Lấy chồng như là gông đeo cổ
Lấy chồng vào như gông đeo cổ, chẳng bao giờ được một ngày tự do, thoải mái. Cái gì vợ cũng phải nhất nhất nghe theo lời chồng. Đằng sau chồng còn có bố, mẹ và anh em nhà chồng nữa chứ.
Ảnh minh họa
Chào Jenny Trần – Tác giả tâm sự: “Buồn vì tiêu chuẩn chọn vợ của người Việt quá cao”.
Giá như khi còn con gái, tôi cũng nhanh nhạy để hiểu vấn đề này sớm hơn thì tôi sẽ sống độc thân cho khỏe người. Làm vợ, làm con dâu trong gia đình Việt thật tù túng và mệt mỏi lắm.
Lấy chồng như “gông đeo cổ” sẽ chẳng bao giờ được một ngày tự do, thoải mái. Bởi trong mỗi mái nhà Việt đều quan niệm “xuất giá tòng phu”. Cái gì vợ cũng phải nhất nhất nghe theo lời chồng. Đằng sau chồng còn có bố, mẹ và anh em nhà chồng nữa chứ.
Video đang HOT
Sau 8 giờ làm việc căng thẳng ở cơ quan, tôi lao như bay về nhà vội nấu cơm. Rồi thời gian đó cho đến trước khi đi ngủ, tôi cứ phải luôn chân luôn tay làm lụng. Nếu bữa cơm lỡ chậm đi 20 phút, y rằng tai tôi phải dồn dập nghe lời trách của mẹ chồng.
Lích kích và mệt mỏi nhất là mỗi người trong gia đình có khẩu vị ăn uống riêng. Bố chồng thích ăn cay nên phải pha thêm ớt vào nước chấm. Mẹ chồng quen ăn nhạt, không được để nước canh mặn. Em chồng sợ béo nên món nào cô ấy thích phải nấu ít mỡ.
Ăn xong bữa, mọi người nghiễm nhiên ngồi uống nước nghỉ ngơi. Còn tôi lại tức tốc rửa bát, lau bếp. Lúc nào tay chân tôi cũng cuống lên vì sợ không làm nhanh sẽ phải thức khuya để làm hết việc.
Người tôi đã thấm mệt. Song tôi vẫn gắng gượng dịch tài liệu tiếng Anh gửi báo để kiếm thêm thu nhập. Chứ với đồng lương ba cọc ba đồng ở cơ quan không đủ cho các chi phí sinh hoạt tăng rầm rầm.
Tôi có phân trần và đề nghị chồng chia sẻ việc nhà. Anh bảo: “Đàn ông trong nhà chỉ lo việc lớn”. Nhưng mọi việc từ trước đến nay với anh chưa đủ và chẳng biết việc gì mới được anh xứng đáng chọn làm nữa.
Điều đáng buồn là đàn ông Việt thay đổi chóng mặt sau ngày cưới. Thuở yêu đương, mình còn làm nũng được. Khi đã về sống chung một nhà, đàn ông giở thói: “Tôi làm chồng. Tôi có quyền”. Còn vợ chỉ có đặc ân là nghe theo.
Đôi lúc, vào những ngày đặc biệt, chồng tôi định tri ân vợ. Anh rửa bát thay vợ. Mỗi lần như thế, bất thình lình bố hoặc mẹ chồng tôi chen vào xỉa xói: “Con dâu nhà này sắp làm bà tướng rồi”
Trong gia đình, tôi làm tôi tiêu thậm chí vẫn phải chi thêm cho chồng tiêu vặt. Nhưng lúc tôi mua bộ quần áo mới bằng tiền mình làm ra, em chồng thể nào cũng cạnh khóe: “Chị dâu ăn diện quá, suốt ngày quần áo lượt là như có người tình mới vậy!”.
Tôi đành nín lặng. Bởi nếu tôi nói lại lời phải chăng thì cả tập đoàn bố, mẹ và chồng tôi sẽ đứng ra bên ngay. Tôi chán chẳng muốn nói nữa, dù là trái hay phải. Đằng nào người bị phán xét sai trái vẫn là tôi.
Cuộc sống gối chăn cũng chẳng “phiêu”. Lúc tôi mệt mỏi, chồng chê tôi yếu. Lúc tôi mạnh mẽ, chồng bảo: “Dạo này cô thực hành ở đâu mà thế”. Chán chẳng buồn nói, tôi mặc chồng hành sự. Chồng tôi chỉ biết tới nhu cầu và ý thích của riêng mình.
Sau một năm kết hôn, vợ chồng tôi vẫn chưa có tin vui. Bố mẹ chồng đã đi phao tin khắp họ hàng nhà đẻ: “Chắc trước đây nó là gái bán hoa nên mới vô sinh”.
Buồn rầu, tôi rủ chồng tới viện khám hiếm muộn. Chồng tôi nhảy lên: “Cô thích thì đi mà khám. Tôi là đàn ông khỏe mạnh, sao có bệnh tật gì được”.
Chán ngán với gia đình nhà chồng, tôi đem tâm sự nói với cô bạn thân. Ai ngờ, “tiếng dữ đồn xa” mà lại theo dạng “tam sao thất bản”. Mẹ chồng tôi chửi ầm ĩ lên: “Chuyện nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay. Cô dọn quần áo cuốn xéo khỏi cái nhà này luôn cho tôi”.
Tôi khóc lóc với chồng mong được sự đồng cảm. Anh thản nhiên nói: “Bố mẹ nói gì thì vẫn là bề trên. Em buộc phải xin lỗi thành khẩn”.
Mỗi ngày ở nhà chồng khiến tôi bế tắc quá. Nếu biết trước có hôm nay, tôi thà khoác danh gái ế còn hơn. Làm vợ, tôi đang sống mòn.
Theo VNE