Lấy vợ tây “ăn đứt” vợ ta
Sống thử bên bạn gái người Tây tôi mới nhận ra rằng, lấy cô ấy hơn nhiều so với vợ sắp cưới của tôi.
Tôi năm nay 30 tuổi. Xét về góc độ tuổi tác, tôi nghĩ từng tuổi này, tôi cũng không còn phải là gã đàn ông lông bông không hiểu chuyện. Về tình cảm, tôi cũng chẳng phải gã trai mới lớn để không biết đâu là tình yêu, đâu là thứ tình cảm nhất thời. Nhưng cũng chính vì tuổi này rồi, từng trải rồi nên tôi mới không lỡ bỏ vợ sắp cưới đã đính hôn ở quê nhà dù cho giờ đây tôi thấy muôn đường vợ Tây hơn vợ Việt.
Trước khi ra nước ngoài tu nghiệp, tôi đã từng có một cuộc tình hơn 3 năm với cô gái gần nhà. Chúng tôi quen nhau từ ngày học phổ thông, lên đại học vẫn duy trì tình cảm và tới năm thứ 2 thì dọn về sống chung với nhau. Tôi vốn không phải là người lăng nhăng nên khi quyết định sống thử với cô ấy tôi đã xác định sẽ lấy cô ấy làm vợ.
Quả thực thời gian đầu sống thử thì mọi chuyện đẹp như mơ. Chúng tôi ríu rít bên nhau như đôi chim câu. Nhưng càng sống chúng tôi càng bộc lộ những điểm khác biệt đến mức mệt mỏi. Cô ấy cũng như rất nhiều những người phụ nữ Việt khác đó là mắc tính kể lể. Tôi biết, khi dọn về sống cùng với tôi có nghĩa là cô ấy đã chấp nhận thiệt thòi hơn đôi chút. Chính vì thế, mặc dù còn là sinh viên, tôi cũng cố gắng làm thêm để có tiền chi trả hết các khoản sinh hoạt, học hành để cô ấy không phải xin gia đình. Tiền xin được từ bố mẹ, cô ấy thoải mái làm những việc mình thích chứ tôi không can thiệp. Tôi làm như vậy vì nghĩ mình không khác gì người chồng, người trụ cột trong gia đình nên cần phải lo lắng cho “vợ”. Nhưng cô ấy không hiểu như vậy.
Sống cùng nhau có nghĩa là nhiều chuyện va chạm nhiều hơn. Mỗi lần có gì mệt mỏi, bực dọc là cô ấy lại trách cứ tôi. Nào là chuyện cô ấy không có thời gian thăng tiến được trong việc học, trong các công tác xã hội là vì ở cùng với tôi, tốn nhiều thời gian cho việc nhà. Rồi là vì tôi mà cô ấy chịu thiệt thòi. Rằng tôi không được phép phụ cô ấy vì cô ấy đã trao cho tôi tất cả những gì quý giá nhất…Cứ như thế cô ấy kể công của mình, kể những vất vả mà cô ấy đã phải chịu đựng khi về ở cùng với tôi. Mọi thứ làm tôi mệt mỏi.
Bản thân tôi khi xác định sống với cô ấy có nghĩa là tôi tự biết trách nhiệm của mình tới đâu nhưng hầu như ngày nào cô ấy cũng nhồi nhét vào đầu tôi những trách nhiệm mà tôi phải làm. Cô ấy coi việc yêu tôi, dâng hiến cho tôi và sống cùng tôi là một sự ban ơn và nếu tôi là một thằng đàn ông tử tế thì tôi không được phép phụ cô ấy. Từ một sự hạnh phúc khi yêu nhau, cô ấy làm cho tình yêu như một thứ gông cùm, nhàm chán.
