Lấy chồng Nhật hơn 30 tuổi, 9X đẻ lần đầu ở quê, lần 2 đi sinh được chi 100 triệu
Sau lần đầu sinh con tại một bệnh viện tuyến huyện ở Việt Nam, chị Linh được chồng đầu tư 100 triệu đi sinh lần 2 ở bệnh viện lớn nhất Tokyo, Nhật Bản.
Ngày quyết định lấy anh Nakamura Naoto (SN 1962, làm công việc văn phòng ở Nhật), chị Nguyễn Khánh Linh (SN 1992, hiện sinh sống tại Nhật) từng khiến nhiều người lo ngại với quyết định vội vàng ở tuổi 18 của mình khi chưa một lần yêu anh.
Thậm chí khoảng cách tuổi tác khi anh hơn chị 30 tuổi, đặc biệt anh từng ly hôn và đã có con riêng cũng khiến nhiều người lo lắng cho cuộc sống sau hôn nhân của chị. Thế nhưng hơn 10 năm qua, chị Khánh Linh chưa bao giờ hối hận với quyết định ấy, đặc biệt là qua 2 lần sinh nở chị càng yêu anh nhiều hơn.
Tổ ấm nhỏ của chị Linh và ông xã người Nhật.
Lần đầu đi sinh, chồng vụng về không biết bế vợ khiến cả khoa sản cười
Người ta nói “Muốn biết lòng dạ đàn ông, hãy đến khoa sản, chứng kiến giờ phút phụ nữ sinh con”, 2 lần vượt qua cửa tử, đau đớn dù không thể nhìn thấy ông xã lúc đó đang làm gì nhưng chị Khánh Linh biết anh Naoto luôn lo lắng cho mình giống như cách anh quan tâm mẹ con chị ngay từ lần đầu nhận tín hiệu sắp được làm bố.
Chị Linh tâm sự, ông xã chị từng ly hôn, từng được làm bố rồi nhưng khi chị mang bầu 2 lần anh vẫn rất vui mừng, còn mua que thử thai về cho vợ và chụp lại hình ảnh que 2 vạch giữ lại đến tận bây giờ. Đến bây giờ chị vẫn còn nhớ lần mang bầu đầu tiên sau cưới không lâu, khi đó chồng làm công ty Nhật ở Campuchia nên chị cùng chồng sinh sống trong một căn phòng nhỏ ở đây. Biết vợ mang bầu lần đầu anh đã rất lo lắng, anh lo mình đi làm suốt, vợ người nước ngoài không có bố mẹ ở bên, không ai chăm khi sinh nở.
Đặc biệt nhìn 3 tháng đầu chị ốm nghén không ăn uống được gì, sợ tất cả các mùi, ngửi mùi gì hay uống nước, uống sữa cũng nôn làm anh lo sợ đến sức khỏe của vợ. Anh đã quyết định mua vé máy bay cho chị về Việt Nam. “Chồng mình nghĩ điều kiện ở Việt Nam sẽ tốt hơn bên Campuchia, hơn nữa có bố mẹ chăm sóc, anh sẽ yên tâm hơn nên anh để mình về, vợ chồng mỗi người một nơi.
Thỉnh thoảng, anh cũng gọi điện thoại hỏi thăm vợ có ăn uống được không? Có khám thai thường xuyên không và dặn dò đủ thứ rồi nói anh sẽ sang Việt Nam cùng vợ vượt cạn, nhắc mình yên tâm dưỡng thai làm dù không ở gần chồng nhưng mình cũng được an ủi phần nào. Về Việt Nam mình thèm ăn đủ thứ và ăn liên tục đến nỗi càng ngày càng béo tăng khoảng 15-17kg.
Cả thai kỳ mình vẫn tự đi lại bằng xe máy được, nấu cơm rửa bát dù bụng to, thậm chí gần đến ngày sinh vẫn chạy xe máy mang thức ăn, nấu cơm nước, giặt giũ cho em gái vừa sinh con xong”, chị Linh cười chia sẻ.
Anh Naoto vui mừng khi lần đầu biết tin chị mang bầu con trai lớn.
Chị Linh sinh bé đầu ở tuần thứ 40 ở bệnh viện huyện quê nhà. Con trai chị chào đời nặng 3,6kg. Đúng như lời nói của chồng, anh Naoto xin nghỉ 2 tuần để về Việt Nam cùng chị vượt cạn. Ngày đi sinh ấy, nhìn thấy chồng đến viện, chị tủi thân khóc nức nở còn anh thấy vợ đau quá không dám nhìn, chỉ đứng cạnh dìu, xoa bụng và lau mồ hôi cho vợ.
“Mình sinh bé vào tháng 5/2013- tháng nắng nóng nhất mồ hôi nhễ nhại. Chồng mình chỉ bảo vợ cố lên! Cố lên! Làm mọi người trong phòng cứ cười vì nhìn thấy anh lúng túng không biết làm gì cho vợ bớt đau. Mình sinh vào 10h30 tối, khi bác sĩ đưa vào phòng sinh, chồng đứng sau phòng sinh nhìn qua cửa sổ không rõ nhưng cũng biết và chứng kiến được cả quá trình sinh của vợ. Sau bao lâu đau đớn vật lộn trong phòng sinh, nghe tiếng con khóc mình rưng rưng nước mắt thấy vui và hạnh phúc lắm.
Chồng mình là người nước ngoài nên được bác sĩ ưu ái cho bố vào tận phòng sinh để chụp ảnh con. Sau đó, em bé được bác sĩ đưa cho mẹ mình bế, còn bảo chồng mình bế vợ ra phòng bên nằm mà anh không biết cách bế thế nào. Lúc đầu anh còn gọi bố mình chỉ ý bảo bế vợ hộ con. Bố mình thì ngại nói “vợ mầy mà mầy bắt tao bế hả” làm bác sĩ, y tá cười quá trời. Cuối cùng, bác sĩ chỉ dẫn anh mới bế được vợ.
Video đang HOT
Sau đó, anh bế con phán ngay câu xanh rờn trước mặt bố mẹ và mình, tay chỉ vào mũi, miệng con và nói “Sony”, ý nói mũi tẹt giống mẹ làm ông bà ngoại đều cười. Chồng vụng về vậy nhưng khi anh nói “Cảm ơn em” làm mình xúc động lắm”, chị Linh nhớ lại lần đầu đi sinh của mình.
Hiểu được sự vất vả của vợ nên một tuần nghỉ trước khi sang Campuchia tiếp tục công việc, anh Naoto thức trắng đêm cùng mẹ thay phiên bế con cho chị ngủ, tận tình chăm sóc chị sau lần vượt cạn đầu tiên.
Đã từng làm bố nhưng anh vẫn vụng về khi chị sinh lần đầu.
Đi sinh lần 2, chồng Nhật chi 100 triệu cho vợ đi đẻ
4 năm sau khi sinh sống làm việc ở Campuchia, vợ chồng chị Linh về Nhật sinh sống. Mặc dù hiểu được sự vất vả khi mang bầu sinh con của vợ nhưng nhìn con lớn lủi thủi một mình nên 2 vợ chồng chị quyết định sinh bé thứ 2.
Lần mang thai thứ 2 ở Nhật, chị cũng bị nghén giống như lần đầu. Cộng thêm đồ ăn ở Nhật khác, cứ ăn gì lại chạy vào nhà vệ sinh nên mẹ chồng và chồng chị rất lo. Thậm chí, mẹ chồng chị còn sợ chị không ăn không có chất nuôi con. “Mẹ chồng mình là mẹ nuôi của chồng, bà chưa kết hôn nên không biết gì về sinh nở nên hỏi “ăn vào cứ nôn vậy em bé trong bụng có sao không? Lấy chất đâu lớn, khổ thân con dâu quá”. Sau khi được chồng mình giải thích mang bầu nghén mấy tháng đầu thôi, về sau ăn bù lại không sao đâu, bà mới yên tâm.
