Lấy vợ để làm gì?
“Hiện nay phụ nữ đang đánh mất mình trong gia đình, đôi khi đàn ông cảm thấy không cần có vợ cũng sống tốt”.
Trong một buổi trò chuyện về hạnh phúc gia đình nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 vừa qua, một người đàn ông đứng lên tuyên bố một câu xanh rờn rằng: “Hiện nay phụ nữ đang đánh mất mình trong gia đình, đôi khi đàn ông cảm thấy không cần có vợ cũng sống tốt”. Thế là câu nói nghe “lạ tai” này đã trở thành chủ đề của cuộc thảo luận sôi nổi về vai trò của người phụ nữ hiện đại trong gia đình.
“Nhâm nhi” cái không khí gia đình
Một người đàn ông đứng tuổi, là đại diện cho ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một cơ quan đã đứng lên nói rằng, ngày xưa khi nhắc đến người vợ là người ta nghĩ ngay đến cụm từ “cơm dẻo, canh ngọt”. Những người đàn ông đi công tác xa nhà, phải sống bằng cơm tập thể với “nước mắm đại dương, nước canh toàn quốc” khao khát mong chờ ngày thứ Bảy, Chủ nhật về với vợ để được cải thiện bằng bữa cơm canh cua rau đay, mồng tơi, cà pháo giòn tan, bát bún riêu váng mỡ hay một bữa bún chả tự tay người vợ làm. Người đàn ông khi ấy không chỉ được cải thiện bởi các món ăn ngon, mà còn được uống cái tình cái nghĩa vợ chồng, được nhâm nhi cái không khí gia đình ấm cúng, bình an…
Cứ như vậy, mỗi buổi chiều đi làm về, người đàn ông biết rằng ở nhà có người vợ đang nấu ăn chờ mình, họ khao khát muốn trở về. Nói không ngoa rằng, chính những bữa ăn đó là những sợi dây gắn bó các thành viên trong gia đình lại với nhau. Chính những bữa ăn đó đã kéo người đàn ông về với gia đình. Còn ngày nay, nhiều người phụ nữ không giỏi việc nấu ăn đã đành, mà họ còn không hiểu được tầm quan trọng của công việc nội trợ. Đã mấy người phụ nữ trong thời bận rộn bây giờ biết rằng chồng mình thích ăn món gì nhất? Nhiều bà vợ còn thua xa mấy cô bán cơm bình dân.
Như để chứng minh cho câu “vợ không bằng cô bán cơm bình dân”, người đàn ông ấy đã kể rằng: Một lần tôi vào ăn trưa tại một quán ăn gần cơ quan, chưa vào đến cửa, cô bán hàng đã đon đả chào mời và nói: “Anh vào đi, hôm nay có món chuối xanh nấu ốc, đậu anh thích đấy!”. Tôi thật sự xúc động, đúng là tôi thích ăn món ấy thật, nhưng sao cô bán hàng lại để ý và nhớ thế. Đến vợ tôi ở nhà cũng đâu có biết điều đó. Cô ấy thường cho tôi ăn thịt kho sẵn để trong tủ lạnh và dưa chua mua ở đầu phố thôi. Giá vợ tôi cũng biết điều ấy thì tôi sẽ là người hạnh phúc”.
Video đang HOT
Để tiếp lời, một người đàn ông khác cho rằng ngày nay chẳng mấy ai mặc quần áo tự may, do đó cái công việc may vá cũng tuột khỏi tay người phụ nữ nốt. Dọn dẹp nhà cửa thì có nhiều nhặn gì đâu, vậy mà một số chị em cũng thuê người một tuần dọn dẹp, giặt dũ một lần. Việc dạy con cái học cũng không phải ai cũng đảm đương được. Phần lớn thì ỉ lại nhà trường và gia sư. Có người phụ nữ khi con hỏi bài lại bảo “ra mà hỏi bố mày ấy, mẹ lâu không đọc sách, quên hết rồi!”.
Người phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng tổ ấm (ảnh minh họa)
Lấy vợ để làm gì?
Khi người phụ nữ bị tước đoạt đi tất cả những công việc gia đình thì họ cũng tự mình đánh mất vai trò “người giữ lửa trong nhà”, do đó không khí trong gia đình có phần lạnh lẽo hẳn đi. Một số người đàn ông hết giờ làm việc không trở về nhà ngay… cũng một phần bởi họ cảm thấy “về nhà cũng chẳng có gì vui thú!”.
Tất nhiên, những người phụ nữ không chịu ngồi yên để đàn ông lên án mình. Họ bảo rằng họ cũng bận rộn. Ngoài chuyện đi làm cơ quan, công sở, họ cũng còn việc nọ việc kia. Tuy nhiên không phải ai cũng bận rộn đến thế. Có người phụ nữ không có thời gian để làm một bữa cơm chiều, nhưng lại có thời gian đi dạo hết siêu thị này đến cửa hàng khác. Có người không có thời gian để là cho chồng cái áo, nhưng lại có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ để đắp dưa chuột lên mặt làm trắng da mình. Có lẽ không hẳn vì bận rộn, mà điều cơ bản là một số chị em cho rằng công việc nội trợ là gánh nặng. Chỉ khi nào chị em thấy rằng làm công việc gia đình không có nghĩa là “phải hầu hạ chồng con”, mà là niềm vui của người phụ nữ, họ sẽ tìm ra được thời gian thích hợp để làm việc đó.
Sau màn độc diễn kể tội của quý ông, một chị cán bộ phụ nữ đứng lên nói về “bình đẳng giới”. Chị nói rằng, đừng nên nghĩ nội trợ là việc của phụ nữ. Sao các anh không vào bếp mà làm? Các anh muốn có người vợ đảm đang, cơm dẻo, canh ngọt, sao không nghĩ rằng người vợ cũng mong muốn ở người chồng một người chủ gia đình, một chỗ dựa cho vợ con? Tại sao hết giờ làm lại phải túm năm tụm ba, trà lá, bia bọt đến gần bữa mới về?
Không phải là “tay vừa”, anh đàn ông khác bật dậy “phản pháo” rằng không phải bình đẳng là cào bằng, là phân chia theo tỉ lệ 50/50. Không lẽ người vợ nấu cơm một bữa, người chồng nấu một bữa mới gọi là bình đẳng? Không lẽ người chồng không làm việc nhà thì người vợ cũng “bỏ bê” cho cân xứng? Không nói đến những người phụ nữ tham gia công tác xã hội, nghiên cứu khoa học hay làm những nghề đặc thù, phải đi xa thường xuyên, vắng nhà dài ngày, mà nhiều chị em chỉ là nhân viên hành chính, không quá bận rộn, nhưng lại không quan tâm đến việc nội trợ, nữ công, chăm sóc chồng con và thu vén gia đình. Tóm lại là nhiều người phụ nữ đang tự đánh mất vai trò là “người giữ lửa” trong gia đình.
Cuối cùng, một anh khéo miệng, muốn kết thúc cuộc “khẩu chiến” này đã nói rằng không nên “vơ đũa cả nắm”. Công việc gia đình, nội trợ, may vá vẫn còn trĩu nặng trên vai những người phụ nữ nông thôn. Những gia đình sống ở thành phố nhưng có mức sống còn thấp, chồng con vẫn còn trông cậy vào sự vun vén, lo toan tần tảo của người vợ. Tiếc thay trong một bộ phận phụ nữ công chức, những gia đình có mức sống trung lưu trở lên, hiện tượng người phụ nữ đang dần đánh mất vai trò của mình là có thật.
… Cuộc tranh luận giữa hai phái nam và nữ buổi hôm đó tuy không phân thắng bại, song tôi nghĩ nó cũng là một tiếng chuông nhắc nhở cho mọi người rằng hạnh phúc gia đình một phần phụ thuộc vào chị em. Hãy đừng so bì, đừng quá tính toán chi ly, bởi gái có công thì chồng không phụ!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đâu cần nhiều lời
Tôi rất thích một câu trong bức thư Ruồi Trâu gởi Giê -Ma trước đêm bị xử bắn (Ruồi Trâu - tiểu thuyết của Ethel Lilian Voynich): "Bao giờ chúng ta cũng hiểu nhau mà không cần nhiều lời, ngay từ khi chúng ta còn thơ bé".
Có nghĩa là, nếu yêu nhau, người ta có thể hiểu nhau mà không cần nhiều lời. Cặp vợ chồng Hạnh và Cường - những người bạn của tôi, là một ví dụ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hạnh xinh đẹp, hát hay, ăn nói có duyên, lại tháo vát, năng động..., nên luôn nổi trội ở bất cứ nơi nào cô xuất hiện. Tốt nghiệp đại học, cô tìm được một công việc tốt với mức thu nhập khá. Tất nhiên một cô gái như Hạnh luôn là niềm mơ ước của các chàng trai nhưng có vẻ như cô chẳng để ý đến ai. Đơn giản vì, như chúng tôi biết, cô chờ người yêu là Cường, đang du học nước ngoài.
Họ yêu nhau từ khi học phổ thông. Khác với Hạnh, Cường là chàng trai ít nói, có khi cả buổi chẳng mở miệng. Hơn thế, mới gặp, ai cũng nghĩ Cường có vẻ "đần", lại rụt rè, nhút nhát đến vụng về. Duy chỉ có Hạnh biết, Cường không như thế.