Điều khiến tôi cảm thấy việc sống thử với cô “vợ Tây” này như một cuộc hôn nhân ngọt ngào đó là cô ấy không trói buộc trách nhiệm với tôi. (Ảnh minh họa)
Tôi nghĩ chưa lấy nhau, những sự mệt mỏi lúc này chưa là gì so với khi lập gia đình, có con cái lại cộng thêm chuyện đối nội, đối ngoại mà cô ấy đã như vậy thì không hiểu sau này cưới nhau rồi, hôn nhân còn mệt mỏi tới đâu. Mặc dù tôi dần mất đi cảm giác yêu thương, mặc dù tôi cảm thấy nặng nề nhưng tôi vẫn không bỏ cô ấy vì cái trách nhiệm của “một thằng đàn ông tử tế” nên tôi vẫn cố gắng thích nghi với mọi chuyện để ở bên cô ấy.
Rồi tôi đi học ở nước ngoài theo chương trình học mà tôi thi đỗ. Ngày đi, để đảm bảo cho cô ấy một danh phận (nếu tôi không làm thế thì cô ấy cũng bắt phải vậy), hai bên gia đình chúng tôi làm lễ đính hôn cho hai người. Cô ấy ở lại tiếp tục theo học, còn tôi ra nước ngoài học 3 năm sẽ về.
Video đang HOT
Nếu không có cuộc xuất ngoại đó, có lẽ tôi đã an phận với người con gái đó và cuộc hôn nhân đã lên kế hoạch ấy. Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi tôi gặp một cô gái người nước ngoài trong lớp học của tôi. Cũng cần phải nói rằng sống ở nước ngoài cô đơn nên tôi cũng nhanh chóng có cảm tình với cô ấy. Tôi bị ấn tượng bởi tính cách thẳng thắn, không cố “khéo ăn khéo nói” nhưng lại không hề gây mất lòng người khác của cô ấy.
Một thời gian sau đó, chúng tôi sống cùng nhau. Mặc dù biết điều đó là có lỗi với vợ sắp cưới ở quê nhà nhưng tôi không sao ngăn nổi cảm xúc của mình. Và rồi khác xa với cuộc sống thử trước, càng ở bên cô ấy, tôi lại càng muốn được gần gũi và không muốn cách xa. Cô ấy coi việc ở cùng tôi, chăm sóc tôi như một niềm vui, một món quà chứ không phải là sự “hi sinh” hay chịu thiệt thòi. Mỗi lần tôi hỏi cô ấy có mệt không khi phải nấu những bữa cơm sau giờ học, cô ấy đều cười và nói rằng: “Đó là niềm vinh hạnh của em”. Hôm nào cô ấy mệt, cô ấy thẳng thắn đề nghị: “Anh giúp em nhé” hoặc “Hôm nay chúng ta sẽ dùng bữa tối tại nhà hàng anh nhé” chứ không phải cố làm để rồi lại than thở “Vì anh mà tôi ốm cũng không được nghỉ ngơi”.
Khi tôi làm gì sai, cô ấy sẵn sàng góp ý để tôi nhận thức được vấn đề nhưng cô ấy lại hoàn toàn không bao giờ có kiểu: “Anh xem đấy, bằng tuổi anh mà anh Thái giàu kếch xù còn anh thì sao? Vẫn phải đi ở nhà thuê” hay “Chồng người ta chiều vợ như chiều vong, đằng này anh chẳng được bằng 1 phần 10 thế”. Những gì cô ấy góp ý làm tôi tốt lên, ý thức được điểm tồn tại của mình chứ không phải như vợ sắp cưới ở quê nhà khiến tôi có cảm giác cô ấy không coi trọng mình.
Cô ấy sống bằng tài chính của mình, do sức mình làm ra và chúng tôi cùng nhau cố gắng để lo cho cuộc sống đủ đầy chứ không dồn trách nhiệm nặng nên vai ai. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, điều khiến tôi cảm thấy việc sống thử này như một cuộc hôn nhân ngọt ngào đó là cô ấy không trói buộc trách nhiệm với tôi. Cô ấy nói rằng cần tôi sống bên cô ấy bằng tình yêu chứ không phải là nghĩa vụ. Nếu có ngày đó, cô ấy sẵn sàng chia tay trong hòa bình chứ không muốn ở bên một người chồng chỉ toàn vì trách nhiệm. Chính điều đó làm cho tôi không những cảm thấy hạnh phúc mà còn yêu nhiều hơn.
Cô ấy chăm sóc cho tôi mỗi khi ra ngoài gặp bạn bè. Hình ảnh đẹp của tôi trước mọi người làm cho cô ấy thấy tự hào chứ không như vợ sắp cưới của tôi chỉ sợ tôi “đẹp quá ra ngoài mà tí tởn”. Trong chuyện chăn gối, quả thực, tôi như một người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian. Cô ấy cùng tôi trải nghiệm mọi thứ thật tuyệt vời. Cô ấy không coi tình dục là “một việc phải làm” khi sống cùng nhau mà là một món quà thượng đế ban tặng cho loài người.
Về mặt kinh tế, phụ nữ Tây rất độc lập. Cô ấy chưa bao giờ coi chuyện kinh tế là trách nhiệm của người đàn ông. Ở với cô ấy tôi không có cảnh nhận lương về là phải “cống nạp” đầy đủ rồi mỗi sáng chờ vợ “phát chẩn” cho từng đồng từng hào. Cô ấy sống bằng tài chính của mình, do sức mình làm ra và chúng tôi cùng nhau cố gắng để lo cho cuộc sống đủ đầy chứ không dồn trách nhiệm nặng nên vai ai.
Nói như vậy không có nghĩa là cô ấy không chú tâm tới chuyện sự nghiệp. Ở lớp học của tôi, cô ấy luôn ở top dẫn đầu. Cô ấy nói muốn tôi bị hấp dẫn bởi cô ấy trong mọi chuyện và sự thật đã như vậy. Tôi lúc nào cũng bị cuốn hút và không hình dung nổi ngày nào đó mình sẽ phải rời xa cô ấy.
Giờ đây tôi đang phân vân không biết nên lựa chọn như thế nào. Bạn gái của tôi nói rằng sẽ theo tôi tới cùng nếu tôi cần cô ấy. Có nghĩa là cô ấy sẵn sàng theo tôi về Việt Nam khi tôi hoàn thành khóa học để làm vợ tôi. Nhưng còn người con gái tôi đã đính ước ở quê? Tôi biết, ở bên cô ấy tôi sẽ không thể nào được hạnh phúc nhưng nếu giờ bỏ cô ấy có quá tàn nhẫn không? Tôi nên làm theo trách nhiệm hay sống theo tiếng gọi của trái tim mình?
Theo VNE
Những canh bạc đỏ đen quanh thú đá chim thời thượng
Trận tỉ thí với "đấu sĩ" là những chú chim họa mi có số tiền cá cược lên đến hàng trăm triệu đồng. Phóng viên Lao Động và Đời sống đã vào vai dân đá chim, cận cảnh những canh bạc đỏ đen có một không hai ở Sài Gòn.
Có tiền hoặc có chim mới được vào "trường"
"Có ít nhất chục triệu đồng mới được bước vào trường chim" -Tiến (ngụ quận Phú Nhuận, tay đá chim hơn 3 năm kinh nghiệm) khẳng định khi tôi có ý định nhờ dắt đến trường chim. Tôi lắc đầu trả lời không có tiền thì Tiến ra bộ thông cảm: "Tôi cho ông mượn con họa mi. Vào đó chỉ lấy mắt mà ngó. Cánh nhà báo các ông có "diễn" giỏi cỡ nào cũng không qua tụi nó đâu".
Đúng hẹn, 7h sáng tôi có mặt ở đầu hẻm đường Nguyễn Văn Quá, quận 12. Tiến cũng có mặt sau đó cùng với hai chiếc lồng chim to. Anh ta giục: "Đi nhanh kẻo trễ, cuối tuần chốt kèo sớm lắm". Tiến phóng xe như bay qua nhiều hẻm nhỏ. Còn chừng 10m nữa là đến nơi, Tiến dừng xe, đưa cho tôi một chiếc lồng, bảo: "Ai hỏi ông cứ nói là mua lại của tôi giá 20 triệu đồng. Con này từng thắng nhiều trận khá lớn, tụi nó hỏi mua nhưng tôi chưa ưng. Hơn nữa, nó còn chơi hay hơn trước".
7h15, chúng tôi có mặt ở "trường chim". Hàng chục con bạc đã có mặt từ sớm đang "làm nước" cho chim. Vừa thấy chúng tôi vào, một thanh niên mặc quần cộc, áo thun ba lỗ nhìn chằm chằm như muốn "ăn tươi nuốt sống". Thấy vậy, Tiến xoa dịu: "Ông bạn mới vào nghề, cũng "máu" lắm". Theo Tiến, người này tên Bảo, là "đầu gấu" của trường chim. Sở dĩ chủ trường chim thuê "đầu gấu" Bảo là vì hắn biết hầu hết dân chơi chim Sài Gòn, đặc biệt là những tay cá cược với số tiền lớn. Con bạc nào từng chơi đểu, quỵt nợ hắn đều nắm tất.
Chim nuôi để đá là chích chòe (chích chòe than, chích chòe đất) và họa mi. Dân đá chim chuyên nghiệp chuộng họa mi hơn, nhất là họa mi mỏ dày. Theo dân trong nghề, loại này sống trong rừng thuộc miền Đông hoặc Tây Nguyên có chân khỏe, mỏ dày, giọng hót điêu luyện và rất hung hăng. Ngồi trước mặt tôi, người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi lôi từ trong chiếc túi nylon ra một quả trứng gà. Ông ta cẩn thận lấy lòng đỏ cho vào khay thức ăn trong lồng. Lòng đỏ trứng cho ăn chung với các loại thức ăn có mùi tanh thì chim sung sức, lại hiếu chiến.
Trước khi trở thành trường chim lớn, nơi đây chỉ là một quán càphê, nơi lui tới của dân chơi chim trên địa bàn. Chỉ sau vài lần thách đấu, trường chim hình thành và thu hút nhiều dân chơi không chỉ ở Sài Gòn mà còn của các tỉnh, thành trong khu vực. Ông Hải - một cán bộ đã về hưu - sở hữu 3 con họa mi mà theo ông đó là 3 "võ sĩ". "Ba con này có giá không dưới 100 chai (100 triệu đồng)" - ông Hải cho biết. Một con bạc ngồi kế bên trông mặt hom hem có thể vì mất ngủ, thở dài: "Bác Hải ơi! Bác có con nào chơi được để lại tôi. Con họa mi nhà tôi mới mua gần 30 "chai" nhưng bị "trúng nước" (mắc mưa) chết rồi".
Nhìn chú chim của tôi, ông Hải hỏi: "Được bao nhiêu bịch rồi?". "Bịch" là tiếng lóng của dân đá chim, tùy theo quy ước của mỗi trường chim cũng như số tiền cá cược lớn hay nhỏ sẽ có số tiền tương ứng: 50.000, 100.000 hoặc 1 triệu. "Bịch" có nguồn gốc từ bịch (bao) thức ăn dành cho chim. Ban đầu dân đá chim chỉ cá nhau vài bịch cào cào, châu chấu... cho vui. Vừa nói ông vừa vén vải che bên ngoài chiếc lồng để xem và thốt lên: "Ủa con này của chú Tiến mà. Ông là chủ mới hả? Con này thì khỏi phải nói, nó đá ác chiến lắm. Nhiều thằng méo mặt vì nó đấy".
8h, Bảo ra hiệu cho một người đàn ông ra khóa cổng rồi vỗ tay bốp bốp, nói lớn: "Chuẩn bị vào trận các bác ơi". Bên dưới, các con bạc nhao nhao. Ở trên, những chú chim cũng đang "ghình" nhau, hót inh ỏi tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp. Một con bạc đến "kèo" với ông Hải: "Tôi với bác đá 20 chục bịch thử "giò" nhé". Ông Hải gạt phăng: "Ai cũng biết "giò" nhau rồi. Có bèo lắm cũng trăm bịch mới chơi". Nghe vậy, người kia rút êm. 5 phút sau hắn quay lại, trên tay cầm cọc tiền mệnh giá 100.000 đặt trên bàn, mạnh giọng: "Đúng 100 bịch bác nhé".