Sau hết ốm nghén mình thèm đồ chua khác hẳn nghén đứa đầu. Bên Nhật không bán đồ như cóc, ổi, xoài hay mận nên mình phải đặt mua rất đắt, 1kg cóc khoảng 500-600 nghìn tiền Việt”, chị Linh chia sẻ.
Lần thứ 2 mang bầu ở Nhật chị được mẹ chồng và anh chăm sóc chu đáo.
Mặc dù mang bầu vất vả nhưng lần thứ 2 chị may mắn có chồng ở bên, anh lo hết mọi thứ cho chị từ giấy tờ thăm khám đến chọn bệnh viện lớn, dịch vụ tốt. Lần nào đến ngày khám thai, anh cũng xin nghỉ, dành thời gian đưa chị đi khiến chị không phải lo lắng vì không biết tiếng. Thậm chí, anh còn nghỉ công việc lương cao xa nhà, chấp nhận làm công việc gần nhà lương thấp để được ở bên cạnh chăm sóc vợ nhiều hơn.
Hơn nữa, nhờ bác sĩ theo dõi thai kỳ kỹ lưỡng, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, luôn khuyên chị giảm khẩu phần ăn, đi bộ nhiều nên thai kỳ của chị Linh trôi qua khá thuận lợi. “Anh nói lần đầu vợ mang bầu anh không chăm được cho vợ nên bầu đứa này anh sẽ chăm lo cho 2 mẹ con. Nhiều lúc anh rửa bát giặt giũ, chăm con ăn uống. Tuy sáng đi làm về sau một ca làm đêm mệt mỏi không được ngủ nhưng khi về đến nhà anh liền hỏi han vợ và làm tất cả mọi việc cho vợ”, chị Linh chia sẻ sự quan tâm của chồng.
Được biết, chị Linh sinh bé thứ 2 ở tuần thứ 40, bé nặng 3,4kg. Khác lần đầu mang bầu sinh con ở bệnh viện huyện Việt Nam, lần thứ 2 này anh Naoto bù đắp tất cả cho chị. Anh lựa chọn bệnh viện lớn có tiếng ở Tokyo, dịch vụ vô cùng tốt và hài lòng với chi phí khiến chị giật mình. Trong đó, một ca sinh thường khoảng 47-48 man yên Nhật, tương đương khoảng 100 triệu đồng trong 3-4 ngày sinh thường chưa tính bảo hiểm.
Bệnh viện chị sinh vô cùng sạch sẽ thoáng mát, có đồ ăn ngon giống như khách sạn 5 sao khiến chị không căng thẳng, áp lực. Nhân viên chăm sóc nhiệt tình chu đáo với 2 phương pháp sinh thường để lựa chọn, đó là sinh trên giường và sinh trong nước. Suốt quá trình đau bụng đến lúc sinh nở chồng chị luôn được ở bên an ủi và cùng chị vượt cạn.
Anh lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho vợ khi sinh con thứ 2.
Chứng kiến vợ 4 tiếng đau đẻ từ đầu đến cuối, ngồi bên cạnh nắm tay, lau mồ hôi vén tóc cho vợ và nhìn thấy cảnh em bé chào đời, ông xã chị chỉ biết nói cảm ơn chị nhiều lắm. Đối với anh, chị là một người dũng cảm bởi anh hiểu chị đã đau đớn, tốn sức như thế nào để sinh con.
“Mình sinh bé thứ 2 vào tháng 3/2017. Hồi đó Nhật vẫn đang lạnh mà mồ hôi ướt đầm đìa như tắm. Mình đau đến nỗi nắm tay chồng còn có dấu móng tay luôn, cấu lên tay chồng vì đau bụng quá không dám hét to. Thế nhưng dù bị vợ cấu cào đau như vậy nhưng anh không hề kêu ca, cứ để im cho vợ cào. Sau khi sinh xong thấy tay chồng toàn vết xước”, chị Linh cười.