Do cảnh nhà khó khăn nên dù đậu đại học, Cường vẫn phải bỏ học để đi làm giúp đỡ gia đình. Biết Hạnh yêu Cường, chúng tôi đều phản đối vì cho là Cường không xứng với Hạnh. Trước những lời can ngăn hay chê bai của mọi người, Hạnh luôn mỉm cười một cách bí ẩn rồi lảng sang chuyện khác, khéo đến nỗi ai cũng tưởng cô nghe lời. Hóa ra, cô vẫn kiên trì chờ đợi Cường. Có lần, Hạnh tâm sự, cô yêu Cường vì khâm phục bản lĩnh và ý chí của cậu ấy. Bên Cường, Hạnh nhận ra nhiều đức tính quí báu của Cường mà người khác không có. Hạnh tin, đó chính là một nửa đích thực mà cô luôn mong ước sẽ trao cả cuộc đời mình. Và, thực tế đã chứng minh, nhận xét của Hạnh rất đúng, sự chờ đợi của Hạnh là xứng đáng.
Cường đi làm nhưng vẫn tranh thủ thời gian học tại chức ngành Quản trị kinh doanh và tự học tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, Cường kiếm được học bổng du học thạc sĩ tại Anh. Về nước, Cường có việc làm tại một công ty nước ngoài, họ trở thành vợ chồng.
Có lần tôi hỏi Hạnh, tính cách hai người khác nhau thế, yêu nhau thì được vì "chín bỏ làm mười", nhưng về sống với nhau, liệu có hạnh phúc? Hạnh nói, cô cảm thấy rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Trải qua một thời gian dài yêu nhau, cùng nhau đồng cam cộng khổ, vượt qua nhiều thử thách cam go, nên dù tính cách trái ngược, họ vẫn sống với nhau rất đầm ấm. Hạnh là người hay nói, trong khi Cường thường "ngậm hột thị" nhưng hai người vẫn rất hiểu nhau mà không cần nhiều lời. Hạnh kể ...
Cũng như nhiều cô gái thời @, Hạnh không giỏi việc nội trợ và rất ngại vào bếp nhưng biết Cường thích ăn ở nhà nên Hạnh cố "tập tành chuyện bếp núc". Thời gian đầu, những bữa ăn Hạnh nấu, cơm không sống thì nhão, không khô thì nát thức ăn khi mặn, lúc nhạt thếch hoặc quên gia vị, tanh rình... Chẳng những không chê bai, Cường còn ăn rất nhiệt tình với lời giải thích: "Ngon hay dở cũng là công em nấu!". Vì vậy, Hạnh luôn cố gắng học hỏi, "rèn luyện tay nghề" để dần dần, những món ăn Hằng nấu tiến bộ hẳn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngay cả khi còn yêu nhau, cũng chưa bao giờ Cường nói với Hạnh những lời yêu thương hay tán tụng nhưng với Hạnh, tình yêu của Cường là ánh mắt rạng rỡ, là vòng tay ôm đến nghẹt thở mỗi khi trở về nhà. Tình yêu của Cường còn là những cử chỉ săn sóc lặng lẽ: tô cháo hành khi Hạnh bị cảm, thau nước ấm ngâm chân mỗi tối khi cô trở về từ chuyến công tác vùng sâu vùng xa... Khi Hạnh "nằm ổ", đêm đêm, Cường là người thức dậy bế con, dỗ dành, ru con ngủ ... Những khi Hạnh gặp trục trặc trong công việc, Cường chỉ lặng lẽ đến bên cạnh, nắm tay vợ thật chặt hay ôm vợ vào lòng. Vậy là cô cảm thấy nhẹ nhõm. Biết Hạnh thích đọc sách, thỉnh thoảng Cường đặt trên bàn một cuốn sách mới xuất bản. Buổi sáng, Hạnh luôn cảm thấy hào hứng khi pha cà phê cho chồng vì biết sẽ được nhận ánh mắt ấm áp, chan chứa yêu thương khi Cường bưng ly cà phê đưa lên miệng...
Những buổi tối, sau bữa cơm đầm ấm, hai vợ chồng hay ngồi "tám" đủ thứ chuyện. Thật ra, chỉ mình Hạnh nói. Cường thường ngồi im, chăm chú lắng nghe với một nụ cười khích lệ. Tuy ít nói, nhưng mỗi khi Hạnh hỏi điều gì, Cường đều có lời giải chính xác. Có lẽ vì đi làm sớm, trải nghiệm nhiều nên Cường luôn có những đáp án phù hợp khiến Hạnh rất khâm phục chồng.
Kể đến đây, trong mắt Hạnh chợt bừng lên một thứ ánh sáng rạng rỡ: "Các cậu thấy đấy! Vợ chồng mà! Đâu cần nhiều lời mình vẫn thấy thật hạnh phúc!".
Theo Bưu Điện Việt Nam
5 bí quyết đơn giản gìn giữ tình yêu Ở các thời kỳ, vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình vẫn luôn quan trọng. Tuy nhiên, để giữ cho không khí gia đình thuận hòa và duy trì tốt tình yêu với chồng không thể không cần tới bí quyết. Vậy những lời khuyên đó là gì? Suy nghĩ về cách cư xử của mình Tất nhiên...