Vào trận đỏ đen: Chim huyết chiến, con bạc chửi thề
8h20', 5 cặp sẽ vào trận "tỉ thí" mang chim treo sẵn phía trên để các con bạc "xem giò". Trong đó chỉ có một cặp thách đấu lên đến 100 bịch (tương đương 10 triệu đồng), còn các trận khác chỉ dừng lại dưới 50 bịch/trận. Theo ông Hải, những trận đấu dưới 50 bịch gọi là "đá cỏ". Trọng tài xách hai lồng chim chuẩn bị ra "sàn đấu" đặt cạnh nhau trên chiếc bàn dài, phía trước viết sẵn hai chữ "chẵn" và "lẻ". Trước khi trận đấu bắt đầu, không ai được phép bước lên trên, trừ chủ chim. Bảo có nhiệm vụ gom tiền của những con bạc và ghi vào sổ. Cầm cuốn sổ bé tẹo đi qua đi lại, Bảo hỏi: "Còn ai theo nữa không?". Không ai trả lời, Bảo tiếp: "Vậy khóa sổ chốt kèo". Vừa dứt lời, một con bạc còn khá trẻ lên tiếng: "Tôi theo bên chẵn 50 bịch". Phía góc trái, một con bạc nói giọng Bắc đặc sệt: "Bên chẵn "hốt" ("hốt" nghĩa là theo - PV).
Gần 100 con bạc căng mắt dõi về phía "sàn đấu". Một người cầm hai chiếc muỗng gõ vào nhau như "khớp lệnh" trận đấu bắt đầu. Chú chim của ông Hải ngẩng cao đầu, xù lông tung mạnh lên va vào thành lồng. Đối thủ cũng chẳng vừa, từ bên này bay song phi áp đảo đối phương. Dường như bị trượt chân mất thế, chim của ông Hải lợi dụng đối thủ thất thế liền "bổ" liên tục lên đầu kèm những cú đá "hiểm". Tiếng vỗ tay, tiếng chửi thề của các con bạc làm huyên náo một khoảng sân rộng.
Theo "luật" chơi ở trường chim này, con chim nào "áp đảo" liên tục 30 giây trong một trận dài 5 phút được xem là thắng cuộc. Đứng bên trên, ông Hải khoái chí: "Đá thế mới là đá. Có "kẹo" rồi ("kẹo" ý nói có tiền). Lại âm thanh của hai chiếc muỗng gõ vào nhau, lần này báo hiệu trận đấu kết thúc. Bảo cầm cọc tiền dày cộm đưa người thắng. Ông Hải rút tờ 500.000 đồng đưa cho Bảo, nói: "Anh không chơi tệ với em mày đâu". Mỗi trận đấu, người chơi phải trả "phí" cho trường chim từ 5-7% tổng số tiền cá cược. Phí này có thể người thua trả, tùy vào thỏa thuận giữa hai chủ chim.
Cách tuần sau, chúng tôi đến quán càphê chim cảnh của ông chủ hội chơi chim tên Bi ở đường Cây Trâm, quận Gò Vấp. Quán nằm sâu phía trong khoảng đất khá rộng có nhiều lối đi. Khách đến quán đủ mọi thành phần, từ công chức, thợ hồ, xe ôm... chơi chim có, không chơi chim cũng có. Người chơi chim họa mi tập trung ở một nơi, ai chơi các loại chích chòe, sơn ca... thì ngồi ở phía ngoài, cách nhau chừng chục mét. Theo các con bạc, trường chim của Bi nhỏ, chỉ chơi vào những ngày cuối tuần nhưng là điểm đến "an toàn" nhất.
Khác với những chiếc lồng mang đến trường chim ở quận 12, những chiếc lồng ở đây được gắn một thanh kim loại nhỏ phía trên khay thức ăn. Một con bạc bật mí: "Cây sắt đó để khi ăn xong, chim quẹt mỏ vào vừa làm sạch vừa làm cho mỏ thêm sắc nhọn. Lợi hại lắm, chim đá hay một phần nhờ mỏ sắc". Tại đây, tôi làm quen với Dũng - người được dân trong nghề biết đến là khá "mát tay" huấn luyện chim đá. Vào mỗi cuối tuần, Dũng lân la trường chim xem có ai bán chim được giá thì thu về nuôi một thời gian, cho "dợt" rồi bán lại. Dũng khoe: "Tôi có hàng chục con, con nào đá cũng hay, giá từ 2 triệu đến 50 triệu/con".
