Mali tuyên bố tình trạng khẩn cấp 10 ngày
Tổng thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 10 ngày và 3 ngày quốc tang tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ tấn công khách sạn Radisson Blu ngày 20.11.
Mali ban bố tình trạng khẩn cấp 10 ngày – Ảnh: Reuters
Tổng thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita ngày 20.11 đã phát rút ngắn chuyến công du tại nước láng giềng Chad để về nước vì vụ khống chế và sát hại các con tin tại khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako của Mali.
Khoảng 10 tay súng đã khống chế 170 con tin bên trong khách sạn Radisson Blu. Sau nhiều giờ đồng hồ, với chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mali và sự giúp sức của đặc nhiệm Pháp, Mỹ cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, các con tin đã được giải cứu.
Theo Reuters, Tổng thống Mali tối 20.10 cho biết có 21 người thiệt mạng trong vụ tấn công tại khách sạn Radisson Blu, trong đó có 19 con tin và 2 tay súng. Ngoài ra, có 7 người khác bị thương. Trước đó, AFP dẫn lời nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc có mặt tại hiện trường nói rằng có 27 người chết.
Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có 3 công dân Trung Quốc, 1 công dân Mỹ và 1 công dân Bỉ.
Tổng thống Mali cũng tuyên bố tổ chức 3 ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công này. Bên cạnh đó ông Ibrahim Boubacar Keita cũng ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong vòng 10 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ đêm 20 rạng sáng 21.11.
Nhóm tay súng Hồi giáo al Mourabitoun có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda cùng với nhánh al-Qaeda tại vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM) nhanh chóng tranh nhau nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công này.
Video đang HOT
Vụ tấn công ở Mali xảy ra đúng một tuần sau khi ít nhất 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương trong đợt khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris của Pháp. Có nhiều công dân Pháp có mặt trong khách sạn Radisson Blu lúc xảy ra vụ khủng bố tấn công. Đến 0 giờ ngày 21.11, sau 10 tiếng đồng hồ náo loạn và cực kỳ căng thẳng, giới chức Mali tuyên bố chiến dịch giải cứu đã kết thúc, nhưng lực lượng an ninh vẫn đang truy diệt nhóm tấn công.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Bất ổn ở Mali kể từ năm 2012
Mali lâm vào tình trạng bất ổn kể từ tháng 1.2012. Mới đây, các tay súng Hồi giáo tấn công vào khách sạn cao cấp Radisson Blu ở thủ đô Bamako, bắt giữ trên 170 người làm con tin vào ngày 20.11, theo AFP.
Lực lượng an ninh Mali gần khách sạn cao cấp Radisson Blu ở thủ đô Bamako ngày 20.11.2015 - Ảnh: Reuters
Năm 2012: Các nhóm phiến quân Hồi giáo chiếm miền bắc Mali vào năm 2012.
17.1.2012: Các tay súng người Tuareg thuộc nhóm Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad (MNLA) và nhóm phiến quân khác nổi dậy chiếm một số thị trấn miền bắc Mali.
22.3.2012: Các binh sĩ quân đội Mali nổi loạn do Đại úy Amadou Sanogo đứng đầu tuyên bố đã lật đổ chính quyền Mali, cho biết vì chính quyền không cung cấp đủ phương tiện và vũ khí để lực lượng vũ trang đánh bại phiến quân.
30.3-1.4.2012: MNLA và các tay súng Hồi giáo có dính líu mạng lưới khủng bố al-Qaeda chiếm thủ phủ của ba vùng miền bắc: Kidal, Gao và Timbuktu. Sau đó, các tay súng Hồi giáo đánh bại MNLA, thống lĩnh miền bắc Mali.
Năm 2013: Pháp can thiệp quân sự vào Mali.
11.1.2013: Quân đội Pháp tiến hành Chiến dịch Serval hậu thuẫn quân đội Mali và đẩy lùi các tay súng Hồi giáo đang chuẩn bị chiếm thủ đô Bamako. Kể từ ngày 14.1.2013, các tay súng Hồi giáo bỏ chạy khỏi các thành phố ở miền bắc Mali sau khi bị Pháp dội bom và triển khai lực lượng bộ binh tác chiến.
26-28.1.2013: Các binh sĩ quốc tế do Pháp dẫn đầu tái chiếm Gao và Timbuktu. Ngày 30.1.2013, lính Pháp tái kiểm soát sân bay ở thành phố Kidal. Vài ngày sau đó, 1.800 binh sĩ của Cộng hòa Chad đến hỗ trợ và kiểm soát hoàn toàn Kidal.
Xe của lực lượng an ninh Mali gần khách sạn cao cấp Radisson Blu ở thủ đô Bamako ngày 20.11.2015 - Ảnh: Reuters
Năm 2014: Kidal rơi vào tay MNLA
21.5.2014: Các tay súng MNLA tuyên bố đã kiểm soát được Kidal và các thành phố miền bắc Mali sau những đợt giao tranh với quân đội Mali.
24.5.2014: Chính quyền Mali ký thỏa thuận ngừng bắn với ba nhóm phiến quân.
13.7.2014: Quân đội Pháp thay Chiến dịch Serval thành Chiến dịch Barkhane, mở rộng những đợt tấn công nhắm vào các tay súng Hồi giáo, triển khai 3.000 quân đến 5 quốc gia châu Phi kể từ đầu tháng 8.2014.
Năm 2015: hàng loạt vụ tấn công
7.3.2015: Nhóm Al-Murabitoun lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công vào quán bar và nhà hàng ở trung tâm thủ đô Bamako, chủ yếu nhắm vào những người phương Tây, khiến 5 người chết, trong đó có 3 người Mali, 1 công dân Pháp và 1 người Bỉ.
2.7.2015: Các phần tử al-Qaeda phục kích, giết chết 6 lính gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại thành phố Timbuktu. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực thi các thỏa thuận ngừng bắn.
3.8.2015: Khoảng 10 binh sĩ Mali thiệt mạng sau khi các phần tử al-Qaeda tấn công doanh trại của họ ở Timbuktu.
7.8.2015: 13 người chết sau một vụ bắt giữ con tin tại khách sạn ở miền trung Mali. Vụ bắt giữ con tin kết thúc khi các binh sĩ Mali ập vào khách sạn, tiêu diệt các tay súng Hồi giáo.
20.11.2015: Lực lượng an ninh Mali xông vào khách sạn cao cấp Radisson Blu ở thủ đô Bamako sau khi các tay súng Hồi giáo bắt giữ 170 khách và nhân viên khách sạn làm con tin, khiến ít nhất 3 người chết.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Khủng bố khách sạn Mali: Chi nhánh al-Qaeda nhận trách nhiệm Một nhóm thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda vừa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc 170 con tin tại khách sạn ở Mali. Theo hãng tin Reuters, al-Murabitoun, một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Bắc Phi có liên hệ với tổ chức khủng bố a-Qaeda vừa lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công...