Lệ Thủy làm từ thiện
52 năm đi hát cải lương, NSƯT Lệ Thủy không chỉ được khán giả vì nghề mà còn yêu mến vì tấm lòng của chị đối với người nghèo khó.
NSƯT Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương đại diện Sân Khấu Vàng tặng quà cho Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ – Ảnh: Th.Hiệp
“Tôi quê mùa lắm”
Thật sự tôi quen biết và viết rất nhiều bài về Lệ Thủy đã 16 năm trời, nhưng chị không bao giờ cho tôi khai thác chuyện chị đi làm từ thiện thế nào. Thiên hạ đồn đãi hoài về chị, tôi hỏi thì chị cười cười rồi lắc đầu. Chị cũng giữ kẽ với nhiều báo khác như thế. Giờ “khai thác” mãi, chị mới nể tình chịu nói. Vẫn giọng miền Nam giản dị chân phương: “Tôi quê mùa lắm! Tôi hổng phải dân sang. Thành ra tôi dễ đi với người nghèo khó”, cô đào từng xuất thân là cô bé bán chuối chiên ở khu Khánh Hội (quận 4), lam lũ với người bình dân, lớn lên cũng không mất đi dấu ấn của người bình dân, dù đã là ngôi sao rực rỡ trong lòng khán giả.
Tháng 9.2011, NSƯT Lệ Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong các hoạt động xã hội từ thiện; được Bộ Ngoại giao Lào tặng bằng khen vì những chuyến đi từ thiện với bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam.
Sau ngày giải phóng chừng 2, 3 năm, một cơ duyên khiến chị gặp gỡ những người bệnh tâm thần. Thấy thương họ quá, chị bèn mua thức ăn giúp họ. Cho họ ăn mấy lần, chị rủ thêm bạn bè cùng tổ chức những chuyến đi thăm lớn hơn, mua thức ăn nhiều hơn. Vậy là hình thành một nhóm bạn gọi là “nhóm Lệ Thủy”, sau này có bà Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình. Nhờ vậy, lần nào nhóm đi cứu trợ đều có xe miễn phí. Rồi Lệ Thủy có thêm nhiều bạn mới, là những chị em tiểu thương ở chợ Kim Biên và An Đông. Họ đi các tỉnh, tặng quà và khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo, làm cầu, đào giếng, giúp bệnh nhân cùi, tâm thần, ung thư… bền bỉ và thầm lặng mấy chục năm trời. Lệ Thủy không bao giờ thông báo hay kêu gọi phóng viên các báo đi theo, hình ảnh cũng lơ là không chịu chụp, bạn bè xúm nhau bấm vài tấm kỷ niệm thì họ giữ hết. Chị vẫn là một Lệ Thủy hiền lành, giản dị như khi lên sân khấu.
Nhưng đi làm từ thiện thì Lệ Thủy có cơ hội thử làm “bầu sô”, cũng năng động ra phết. Nào kêu gọi, nào quyên góp, lên kế hoạch, thậm chí lên xe thì chị không dám ngủ mà còn ca hát giúp vui và kể chuyện cười, làm hoạt náo viên cho mọi người khỏe ra, tỉnh táo, đủ sức vượt mấy trăm cây số. Chị còn tinh tế trong ứng xử, để luôn gần gũi với người dân. Chị nói: “Bạn tôi nhiều người giàu lắm, họ quen đeo trang sức lộng lẫy. Tôi khều khều nhắc khéo: “Cất bớt đi bồ! Mình đi gặp người nghèo, đeo như vậy họ thấy họ tủi”. Cả giày gót cao tôi cũng nhắc đổi thành giày bệt, vừa giản dị vừa khỏi té khi xuống đường làng”.
Khi đi làm từ thiện, chị còn trùm cái nón vải trông cứ như một chị tiểu thương ngoài chợ. Thật sự, ngay ở nhà hằng ngày chị cũng ăn mặc rất đơn giản, có lần cười khoe áo mới: “Rẻ rề hà! Mua ngoài chợ nè! Tôi chẳng bao giờ xài hàng hiệu. Giá cao quá thấy xót”. Thế nhưng, chị có thể móc túi cả chục triệu cho người khác mà không xót chút nào. Khi huy động tiền làm từ thiện, chị rất khéo léo chia nhỏ số tiền đóng góp để nhiều người bạn cùng được đóng góp cho vui. “Có người hễ tôi xin là cho cái rụp mấy chục triệu, nhưng tôi nói góp 5 triệu thôi, để bạn khác hùn nữa chớ. Tiền dư thì để lần sau. Như vậy cả nhóm mới gắn bó lâu dài”, chị cười. Và cứ lai rai mỗi người 1 triệu 2 triệu mà dắt tay nhau đi suốt con đường…
NSƯT Lệ Thủy trong vở Sông dài trên Sân khấu Vàng – Ảnh: M.Châu
Mỗi suất hát là một ngôi nhà
Năm 2008, NSƯT Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương kêu gọi anh em nghệ sĩ thành lập Sân Khấu Vàng, hát thường xuyên tại rạp Hưng Đạo. Mỗi suất hát, trích tiền bán vé ra tặng ngay một ngôi nhà tình thương, còn bao nhiêu mới trả cát sê cho anh em. Toàn “ngôi sao”, vậy mà mỗi người chỉ lãnh 500.000 đồng hoặc 1 triệu, vẫn vui hớn hở. Những bà con nghèo lặn lội từ quê lên nhận tiền cất nhà đã rưng rưng nước mắt. Cho tới năm 2010 thì Sân Khấu Vàng giúp được 32 ngôi nhà. Chỉ tiếc là sau đó nghệ sĩ Minh Vương bệnh nặng, yếu sức không dám diễn tuồng dài nữa, cộng thêm rạp Hưng Đạo bị đập chờ xây sửa lại, nên Sân Khấu Vàng tạm ngưng biểu diễn. Nhưng dấu ấn của sân khấu này đã lưu lại trong lòng khán giả vì những căn nhà đầy ắp nghĩa tình. Bởi trong lúc cải lương dồn dập khó khăn, nghệ sĩ chạy sô tứ tán, vậy mà anh em vẫn tập hợp về làm được một chặng đường như thế, đâu phải đơn giản.
Lệ Thủy tâm sự: “Lúc tôi làm từ thiện, có người cũng xì xầm là mượn hoa cúng Phật. Nhưng không lẽ mình gánh vác nổi một mình, cần vận động kinh phí từ anh em, cần tới sức mạnh tập thể chứ. Mà thôi, ở đời chín người mười ý, mình cứ thành tâm mà làm, đừng có nản, đừng có giận hờn”.
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Bạch Tuyết: 'Cải lương hôm nay không hề èo uột'
NSƯT Bạch Tuyết cho rằng, năm qua là một năm hoạt động sôi nổi của bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Chị chia sẻ rằng chưa bao giờ mất niềm tin vào thế hệ kế thừa môn nghệ thuật truyền thống.
- Năm qua, chị thường xuyên đứng lớp ở các khóa cải lương dành cho các bạn trẻ. Với chị, công việc này mang ý nghĩa thế nào?
- Ngày trước, khi má Bảy Phùng Há (NSND Phùng Há) dạy cải lương cho thế hệ chúng tôi, bà thường nói: "Con đừng nghĩ rằng khi má dạy con thì chỉ có má là thầy con mà đó cũng là lúc má học lại từ con".
Mỗi thời có hơi thở tuổi trẻ, sức sống riêng. Vì thế, mỗi ngày mỗi giờ tôi đứng lớp, tôi không chỉ muốn truyền nghề mà cố gắng nói về những giá trị tốt đẹp nhất của nghệ thuật cải lương. Qua trao đổi, các bạn trẻ sẽ rèn lửa nghề của bản thân.
NSƯT Bạch Tuyết là người ăn chay. Chị luôn giữ được sức khỏe tốt và vẻ tươi tắn.
- Tiếp xúc nhiều với người trẻ, chị nhận thấy giữa môi trường phát triển của thế hệ chị và của họ có khoảng cách gì?
- Thời tôi, bầu gánh đi săn tìm người trẻ có năng khiếu để ký hợp đồng. Khi về đoàn, ông bầu mời các nghệ sĩ bậc thầy đến để truyền nghề cũng như vạch ra một quy trình để xây dựng tên tuổi. Bên cạnh học nghề từ căn bản đến nâng cao, các nghệ sĩ được ông bầu mời các soạn giả viết tuồng, đo ni nhân vật cho từng người, mỗi buổi tập tuồng là một buổi học nghề - dạy nghề - làm nghề. Thầy tuồng là linh hồn của sàn tập. Với môi trường đào tạo, đầu tư và phát triển như vậy, khoảng 4-5 năm sau, nhiều người trong số các diễn viên trẻ ấy đã được khán giả thừa nhận và tôn vinh.
Trong khi đó, các bạn trẻ ngày nay, dù vẫn được tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp, làm nghề nhưng tính chuyên nghiệp và độ khắc nghiệt của nghề không nhiều. Từ kỹ năng đến khả năng, hay kỹ thuật sân khấu, kỷ luật sàn diễn... chưa được nhìn nhận và nhận thức một cách rốt ráo. Đôi khi, trong môi trường tưởng chừng có tính tập thể và mô phạm ấy, các bạn lại phải tự thân vận động một cách khá đơn độc. Các bạn "chiến đấu" cam go hơn chúng tôi là vì thế!
- Khoảng cách ấy khiến sự phát triển của nghệ thuật cải lương hôm nay khác biệt gì với trước đây?
- Điều đó dẫn đến hiện trạng, đất sống của cải lương hiện nay quá lớn so với ngày xưa nhưng lại quá ít tính chuyên nghiệp. Việc không chăm chút tuồng tích, đặt để bài bản dễ dãi, đơn điệu, lạc điệu khiến tính ca - kịch bị mài mòn. Dàn dựng thì nặng tính lắp ráp hơn là thống nhất đường dây - chỉnh thể, kết cấu, nhịp độ rời rạc, chậm chạp... Tất cả khiến cho nhiều vở cải lương xa rời nhịp điệu cuộc sống.
Năm qua, "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết (phải) chuyên tâm rèn nghề cho các học trò đến với bộ môn nghệ thuật cổ truyền.
- Chị đánh giá sao về tình hình cải lương trong năm qua?
- Vẫn hoạt động một cách bình thường và... bất thường. Nghệ sĩ cải lương vẫn dập dìu chạy sô, nhạc sĩ cho đến nhạc công vẫn dày lịch làm việc. Nhưng sân khấu vẫn cứ vắng những vở diễn, vai diễn mới, hay, chất lượng, chỉ dày đặc những chương trình trích đoạn, bài ca lẻ...
Nhưng, năm 2011 cải lương vẫn sôi động với sự lên ngôi của Chuông vàng vọng cổ và sự khởi động trở lại giải Trần Hữu Trang. Đó không đơn thuần là hai cuộc thi, nó làm sống dậy và sống khỏe một không khí cải lương với người trong nghề lẫn công chúng. Tôi vui cùng cải lương trong năm qua.
- Nhưng thực tế cải lương đang co cụm và thoi thóp, chị thấy sao?
- Bạn thử so sánh tần suất sáng đèn của Nhà hát Hòa Bình hay Sân khấu Lan Anh với rạp Thủ Đô sẽ thấy loại hình nào đang sống khỏe hơn loại hình nào. Cũng như tần suất của cải lương, đờn ca tài tử trên sóng HTV hay nhiều đài truyền hình - phát thanh tỉnh, thành thì bạn sẽ thấy cải lương chưa bao giờ "hấp hối".
- Trước những tình trạng như diễn viên cải lương hát nhép, không thuộc lời hát phải trông vào người nhắc tuồng..., theo chị, đâu là cách giải quyết?
- Ngày xưa người nghệ sĩ cải lương có nhà hát đúng nghĩa để hoạt động nghệ thuật. Hiện nay, các vở diễn hầu như được hát trong các hội trường chứ không có một nhà hát chính quy. Ngay cả Nhà hát TP HCM cũng bị biến thành hội trường vì nó không có hệ thống âm thanh micro live.
Tôi tin bất cứ nghệ sĩ cải lương chân chính nào cũng muốn tiếng hát của mình đến với khán giả một cách tốt nhất. Vì thế, không có một nhà hát hỗ trợ thì đôi lúc họ phải nhờ đến những phương tiện khác.
Còn với tình trạng chung như hiện nay là nghệ sĩ phải tập tuồng ở một nơi mà chuột nhởn nhơ rồi sau đó mới ra hát ở một nơi đàng hoàng thì không thể nào tránh khỏi trục trặc. Ngày trước, nghệ sĩ bỏ cả tháng trời tập tuồng, còn bây giờ đa số không có thời gian và điều kiện đủ để làm được điều đó. Đôi lúc chúng ta nghe khán giả buồn phiền, đang muốn thả hồn xem nghệ sĩ hát trên sân khấu bỗng ngỡ ngàng khi nghe tiếng nhắc tuồng lồng lộng song song với tiếng ca, lời thoại. Đây là một điểm yếu mà nghệ sĩ cải lương hiện nay nên cố gắng khắc phục.
