khô. Thịt bò chín được ăn kèm rau, cà chua chấm muối ớt ngon không tả được. Thích nhất là được ngồi trong lòng suối thưởng thức thịt bò, uống nước giải khát và nghe những người bạn kể chuyện vui. Tiếng cười của chúng tôi vang cả một góc rừng!
Video đang HOT
Đặc sản bò nướng đá
Để bảo vệ môi trường, mọi người đều nhắc nhau không ném những vỏ lon hay rác thải bừa bãi mà gom lại để mang xuống núi. Hà Hiếu Thuận, Nguyễn Thành Luân (người quản lý kênh youtube Thất Sơn miền Tây) hay những người bạn yêu mến thiên nhiên Bảy Núi đều cho tôi cảm hứng khá tích cực, khi nêu cao ý thức giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Các bạn đều mong mỏi bất cứ ai khi đến trải nghiệm thiên nhiên của vùng đất này hãy giữ cho nó luôn xanh, sạch, đẹp để sẵn sàng chào đón chúng ta khi trở lại.
Chuyến lên non tắm suối của tôi và những người bạn kết thúc vào buổi xế chiều. Không ai bảo ai, tất cả đều cảm thấy vui vẻ, ấn tượng khi được sống trong cảm giác bình yên, hoang sơ của núi rừng. Và có lẽ, mọi người sẽ hẹn nhau trở lại góc rừng này vào mùa mưa năm sau, khi con suối “Ô- tưk-Hưu” bừng tỉnh đánh động núi rừng.
Người khơi dòng du lịch Trạm Tấu
Trạm Tấu - miền đất hoang sơ bậc nhất của tỉnh Yên Bái, với nhiều cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, nơi không ít du khách muốn khám phá...
Du khách chụp ảnh trên cầu gỗ pơ mu.
Người đầu tiên khơi dòng du lịch Trạm Tấu là một thầy giáo vốn tính lãng mạn đã đưa du khách đến vùng đất mà mỗi sớm trở dậy thấy xung quanh mình toàn mây mù, ngỡ tưởng đang ở đâu như trên chín tầng mây, hóa ra lại trên ngọn nguồn dòng suối khoáng Huội Ít ngùn ngụt hơi nước, đó là Vũ Mạnh Cường, ông chủ khu nghỉ dưỡng sinh thái Trạm Tấu...
Cường bảo: Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hình dung nổi vì sao tôi lại làm cái việc mình không hiểu gì về nó, đó là du lịch sinh thái. Tôi vốn là giáo viên dạy Văn phổ thông, từng 13 năm đứng trên bục giảng nhiều khi cũng lãng mạn lắm...
Cái sự "lãng mạn" của Cường là những cuộc đỏ đen, cá độ bóng đá thâu đêm suốt sáng, hàng trăm triệu đồng ném vào cuộc chơi không biết đường về. Cho đến lúc cha Cường mất vì bệnh hiểm nghèo và một phần buồn chán, thất vọng về người con trai "lãng mạn" như thế. Đó là cú sốc quá lớn để Cường tỉnh ngộ, anh quyết tâm từ bỏ cờ bạc, dấn thân vào làm kinh tế.
Khu du lịch sinh thái Trạm Tấu.
Trạm Tấu là một huyện thuần nông, nghèo nhất tỉnh Yên Bái. Nhiều đêm người giáo viên "cắm bản" không biết làm gì để "mở mặt" với đời. Vốn là giáo viên dạy Văn chẳng có chút kiến thức về nông nghiệp nên khi nghe nói trồng cây bơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế là Vũ Mạnh Cường lên Bản Mù thuê 1,5 ha đất liên kết với người dân trồng bơ.
Người dân vùng cao chỉ quen trồng lúa ngô, chứ trồng bơ lấy quả là chuyện trên... sao Hỏa, vui thì họ làm, chán thì họ bỏ. Những lúc cần làm cỏ bón phân thì bà con bảo: Tháng này tao còn phải đi uống rượu, thầy giáo làm một mình, khi nào uống xong rượu tao sẽ về làm cùng thầy...
Mà cái sự uống rượu của người dân vùng cao liên miên hết đêm rồi qua ngày, từ ngày hôm nay vắt sang ngày mai, uống hết nhà này thì sang nhà kia.
Cường một mình căm cụi với những cây bơ, do trồng trên núi cao mùa khô gió Lào thổi ràn rạt suốt 6 tháng trời, rừng cây cũng khô xác, chỉ cần một mồi lửa khiến cả cánh rừng cháy hàng tháng trời huống gì cây bơ?
Thế là Cường đành rũ áo ra đi bỏ lại những cây bơ chết lụi trong nắng gió, hơn hai trăm triệu vay ngân hàng và người thân một đi không trở lại. Vợ Cường cũng ngán ngẩm nhìn anh chồng mặt mũi đen cháy, bơ chẳng thấy đâu chỉ thấy... gương mặt bơ phờ trong nỗi thất vọng cùng cực.
Cường bảo: Ngã chỗ nào thì tôi đứng lên ở chỗ đó...
Đường vào khu nghỉ dưỡng.
Sau những lúc lên lớp Cường lang thang khắp các bản làng, cũng chẳng biết để làm gì hết leo đồi lại tụt xuống ruộng y như người mộng du giữa ban ngày, khi tới nhà ông ông Lò Văn Tiên ở Huổi Co Sẩu, từ ngôi nhà của ông nhìn ra cánh đồng Na Thẳm và Na Co Muông tự nhiên anh thấy mê đắm.
Ngôi nhà tựa lưng vào núi, bên trái nhà là dòng suối nước nóng phun trào ra, ông Tiên đắp mấy cái ao thả cá. Nhưng nước cứ trong veo, cá chẳng thấy đâu, buổi sáng và buổi chiều hơi nước bốc lên ngùn ngụt, nước nóng quá lũ vịt mùa đông cũng chẳng dám xuống bơi.
Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Cường ngỏ lời mua ngôi nhà của ông Tiên với giá trên 100 triệu đồng. Ông đồng ý luôn.
Những hồ khoáng nước nóng trong khu du lịch.
Sau khi mua nhà ông Lò Văn Tiên, gia đình Cường chuyển từ thị trấn Trạm Tấu vào Huổi Co Sẩu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bảo: Đúng là một người lãng mạn. Không ít người bĩu môi: Đầu óc ông giáo này chắc có vấn đề, đang chỗ quang lại quàng vào bụi rậm...
Cường bỏ ngoài tai tất cả những lời dèm pha, anh lập trang trại nuôi lợn rừng. Đúng lúc lợn đang xuống giá thảm hại, gần 100 con lợn rừng lốc nhốc con nào cũng 50 - 60kg chạy khắp núi, chúng như những chiếc máy ủi, ủi tung gốc cây hốc đá và cả bờ ruộng của dân. Gọi người đến mua cũng chẳng được, bán mà như cho. Trại lợn rừng của Vũ Mạnh Cường dấu tích còn lại là chiếc lò nấu cám lợn đã hóa đá trên sườn núi.
Vốn liếng vay mượn theo đàn lợn rừng hết sạch, ngôi nhà thì đã cầm cố ngân hàng giờ chỉ còn lại mấy cái ao và dòng suối nước nóng phun trào không bao giờ cạn.
Anh nảy sinh ý tưởng làm du lịch, nghe anh trình bày ý tưởng không một ai trong gia đình và bạn bè, người thân đồng ý. Bởi Trạm Tấu nơi "khỉ ho cò gáy" ai mà dám tới đây?
Mặc, anh quyết tâm làm. Sau khi trên lớp trở về nhà Cường một mình hì hục khuân đá đắp hồ bơi cải tạo chính cái ao cá cũ của gia đình ông Tiên, rồi lội suối vớt cát, nhào vữa xây xây, trát trát.
Không có tiền mua xi măng anh phải vay xi măng của bà con trong bản được nhà nước cấp để xây chuồng trại còn thừa, xi măng để lâu sắp đông cứng lại về đập ra để xây.
Du khách thư giãn trong hồ bơi.
Cường cười rung bả vai: Sau này đọc các tài liệu khoa học tôi mới biết nước khoáng nóng còn gọi là thủy trị liệu, giúp cho phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch, tăng cường lưu thông máu, tăng hô hấp, có lợi cho người bị bệnh hen, bệnh phổi, phế quản tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim phổi mạn ở người già, viêm khớp dạng thấp, viêm quanh khớp vai, các bệnh thoái hóa xương khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, tăng cường hồi phục ở người yếu cơ... Thì ra khách đến tắm suối khoáng nóng ở đây còn có tác dụng chữa bệnh nên họ mới đến đông như vậy.
Ngày qua ngày, một mình anh hì hụi làm, thỉnh thoảng có vài ba người bạn tranh thủ ngày nghỉ đến giúp đảo vữa, khuân đá. Xây xong hồ thứ nhất xây tiếp hồ thứ hai, thứ ba rồi hồ thứ tư.
