Lebanon sẵn sàng đàm phán với IS để cứu 9 binh sĩ
Lebanon sẵn sàng đàm phán với Nhà nước Hồi giáo để đảm bảo 9 binh sĩ nước này bị nhóm phiến quân bắt làm con tin từ năm ngoái được trả tự do.
Một trong số 16 binh sĩ Lebanon vừa được Mặt trận Nusra trả tự do. Ảnh: AFP.
“Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Daesh về 9 binh sĩ nếu tìm được ai đó để làm việc này”, Reuters dẫn lời Thiếu tướng Abbas Ibrahim, đứng đầu Tổng cục An ninh Lebanon, nói, nhắc đến tên tiếng Arab của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mặt trận Nusra, nhánh al-Qaeda ở Syria, hôm nay trả tự do cho 16 binh sĩ và cảnh sát Lebanon bị bắt làm con tin từ tháng 8/2014 theo một thỏa thuận do Qatar làm trung gian. Đổi lại, Lebanon trả tự do cho 13 phần tử Hồi giáo, trong đó có Saja al-Dulaimi, vợ cũ của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS.
Mặt trận Nusra bắt những con tin trên trong một đợt tấn công phối hợp với IS vào thị trấn biên giới Arsal. IS được cho là còn giữ 9 binh sĩ Lebanon.
Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình từ biên giới giữa Lebanon với Syria cho thấy 16 con tin bị áp giải bởi các tay súng bịt mặt trước khi được thả về xe Chữ thập Đỏ. Một trong những con tin kể lại nhóm phiến quân đối xử với họ tốt nhưng chúng đã giết 4 người.
Các tay súng Mặt trận Nusra ôm hôn ba đứa con trai của al-Dulaimi, bị Lebanon bắt cách đây một năm. Al-Dulaimi nói với Al Jazeera rằng bà muốn trở về thủ đô Beirut rồi tới Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi đã hoàn thành thỏa thuận với Nusra. Chúng tôi tiếp nhận những binh sĩ anh hùng và đang trở về Beirut”, Ibrahim nói. “Niềm vui này chưa thể trọn vẹn cho đến khi Daesh thả những người còn lại”.
Vị trí làng Arsal. Đồ họa: BBC.
Như Tâm
Video đang HOT
Theo VNE
Sai lầm khiến Mỹ càng đánh IS càng mạnh (kỳ 1)
Mỹ đang hiểu sai bản chất của IS, đánh giá quá thấp sự nguy hiểm và khác biệt của tổ chức khủng bố này so với mạng lưới al Qaeda.
Tổng thống Mỹ từng tuyên bố IS "đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố". Nhưng sự phát triển của IS theo nhiều chiều kích, bất chấp bị liên quân do Mỹ dẫn đầu tiêu tốn gần 9,7 triệu USD mỗi ngày để vùi dập, cho thấy IS không hề đơn giản như như ông Obama nghĩ. Theo Audrey Kurth Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Đại học George Mason, Mỹ đã rất sai lầm khi đánh giá IS. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông.
Mỹ hiểu sai bản chất của IS
Sau sự kiện 11.9, nhiều nhà phân tích cho rằng, Washington lấy al Qaeda làm kẻ thù mục tiêu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Các cơ quan an ninh và tình báo cũng được xây dựng để phục vụ cho nhiệm vụ chính là tiêu diệt mạng lưới khủng bố này.
Tuy nhiên, việc một tổ chức khủng bố mới như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên dần thay thế vị trí số 1 của al Qaeda đang làm nhiều cơ quan an ninh của Mỹ bối rối, bởi tuy cùng là khủng bố, từng là một nhánh con, nhưng IS lại không giống al Qadeda.
Tổng thống Obama thề sẽ tiêu diệt phiến quân Hồi giáo đến cùng trong bài phát biểu hồi tháng 9.2015.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình cuối tháng 9.2015, giải thích cho kế hoạch "làm suy giảm và cuối cùng là tiêu diệt IS", Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: "IS rõ ràng và đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố. Chúng không có tầm nhìn nào khác ngoài việc tàn sát bất cứ ai cản đường".
Tờ Foreign Affair cho rằng đây có thể là một sự nhầm lẫn và đánh giá thấp tổ chức thánh chiến này. Tờ báo này cho rằng, IS sử dụng chủ nghĩa khủng bố làm tôn chỉ, nhưng không hoàn toàn là một tổ chức khủng bố đơn giản như những gì ông Obama miêu tả.
Nếu như mạng lưới khủng bố của al Qaeda, thường có hàng chục hoặc hàng trăm thành viên với mục tiêu là tấn công vào dân thường nhưng không chiếm giữ lãnh thổ và không trực tiếp đối đầu với lực lượng quân sự bên ngoài, thì IS lại hoàn toàn khác. Chúng "tự hào" khoe số lượng 30.000 máy bay chiến đấu, chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria, duy trì khả năng quân sự, kiểm soát dòng thông tin liên lạc, các cơ sở hạ tầng, quỹ tài chính và tham gia vào nhiều các hoạt động quân sự tinh vi.
Tờ Foreign Affair đặt ra câu hỏi: "Nếu IS "đơn giản" như những gì mà Tổng thống Obama miêu tả thì tại sao sau hơn một năm, Mỹ và liên quân vẫn không thể quật ngã được "nhà nước tự xưng" này?". Phải chăng những gì Mỹ từng áp dụng với al Qaeda không có tác dụng với IS?
Hiểu sai bản chất của IS khiến các cuộc không kích IS của Mỹ và liên quân đang vô tác dụng
Tháng 8.2014, Mỹ bắt đầu các chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS. Tính từ đó đến nay, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã lên tới con số khoảng 60 nước. Theo công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5.2015, trước khi các cuộc không kích và các hoạt động khác của Mỹ nhắm vào lực lượng IS được mở rộng sang Syria vào giữa tháng 9.2014, chi phí hàng ngày trung bình của chúng là 5,6 triệu USD.
