Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh: Truyền thống hay hủ tục?
Nên hay không việc giữ lại lễ hội chém lợn? Đây là câu hỏi khó đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong thời gian gần đây.
Truyền thống…
Có mặt tại Phường Thượng ( phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh ) những ngày giáp Tết Ất Mùi, nhịp sống của người dân nơi đây dường như hối hả, nhộn nhịp hơn mọi khi. Ngoài việc chuẩn bị cho một năm mới đã gần kề, mọi người cũng đang háo hức chờ ngày tổ chức hội làng.
Tương truyền, xưa kia có một vị tướng tên là Lý Đoàn Thượng trong lúc đánh trận bị địch bao vây ở vùng núi thôn Ném Thượng (nay là Phường Thượng). Khi gạo và lương thực đã cạn kiệt, quân sĩ đói khát ông đã nghĩ ra cách chém lợn rừng để nuôi quân, rồi phá vòng vây của giặc thoát ra ngoài. Sau đó ông được dân tôn thờ là Thành Hoàng làng, hàng năm tổ chức lễ hội chém lợn để tưởng nhớ công lao khai hoang và bảo vệ vùng đất này của ông.
Sân đình nơi diễn ra lễ chém lợn cúng thần.
Theo đó, cứ mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân khắp nơi lại tập trung về thôn Thượng để tham dự lễ hội chém lợn. Trước đó, người trong làng thống nhất chọn ra những người đàn ông trong độ tuổi 40- 49 tuổi, gia đình truyền thống, gương mẫu nằm trong đội rước lễ. Trong đội rước lễ tiếp tục bầu ra 1 ông tướng cờ, hai ông thủ đao, hai ông đám, đồng niên tuổi 49 (tính cả tuổi mụ là 50) để thực hiện nghi thức chém lợn trong lễ hội.
Ông Nguyễn Đăng Chương thủ đao năm 1999 – 2000.
Ông Nguyễn Đăng Chương (SN 1960, thủ đao năm 1999-2000) chia sẻ: “Tôi được vinh dự làm thủ đao khai xuân hai lần cho làng. Không phải ai cũng có được may mắn ấy nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Về nghi thức chém lợn, có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng theo tôi hoạt động này đã thu hút hàng ngàn khách thập phương đến tham dự lễ hội, đồng thời là nét độc đáo riêng của quê mình, không thể để bị mai một đi được”.
Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê này, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, yên ấm, mùa màng bội thu…
Ông Nguyễn Đình Lợi (Trưởng ban mặt trận – Chi hội trưởng hội người cao tuổi khu phố Thượng) cho biết, lễ hội chém lợn là sự kế thừa truyền thống từ xa xưa để lại. Người dân phố Thượng rất mong muốn được tiếp tục bảo tồn và phát huy lễ hội này, vì nó là một nét văn hóa được cha ông truyền lại từ bao đời nay”.
Hay hủ tục?
Tục chém lợn đã không còn từ sau cách mạng, đến năm 1999 người dân mới bắt đầu khôi phục và lưu truyền cho đến tận ngày nay. Hằng năm lễ hội chém lợn diễn ra thu hút sự tham gia của hàng ngàn du khách thập phương.
Người dân địa phương coi đó là truyền thống, là bản sắc vùng miền, và họ không muốn đánh mất đi những giá trị cao cả mà nó để lại. Trong khi đó phần đông dư luận cho rằng việc cảnh chém lợn trước đông người là quá phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến người xem, trong đó có trẻ em.
Sau khi xem đoạn clip dài khoảng 3 phút quay cảnh lễ hội chém lợn ở khu phố Thượng, nhiều khán giả đã nói lên quan điểm của mình, họ cho rằng nên dừng việc chém lợn trong lễ hội vì hành động đó quá dã man đối với một con vật.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Khắc Niệm cho biết, năm 2013-2014 việc chém lợn không còn diễn ra ở sân đình.
“Tôi không thấy kinh hoàng vì thường người ta cũng mổ, chọc tiết thì cũng không khác gì. Nhưng, ở đây lại là một lễ hội, người lớn, trẻ em… tất cả đều xem và hô hào như vậy đã dẫn đến tâm trí trẻ em bị ảnh hưởng đến bạo lực. Tôi nghĩ rằng không nên chém lợn làm lễ hội” – một bạn có nick name Phungminh viết.
Bạn Nguyễn Thu Huyền (Sinh viên Đại học Nội Vụ) cho biết: “Mình chưa được tận mắt chứng kiến lễ hội, nhưng qua đoạn clip và hình ảnh trên mạng mình cảm thấy việc chém lợn ở lễ hội là không nên. Đây không được coi là tập tục truyền thống đẹp cho con cháu noi theo, mà đang là con dao hai lưỡi ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn của thế hệ trẻ em sau này”.
Làm lễ trước khi chém lợn cúng thần linh.
Ngày 27/1 vừa qua, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn không đồng tình với đề nghị trên.
Theo ông Nguyễn Văn Chương (Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Khắc Niệm), năm 2013 đến nay dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh người dân khu phố Thượng. Người dân không chém lợn ngay giữa sân đình trước đông đảo du khách nữa, thay vào đó người dân chỉ thực hiện mổ lợn phía sau hậu cung và là làm các nghi lễ cũng tế như bình thường.
Ủy ban Nhân dân phường đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động người dân có sự thay đổi trong cách thức tiến hành lễ hội cho phù hợp với xã hội đương thời. Ngoài việc hình thức việc chém lợn được thay đổi, thì các hoạt động khác trong lễ hội như: kéo co, hát quan họ dưới thuyền, thi đạp niêu, nấu cơm… vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là điều có thể thay đổi trong ngày một, ngày hai vì với bà con đây là tục lệ ngàn xưa ông cha để lại.
Nên hay không việc giữ lại lễ hội chém lợn? Đây là câu hỏi khó đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận trong thời gian gần đây. Mặc dù mỗi tục lệ truyền thống đều có nguồn gốc, ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên, tục lệ cũng phải thay đổi theo thời gian cho phù hợp với cuộc sống.
Hồng Quế
Theo_Người Đưa Tin
Lễ hội chém lợn: "Không hiểu thì đừng đến xem"
"Nếu người nào muốn tham gia Lễ hội chém lợn phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn", Giáo sư Trần Ngọc Thêm bày tỏ.
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức "chém lợn" tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á
Trước đề nghị trên, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Cơ sở văn hóa Việt Nam".
Thưa Giáo sư, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, Lễ hội chém lợn với nghi lễ "chém đứt đôi con lợn" là lễ hội dã man, tàn bạo, cần phải loại bỏ. Ý kiến của ông thế nào?
- Dưới góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi không đồng ý với yêu cầu cấm Lễ hội chém lợn, nhất là khi yêu cầu này dựa trên lý lẽ rằng đây là cách đối xử dã man với động vật.
Khái niệm "dã man" vốn là sản phẩm của phương Tây từ thời thực dân. Họ từng biện bạch khi đi xâm lược các dân tộc Châu Á và Châu Phi rằng đó là họ đi "khai hóa văn minh" cho các dân tộc còn sống trong cảnh man di mọi rợ.
Khái niệm "văn minh" vốn hoàn toàn đúng khi được dùng để chỉ sự phát triển cao về khoa học công nghệ. Nhưng từ chỗ phương Tây là nơi có nền khoa học công nghệ phát triển để suy ra rằng văn hóa của họ cũng cao luôn, rằng mọi cái gì khác biệt với Châu Âu đều là dã man, lạc hậu lại là một sự nhầm lẫn lớn ở lĩnh vực văn hóa.
Ông nhìn nhận Lễ hội chém lợn như thế nào?
- Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hóa đậm đặc. Mà văn hóa thì luôn là sản phẩm của một cộng đồng chủ thể, trong một không gian và một thời gian rất cụ thể.
Nếu chịu khó đặt mình vào vị trí của người làng Ném Thượng thì có thể chúng ta sẽ hiểu được rằng lễ hội này có truyền thống từ rất lâu đời. Nó được tổ chức để tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc.
Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.
Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay. Người chém lợn để tế Thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50.
Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc.
Như ông nói, lễ hội này có truyền thống từ lâu đời, vậy tại sao chỉ mới vài năm gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về "nghi lễ chém lợn"?
- Lễ hội là hiện tượng văn hóa làng. Lâu nay lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng. Trong phạm vi ấy chẳng hề có vấn đề gì về đạo đức, giáo dục con em, vì thông qua đó họ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp.
Gần đây do các thông tin về lễ hội bị đưa lên mạng, lên các phương tiện thông tin. Qua lời bình của những người ngoài cuộc, thiếu hiểu biết về văn hóa nên đã khiến cho vấn đề bị bóp méo.
Trước ý kiến lo ngại rằng, nghi lễ chém lợn với hình ảnh con lợn bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em sẽ tác động không tốt đến tâm lý trẻ, ông thấy sao?
- Từ ngàn đời nay, người dân khắp nơi vẫn mổ lợn, làng Ném Thượng vẫn chém lợn, trẻ em khắp nơi vẫn cứ xem và không có chuyện vì thế mà đứa trẻ trở nên hung ác.
Bây giờ thử thống kê xem trong số những người trộm cướp trên cả nước có bao nhiêu người gốc ở làng Ném Thượng? So sánh với các làng xung quanh xem, làng Ném Thượng có tàn ác hơn không? Tôi cho rằng, chuyện này tuyệt đối không có.
Thậm chí tôi tin rằng, ngược lại, những nơi mà dân làng giữ gìn được văn hóa truyền thống như làng Ném Thượng, con em trong làng sẽ được giáo dục tốt hơn.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Vậy ông thấy thế nào về việc duy trì lễ hội truyền thống này vào năm 2015 và cách xử lý của UBND tỉnh Bắc Ninh là vận động để người dân Ném Thượng chỉ thực hiện "thịt lợn" thay vì "chém lợn". Nghi lễ được thực hiện phía "sau đình" và chỉ cho ít người xem, thay vì thực hiện giữa sân đình như trước?
- Trước hết tôi cho rằng, người ngoài làng như chúng ta không có quyền bàn về việc cho phép hay không cho phép dân làng thực hiện những công việc nội bộ của riêng mình mà không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng gì đến những làng xung quanh.
Việc người dân thực hiện nghi lễ "chém lợn" hay "thịt lợn" thế nào là truyền thống của họ, không ai có thể bắt họ thay đổi truyền thống. Đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng.
Tuy nhiên, nếu việc riêng này lại được chụp ảnh, quay phim đưa lên báo chí thì đúng là có thể có ảnh hưởng đến người khác thật. Nhưng đây đâu phải lỗi của dân làng Ném Thượng? Họ đâu có mời khách đến xem, đâu có bán vé thu tiền người xem? Còn nếu người nào muốn tham dự thì phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương, muốn đưa tin và bình luận thì phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn.
Tôi cho rằng, với thời gian trôi đi, quan niệm về văn hóa và tâm linh của người làng Ném Thượng có thể sẽ khác đi; làng Ném Thượng có thể rồi cũng sẽ bị đô thị hóa - khi đó Lễ hội chém lợn sẽ tự mất đi hoặc có thể sẽ diễn ra theo cách khác. Nhưng đó chỉ có thể là một quá trình tự nhiên do chủ thể văn hóa quyết định, người ngoài không thể ép họ thay đổi dù nhân danh bất cứ thứ gì.
Từ Lễ hội chém lợn có thể thấy, "người ngoài làng" cũng như khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thì đó là lễ hội dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người "dân trong làng" nghĩ đó là làm việc tâm linh, lấy may mắn. Vậy, làm sao để hài hòa giữa các quan điểm trên?
- Văn hóa là cái đặc thù, nó phụ thuộc vào tập tục, truyền thống xã hội rất khác nhau của mỗi dân tộc. Văn hóa luôn là tốt, là giá trị đối với chính chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không thể chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác.
Khi một dân tộc này tự cho mình là văn minh và chê văn hóa của dân tộc kia lạc hậu, dã man, nhiều khi họ quên rằng chính họ cũng có những phong tục tập quán hoàn toàn tương tự.
Ví dụ, nhiều người phương Tây chê bai một số dân tộc Đông Á ăn thịt chó như ăn thịt người bạn của mình. Trong khi đó, người phương Tây gốc du mục, con ngựa cũng từng được xem là bạn, và món thịt ngựa vẫn được họ ăn một cách ngon lành.
Trong Lễ hội chém lợn - người dân chém một loài gia súc nuôi lấy thịt và cố gắng chỉ chém một nhát để "Ông" được "hóa" (hóa kiếp) ngay. Trong khi đó, trong trò chơi đấu bò của Tây Ban Nha, con bò bị lừa bằng tấm vải, bị đâm rất nhiều nhát để mua vui trước khi ngã gục. Trong trò chơi đấm bốc và nhiều trò thể thao mạnh khác của phương Tây - con người đấm vỡ mặt mũi đồng loại, làm cho máu chảy ròng ròng... Trong khi người phương Tây xem những cảnh này một cách hoàn toàn thích thú, thì với nhiều người phương Đông, đó mới thực sự là cảnh dã man, gây sốc.
Do vậy, không thể có mẫu văn hóa nào chung cho tất cả các dân tộc, các vùng miền. Cũng không thể nói văn hóa của dân tộc này, vùng miền này là đúng; dân tộc kia, vùng miền kia là sai. Chỉ khi ta thấu hiểu nó, chính ta cũng có thể sẽ bị nó chinh phục.
Việc nhiều người miền Bắc nay rất thích món sầu riêng có mùi cực nặng của Nam Bộ, nhiều người am hiểu văn hóa Trung Hoa thích món đậu phụ thối của người Hoa, nhiều người phương Đông thích món pho-mát có mùi thum thủm của phương Tây là minh chứng cho việc đó. Văn hóa đòi hỏi sự khoan dung và thấu hiểu, chứ không phải sự đàn áp trên thế đông, thế mạnh, bằng cách nhìn lấy bản thân mình làm trung tâm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Công Thọ (Danviet.vn)
Lễ hội chém lợn: Chỉ thực hiện nghi lễ xẻ thịt Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, nghi lễ "chém lợn" tại Lễ hội làng Ném Thượng đã chuyển thành nghi lễ "thịt lợn". Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ...