Lệ làng thời nay – Bài 1: Cấm yêu!
Từ bao đời nay, theo tục xưa để lại, trai gái hai làng không được phép kết hôn, thậm chí nếu lớp trẻ quá đà yêu đương nhau sẽ bị “khai trừ ra khỏi làng”.
Chuyện thật tưởng như đùa đang diễn ra tại 2 làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng (cùng thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Gốc gác của tục “ cấm yêu”
Tương truyền, cách đây hàng ngàn năm, mỗi làng chỉ có một người sống sót và kết nghĩa anh – em. Từ đó, người dân hai làng coi nhau là anh em một nhà, gắn bó khăng khít.
Theo tục này, Xuân Biều là “làng anh”, còn Cẩm Hoàng là “làng em”. Tình cảm gắn bó thân thiết dân làng hai bên cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trị thiên tai, bão lũ, cùng tu sửa đình làng, đắp đê làm thủy lợi phục vụ mùa màng…
Màn nghi lễ rước thánh được xem là sự gắn kết của hai làng, là dịp để các cụ cao niên giao lưu chia sẻ với nhau. Ngày 3 tháng 9 âm lịch hàng năm, “người anh” Xuân Biều mở hội với đầy đủ lễ vật xuôi thuyền về Cẩm Hoàng trong sự nghênh đón của “người em”.
Cổng làng Xuân Biều đã được xây mới nhưng tập tục cấm trai gái kết hôn với làng Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn được giữ nguyên – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Một góc làng quê Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm), nơi vẫn còn giữ tục cấm trai gái kết hôn với làng Xuân Biều – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đến ngày 6 tháng 9, lại đến lượt Xuân Biều đón lễ rước “người em” Cẩm Hoàng trong nghi lễ trang trọng, cờ rong trống mở.
Trước đây, cứ mỗi năm nghi lễ được tổ chức một lần nhưng do tốn kém, lãng phí, hai làng giao ước lại 5 năm em đón anh một lần. Trong buổi lễ đón rước nhau, các bậc cao niên, những chức sắc trong thôn không thiếu một ai thì mới được.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, việc thực hiện hương ước 2 làng rất nghiêm túc, phải tuyệt đối tuân thủ. Cứ thế, đời này qua đời khác, như một luật lệ bất thành văn cấm trai gái 2 làng không được phép kết hôn vì cùng là dân anh, dân em kết nghĩa một nhà.
Video đang HOT
Bi kịch lệ làng
Vừa đặt chân tới xã Xuân Cẩm, hỏi về lệ xưa, bất kỳ thanh niên, nam nữ, già trẻ hai làng đều lắc đầu nguầy nguậy: “Không lấy được đâu, nhất định không ai cho lấy đâu”. Trai gái hai làng lỡ có yêu thì cũng phải lén lút hoặc rời làng đi nơi khác chứ “lộ” ra, đôi bên hai họ biết chuyện sẽ ngăn cấm kịch liệt và tìm mọi cách phá bỏ.
Người dân Xuân Cẩm vẫn thường rỉ tai nhau về câu chuyện của chị Ngô Thị Liên (44 tuổi), người làng Xuân Biều và anh Thành, người gốc Cẩm Hoàng để minh chứng cho sự hiện diện của “lệ làng” trong đời sống người dân hôm nay.
“Cha truyền con nối, các cụ dạy con cháu phải biết nghe theo. Anh, em nhất định không cho lấy nhau được”.
Bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) – mẹ đẻ chị Liên
20 năm về trước, giữa chị Liên và anh Thành đã nảy sinh tình cảm. Sợ dòng họ cấm đoán, hai người cùng trốn vào Đắk Lắk làm ăn sinh sống rồi sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Anh Thành sinh sống ở Sơn Tây (Hà Nội) từ nhỏ nhưng ông nội lại là người gốc Cẩm Hoàng. Hồi ấy hai làng Xuân Biều, Cẩm Hoàng có nhiều người vào miền Nam khai hoang lập nghiệp. Mối tình vụng trộm của chị Liên và anh Thành đã bị phát hiện, vỡ lở.
Lúc đó, người dân hai làng cùng đồng lòng ngăn cản “phá phách” chửi rủa, người thân trong dòng họ một mực kiên quyết không cho hai người đến với nhau vì đã “phạm thượng” vào phép nước của ông cha, tổ tiên.
Dân làng điều tiếng qua lại xôn xao, hai người chỉ dám lén lút gặp nhau, chuyện làm thủ tục cưới xin mãi mãi là ước muốn xa vời. Sau đó, anh Thành chuyển về quê sinh sống và không may qua đời trong một lần tai nạn. Buồn chán, về sau chị Liên đón đứa con trai nhỏ rồi bỏ làng đi làm ăn xa nhiều năm không về.
Cho tới bây giờ, trò chuyện với chúng tôi, mẹ đẻ của chị Liên – bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) vẫn khăng khăng: “Cha truyền con nối, các cụ dạy con cháu phải biết nghe theo. Anh, em nhất định không cho lấy nhau được”.
Bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi) – mẹ đẻ chị Liên vẫn khăng khăng giữ nguyên tục lệ – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo cụ Thưỡi, từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ trai gái 2 làng kết hôn với nhau. Chỉ có những trường hợp “lách” lệ như người có gốc gác ở nơi khác di cư tới Xuân Biều và Cẩm Hoàng sinh sống thì may ra mới được chấp nhận.
Câu chuyện của chị Vũ Thị Hương (ở Cẩm Hoàng) với anh Vinh (người làng Xuân Biều) đã ăn ở với nhau sinh được 3 mặt con là một minh chứng rõ ràng. Thời gian đầu, dân làng hai bên kịch liệt phản đối vì đôi nam nữ, thế nhưng cuối cùng hai người vẫn đến được với nhau.
Cha đẻ của chị Hương, ông Vũ Văn Phán (81 tuổi) phân trần lý giải: “Xét đi xét lại, bố của thằng Vinh (con rể – PV) là người gốc Thanh Hóa, lấy vợ ở rể làng Xuân Biều. Thế nên thằng Vinh gốc là người Thanh Hóa, vì thế chúng nó mới lấy được nhau chứ”.
Trải qua thời gian, luật tục làng nước ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Xuân Biều, Cẩm Hoàng như máu thịt. Lớp trẻ lớn lên được các cụ răn đe, nhắc nhở từ nhỏ nên tự biết lề thói luật tục của làng nước, chẳng ai dám yêu nhau.
Ông Ngô Kim Nga (76 tuổi, thầy giáo về hưu thuộc người làng Xuân Biều) cho rằng: “Trường hợp của chị Liên và anh Thành chỉ là cá biệt ở làng do các cháu đi xa không tìm hiểu được gốc tích nên mới trót yêu nhau. Tôi thấy đây là truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại thì cần gìn giữ, duy trì và phát huy. Bởi vì quan hệ yêu đương tình cảm thì người ngoài đâu có thiếu gì”.
Ông Ngô Kim Nga (76 tuổi, thầy giáo về hưu thuộc người làng Xuân Biều) cho rằng “lớp trẻ quá đà yêu đương nhau sẽ bị khai trừ ra khỏi làng” – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo ông giáo Nga, nếu lớp trẻ quá đà yêu đương nhau thì sẽ bị “khai trừ ra khỏi làng”. Đây được coi là hình phạt cao nhất để người dân tuân thủ quy ước một cách nghiêm túc.
Nhớ lại mối tình buồn của em gái, bác Ngô Văn Đạo (57 tuổi, người làng Xuân Biều) – anh trai của chị Liên bộc bạch: “Tình cảm giúp đỡ tương trợ giữa hai làng thì vẫn duy trì. Còn chuyện nam nữ thanh niên tìm hiểu chính đáng có thể cho kết hôn với nhau được, chứ ngăn cấm thì vô cùng. Trước đây còn được, bây giờ thì lạc hậu”.
Chuyện cấm kết hôn trở thành hủ tục nặng nề quá, không còn phù hợp nếp văn hóa mới, trái lại quy định pháp luật
Ông Ngô Trí Thức, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Ngô Trí Thức, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm bày tỏ: “Chúng tôi tán thành mối quan hệ anh em khăng khít tốt đẹp hai làng, cùng xây dựng đời sống văn hóa chứ chưa bao giờ can thiệp sâu quá vào mối quan hệ này, cứ để tự nhiên theo hương ước hai làng quy định với nhau thôi”.
Theo ông Thức, riêng chuyện cấm kết hôn trở thành hủ tục nặng nề quá, không còn phù hợp nếp văn hóa mới, trái lại quy định pháp luật.
“Nếu muốn thay đổi được thì phải vận động tất cả các đoàn thể xã hội vào cuộc tuyên truyền, chứ chỉ đạo cứng nhắc thì không thể thành công”, ông Thức nói.