Chị Linh thổ lộ, dù chồng từng ly hôn và từng được làm bố nhưng những việc anh làm cho chị trước đây đều chưa bao giờ làm. Chồng chị đã nói với chị rằng, chứng kiện vợ ốm nghén, mang nặng, đi lại, ăn ngủ khó khăn, chân tay bị phù anh thấy thương và xót lắm. Chính vì vậy, anh chẳng biết làm gì hơn là luôn yêu thương chăm sóc cho vợ suốt quá trình mang thai cho đến khi sinh.
“Chồng mình thấy vết rạn trên bụng vợ cứ nói “Vợ tôi khổ quá! Vết rạn mang bầu 2 lần vẫn còn! Anh hứa sẽ không bao giờ bỏ vợ bỏ con”. Nhiều khi nằm ngủ anh tâm sự: “Anh thật may mắn khi lấy được người vợ như em. Ươc gì mình gặp nhau sớm hơn”. Mình mới nói trêu: “Ông hơn tôi tới 30 tuổi muốn gặp sớm hơn thì lúc đó tôi còn chưa sinh. Đang đi đầu thai ở nhà nào không biết” làm anh chỉ biết cười”, chị Linh kể.
Hiểu được sự vất vả của vợ nên anh phụ chị rất nhiều trong việc chăm 2 con.
Không chỉ có ông xã, sau sinh chị còn được mẹ chồng nấu nướng, cho ăn và giặt giũ quần áo cho. Chồng về phụ vợ bế con thay bỉm cho con nên chị chỉ việc ăn, ngủ và cho con bú.
Đối với chị, tuy lấy chồng hơn nhiều tuổi nhưng chị thấy mình may mắn khi có được người chồng tử tế, mẹ chồng yêu thương. Và tuy cuộc sống không khá giả như bao người nhưng chị bằng lòng với nó vì vẫn không đến nỗi nào. Chị chỉ thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những gì ông trời đã ban tặng cho mình.
PV
Bác sĩ cắt tóc để tránh lây nhiễm nCoV
Chuẩn bị nhận sản phụ nghi nhiễm nCoV, bác sĩ Cấn Thị Bích Nga mặc đồ bảo hộ, quấn tóc cao, song tóc dài quá nên mũ không trùm vừa.
Mái tóc nuôi gần 10 năm vừa dài vừa dày, "cứ cho vào trong mũ là lại trễ sang một bên, rớt xuống", bác sĩ Nga chia sẻ.
Sản phụ từ khu cách ly sắp chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, chưa có kết quả xét nghiệm nCoV. Tất cả ê kíp gồm trưởng khoa, phó khoa Sản, khoa Truyền nhiễm cùng hơn chục bác sĩ, điều dưỡng đã mặc đồ bảo hộ sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên có bệnh nhân từ khu cách ly chuyển đến.
Bác sĩ Nga nghĩ, nếu bệnh nhân dương tính, tóc dài không bảo hộ cẩn thận rất dễ lây nhiễm. "Tưởng tượng ra cảnh mình nhiễm bệnh, rồi phải tắm gội trong khu cách ly với mái tóc dài như vậy, quả thực thảm họa", bác sĩ 33 tuổi nhớ lại.
Không chần chừ, chị gọi bác sĩ Nguyễn Tiến Thành đứng bên cạnh: "Thành ơi, cắt hộ cái tóc, ngắn nhất có thể".
"Để em", bác sĩ Thành đáp.
Thấy chiếc kéo cắt thuốc trên bàn làm việc, bác sĩ Thành cầm lấy, xoẹt vài đường theo đúng yêu cầu "ngắn nhất có thể", không chút suy nghĩ. Chiếc kéo cùn, phải gần một phút sau anh mới cắt xong. Chị Nga đứng im không nhúc nhích. Xong xuôi, chị vội vàng lấy mũ trùm đầu rồi chạy vào phòng cấp cứu, không kịp nhìn lại "thành quả" đồng nghiệp mình vừa tạo ra.
Diện mạo mới của bác sĩ Nga sau khi cắt tóc phòng lây nhiễm nCoV. Ảnh: Thúy Quỳnh
"Đó là lần đầu tiên tôi mặc đồ bảo hộ, cũng là kỷ niệm không thể quên", chị Nga nhớ lại hồi đầu tháng 3. Bộ tóc vừa cắt sau đó được một đồng nghiệp giữ lại hộ.
Sản phụ chuyển từ khu cách ly tập trung vào viện, bị sảy thai, được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Suốt đêm hôm đó, chị Nga cùng một bác sĩ nữa thay phiên nhau túc trực, chăm sóc. Bệnh nhân không có chồng bên cạnh.
Bác sĩ nhớ lại: "Tôi chỉ sợ cô ấy buồn quá tự tử nên nửa đêm cũng phải thức để theo dõi tình hình, thành ra chả nghĩ gì đến mái tóc nữa".
Sáng hôm sau cầm điện thoại soi bóng mình trên màn hình, chị giật mình. Tóc vừa ngắn lại nham nhở, buộc lên thì khó mà để xõa thì chẳng thành kiểu gì.
Không chê trách đồng nghiệp cắt tóc cho mình, bởi lúc đó "cả hai chẳng nghĩ được gì nhiều", nhưng chị Nga tiếc. Từ ngày còn đi học đến nay, chưa bao giờ chị cắt tóc ngắn. Hôm sau về nhà, đứa con thứ hai mới 4 tuổi không nhận ra mẹ, mất một lúc cháu mới theo.
Bác sĩ Nga (trái) hồi đầu tháng 2. Ảnh: NVCC
Dù có hơi chút tiếc nuối nhưng chị Nga vẫn khẳng định: "Nếu được trở lại lúc đó, tôi vẫn chọn cắt tóc. Nhỡ bệnh nhân dương tính thì sao?".
Chia sẻ về quá trình cắt tóc cho chị Nga, bác sĩ Thành kể đây là lần đầu tiên anh cầm kéo cắt tóc cho người khác. Anh cũng chẳng kịp cảm nhận là đẹp hay xấu. "Lúc đó chỉ tập trung vào bệnh nhân sắp chuyển đến thôi".
Hôm sau, bác sĩ Nga đi sửa lại tóc thì anh Thành mới nhìn thấy diện mạo mới. Anh vừa cười vừa khen: "Nhìn xinh và trẻ ra nhiều". Chị Nga cũng vui và phấn khởi vì được mọi người trong khoa khen. "Có lẽ cũng phải cảm ơn lần cấp cứu đó mà tôi mới có cơ hội phá cách, làm mới bản thân", chị cười nói.
Sản phụ ngay hôm sau có kết quả âm tính nCoV, được cách ly đủ 14 ngày rồi xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cùng bác sĩ Bích Nga tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất chiều 23/3. Ảnh: Thúy Quỳnh
Ngày 23/3, gần một tháng kể từ khi cắt tóc, chị Nga vẫn giữ lại bộ tóc của mình ở nhà. "Mọi người bảo bán đi nhưng tôi không".
Đây sẽ là một kỷ vật đáng nhớ nhất trong gần 10 năm làm nghề của chị.
Thúy Quỳnh
Bình Định: Lên phương án 'có thể cách ly cả một khu vực' phòng đại dịch Covid-19 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành lên phương án có thể cách ly một khu vực, khu phố, phường, xã khi đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Lãnh đạo Sở Y tế Bình Định kiểm tra công tác đối phó với Covid-19 tại các bệnh viện tuyến huyện - Ảnh:...