Lấy lại Cảng Quy Nhơn cho Nhà nước: Có khả thi?
Những dấu hiệu bất thường trong việc bán cổ phần khiến cảng Quy Nhơn rơi vào tay tư nhân đang được cơ quan thẩm quyền làm rõ. Với trách nhiệm của mình, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã tha thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bằng mọi cách phải lấy lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước quản lý.
Cảng tư nhân, tỉnh “khó” chỉ đạo?
Ngày 25.1, nguồn tin từ Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: Ông Lê Hồng Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty vừa có thông báo gởi đến Ban điều hành và toàn thể cán bộ, công nhân viên về việc tập trung làm việc trước dư luận về cảng Quy Nhơn.
Theo thông báo, trước ý các kiến dư luận về cảng Quy Nhơn, HĐQT Công ty yêu cầu Ban điều hành tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên làm việc, thi đua giải phóng tàu nhanh, tập trung chăm sóc khách hàng tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và cung cách phục vụ, hỗ trợ thuận lợi nhất cho hàng hóa thông qua cảng. Toàn thể cán bộ, công nhân viên tập trung thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy lao động của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã có văn bản “trấn an” cán bộ trước dư luận về cảng.
Trước bức xúc của dư luận, ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định – đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ ngành nghiên cứu cách làm để cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước.
Theo ông Tùng, vừa qua, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, thực ra bán cảng này cho tư nhân, khiến cán bộ, nhân dân Bình Định rất bất bình.
“Bây giờ, Cảng Quy Nhơn thuộc cảng tư nhân chứ không phải của nhà nước nữa. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của tỉnh, của Nhà nước, không cổ phần hóa gì hết. Nếu được như thế, cán bộ, nhân dân Bình Định sẽ rất mừng, tôi có thể dám khẳng định như vậy. Vì cảng tư nhân nên khi quy hoạch phát triển, chúng tôi chẳng biết trách nhiệm của tỉnh chỉ đạo làm sao” – ông Tùng chia sẻ.
Lúc đương chức, ông Nguyễn Văn Thiện – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015), được xác định có vi phạm, khuyết điểm khi thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ký văn bản đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, trao đổi với báo chí, ông Thiện lại thống nhất về kiến nghị của ông Nguyễn Thanh Tùng về việc lấy lại Cảng Quy Nhơn giao về cho Nhà nước quản lý.
“Sau 3 năm cổ phần hóa, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai dự án mở rộng cảng, để cảng quá tải là không được, điều này gây nên bức xúc trong dư luận” – ông Thiện nêu quan điểm.
Quá trình thoái vốn có vấn đề
Liên quan đến vấn đề trên, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính quyền tỉnh Bình Định (ngày 20.1), ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – cho biết: “Chủ trương cổ phần hóa cảng biển Quy Nhơn là của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến về vấn đề này nên Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc thanh tra, sau thanh tra thì sẽ báo cáo Thủ tướng”.
Ông Thọ cho rằng, cảng Quy Nhơn hiện nay là thương hiệu cực tốt, là cảng biển dẫn đầu miền Trung và Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là cảng biển đầu mối số 1.
“Vì xác định cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng nên khi cổ phần hóa, Bộ quyết định không cho đưa lên sàn giao dịch, không cho đối tác nước ngoài tham gia” – ông Thọ nói.
Tỉnh Bình Định tha thiết xin lấy lại Cảng Quy Nhơn cho Nhà nước quản lý.
Ông Thọ đánh giá, hiện nay, việc tổ chức kinh doanh dịch vụ cảng biển Quy Nhơn đang có vấn đề, kho bãi, bốc xếp, tổ chức của Cảng Quy Nhơn đều yếu, vấn đề này đang được bộc lộ rất rõ.
“Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra, sau khi có kết luận thì Thủ tướng sẽ có chỉ đạo xử lý, các bộ ngành trung ương và địa phương sẽ thực hiện” – ông Thọ cho hay.
Trong khi đó, tại cuộc họp, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – cho rằng: “Cảng Quy Nhơn có hạ tầng rất hiện đại, chiều dài 825m, có 6 cầu cầu cảng, kho bãi, kho chứa cực kỳ nhiều. Thực ra, trong quá trình thoái vốn dứt khoát là có vấn đề. Không dám nói gì trước nhưng vì giá trị tài sản rất lớn như thế, nhưng khi thu lại cho Nhà nước thì rất thấp. Sau này, có kết luận thanh tra, mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn”.
Cuối tháng 5.2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện. Trong đó có lý do ông Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ký văn bản đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ.
Theo Danviet
Bí thư Bình Định kiến nghị Thủ tướng "đòi" lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước
"Cảng Quy Nhơn có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng xem xét lấy lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định tha thiết.
Đó là chia sẻ rất thẳng thắn của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng tại buổi tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ về làm việc tại tỉnh này vào ngày 20/1.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành làm sao để cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước. Theo ông Tùng, cảng Quy Nhơn có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vừa qua, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, bán cảng này cho tư nhân, cán bộ, nhân dân Bình Định rất buồn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng tha thiết đề nghị Thủ tướng xem xét lấy lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước quản lý.
"Bây giờ bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân, tỉnh không biết quy hoạch, phát triển ra sao, trách nhiệm của tỉnh sao đây. Hiện nay, tỉnh rất lúng túng không biết chỉ đạo ra sao. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước, không cổ phần hóa gì hết. Nếu được như thế thì cán bộ, nhân dân Bình Định sẽ rất mừng. Tôi có thể dám khẳng định như vậy", ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.
Ông Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đồng quan điểm của Bình Định mong muốn lấy lại cảng Quy Nhơn giao cho Nhà nước. "Đây là bức xúc của nhân dân tỉnh Bình Định, ngay cả cá nhân tôi cũng rất bức xúc. Nếu Quy Nhơn không còn cảng thì mất hết lợi thế phát triển. Vấn đề ở đây không chỉ là phát triển kinh tế mà còn liên quan đến cả an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và chiến lược dài hạn", ông Lịch cho hay.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Bình Định phát triển có hiệu quả cảng Quy Nhơn, xác định địa điểm xây dựng cảng với công suất lớn, đa năng. "Nhà nước sẽ xem xét vấn đề về cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và sẽ có phương thức quản lý tốt hơn để cảng Quy Nhơn phát triển. Tôi rất chú ý lắng nghe ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đồng chí Trần Du Lịch và một số đồng chí khác ở đây về vấn đề cảng Quy Nhơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, đến năm 1993 thì Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn và năm 2009 cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Vào tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hoá, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).
Cán bộ và nhân dân Bình Định bức xúc khi cảng Quy Nhơn cổ phần hóa bán cho tư nhân.
Theo Đề án tái cấu trúc Vinalines giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, QNP nằm trong diện nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Thế nhưng, tháng 6/2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phần, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
3 tháng sau, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong Cảng Quy Nhơn (19,8 triệu cổ phần với tỉ lệ 49%) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và giúp doanh nghiệp này tăng tỉ lệ nắm giữ Cảng Quy Nhơn lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỷ đồng.
Cho rằng vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước, tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa QNP. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa QNP.
Liên quan tới vụ việc, cuối tháng 5/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện với lý do đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cổ phần hóa QNP không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Doãn Công
Theo Dantri
Số người chết do bão số 12 vẫn không ngừng tăng Bão số 12 đã khiến 106 người chết và 25 người mất tích; hàng ngàn ngôi nhà; hoa màu... bị ngập, hư hỏng... Bão số 12 đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh Báo giao thông. Theo số liệu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục...