Lebanon từ chối điều tra quốc tế vụ nổ Beirut
Tổng thống Lebanon khước từ lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ ở cảng Beirut, cho rằng điều đó sẽ chỉ làm suy giảm sự thật.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun hôm 7/8 thừa nhận hệ thống chính trị nước này đang bị “tê liệt” và cần “xem xét lại” sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat làm rung chuyển thủ đô Beirut hôm 4/8, khiến ít nhất 154 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương.
“Có hai kịch bản có thể xảy ra, do sơ suất hoặc do sự can thiệp từ bên ngoài bằng tên lửa hoặc bom”, Tổng thống Aoin nói về vụ nổ. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Lebanon đề cập khả năng cảng Beirut bị tấn công trong vụ nổ.
Ông Aoun cam kết “nhanh chóng tìm công lý”, song từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế liên quan sự việc, nói rằng đó là một nỗ lực nhằm “làm suy giảm sự thật”.
Tổng thống Michel Aoun đeo khẩu trang, tham dự cuộc họp ở Baabda, Lebanon, ngày 30/4. Ảnh: Reuters.
Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới thảm kịch hôm 4/8 ở thủ đô của Lebanon. Các quan chức nước này cho hay nhà kho tại cảng đang được sửa chữa vào thời điểm xảy ra vụ nổ, song một số nguồn tin tiết lộ pháo hoa được lưu trữ tại nhà kho cùng với hàng nghìn tấn amoni nitrat.
Amoni nitrat là hợp chất chủ yếu được dùng làm phân bón trong nông nghiệp, nhưng có thể trở thành chất nổ mạnh khi bị trộn với các chất dễ cháy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông sẽ tham gia một hội nghị trực tuyến vào 9/8 với Tổng thống Lebanon Aoun, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và các lãnh đạo thế giới, nhằm thảo luận về viện trợ cho Beirut.
Cuộc điều tra về vụ nổ dự kiến được báo cáo lên chính phủ Lebanon vào ngày 9/8. 16 người liên quan tới cảng Beirut, gồm cả tổng giám đốc cảng vụ, đã bị bắt. Nhiều chính khách, trong đó có Tổng thống Pháp Macron, kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về sự việc.
Vụ nổ “như bom nguyên tử” ở cảng Beirut, Lebanon, hôm 4/8. Video: CNN.
Vụ nổ lớn ở Beirut được cho là cú sốc mạnh với đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ cùng đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả đồng minh và đối thủ của Lebanon đều gửi lời chia buồn và đề nghị giúp đỡ.
Giới chức từng 10 lần cảnh báo về nguy cơ nổ ở Beirut
Giới chức hải quan, quân đội và tư pháp Lebanon từng cảnh báo hiểm họa từ kho hóa chất tại cảng Beirut ít nhất 10 lần trong 6 năm qua.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun hôm qua cho biết lần đầu tiên ông được thông báo về mối nguy hiểm từ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại cảng Beirut là gần ba tuần trước, sau đó đã ngay lập tức yêu cầu quân đội và các cơ quan an ninh "làm những việc cần thiết".
Tuy nhiên, Aoun cho hay trách nhiệm của ông chỉ dừng ở đó, bởi ông không có thẩm quyền giải quyết trực tiếp vấn đề với cảng và những chính phủ tiền nhiệm đã được thông báo về sự hiện diện của số hóa chất.
Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót hôm 6/8, sau vụ nổ ở thủ đô Beirut. Ảnh: AFP.
Hơn 2.700 tấn amoni nitrat, chất thường được dùng làm phân bón và thuốc nổ, được tàu Rhosus treo cờ Moldova đưa tới Beirut hồi năm 2013. Số hóa chất này là đơn đặt hàng của một công ty sản xuất chất nổ ở Mozambique, xuất đi từ thành phố Rustavi, Gruzia.
Hành trình của tàu Rhosus đột ngột dừng tại Beirut, do chủ tàu người Nga được cho là gặp vấn đề tài chính và muốn kiếm thêm tiền ở Lebanon. Tuy nhiên, Rhosus bị mắc kẹt ở Beirut do không thể trả phí cập cảng cùng những khoản phí dịch vụ khác, nên giới chức Lebanon đã dỡ toàn bộ số amoni nitrat trên tàu lên cảng và cất tại nhà kho.
