Lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ
Ngày 25/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Lực lượng Cảnh sát Giao thông nhắc nhở chủ phương tiện về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN
Hai nội dung nổi bật tại Hội nghị này là tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tại cuộc họp, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 106/2020/NQ-QH của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Công an xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Ngày 2/12/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 4152/VB-VPQH gửi Chính phủ về việc báo cáo giải pháp xử lý đối với 3 Luật. Trong đó thông tin ý kiến của đại biểu Quốc hội về 3 nội dung liên quan đến 2 dự thảo Luật.
Kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, có 63,79% đại biểu không đồng ý tách thành 2 Luật và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an hoàn thiện các Luật này. Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các Ban của Đảng, Quốc hội về tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, Ban Kinh tế Trung ương không đưa ra quan điểm có nên tách luật không nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo thận trọng, vì hai dự án luật này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, khi xây dựng luật cần phải được xem xét, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung; tránh chồng chéo, xung đột và trái ngược nhau.
“Ban Tuyên giáo Trung ương lại đưa ra ý kiến thẳng thắn hơn là không nên tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật. Đề nghị bổ sung nội dung quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)”, bà Hoàng Hồng Hạnh cho hay.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định quan điểm không nên tách thành 2 luật vì nếu tách thành 2 luật thì Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng không đảm bảo nội hàm của luật này.
Video đang HOT
Chủ trương của Đảng đã nêu rõ, việc đảm bảo an toàn giao thông là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ cũng có nhiều công việc liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông. Trong quản lý nhà nước có nhiều nội dung về an toàn giao thông, đan xen, không thể tách rời.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về an toàn giao thông phải được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời. Thực hiện cho bằng được một nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
“Lấy ví dụ cũng là người Việt Nam nhưng ra nước ngoài thì chấp hành tốt nhưng về nước thì lại vi phạm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn, uống rượu bia lái xe. Nguyên nhân là do chúng ta xử lý không nghiêm. Muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để xử “phạt nguội”, ông Quyền cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng phải làm triệt để theo hướng này, việc tách thành 2 luật chỉ làm rối thêm chứ không giải quyết được vấn đề trong đảm bảo an toàn giao thông.
Đề cập đến có chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, sau 25 năm ngành giao thông vận tải quản lý, công tác này có bước tiến dài, đã hoàn thiện nội dung chương trình theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến. Các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được ứng dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện nhất quản chủ trương xã hội hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, tương đương với các nước phát triển.
Bên cạnh đó, giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 (hoàn toàn trực tuyến) được người dân đánh giá cao.
“Hầu hết việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới đều do dân sự quản lý. Khi tách giữa bên thực hiện công tác này với lực lượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hiệu quả kiểm tra giám sát sẽ cao hơn. Nếu gộp chung vào một chỗ, vừa làm vừa kiểm tra, giám sát sẽ làm yếu đi việc kiểm tra giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Quan điểm của Hiệp hội này không nên chuyển chức năng này từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm.
Tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu nhiều lý do cần tách các nội dung về an toàn giao thông khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện nay.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về an toàn giao thông, an ninh trật tự trên đường.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có mục tiêu cơ bản là phát triển được hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ trong thời kỳ mới.
Về đào tạo, sát hạch lái xe mục tiêu là người điều khiển xe có đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tại dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ không xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà còn nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này.
Tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm khi xảy ra mất an toàn giao thông. Tai nạn xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân. Đại tá Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Cũng theo Đại tá Bình, sau khi Quốc hội ban hành luật thì việc giao bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe về các nội dung dự thảo Luật.
Cuối hội nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến thăm dò các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bằng phiếu kín về các điều khoản mới của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Công an. Thành phần ban kiểm phiếu có văn phòng UBND, văn phòng đại biểu Quốc hội, đại diện Sở Giao thông Vận tải, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Kết quả gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 27/1/2022.
Ngăn chặn từ gốc nguy cơ gây tai nạn từ xe ô tô 'hết đát'
Từ tháng 1/2022, cả nước có 20.680 ô tô hết niên hạn sử dụng, theo quy định phải nộp lại chứng nhận đăng ký, biển số và bị cấm lưu thông.
Mặc dù hành lang pháp lý cho việc quản lý, loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng đã khá rõ ràng, song loại xe này vẫn ngang nhiên hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông.
Ngang nhiên tham gia giao thông
Trên các tuyến đường ven đô Hà Nội như: Quốc lộ L32, đường gần Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Khu công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) hay khu vực cảng, bến thủy ven sông Hồng, Đuống... hiện có không ít xe tải, xe chở người cũ nát để lâu ngày ven đường nhưng vẫn gắn biển số. Không khó để nhận biết những loại xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, vẫn ngang nhiên chở hàng hóa và người, gặp những xe này, người đi đường thường tránh từ xa để tránh khỏi vạ lây.
Thậm chí, trên những tuyến đường có lưu lượng xe lớn như Tố Hữu, Lê Văn Lương (quận Hà Đông), Tam Trinh (quận Hoàng Mai)... nhiều loại xe từ 9 - 12 chỗ cũ nát vẫn được chủ xe sử dụng chở hàng lao vun vút...
Xe cũ nát lưu thông trên đường Lê Văn Lương (quận Hà Đông).
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), hết năm 2021, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 1.187 trường hợp xe quá niên hạn sử dụng. Thời gian tới, trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện các xe quá niên hạn, lực lượng CSGT vẫn xử phạt nghiêm theo các quy định pháp luật.
Còn theo đại diện các trung tâm đăng kiểm ở phía Bắc, quy định hiện hành quy định xe ô tô chở hàng có niên hạn sử dụng tối đa 25 năm (tính từ ngày sản xuất), xe chở người niên hạn 20 năm. Vì vậy, từ đầu năm, ở các địa phương đều có thêm một số lượng xe ô tô chở hàng, xe chở người hết niên hạn sử dụng sẽ thuộc diện "hết đát". Các xe trước khi hết niên hạn sử dụng thường không đến đăng kiểm, nhất là 2 - 3 kỳ đăng kiểm cuối cùng hoặc nhiều trường hợp mua bán, chuyển vùng sang nơi khác và không sang tên, đổi chủ, nên không biết được xe hết đát, vẫn giữ lại để hoạt động.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) công bố, từ ngày 1/1/2022, toàn quốc có thêm hàng chục nghìn xe hết niên hạn sử dụng, trong năm 2022 có 20.680 xe hết niên hạn (gồm 4.772 xe chở người và 15.908 xe chở hàng; trước đó, số xe đã hết niên hạn tính đến ngày 31/12/2021 là 228.192xe). Tất cả trường hợp xe ô tô trước khi hết niên hạn đều được đưa lên mục cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm để các đơn vị đăng kiểm từ chối tiếp nhận kiểm định. Đến nay, chưa có trường hợp nào xe hết niên hạn sử dụng "lọt" đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã thông báo tới Sở GTVT các địa phương về danh sách xe hết niên hạn sử dụng trong năm 2022, báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý.
Cần sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội để ngắn chặn từ gốc
Theo Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu trọng tâm là phải ngăn chặn, loại bỏ hoàn toàn xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông.
Theo ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tại mỗi địa phương, các trung tâm đăng kiểm được giao nhiệm vụ cập nhật và thông báo danh sách xe hết niên hạn cho Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT để phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm. Vì theo quy định, xe cơ giới không được phép lưu thông trên đường khi đã hết niên hạn sử dụng, chủ phương tiện phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số và kiểm định cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chỉ có chưa đầy 10% phương tiện hết niên hạn chấp hành quy định.
Xe hết niên hạn sử dụng sẽ không được kiểm định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện chấp hành, thay mới phương tiện, nên giữ lại để mưu sinh. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, nguồn lực xã hội và cách xử lý linh hoạt, tạo điều kiện cho chủ xe nhận thấy việc tiêu hủy phương tiện hết niên hạn có lợi ích.
Theo Thông tư số 58/2020/BCA của Bộ Công an (quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), cơ quan quản lý đăng ký xe có trách nhiệm thông báo cho chủ xe đã hết niên hạn về việc thu hồi đăng ký, biển số xe. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ xe không tự giác nộp lại, cơ quan đăng ký thu hồi trên hệ thống đăng ký xe và thông báo cho công an các đơn vị, địa phương.
Nghị định 100/CP/2019 của Chính phủ quy định, trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng (chủ xe cá nhân) và từ 4 - 8 triệu đồng (chủ xe là tổ chức). Trường hợp xe đã hết niên hạn tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và tịch thu phương tiện.
Quy định pháp luật đã có, giờ đây quan trọng nhất là việc tuyên truyền, quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm chủ xe và quyết liệt thu hồi biển số, đăng ký xe hết niên hạn từ cấp xã, phường. Điều này sẽ giúp ngăn chặn từ gốc tình trạng xe ô tô hết niên hạn tham gia giao thông, giảm được hiểm họa từ loại phương tiện này.
Bộ GTVT thống nhất chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an Trong dự thảo luật Giao thông đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây không còn nội dung quy định về quản lý đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và một số bộ, ngành đã họp thống...