“Lệch” thời gian chích vắc xin sởi đang tạo lỗ hổng miễn dịch
Thời gian chích ngừa của chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ có sự khác nhau. Sự lệch lạc trong việc chích ngừa cho trẻ đang tạo ra lỗ hổng miễn dịch khiến bệnh sởi quay lại tấn công cộng đồng.
Bệnh sởi đã tấn công tất cả các quận huyện
Năm 2017 trên địa bàn TPHCM không có trường hợp nào mắc sởi được ghi nhận. Tuy nhiên, sang năm 2018 bệnh sởi đã quay trở lại, lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh bắt đầu tăng cao từ tháng 8, đến ngày 18/10 đã ghi nhận 256 ca mắc sởi (riêng tuần 42 có tới 55 ca). Tất cả 24 quận huyện của thành phố đã bị bệnh sởi tấn công. Điểm nóng của bệnh sởi đang tập trung tại quận Thủ Đức, quận 7, quận 9, quận 12, Bình Thạnh, Bình Tân.
Trẻ mắc bệnh được phụ huynh đưa đến bệnh viện khám và điều trị
Sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong. Thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm tạo điều kiện cho vi rút phát triển. Bệnh thường xuất hiện mang tính chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm một lần khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt bao phủ.
Trước thực trạng bệnh sởi tăng nhanh, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đang tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho tất cả trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia. Trẻ được tiêm vắc xin đơn giá từ lúc 9 tháng tuổi và vắc xin có thành phần của sởi lúc 18 tháng tuổi.
Video đang HOT
Khu cách li, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch; tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng; trường hợp trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định sẽ được tiêm bổ sung.
Lỗ hổng miễn dịch do chích ngừa
Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ ra: “Có độ lệch về mặt thời gian giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ đối với vắc xin ngừa sởi cho trẻ. Vắc xin dịch vụ tiêm từ 12 tháng, vắc xin tiêm chủng mở rộng tiêm từ 9 tháng. Với tình hình dịch tễ tại Việt Nam thì vắc xin sởi cần tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi”.
Trẻ cần được chủng ngừa sởi từ lúc 9 tháng tuổi
Theo BS Hữu Khanh: “Một nhóm phụ huynh đi theo tiêm chủng dịch vụ nên không được bác sĩ khuyến cáo cần tiêm sớm cho trẻ. Chính sự lệch lạc về mặt thời gian này đã tạo lỗ hổng miễn dịch. Mũi chủng ngừa thứ 2 trong chương trình tiêm chủng mở rộng chích khi trẻ được 18 tháng, trong khi chích dịch vụ phải chờ tới khi trẻ được 4 hoặc 5 tuổi. Trẻ không được chích sớm mũi thứ nhất và chích quá trễ mũi thứ 2 đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch tạo điều kiện cho sởi tấn công”.
“Mặt khác những bà mẹ thuộc thế hệ 8X hoặc 9X, ít có người nào chích đủ 2 mũi sởi nên miễn dịch rất yếu, dễ mắc bệnh. Trẻ bệnh thường mệt, nằm ở nhà hoặc đến bệnh viện nhưng người lớn bệnh đôi khi vẫn cố gắng đi làm. Nhóm bệnh ở người lớn vì thế có tốc độ lây lan dữ dội hơn nhiều so với trẻ em bởi đời sống công việc hiện nay mỗi người phải di chuyển xa, đôi khi chỉ cần vài giờ đã bay từ Nam ra Bắc” – BS Hữu Khanh chia sẻ.
BS Hữu Khanh cho rằng “sự lệch lạc thời gian chủng ngừa đang tạo ra lỗ hổng miễn dịch sởi”
BS Hữu Khanh cho rằng: “Cần phải có sự phối hợp giữa vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tạo ra khoảng cách chích ngừa tốt với độ bao phủ miễn dịch tốt trong cộng đồng mới có thể kéo giảm, ngăn chặn được dịch sởi. Cụ thể, nếu phụ huynh muốn cho con đi chích ngừa dịch vụ thì phải tìm được những nơi nào có chích mũi sởi đơn giá lúc trẻ được 9 tháng tháng thì theo tiêm dịch vụ, nếu không tìm được mũi vắc xin sởi đơn lúc 9 tháng thì đưa trẻ đến chương trình tiêm chủng mở rộng để chích mũi sởi lúc 9 tháng sau đó mới theo chích dịch vụ. Nếu thiếu mũi 9 tháng thì chắc chắn đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch ở trẻ”.
“Trường hợp trẻ chích mũi dịch vụ 12 tháng thì đừng để trẻ chờ tới khi 4 đến 5 tuổi mới chích tiếp bởi thời gian này là quá dài trong khi dịch tễ sởi ở Việt Nam rất nhiều, trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Tôi không khuyến cáo phụ huynh bỏ chích loại vắc xin nào nhưng các bậc cha mẹ cần căn cứ trên tình hình thực tế của bệnh sởi trong cộng đồng để lựa chọn giải pháp hợp lý và an toàn nhất cho con em mình”.
Để chủ động phòng bệnh sởi cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ, đồng thời tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Hà Nội: Tất cả các quận, huyện có bệnh nhân sởi
Trong tuần qua (từ 17 - 23.9) trên địa bàn thành phố ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi. Lũy tích năm đến nay có 389 trường hợp mắc. Bệnh nhân mắc sởi phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên không có ca tử vong.
Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tuy số ca mắc giảm so với những tuần trước đó tuy nhiên người dân không chủ quan, cần cho con em tiêm chủng đầy đủ.
Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ tránh được bệnh.
TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - cho biết, hầu hết trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm ngừa vaccine hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh do miễn dịch mẹ truyền cho con không đủ.
TS Nguyễn Nhật Cảm cho hay, sởi là bệnh có tính cảm nhiễm rất cao. Một người chưa từng mắc sởi, không được tiêm vaccine thì gần như 100% sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng sởi đúng lịch, đủ mũi. Đây là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho trẻ. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, số mắc sốt xuất huyết trong tuần vừa qua giảm so với tuần trước đó và số mắc sốt xuất huyết
từ đầu năm đến nay giảm mạnh (96,8%) so với cùng kỳ năm 2017 nhưng theo chu kỳ, sốt xuất huyết thường gia tăng vào thời điểm từ tháng 9 - 11 hàng năm.
Theo laodong.vn
10 loại vắcxin người trưởng thành cần tiêm Tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần, phòng uốn ván nhắc lại sau 10 năm, vắcxin ngừa HPV ung thư cổ tử cung cho người từ 19 đến 26 tuổi. Có thể bạn đã được tiêm đầy đủ vắcxin khi còn nhỏ nhưng một số loại cần được tiêm nhắc lại khi ở tuổi trưởng thành để duy trì khả năng miễn dịch....