Lễ ký kết chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh
Mục tiêu của việc ký kết thỏa thuận hợp tác là đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động ở Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra sẽ tăng lên hằng năm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung điện tử Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: V
Sáng 21/9, tại thành phố Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì Lễ ký kết 3 bên gồm: Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn về công nghiệp hỗ trợ
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết hiện nay, Bắc Ninh thu hút gần 1.600 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, trong đó các dự án đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm trên 60% và riêng Công ty Samsung (9,3 tỷ USD) chiếm gần 50% tổng số vốn đăng ký.
Samsung đang là đối tác hàng đầu và rất quan trọng của tỉnh Bắc Ninh. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Công ty Samsung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước, Samsung và các doanh nghiệp vệ tinh còn hạn chế.
Đặc biệt, giữa Bắc Ninh và Samsung cũng chưa xây dựng được cơ chế hợp tác đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo biên bản ghi nhớ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh được thực hiện trong 6 năm (2020-2025), bao gồm 2 nội dung chính: chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung ứng.
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này là đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra sẽ tăng lên hằng năm thông qua việc thực hiện các chương trình hợp tác.
Với chương trình tư vấn, Samsung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện sản xuất và quản lý chất lượng.
Video đang HOT
Về chương trình phát triển nhà cung ứng, theo biên bản ký kết, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn Bắc Ninh được ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: lương thực, nông sản, thực phẩm; dịch vụ y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng thiết bị phụ tùng sửa chữa thay thế và vật tư tiêu hao; dịch vụ vận tải… nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về nhà cung cấp của Samsung.
Các nhà cung ứng Việt Nam hiện hữu nếu đảm bảo tiêu chuẩn của Samsung sẽ được ưu tiên cung ứng những linh kiện có giá trị cao và số lượng lớn, có xem xét tới năng lực cung ứng và nhu cầu của Samsung.
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Samsung Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu hơn nữa trong thời gian tới.
Samsung đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu ưu tú, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực trong lĩnh vực khuôn – một lĩnh vực được coi là gốc rễ của ngành công nghiệp chế tạo.
Việc Samsung ký kết chương trình là tiền đề để Samsung chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, vươn tầm quốc tế.
Phát triển quan hệ đối tác chiến lược
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, từ năm 2009, hai nước đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Mối quan hệ đó không chỉ thể hiện ở sự tin cậy về chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, mà còn hợp tác thực chất trên lợi ích hai dân tộc; đặc biệt trên các lĩnh vực: khoa học, kỹ thuật… Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngoại giao nhân dân tốt đẹp, đông đảo công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc và ngược lại.
Theo Phó Thủ tướng, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất, là đối tác thương mại lớn thứ hai và cung cấp vốn ODA lớn thứ hai của Việt Nam. Trong số đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam; tạo ra nhiều việc làm; tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Bắc Ninh rất quan tâm đến đổi mới môi trường đầu tư, là một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Trong thời gian ngắn, Bắc Ninh từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư, đặc biệt là quy mô kinh tế, giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đời sống người dân không ngừng nâng cao; thúc đẩy quá trình đô thị hóa… Những kết quả đó đưa Bắc Ninh trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định phải đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để Việt Nam sớm trở thành một nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam tập trung thực hiện các bước đột phá chiến lược; đồng thời tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Trong đó, thay vì phát triển nền kinh tế theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ…) thì phải hướng nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế tri thức là giá trị phát triển. Trong công nghiệp, thay vì gia công, lắp ráp thì phát triển nền công nghiệp sản xuất, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện, phải tập trung công nghiệp hỗ trợ, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu để nâng cao chất lượng, quy mô và sức cạnh tranh; góp phần tạo nhiều việc làm mới và nâng cao thu nhập của người dân,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định hiện nay, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới như công nghiệp hỗ trợ quy mô còn nhỏ, sản phẩn ít, giá thành cao, thiếu cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài ngay trong nội địa; năng lực về quản trị, nguồn vốn còn thua kém với các nước đã phát triển đi trước… Do đó, chương trình ký hợp tác về công nghiệp hỗ trợ lần này là giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại. Đây là hình mẫu để các doanh nghiệp khác học tập.
Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về nguồn lực vốn, nhân lực…; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Bộ có trách nhiệm phát triển mở rộng thị trường nội địa, truyền thống và tìm thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Sau lễ ký kết, Bộ Công Thương sớm có các chương trình cụ thể để triển khai thoả thuận hợp tác đã ký kết ngày hôm nay; tổ chức đàm phán để có thể triển khai các thoả thuận hợp tác tương tự ở các ngành, lĩnh vực khác.
Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tránh theo phong trào, hình thức; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư…
Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số… để tạo điều kiện thu hút nguồn lực.
Ngoài ra, tỉnh cần chủ động bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo… để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý Bắc Ninh tập trung chăm lo đời sống người dân, người lao động; trong đó chú trọng chăm lo nhà ở cho người lao động. Đây là giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo đời sống cho người lao động yên tâm sản xuất; đồng thời góp phần vào quá trình đô thị hóa.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Samsung tiếp tục thể hiện trách nhiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, xây dựng nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng tỷ lệ các sản phẩm nội địa trong sản xuất. Mục tiêu hướng tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung ứng chiếm tỷ trọng cao trong chuỗi sản xuất của Samsung.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp trong nước sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường khu vực và quốc tế để trở thành những nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn ủng hộ sự hợp tác giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tập đoàn lớn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với lễ ký kết chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung ứng tiềm năng tại tỉnh Bắc Ninh./.
Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 tăng 1,5%
Dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.
Trong tháng 8/2020, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 288,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 96,3 nghìn lao động, tăng 1,5% về số doanh nghiệp, tăng 20,7% về vốn đăng ký và tăng 5,4% về số lao động so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 21,6 tỷ đồng, tăng 18,9% so với tháng trước và tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng, cả nước còn có 4.775 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 200,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 8% và tăng 158,5%; có 3.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,6% và tăng 63,4%; có 1.416 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5,9% và tăng 9,3%; có 3.917 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 14,7% và tăng 134,4%.
Tính chung 8 tháng, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.225,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 694,9 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, tăng 6,5% về vốn đăng ký và giảm 16,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.993,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 26,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm nay là 3.218,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,9% so với 8 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên 121,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có gần 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước; 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,9%, trong đó có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 3,8%; 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 11,3%.
88,7 nghìn doanh nghiệp thành lập trong 8 tháng Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%. Tính chung 8 tháng, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng...