LĐ “chui” ở Angola: “Sống chết mặc bay”
Chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có đến 6 người quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt mạng ở Angola. Người chết do sốt rét, người chết không rõ nguyên nhân và có cả người chết do bị sát hại…
Và những người trở về đã rùng mình kể lại những câu chuyện hãi hùng. Thế nhưng, người ở nhà vẫn cứ nghe những lời đường mật của “cò” để tiếp tục sang Angola, chịu kiếp chui lủi, có khi đổi cả mạng sống.
Tiền “cò” bỏ túi
Sáng 16/4, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Công Nguyên (30 tuổi), ở khối Tân Diện, P.Nghi Hòa, TX. Cửa Lò (Nghệ An) – người vừa bị tử nạn ở Angola do bị sốt rét ác tính. Chị Hoàng Thị Hiền (28 tuổi) – vợ anh Nguyên – nghẹn ngào: “Đúng 20 ngày sau khi anh đi Angola thì con gái đầu lòng chào đời. Cha con chưa biết mặt nhau, thì anh ấy ra đi”.
Chị cũng cho biết về quá trình “chạy” đi xuất khẩu lao động: Trong phường có anh Nguyễn Minh Thìn đi lao động ở Angola, nghe đâu làm chủ thầu ở bên đó. Anh Thìn tuyển người sang bên đó làm việc thông qua anh rể là ông Cao Văn Thân. Tháng 3/2012, vợ chồng chị Hiền đến nhà ông Thân đặt cọc 2.000USD để anh Nguyên được đi Angola. Ngày 5/5/2012, ông Thân bảo nộp thêm 4.000USD nữa để bay. Ông Thân hứa, sang đó làm thợ hồ cho Cty của anh Thìn, lương 900USD/tháng. Tất cả chỉ nói với nhau bằng miệng, không giấy tờ, hóa đơn gì cả. Ngày 7/7/2012 thì anh Nguyên lên máy bay đi Angola.
Tuy nhiên, sang đến Angola, anh Nguyên chỉ được trả 500USD/tháng. Do vậy mà giữa anh Nguyên và anh Thìn xảy ra bất đồng, anh Nguyên bỏ đi tìm việc khác.
Hai thanh niên tên T vừa bị trục xuất hồi đầu tháng 1/2013 cũng đến cung cấp thông tin. Hai người này được ông Mai Văn Lan, cùng trú tại P.Nghi Hòa (bố vợ của anh Thìn) nhận tiền để làm thủ tục đi Angola làm việc. Số tiền mà ông Lan thu của mỗi người là 6.500USD. Ông này cam kết: Sang đó con ông sẽ lo việc làm, visa có giá trị một năm, nếu bị bắt thì con ông sẽ chịu trách nhiệm. Và khi lên máy bay, những người này còn phải mang cho ông Lan 20kg hàng, bao gồm đĩa CD, VCD… để con ông bán kiếm lời.
Đến nơi, con gái ông là Mai Thị Minh ra đón tại sân bay rồi định giới thiệu họ cho một Cty Trung Quốc. Tất cả 8 người đi cùng chuyến không chịu rồi tự tìm kiếm việc làm. Đến tháng thứ tám thì bị cảnh sát Angola bắt, phạt tiền, trục xuất về nước.
Video đang HOT
Mẹ con chị Hoàng Thị Hiền đang trông chờ cơ quan chức năng làm rõ hành vi lừa đảo của anh Thìn, ông Thân
Bấp bênh mạng sống
Chị Hiền kể: Anh Nguyên bị sốt rét và tử vong tại một bệnh viện ở thủ đô Luanda. Nhận được hung tin, gia đình tìm gặp anh Thìn (thời gian này anh Thìn về quê) để nhờ giúp đỡ đưa thi hài anh về, nhưng anh này đã từ chối: Tôi không giúp gì cả. Gia đình muốn làm gì thì làm. Sau lời thách thức của anh Thìn, chị Hiền đã có đơn trình báo đến cơ quan công an TX. Cửa Lò, đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của anh Thìn, ông Thân.
Tùng (bạn anh Nguyên) – người bị trục xuất về nước hồi tháng giêng – cho biết: Anh bị bắt mà chủ thầu không một lời thăm hỏi. Tiền phạt, tiền “chạy” cảnh sát đều phải nhờ gia đình gửi sang, tất cả hết 3.400USD mới về được Việt Nam. Có khi, anh em làm việc được 3-4 tháng, chưa được lĩnh lương thì chủ thầu đi báo với cảnh sát để bắt. Nó làm như vậy thì nó quỵt được tiền lương của anh em. Đó là chưa kể nạn cướp bóc diễn ra như cơm bữa.
Anh Nguyễn Bá – một LĐ đang ở Angola – cho phóng viên biết, do nạn thất nghiệp gia tăng nên tình trạng trấn, cướp xảy ra liên miên. Người Việt Nam đi “chui”, không hợp đồng, không bảo hiểm nên không ai chịu trách nhiệm về họ cả. Đi “chui” nên không được khám sức khỏe, do vậy mà nhiều người không chịu đựng được khí hậu bên này. Trong lúc, năm nay ở Angola thời tiết rất bất thường, mưa nhiều, muỗi vàng phát triển, bệnh sốt rét gia tăng.
Cũng do nạn đi “chui” nên người lao động phải chịu rất nhiều rủi ro và bất kỳ rủi ro nào thì họ cũng tự gánh chịu. Tóm lại là mạng sống của người lao động “chui” ở Angola là rất bấp bênh. “Đã có hơn 10 người Việt Nam bị thiệt mạng, kể cả ốm đau và bị giết hại” – anh Bá cho biết.
“Cò” nói đi hợp pháp, giám đốc sở bảo đi “chui”
Chiều 16/4, trong vai một lao động cần đi Angola, tôi đã liên hệ được với ông Mai Văn Lan. Ông Lan nói: Giá đi Angola bây giờ là 5.600USD, đi hợp pháp, visa của ta, không phải của Trung Quốc như trước nữa. Đảm bảo yên tâm, không bị cảnh sát bắt đâu. Trong lúc đó, ông Bùi Nguyên Lân – Giám đốc Sở LĐTBXH – khẳng định: Chưa một đơn vị nào được cấp phép đưa người sang Angola làm việc cả, hoàn toàn là đi bất hợp pháp. Sở có khuyến cáo đến người dân đừng tin vào lời dụ dỗ của “cò” mà tiền mất, tật mang.
Theo 24h
Xuất khẩu lao động sang Angola: "Đem con bỏ chợ"
Được hứa hẹn làm việc cho công ty, lương cao, công việc ổn định nhưng trên thực tế, nhiều lao động Nghệ An khi sang Angola đã bị "bỏ rơi". Họ phải tự đi tìm việc làm hoặc chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn lương thỏa thuận rất nhiều
Không những phải tự kiếm việc làm hoặc chấp nhận làm việc với tiền công rẻ mạt, các lao động Việt Nam phải tự kiếm thức ăn cho mình (trong ảnh là Thắng - người mặc áo xanh, đang giã ngô để ăn thay cơm)
Cuối năm 2012, với mối quan hệ quen biết, Hoàng Văn Thắng (SN 1989, trú tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) được một người môi giới xuất khẩu lao động làm thủ tục sang Angola với chi phí 140 triệu đồng. Theo lời hứa của người này, khi sang đó, Thắng sẽ được bố trí làm việc trong công ty xây dựng, được đảm bảo nơi ăn chốn ở, đi làm được ô tô đưa đón và được cấp phát quần áo bảo hộ lao động. Không những thế, người này còn đảm bảo rằng với công việc ổn định, thu nhập trong tháng đầu tiên của Thắng sẽ là 800 USD và tăng dần trong những tháng tiếp theo.
Huy động anh em trong nhà được 60 triệu đồng, bố mẹ Thắng vay ngân hàng thêm 60 triệu nữa để đóng tiền cọc cho con đi. Nể tình quen biết, người môi giới cho gia đình Thắng nợ 1.000 USD và sẽ trừ dần vào lương tháng khi sang Angola.
Vậy nhưng, khi đặt chân sang Angola, Thắng mới vỡ lẽ những lời hứa hẹn của người môi giới hoàn toàn không có thật. "Sang đây, bọn em không có việc làm cứ ngồi ở lán đợi. Hơn 10 ngày sau cũng không có việc, không thấy công ty nào cả mà chỉ là một cái lán tập trung nhiều người ở với điều kiện ăn uống kham khổ. Đợi đến phát hoảng, nhiều người phản ứng thì người ta mới đưa mấy anh em tới các công trường xây dựng khác để gửi", Thắng cho biết thêm.
Đi cùng đợt vơi Thắng còn có 16 lao động. Số người này cũng bị chia nhỏ rồi gửi cho các công trường xây dựng khác. Bởi thuộc diện "đi gửi" nên Thắng và các anh em chỉ được nhận lương theo ngày thay vì lương tháng 800 - 1.000 USD như đã được hứa hẹn trước khi đi. "Hiện nay tiền công của em là 25 USD một ngày. Trừ chi phí, tiền cước gửi nữa thì gửi về nhà không được bao nhiêu", Thắng cho hay. Nếu như tính mỗi tháng làm 26 ngày thì tổng thu nhập của Thắng (trong điều kiện có công việc thường xuyên để làm) chỉ được hơn 600 USD. Bởi vậy, dù sang Angola đã được 4 tháng nhưng Thắng mới chỉ gửi về nhà được 1.000 USD.
Nhưng Thắng vẫn thuộc diện may mắn hơn nhiều lao động Việt Nam khác khi đặt chân tới Angola. Theo anh Phùng Bá Ngọc - một lao động Nghệ An mới trở về từ Angola sau 3 tháng tìm kiếm vận may ở đất nước này - tiết lộ, sau khi đưa lao động sang đây, những người môi giới thường không bố trí được việc làm cho người lao động. "Lạ nước lạ cái", bất đồng ngôn ngữ khiến người lao động chỉ còn cách ngồi chờ.
Chờ mãi vẫn không được bố trí công việc, món nợ lớn đang thúc sau lưng buộc họ phải tự tìm đến các công trường xây dựng để tìm kiếm việc làm và nhận những đồng tiền công rẻ mạt. Người may mắn thì được làm thợ xây, phụ hồ cho các chủ thầu người Việt Nam. Người không may thì phải làm thợ đổ bê tông cho các chủ thầu người ngoại quốc, công việc nặng nhọc nhưng luôn bị đe dọa, quỵt tiền công.
"Người đưa mình sang đây chỉ chờ mình bỏ ra ngoài tự tìm việc là ngay lập tức họ phủi bỏ trách nhiệm, để cho mình tự "bơi". Lúc đó, may nhờ rủi chịu, nếu gặp rủi ro cũng không biết kêu ai. Mỗi người một cách lo cho tính mạng của mình và cắn răng làm việc mong có tiền trả nợ", anh Ngọc cho biết thêm.
Sau khi biết bị "mang con bỏ chợ", người môi giới đã không thực hiện đúng cam kết (bằng miệng), bố mẹ Thắng đã nhiều lần gọi điện cho người này nhưng đổi lại chỉ là những tiếng chuông điện thoại đáp lời. "Lúc cho Thắng đi, cứ nghĩ quen biết nhau cả nên cũng không làm giấy tờ chi cả. Giờ ra nông nổi này cũng không biết kêu ai. Chỉ mong con ở bên ấy bình yên, khỏe mạnh. Mấy lần giục nó về rồi kiếm tiền trả nợ sau nhưng số tiền nợ lúc đi lớn quá, nó cũng chưa dám về", bà Nguyễn Thị Lương - mẹ Thắng sụt sùi.
Chiều ngày 16/4, trong vai một người có nhu cầu đi Angola, chúng tôi đã gọi điện cho một phụ nữ tên O. - người tổ chức cho Thắng đi xuất khẩu lao động "chui". Chị này cho biết, hơn một tháng nay, lực lượng chức năng Angola tổ chức truy quét người lao động bất hợp pháp rất "rát". "Người ta muốn về không được, em lại muốn đi làm gì?". Tuy nhiên, sau khi chúng tôi khẩn khoản nhờ cậy giúp đỡ, chị này tặc lưỡi: "Nếu em thích đi thì chị sẽ bố trí cho" và cho biết chi phí hết 6.000 USD.
Theo Dantri
Lao động "chui" ở Angola: Tan giấc mộng đổi đời Chấp nhận bỏ hàng trăm triệu để xuất khẩu lao động "chui" sang Angola mong đổi đời nhưng hàng trăm lao động Nghệ An đã vỡ mộng khi đặt chân sang đây. Người may mắn thì gom đủ tiền trả nợ, nhiều người không may đã phải bỏ mạng nơi xứ người. Lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng ở...