Từ giữa tháng 9.2014 đến giữa tháng 5.2015, chi phí hằng ngày của các hoạt động quân sự tăng vọt lên 9,7 triệu USD. Thế nhưng, các cuộc không kích của Mỹ và liên quân vào các căn cứ của IS tại Syria và Iraq chưa hiệu quả rõ rệt và cũng không ngăn cản được sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến.
Tờ báo trên kết luận, chính nhận thức sai lầm về bản chất của IS đã khiến Washington chậm chạp các thay đổi chính sách và cách thức chống khủng bố tại Iraq và Syria.
IS không phải là al Qaeda
Sự khác nhau rõ ràng nhất giữa al Qaeda và IS nằm ở nguồn gốc hình thành. Al Qaeda được thành lập ở thời hậu Xô-Viết tại Afghanistan, thời điểm thế giới quan và tư duy chiến lược của giới đầu sỏ al Qaeda như Osama bin Laden được định hình thông qua các cuộc nội chiến.
Al Qaeda được xây dựng để trở thành một mạng lưới khủng bố toàn cầu, tập trung tấn công vào các mục tiêu nhà nước phương Tây hoặc đồng minh của phương Tây. Song song với đó, al Qaeda còn muốn tập hợp những người Hồi giáo có cùng chí hướng tham gia vào mặt trận chống lại các siêu cường trên bình diện toàn thế giới.
IS đang cho thấy là một tổ chức nguy hiểm hơn al Qaeda nhiều lần.
Trong khi đó, IS "ra đời" sau khi Mỹ tham chiến tại Iraq năm 2003. Ban đầu, tổ chức này chỉ là một nhóm phần tử Hồi giáo cực đoan nổi loạn dòng Sunni, đứng lên chiến đấu với lực lượng quân đội Mỹ và tấn công dân thường hòng kích động một cuộc nội chiến tại Iraq.
Vào thời điểm đó, nhóm này được gọi là chi nhánh của al Qaeda tại Iraq (AQI), còn Abu Musab al Zarqawi, lãnh đạo của nhóm tuyên thệ trung thành với Bin Laden. Đây cũng là nhánh đầu tiên của al Qaeda bên ngoài biên giới Afghanistan và Pakistan.
Ở vị trí mới, al-Zarqawi không chỉ là một thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Iraq mà còn trở thành đại diện chính thức của al-Qaeda ở Iraq. Tuy nhiên, năm 2006, Zarqawi bị giết trong một vụ không kích của quân đội Mỹ và gần như sau đó, AQI bị xóa sổ sau khi người Hồi giáo dòng Sunni quyết định hợp tác với Mỹ để đối đầu với các chiến binh thánh chiến.
Thời điểm này, vị trí lãnh đạo của AQI rơi vào tay một phần tử thánh chiến cực đoan người Iraq có tên Abu Omar al-Baghdadi. Tháng 10.2006, AQI chính thức đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI).
Abu Omar al - Baghdadi, thủ lĩnh đầu sỏ của tổ chức khủng bố IS.
Cuối năm 2011, quân đội Mỹ rút khỏi Iraq để lại một khoảng trống an ninh nguy hiểm và là "thời điểm vàng" để ISI xây dựng lại lực lượng và tăng cường các hoạt động khủng bố nhằm vào người Shi'ite và chính phủ Iraq. Cũng trong năm đó, cuộc nội chiến ở Syria nổ ra và mang đến cơ hội để ISI mở rộng hoạt động sang Syria cũng như truyền bá tư tưởng và ảnh hưởng tới quốc gia Trung Đông này.
Điểm khác biệt cơ bản của ISI đối với al-Qaeda là việc chiếm giữ lãnh thổ ở những nơi chúng đi qua. Tháng 1.2014, khi IS chiếm được các thành phố Fallujah và Ramadi, các nhà phân tích đã dự đoán về một mối đe dọa mới đối với quân đội Mỹ tại Iraq.
Đến tháng 6.2014, IS tiến đánh Baghdad, chiếm giữ thêm nhiều thành phố và thị trấn quan trọng khác như Mosul, Tikrit hay al-Qaim. Cuối tháng 6, tổ chức khủng bố non trẻ này chính thức đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo ở Irag và Syria (ISIS - báo Việt Nam thường gọi tắt là IS), tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với mạng lưới al Qaeda.
Nếu như al Qaeda ra đời với mục đích trở thành đội quân tiên phong cho phong trào nổi dậy của người Hồi giáo chống lại chính quyền thế tục thì IS ngược lại, tìm cách kiểm soát lãnh thổ, tạo ra một nhà nước Hồi giáo để ngay lập tức xóa bỏ biên giới chính trị ở Trung Đông, nơi đang bị các cường quốc phương Tây "xâu xé" trong thế kỷ 20. IS định hình mình như một tổ chức chính trị, tôn giáo, quân sự duy nhất của các tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
__________
Mời bạn đọc đón xem tiếp kỳ 2 vào 19h tối 1.12.2015: IS vô hiệu hóa chiến thuật của Mỹ như thế nào và vì sao chúng thu hút được nhiều binh lính từ chính các nước phương Tây
Theo Danviet
Arab Saudi tử hình 55 kẻ khủng bố trong cùng một ngày Arab Saudi có kế hoạch tử hình hàng loạt 55 kẻ bị kết tội khủng bố như lời cảnh cáo gửi tới những phần tử cực đoan có ý định thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào quốc gia này. Nhiều đối tượng bị tử hình trong lần này có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ảnh minh họa:...