- Lời dạy nào từ các người thầy khiến chị nhớ nhất?
- "Trước khi là một người nghệ sĩ con hãy là một công dân tử tế", ba Năm Châu và má Bảy Phùng Há đã dạy tôi như thế.
Tôi nhớ hoài một câu của thái hậu Dương Vân Nga trong vở Dương Vân Nga của Trúc Đường - Hoa Phượng, khi bà thuyết phục Lê Hoàn để trao long bào: "Nếu như khanh đường hoàng ngự trên chín bệ thì ta cùng với ấu quân sẽ trở về sống cuộc đời của một thứ dân. Ta sẽ dạy con ta rằng, giang sơn là của chung trăm họ! Người anh hùng hào kiệt không thể dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện của muôn nhà".
Tôi nghĩ, những câu thoại mang đầy tính quy luật như trên, cho dẫu làm người, làm quan, làm chúa hay làm tôi đều cần phải học. Dù chúng ta có giỏi như thế nào đi nữa thì cũng đừng quên hãy sống tử tế như những người bình thường.
NSƯT Bạch Tuyết là Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.
- Điều gì khiến chị hạnh phúc trong năm qua?
- Lần đầu tiên tôi nhận lời đứng lớp và chính thức làm thầy. Học trò của tôi và của nhiều thầy cô trong khóa giảng này đã được truyền thụ những kiến thức nghề, đạo đức nghề tinh túy và tâm huyết nhất. Tất cả đều chung một đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm. Những cái tên Nguyễn Văn Mẹo, Phùng Ngọc Bảy, Diễm Kiều, Hoàng Hải, Khang Hữu Điền... đã được "ấn chứng" tại Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang...
Hạnh phúc nữa là khóa học này nhận được sự chỉ đạo và bảo trợ của Thành ủy, UBND TP HCM. Điều đó chứng tỏ rằng, bên cạnh sự tập trung sức lực để phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo thành phố đã không quên đến việc chăm lo phát triển văn hóa, trong đó có bộ môn cải lương. Cái tâm và cái tầm của những người có trách nhiệm đã tạo được sự cân bằng cho diện mạo văn hóa thành phố.
- Những việc gì chị đang ấp ủ cho cải lương?
- Tôi đã thực hiện DVD cải lương "Phật giáo trong lòng dân tộc" của sư ông Thích Thanh Từ. Cùng với việc thực hiện các trường ca cải lương như: Trường ca Pháp cú, Trường ca kinh Kim Cương, Trường ca về Phật hoàng Trần Nhân Tông..., tôi cũng vừa chuyển thể xong tác phẩm Trên đỉnh tuyết sơn của một thiền sư Tây Tạng sang trường ca.
Tôi còn thực hiện hai CD cùng với học trò là ca sĩ Phương Trần và nghệ sĩ trẻ Khang Hữu Điền, gồm: "Cải lương thính phòng 1, Trịnh Công Sơn - Bạch Tuyết", "Cải lương thính phòng 2, Gợi giấc mơ xưa". Đây là món quà dành tặng những khán giả tri âm tri kỷ của cải lương, chứ tôi không bán.
- Chị hy vọng điều gì cho năm mới?
- Tôi vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn thưởng thức những giá trị cuộc đời đang hiện diện. Tôi không chờ đợi, không thất vọng nên gần như cũng chẳng kỳ vọng gì, bởi đằng sau những cụm từ xúc cảm nói trên, mọi thứ hãy còn mơ hồ, mông lung.
Tôi thích sự rõ ràng, đơn giản. Nhưng thú thật, tôi lại tin vào một năm con Rồng sáng sủa hơn cho đất nước. Hình như, trong khó khăn, trong thử thách, cái chữ S này lại dẻo dai hơn, uyển chuyển hơn, ứng biến hơn...
Theo VN Express
NSƯT Bạch Tuyết: "Vẫn mắc nợ nhân sinh" Bao niềm vui, nỗi buồn, cả những vị mặn của thế thái nhân tình đi qua cuộc đời - sàn diễn, lại là chất liệu sống - gom thành cái triết lý xanh tươi nhất cho NSƯT Bạch Tuyết: "Sống là cho và được cho". Và, hôm nay, may mắn được trò chuyện cùng chị, tôi mới thực sự nhận ra những điều...