Lên khu du lịch Yang Bay, trồng rau hữu cơ theo kiểu “5 không”
Mô hình do nhóm kỹ sư Trường ĐH Nha Trang khởi xướng trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay. Phương châm SX rau hữu cơ được triển khai với tiêu chí “5 không”.
Rau, quả sạch 100%
Chúng tôi đến thăm vườn rau sạch SX bằng phương pháp hữu cơ của Cty TNHH Sala Việt Nam tại Khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh. Với diện tích đất trồng rau khoảng 3,5ha được Cty hợp tác với khu du lịch Yang Bay SX tại chỗ.
Anh Lực cho biết, mô hình SX rau hữu cơ với tiêu chí “5 không”
Tôi thắc mắc vì sao trồng rau trên núi? Các anh em trong Cty bảo: Trồng trên này mới đáp ứng với tiêu chuẩn sạch theo phương pháp hữu cơ. Bởi lẽ, mảnh đất này cách biệt khu dân cư, việc SX rau sẽ không ảnh hưởng đến tác động từ bên ngoài. Hơn nữa trồng rau chủ động nước tưới tự nhiên, không bị ô nhiễm.
Dẫn chúng tôi tham quan nông trại đang trồng ban đầu khoảng 2ha, gồm hơn 12 loại rau, quả các loại như rau muống, mồng tơi, rau dền, mướp, dưa leo, bí đỏ… được tưới nước bằng ống ria nên lúc nào cũng giữ ẩm cho đất, cây tươi tốt. Anh Phạm Lực, người phụ trách SX cho biết: “Cty đã triển khai trồng rau hữu cơ gần 1 năm, chỉ có 4 lao động làm việc thường xuyên. Để SX ra những luống rau, quả sạch 100%, chúng tôi tốn nhiều công sức chăm sóc, theo dõi từ khi gieo cho đến thu hoạch. Ngay cả việc trừ sâu hại đều thực hiện thao tác thủ công bắt bằng tay rất mất thời gian. Nhưng vì chiến lược định hướng của Cty và vì sức khỏe của người tiêu dùng nên chúng tôi lao động hết mình”.
Theo anh Lực, phương châm SX rau hữu cơ được Cty triển khai với tiêu chí “5 không”, không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ, sản phẩm làm ra đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Vườn rau sạch hữu cơ đầu tiên ở Khánh Hòa
Để chứng minh cho chúng tôi thấy, anh Lực chỉ vào những chai nhựa treo lủng lẳng trên giàn mướp, bí, dưa leo… và nói: Đây là những bẫy dụ côn trùng dùng các chế phẩm sinh học để thu hút chúng không cắn phá cây trồng. Ngoài ra xung quanh vườn đều trồng sả và cúc vạn thọ để xua đuổi chúng. Cty còn dùng gừng, sả, ớt được xay nhuyễn rồi ngâm rượu, lấy nước cốt pha loãng với nước để xịt lên rau. Cứ 1 lít thảo mộc pha với 100 lít nước để tưới cho rau…
Video đang HOT
Theo tính toán của anh Lực, trong các loại rau SX trong vườn thì rau muống cho thu hoạch nhanh nhất khoảng 30 ngày, rau dền, mồng tơi, cải xanh… từ 45 – 50 ngày, dưa leo 40 – 45 ngày, bí đỏ khoảng 90 ngày… Trung bình mỗi tháng cung cấp từ 1,5 – 1,7 tấn rau, quả các loại.
Mở rộng sản xuất
Để giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn rau, củ, quả sạch, Cty đã mở cửa hàng tại số 97A1, chung cư CT7B, khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP Nha Trang, đồng thời ký kết hợp đồng giao rau sạch tận nhà cho 150 hộ gia đình trên địa bàn TP.
Những luống rau SX bằng phương pháp hữu cơ
Anh Mai Quốc Sáng, GĐ Cty TNHH Sala Việt Nam cho biết, ngoài sản lượng rau, củ SX tại chỗ, Cty còn hợp tác với đơn vị khác cũng SX bằng phương pháp hữu cơ tại Lâm Đồng, hàng tháng cung cấp cho người tiêu dùng tại Nha Trang khoảng 4 tấn rau, củ các loại.
“Mặc dù số lượng rau, củ, quả sạch còn ít nhưng phần nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện danh mục sản phẩm của Cty SX đã lên đến 25 loại với nhiều chủng loại khác nhau và giá bán gấp từ 1,5 – 2 lần so với bên ngoài, nhưng được người tiêu dùng hưởng ứng “, anh Sáng nói.
Về định hướng sắp tới, theo anh Sáng, Cty sẽ tập trung mở rộng SX, cùng với phát triển thị trường thông qua giao rau tận nhà và cửa hàng rau của Cty tại TP Nha Trang, đồng thời sẽ tiếp tục mở thêm các kênh thực phẩm sạch nhằm phục vụ tốt hơn như cầu khách hàng.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa cho biết, chi cục đánh giá cao mô hình rau hữu cơ của Cty TNHH Sala Việt Nam, bởi sản xuất đáp ứng được tiêu chí “5 không”. Đây là mô hình trồng rau hữu cơ đầu tiên của tỉnh…
Tưới rau bằng ống ria, giúp đất đủ ẩm và cây sinh trưởng, phát triển tốt
Theo Kim Sơ (NNVN)
Cô gái Mường xinh xắn và hành trình nhọc nhằn "đánh thức" rau hữu cơ
Ngày nào cũng có 5-6 ô tô tải chở rau từ Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình về xuôi. Bà con người Mường đã biết trồng rau hữu cơ, biết làm hàng hóa tốt hơn để tiêu thụ được giá hơn.