Cảnh báo đầu tiên về mối nguy hiểm tiềm tàng được cho là xuất hiện vào ngày 21/2/2014, ba tháng sau khi tàu Rhosus cập cảng Beirut. Đại tá Joseph Skaff, quan chức hải quan cấp cao, đã viết thư cho bộ phận chống buôn lậu để cảnh báo rằng số hóa chất, khi đó vẫn còn trên tàu, "vô cùng nguy hiểm và đe dọa an ninh công cộng".
Đại tá Skaff qua đời vào tháng 3/2017, thi thể được tìm thấy gần nhà riêng ở Beirut sau khi được cho là rơi từ trên cao. Các báo cáo pháp y khi đó đưa ra những giải thích khác nhau. Có tài liệu cho rằng đây là tai nạn, trong khi tài liệu khác chỉ ra vết bầm tím bất thường trên mặt ông.
Ngày 27/6/2014, Jad Maalouf, thẩm phán phụ trách các vấn đề khẩn cấp, viết thư cho Bộ Công chính và Giao thông Vận tải Lebanon cảnh báo tàu Rhosus đang chở hóa chất nguy hiểm và có thể chìm.
Maalouf cho rằng chính quyền nên xử lý con tàu, dỡ bỏ số amoni nitrat và "đặt chúng ở một nơi thích hợp với biện pháp an toàn". Ngay sau đó, chuyến hàng được đưa vào Kho 12 tại cảng, nhưng chưa rõ Bộ Công chính và Giao thông vận tải Lebanon có giám sát chúng hay không.
Kênh truyền hình LBC của Lebanon đưa tin vào tháng 10/2015, quân đội đã can thiệp sau khi biết về sự chậm trễ trong việc xử lý lô hàng. Theo LBC, cơ quan tình báo quân đội đã cử một chuyên gia đến kiểm tra số hóa chất, sau đó phát hiện nồng độ nitơ là 34,7%, được coi là mức rất dễ gây nổ.
Quân đội đã báo cáo với cơ quan hải quan rằng số hóa chất nên được chuyển đi nhanh chóng, gợi ý xuất khẩu chúng. LBC cho biết bộ phận hải quan sau đó chuyển báo cáo trở lại thẩm phán phụ trách các vấn đề khẩn cấp. Giới chức Lebanon chưa phản hồi về thông tin LBC đưa ra.
Trước khi bị bắt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan Lebanon Badri Daher cho biết từ năm 2014 đến 2017, ông và người tiền nhiệm đã gửi 6 bức thư đến thẩm phán để cảnh báo về hiểm họa tại kho hóa chất, nỗ lực thúc đẩy phán quyết về cách loại bỏ hoặc bán chúng. Daher cho biết trách nhiệm cao nhất của ông chỉ là cảnh báo giới chức, nhưng chưa bao giờ được hồi âm.
Hồi đầu năm, sau khi điều tra về kho hóa chất, Cơ quan An ninh Quốc gia Lebanon đã công bố báo cáo dài 5 trang nói rằng chúng phải được chuyển đi, bởi amoni nitrat có thể phát nổ hoặc bị lực lượng khủng bố đánh cắp.
Thủ đô Beirut của Lebanon tan hoang sau vụ nổ như "bom nguyên tử". Video: Guardian.
Bất chấp một loạt cảnh báo suốt nhiều năm, không có hành động nào được tiến hành. Hôm 4/8, hơn 2.700 tấn amoni nitrat phát nổ với sức công phá ngang 240 tấn TNT, khiến ít nhất 154 người chết, 5.000 người bị thương, hơn 60 người vẫn mất tích, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Thẩm phán Fadi Akiki, đại diện chính phủ Lebanon tại tòa án quân sự, cho biết 16 người đã bị bắt để phục vụ cuộc điều tra về vụ nổ ở Beirut, thêm rằng hơn 18 quan chức hải quan, cảng vụ và những người tham gia bảo trì tại nhà kho đã bị thẩm vấn.
Tổng thống Aoun thừa nhận hệ thống chính trị Lebanon đang bị "tê liệt" và cần "xem xét lại" sau thảm họa, đồng thời cam kết "nhanh chóng tìm công lý". Tuy nhiên, ông từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về sự việc, nói rằng đó là một nỗ lực nhằm "làm suy giảm sự thật".
Hezbollah phủ nhận trữ vũ khí tại cảng Beirut Lãnh đạo dân quân Hezbollah Nasrallah khẳng định họ không cất giữ vũ khí tại địa điểm xảy ra vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut hôm 4/8. "Chúng tôi không sở hữu thứ gì trong cảng. Không có kho vũ khí hay kho tên lửa nào, không có tên lửa, súng trường, bom đạn hay amoni nitrat", lãnh đạo dân quân...