Hàng trăm triệu một trận đá chim của đại gia
Theo địa chỉ mà Dũng cung cấp, sáng cùng ngày tôi tìm đến trường chim ở đường số 1, phường 13, quận Gò Vấp. Trường chim này con bạc đông hơn hẳn. Vừa đến cổng, hàng chục cặp mắt đổ dồn về phía tôi. Người đàn ông mang càphê ra hỏi: "Anh có mang chim đến không?". Tôi lắc đầu. Người này yêu cầu: "Vậy anh vui lòng ra phía sau ngồi. Hàng trên dành cho người chơi chim, hàng trên nữa dành cho ai cá độ...". Không khí ở trường chim này bát nháo hơn, mặc dù việc chồng tiền trước lúc trận đấu bắt đầu không diễn ra tại chỗ. Sau khi hai "võ sĩ" lên sàn đấu, trọng tài liên tục gọi mời: "Chẵn ăn 8, có ai theo không?". Lát sau, lại tiếp: "Bên chẵn to xác, ăn 7". Những con bạc được hai người đàn ông dắt vào bên trong để chồng tiền. Bên ngoài, những chú chim đang được "dợt" bằng cách chọc cây vào ngực, vào hông để chọc tức chim, làm chúng hăng máu hơn.
Theo lịch, buổi sáng hôm ấy có đến 6 trận tỉ thí. Những con bạc vào trận là các ông giám đốc, trưởng phòng, chủ doanh nghiệp lớn, trong đó có những vị khá nổi tiếng, từng xuất hiện trên trang bìa các tờ báo, tạp chí kinh tế, doanh nhân, đầu tư... Theo tìm hiểu của tôi, ngày cuối tuần, mỗi trận tỉ thí ở trường chim này có tổng số tiền cá cược không dưới 500 triệu đồng. Một con bạc ngồi cạnh tôi nói: "Không biết tiền ở đâu ra mà mấy ổng chơi bạo lắm. Có ông mang cả túi xách đựng toàn tờ 500.000 đồng và tiền đô". Nghe vậy, người ngồi cùng bàn với anh ta cũng góp chuyện: "Mấy thằng cha là đại gia, đá một trận vài trăm triệu đồng có là gì. Hôm bữa cha Thắng (chủ hệ thống nhà hàng, quán ăn tại Sài Gòn - PV) chơi 4 trận nhưng trận nào cũng bại. Ổng gọi tài xế mang tiền đến nhưng trường chim đóng cửa".
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục "phá" nhiều trường gà lớn nhỏ. Bị "động", các con bạc lại chuyển sang đá chim. Theo dân trong nghề, chơi đá chim an toàn vì không bị công an để ý. Tiến dẫn chứng: "Mấy thằng đá gà xách chiếc giỏ đệm còn sợ công an theo chân đến tận ổ, còn mấy thằng đá chim xách cái lồng đi nghênh ngang ngoài đường, ai thèm để ý". Từ thú chơi tao nhã, thời thượng, gần đây thú chơi chim đã bị biến tướng với những canh bạc đỏ đen sát phạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Những trường chim núp bóng càphê chim lâu nay cần được cơ quan chức năng sớm "xóa sổ".
Theo Dantri
Nghị lực sống của anh em sinh đôi mang bệnh bạch tạng Mang trong mình chứng bệnh bạch tạng toàn phần với nhiều thị phi, bất hạnh, nhưng cả hai em đã khiến nhiều người phải khâm phục vì khát vọng sống và ý chí vươn lên. Nỗi đau ngày lọt lòng mẹ Đến với nhau, lần lượt sinh con gái đầu đến hai đứa con trai nối tiếp, anh Thắng chị Thanh ở xóm...