Ngoài hai làng kể trên, dọc theo con sông Cầu thơ mộng người ta còn thấy làng Nga Trại kết chạ với làng Đông Lâm (cùng thuộc xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang); làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kết chạ với làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Tục lệ từ ngàn năm trước để lại vẫn được các dòng họ hai làng “tôn sùng” như hương ước bất di bất dịch với nhau. Theo thời gian, bộ mặt làng quê đổi thay từng ngày nhưng lệ làng vẫn còn đó ăn sâu vào đời sống người dân nên lớp trẻ ở hai làng kết giao dù đi đâu về đâu nhưng cũng chẳng ai dám yêu nhau.
Theo TNO
Điện Biên 'chạy nước rút' trước thềm đại lễ
Chỉ còn vài ngày nữa tới đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng nhiều công trình nằm trong quy hoạch khu di tích Điện Biên Phủ (TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên) vẫn còn đang dang dở, ngổn ngang.
Các hạng mục bên trong bảo tàng vẫn chưa được hoàn thiện - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Được coi là công trình trọng điểm phục vụ đại lễ, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (P.Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ) giai đoạn 2 đang rốt ráo chạy đua với thời gian để hoàn thành kịp tiến độ. Dự án đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt năm 2011, với tổng vốn đầu tư 211,561 tỉ đồng do Ban Quản lý (BQL) dự án di tích Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư. Công trình bắt đầu khởi công từ 1.10.2012, gồm 2 hạng mục mỹ thuật chính là nhà bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử và bức tranh panorama tái hiện diễn biến toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo dự kiến, hạng mục nhà bảo tàng trưng bày hoàn thành cơ bản vào ngày 30.4.2014 còn hạng mục tranh panorama hoàn thành toàn bộ vào năm 2016.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, công trình bảo tàng vẫn đang ngổn ngang gạch đất và vật liệu xây dựng. Nhiều hạng mục ngoài trời như hệ thống đèn chiếu sáng, cống thoát nước, sân gạch, khu trồng cỏ... vẫn còn ngổn ngang. Bên trong khuôn viên nhà bảo tàng công nhân vẫn miệt mài lắp ráp trần nhà, xẻ đá để lát nền... Nhiều phòng trưng bày vẫn chưa được lắp trần nhà, tôn, thép, vật liệu xây dựng vẫn còn ngổn ngang khắp nơi. Ở nền đất xung quanh, bao tải cỏ được mang đến nhưng vẫn chưa trồng kịp. Trên tầng 2, nhiều bức tường chưa được hoàn thiện. Các ca kíp công nhân thay nhau làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Đến ngày hôm qua 30.4, công trình vẫn chưa mở cửa cho du khách vào tham quan như dự kiến.
Công nhân đang thi công ngoài trời vào chiều 24.4 - Ảnh: N.Tuấn
Tương tự bảo tàng, công trình nghĩa trang liệt sĩ Him Lam cũng đang "chạy nước rút". Nhiều tuyến đường trong khu trung tâm TP.Điện Biên vẫn còn dở dang...
Trong khi đó, theo bản báo cáo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ngày 23.4, BQL dự án di tích Điện Biên Phủ khẳng định các hạng mục nhà bảo tàng; hạng mục ngoài trời (thảm cỏ, sân đường nội bộ, ta luy cỏ), hệ thống thoát nước, chiếu sáng; công tác trưng bày hiện vật... đã hoàn thành.
Một cán bộ thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh Điện Biên cho rằng, trước đây, năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, "cả thành phố như một công trường, bây giờ kỷ niệm năm 60 năm tình trạng đó lại tái diễn".
"Không kịp thì vỡ trận" Trả lời Thanh Niên về tiến độ công trình, ông Đào Ngọc Lượng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Điện Biên, kiêm Giám đốc BQL dự án di tích Điện Biên Phủ, quả quyết "bắt buộc phải làm kịp đại lễ chứ, tiến độ phải đẩy nhanh nếu không thì vỡ trận, lãnh đạo tỉnh vẫn tiến hành kiểm tra hằng ngày". "Lát gạch, trồng cây được đến đâu thì đến. Trong đại lễ, công nhân vẫn làm bình thường miễn là không ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách", ông Lượng nói.
Theo TNO
Nhà xe đội giá, nhồi nhét khách dịp lễ Tình trạng nhà xe đội giá, nhồi nhét hành khách tiếp tục tái diễn tại các bến xe Hà Nội trong hai ngày 29 - 30.4 vừa qua. Khu vực quầy bán vé ở Bến xe Giáp Bát đông nghẹt người trong chiều 29.4 - Ảnh: Nguyễn Tuấn Do kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài 5 ngày nên lượng...