Đinh Quyết, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến khá lạ lẫm. Cô gái người Mường này đã dám nghĩ, dám làm và quyết tâm giúp bà con quê mình thoát nghèo. 30 hộ dân thuộc HTX đều tham gia trồng rau hữu cơ. "Chỉ có cách làm sạch, mới có hy vọng đánh thức được vùng quê hẻo lánh vốn giàu tiềm năng này", Đinh Quyết chia sẻ.
Mạnh mẽ, năng động là những gì tôi cảm nhận được về cô gái đất Mường này. Sáng, trưa, chiều, Quyết lăn lộn vào từng ruộng rau, từng vườn của bà con để động viên bà con lao động sản xuất.
Những luống rau hữu cơ được trồng trên đất Quyết Chiến.
Chiều tối, Quyết và các thành viên HTX lại hối hả đóng hàng rồi chất lên xe chở rau sạch về Hà Nội bán. Lăn lộn với công việc cả ngày, nhưng Quyết lại không cảm thấy mệt, ngược lại Quyết luôn vui vẻ và tự hào vì mình đang góp phần xây dựng quê hương.
Bà con người Mường ở Quyết Chiến đang dần thay đổi cách làm, họ đã chuyển sang trồng rau hữu cơ trái vụ.
Hiện HTX có rau su su, riêng 2 mặt hàng bắp cải và củ cải đều được trồng trái vụ nên HTX bán rất được giá 16.000đ/1kg. Rau su su mỗi ngày chở đi 2 ô tô với cả chục tấn hàng. Lượng hàng mang đi tiêu thụ chưa thật là nhiều, nhưng với bà con người Mường nơi đây nó đã là một bước tiến dài trên hành trình đưa đặc sản quê hương về Thủ đô.
Từ khi vào HTX, các xã viên làm ăn chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều. Từ việc chăm sóc vườn rau, đến giờ giấc giao hàng rồi cách đóng gói cũng cẩn thận và bắt mắt hơn. "Chúng tôi phải thay đổi cách trồng rau và tiếp cận việc bán hàng. Đó là cách duy nhất để bà con nơi đây thoát nghèo và làm giầu trên đồng đất quê hương mình", Quyết chia sẻ.
Chủ nhiệm HTX Đinh Quyết đã dám nghĩ dám làm.
Quyết chiến là xã vùng cao của huyện Tân Lạc. Nơi này được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành và đồng đất mênh mông. Bao năm qua, bà con người Mường bới đất, lật cỏ, chịu khó làm lụng vậy mà cuộc sỗng vẫn khó. Sau những ngày vất vả trên nương, trên rẫy, Quyết đã dần thay đổi suy nghĩ, mình không thể làm theo cách của ông bà mãi được.
Su su và củ cái được đóng gói, phân loại để đưa về Thủ đô.
Từ khi ở phố rộ lên phong trào sử dụng sản phẩm sạch, qua báo, đài, Quyết đã nhận ra lợi thế của quê hương mình. Trồng rau chính vụ khó bán, nhưng nếu trồng được rau sạch trái vụ sẽ thắng lớn. Trong khi đó, Quyết Chiến ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển sẽ rất phù hợp cho việc này. Cái đầu nghĩ vậy là Quyết quyết làm cho được. HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến ra đời là nhằm mục đích đó.
HTX mới ra đời được vài tháng, nhưng Quyết đã nhận được sự ủng hộ của bà con. Từng chuyến ô tô chở rau hữu cơ rời Quyết Chiến là bà con có thêm thu nhập. Hầu như chiều nào, tự tay Quyết xếp hàng, lựa chọn hàng rồi cho lên xe, Quyết mới yên tâm nghỉ ngơi.
Sự ra đời của HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến sẽ là giải pháp quan trọng kết nối bà con nông dân cùng làm rau sạch.
Giờ HTX mới có 3 mặt hàng chính là rau su su, quả su su, bắp cải, củ cải... Khởi đầu là vậy, nhưng cô gái người Mường này đã lên kế hoạch sẽ sản xuất nhiều loại rau trái vụ khác. Bởi lẽ nó là con đường duy nhất giúp bà con nơi đây tiêu thụ được nông sản với giá cao.
Về lâu dài, Quyết đã nghĩ đến việc xây dựng những vườn rau công nghệ cao. Cái khó mà Quyết gặp phải là nguồn vốn chưa biết kiếm nơi nào. "Trước mắt cứ để cho bà con tập với việc sản xuất rau sạch đã. Khi đã có thương hiệu, sản phẩm nhiều lên, chắc chắn chúng tôi sẽ có vốn. Tôi tin rằng sản xuất sạch là con đường duy nhất để bà con người Mường nơi đây bứt phá", Quyết chia sẻ.
Theo Danviet