Bốn hồ bơi nước nóng, nhiệt độ mỗi hồ khác nhau, hồ có nhiệt độ cao nhất 42oC, tiếp đến hồ có nhiệt độ 38 - 39o C, hồ có nhiệt độ thấp nhất 20 - 25oC.
Mỗi hồ phù hợp cho một lứa tuổi tới đây tắm, trẻ em tắm ở hồ nước có nhiệt độ thấp, phụ nữ tắm hồ có nhiệt độ trung bình, còn ai thích nhiệt độ cao thì tắm hồ 42oC.
Những ngày đầu người dân đến tắm anh chỉ thu đồng loạt 5.000 đồng/lượt, trẻ em thì "khuyến mại", họ tha hồ tắm bao lâu cũng được. Ban đầu chủ yếu là khách ở thị trấn Trạm Tấu, nhiều người có bệnh ngoài da tắm nước nóng vài lần thì khỏi.
Cường rất cảm ơn đội ngũ Facebook đến tắm, người thì "livestream" tại chỗ, người đưa những hình ảnh về các hồ bơi... Anh thấy lạ quá, mình chả quảng cáo mà khách đến ngày một đông, hóa ra là nhờ Facebook cả. Thế là Cường vào Facebook tìm những ai ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn kết bạn.
Buổi sáng ngùn ngụt khói sương từ các hồ nước nóng bốc lên anh "livestream", nhiều người hỏi ở đâu thế, Cường đáp ở Trạm Tấu, họ hỏi có chỗ ăn nghỉ không, anh đáp có tất, rồi họ hỏi đường đi. Thời gian sau thì người ta nhao lên rất đông, kể cả khách Tây mới lạ.
Khách du lịch lên đông quá, gia đình anh phải nhường nhà cho họ, nhiều khách có nhu cầu nghỉ vài ba ngày buộc anh tính đến chuyện làm thêm nhà.
Tính lãng mạn của anh giáo "cắm bản" lúc này mới thức dậy. Anh vào các bản làng mua những tấm lợp bằng gỗ thông mà bà con thay bằng các tấm lợp Fibro xi măng và những gốc, cành ngọn pơ mu bà con khai thác trên rừng về làm củi để dựng các ngôi nhà Bungalow cho 1 - 2 người nghỉ. Anh tự tay dựng nhà, chất liệu xây dựng toàn là gỗ đá khai thác từ địa phương.
Những ngôi nhà Bugalow được xây dựng bằng gỗ đá tự nhiên.
Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy các chậu rửa mặt khoét ra từ đá cuội, mọi thứ trong ngôi nhà mà Cường xây dựng từ chiếc cầu, ghế tắm, mái lợp nhà đến lan can... tất cả đều bằng gỗ pơ mu bỏ đi.
Nhiều người ngủ trong ngôi nhà Bungalow làm bằng bỗ pơ mu thơm lừng, sau một đêm hết chứng sổ mũi đau đầu thế mới tài. Hiện khu nghỉ dưỡng sinh thái của Vũ Mạnh Cường có 13 ngôi nhà Bungalow, 5 ngôi nhà nghỉ cộng đồng đáp ứng đủ vài trăm khách mỗi ngày.
Trong lịch trình du lịch của nhiều đoàn khách nước ngoài và khách trong nước lên vùng Tây Bắc đã có suối khoáng Trạm Tấu, do dịch Covid-19 bùng phát đầu năm nay, nên nhiều hợp đồng phải hủy bỏ. Bắt đầu từ đầu tháng 6 khách trong nước bắt đầu tới mỗi ngày vài chục người.
Tôi hỏi chị Trần Thị Bích Hà ở quận Hoàn Kiếm cảm tưởng về khu nghỉ dưỡng này. Chị cười đáp: Tuyệt vời! Mới một đêm nghỉ và một ngày tắm nước khoáng nóng ở đây đã thấy nhẹ cả người, ăn ngon ngủ say đến lạ...
Đa dạng hóa loại hình du lịch trên núi Cấm Với khí hậu đặc thù mát mẻ quanh năm cùng phong cảnh hữu tình, núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) sở hữu nhiều tiềm năng du lịch (DL) bên cạnh những điểm đến tâm linh. Do đó, việc đa dạng hóa loại hình DL trên 'nóc nhà miền Tây' là rất cần thiết, nhằm khai thác tốt những lợi thế...