Lên kế hoạch du xuân 3 tháng đầu năm
Khoảng thời gian ấm áp, dễ chịu nhất trong năm phù hợp với các chuyến du xuân, vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa được đi lễ, xin lộc may mắn đầu năm.
Hoạt động này có thể kéo dài suốt từ tháng Giêng cho đến tháng 3 Âm lịch. Dưới đây là những hoạt động và điểm du xuân hấp dẫn ở khu vực miền Bắc.
1. Đi lễ chùa
Đi chùa đầu năm đã trở thành một thói quen, một nếp sống văn hóa của người dân Việt, đặc biệt là người miền Bắc. Bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, người dân đã sắp lễ lên chùa để cầu xin may mắn, tài lộc trong năm và tham dự lễ hội.
Đầu năm đi chùa là một nếp sống văn hóa của người Việt. Ảnh: Lê Hiếu.
Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và mang ý nghĩa đặc biệt thu hút du khách thập phương phải kể đến là chùa Bái Đính ( Ninh Bình) – lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch; thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ( Quảng Ninh – lễ hội diễn ra bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng giêng; đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc)…
2. Đi chơi hội
Tháng Giêng là tháng tập trung nhiều lễ hội nhất trong năm. Bất cứ một ngày nào trong tháng, bạn đều có thể bắt gặp một lễ hội ở một địa phương nào đó trên đất Bắc. Dù mang tính địa phương hay quốc gia, những lễ hội này đều mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện ước vọng ấm êm hạnh phúc, no đủ của nhân dân địa phương.
Lễ hội Gò Đống Đa.
Những lễ hội lớn bạn không nên bỏ lỡ là hội Gióng (Hà Nội) diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng; lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) diễn ra vào ngày mùng 10/3 Âm lịch; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng; hội Lim (Bắc Ninh) diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng; hội chọi trâu (Hải Phòng); hội cướp phết (Vĩnh Phúc)…
Video đang HOT
3. Đi chợ
Đi chợ đầu năm với nhiều người không đơn giản chỉ là để mua và bán, còn mang nhiều mục đích khác nhau như cầu may, cầu duyên, hoặc mang những ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng khác. Nếu quan tâm đến tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, bạn có thể đến thăm chợ Viềng (Nam Định) vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng và mua một số nông cụ để mang may mắn về nhà. Hoặc bạn có thể đến chợ Chuộng (Thanh Hóa) trong ngày mùng 6 để “bán điều rủi, mua điều may” dịp đầu xuân, tham dự những trò chơi dân gian đặc sắc ở chợ Âm Dương (Bắc Ninh) vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết.
Nếu bạn muốn cầu tình duyên, không nên bỏ lỡ các khu chợ tình của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, như phiên chợ tình Khau Vai (Hà Giang) họp vào ngày 27/3 Âm lịch và phiên chợ tình Tân Sơn (Bắc Giang) họp vào ngày 12 tháng Giêng.
4. Đi du lịch
Miền Bắc vào mùa xuân mang một màu xanh tươi non của lộc biếc, màu đỏ thắm của hoa đào. Không khí ấm áp với ánh nắng hồng là thời điểm lý tưởng để đi du lịch.
Cánh đồng cải trắng ở Mộc Châu. Ảnh: Quốc Tuấn.
Các điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất dịp xuân về là khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La) hay Sa Pa (Lào Cai) với phong cảnh mùa xuân tuyệt đẹp. Bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi rừng với những mảng màu xanh tươi của cây xanh, của màu trắng hoa mận. Mọi thứ đều trở nên căng tràn sức sống vào mùa xuân.
Theo Zing News
Đến cõi thiền Trúc Lâm Bạch Mã
Còn nơi nào yên bình hơn ngôi thiền tự quanh năm xanh mát tĩnh lặng, được bao bọc giữa Hồ Truồi trong lành, lặng sóng.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn mình trong màu xanh ngắt của núi rừng
Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập đã có lịch sử hơn 700 năm. Sau một thời gian mai một do sự suy tàn của nhà Trần, đến thế kỷ 17 dòng thiền này mới phát triển trở lại, đến nay đã có nhiều thiền viện của phái Trúc Lâm trên khắp cả nước như Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ (Ninh Thuận), Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội),... Là vùng đất của Phật giáo, cố đô Huế cũng có một Trúc Lâm thiền tự mang tên Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được xây dựng từ năm 2006.
Bến đò hồ Truồi
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế, trong khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu đi từ Đà Nẵng, bạn qua hầm Hải Vân rồi đi theo Quốc lộ 1 khoảng 45km sẽ thấy cầu Truồi. Đừng vội qua cầu, bên trái trước cầu Truồi có một con đường nhỏ với bảng chỉ dẫn vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Nếu đang ở Huế, bạn có thể theo đường Nguyễn Tất Thành ra Quốc lộ 1, chạy khoảng 12km trên Quốc lộ là đến được cầu Truồi, qua cầu là thấy con đường nhỏ như trên. Từ đây chạy thêm 10km là thấy bến đò của hồ Truồi.
Nếu đi một mình, hoặc theo nhóm nhỏ, bạn sẽ phải ngồi đợi để ghép cùng nhóm khác, đến khi nào đủ ít nhất 8 người mới được qua đò. Nếu ngại đợi, hoặc đi vào dịp ít khách viếng chùa, bạn có thể thuê trọn đò, tất nhiên giá sẽ cao hơn.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ bến đò
Theo người viết, nán lại một chút ở bến đò cũng là một trải nghiệm hay. Từ bến đò hướng về Trúc Lâm Bạch Mã, bạn sẽ thấy màu gạch ngói của mái chùa lẩn trong màu xanh ngắt của rừng cây, xa xa là màu trắng của "lớp lớp mây cao đùn núi bạc"- một sự phối màu đầy tinh tế của tự nhiên. Vào những ngày mưa, sương gió mây mù còn làm tăng thêm vẻ huyền ảo, linh thiêng cho ngôi thiền tự.
Tượng Phật Thích Ca hùng vĩ hướng ra mặt hồ Truồi
Hùng vĩ một góc đảo thiêng là kim thân Phật Thích Ca ngồi thiền, cao đến 24m, hướng ra mặt hồ mênh mông. Dù có được thời gian nhuốm màu trầm mặc, tượng Phật vẫn luôn toát lên vẻ uy nghiêm và thanh thoát lạ thường.
Hồ Truồi đầy quyến rũ
Để đến được đất thiêng, bạn phải lênh đênh trên xuồng máy khoảng 15 phút. Đừng vội ngán ngẩm, bạn sẽ có 15 phút đầy thú vị: trò chuyện cùng bác lái đò hiền lành chân chất để tìm hiểu về Thiền viện, về hồ Truồi, về Vườn quốc gia Bạch Mã; ngắm những "tảng" mây trôi bồng bềnh trên mặt hồ lăn tăn sóng nước; cảm nhận Thiền viện ngày càng "lớn dần" theo từng khoảnh khắc lênh đênh trên hồ; và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp màu xanh của mây trời, của hồ nước, của rừng núi.
Cổng tam quan của Thiền viện
Không gian thiền được bao bọc trong không gian của thiên nhiên. Ngoài cánh rừng bao quanh, thiền viện còn có những khu vườn được chăm chút cẩn thận với nhiều loài hoa, loài cây quý.
Không gian thiền giữa thiên nhiên
Các công trình chính của thiền viện bao gồm chính điện, tổ đường, trai đường, tăng đường, lầu chuông, lầu trống, tháp xá lợi,... Dù mới hoàn công được 7 năm, nhưng những công trình này lại mang dáng vóc khá cổ kính, đủ mang lại cảm giác thanh tịnh vương chút hoài niệm cho khách vãng cảnh chùa.
Với tâm nguyện khôi phục dòng thiền Trúc Lâm của nhà Trần, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã không chỉ giúp cho Phật tử hiểu thêm về dòng thiền này mà còn tạo điều kiện cho người muốn thực tập thiền, dù có là Phật tử hay không. Nếu muốn tu thiền, bạn có thể đăng ký trước để được hướng dẫn thiền cùng với các tăng ni của Thiền viện.
Buổi chiều tà đầy tĩnh mịch
Chỉ vài giờ neo chân nơi thiền viện linh thiêng, bạn sẽ thấy tâm tịnh, hồn thanh và lòng như dịu lại, bỏ quên sự đời thăng trầm bên kia mặt hồ. Cho dù không mang đạo hay không quan tâm đến thiền, chỉ cần bạn yêu cái đẹp, bạn sẽ yêu Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Theo iHay
Du xuân vãn cảnh ở 10 thiền viện đẹp nhất cả nước Hầu hết thiền viện ở Việt Nam được xây trên sườn đồi, núi với lối kiến trúc ấn tượng, rộng rãi khiến du khách được tĩnh tâm, thư thái. 1. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) Tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được biết đến là một trong ba...