Lấy chồng ngoại quốc, đi tỉnh về điên
Thời gian qua, nhiều cô gái ở ĐBSCL xuất ngoại lấy chồng với hy vọng sẽ có cuộc sống giàu có, hạnh phúc, nhưng thực tế hành trình làm dâu xứ người không như mong muốn; nhiều cô gái khi trở về đã bấn loạn tâm thần.
Đang cố gắng giữ cho cô con gái không đập phá, chửi bới những người xung quanh, bà Hồ Thị The (59 tuổi) ở thị trấn Kinh Cùng, Hậu Giang quệt ngang hai hàng nước mắt rồi năn nỉ con gái đừng chửi nữa.
Bà The tiếp xúc với PV Dân trí tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ
Gặp PV ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, bà The buồn rầu nói, bà có 7 đứa con đều đã lập gia đình, chỉ có Chị Nguyễn Thị P.(sinh năm 1982) là xinh xắn dễ thương nhất. Cách đây 10 năm, qua mai mối, P. kết hôn với một người đàn ông Đài Loan.
Theo lời bà The, do gia đình đông anh em, ai cũng nghèo, chọ P. muốn đổi đời nên mới lấy chồng Đài Loan. Sống ở xứ người cuộc sống khổ sở, chồng vũ phu, mẹ chồng hà khắc nên sau một thời gian làm dâu, P. phát điên. Nhà chồng tìm mọi cách trả chị về nhà mẹ đẻ. 3 năm nay, từ ngày về Việt Nam, thời gian chị P. sống ở bệnh viện tâm thần nhiều hơn ở nhà.
“Khổ lắm cô ơi, khi đi tỉnh táo, bây giờ về điên khùng, ở trong nhà có thứ đồ gì giá trị nó đập phá hết, thậm chí còn bộ đồ nào lành lặn nó cũng đốt sạch. Bây giờ tui ăn rồi đi trông coi nó, nhưng khi cơn điên nó lên nó đánh đập tui, nó không cho tui vào nhà, suốt đêm tui phải ở ngoài đường”, bà The nghẹn ngào nói.
Bà The cũng cho biết, chị P. đã có 2 mặt con với người chồng Đài Loan, một trai, một gái. “Những lúc tỉnh nó nhớ con, lấy điện thoại gọi qua bên đó, gọi hoài không được nó lại ngồi khóc một mình. Nhìn con khổ sở mình cũng đau lòng, thương con thương cháu nhưng không có cách nào để mẹ con nó được đoàn tụ cả”, bà The cho biết.
Tương tự hoàn cảnh của chị P. là chị Nguyễn Thị Thúy L. (24 tuổi) ở huyện Phong Điền, Cần Thơ. Chị L. là bệnh nhân tâm thần đang ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Lúc tỉnh táo, chị L. kể, ngày còn trẻ, vì nhà đông anh em, gia cảnh nghèo khó nên chị phải nghỉ học sớm để đi làm thuê giúp đỡ gia đình. Thông qua mai mối, chị L. theo người chồng ngoại quốc tới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc, rồi đi tàu sang Đài Loan. Những ngày sau đó, sướng đâu không thấy, chị L. phải làm việc cực khổ để phục tùng bố mẹ chồng.
Từ đây, chuỗi ngày dài tủi nhục với chị thực sự bắt đầu. Suốt một năm ròng, hằng ngày ngoài việc hầu hạ gia đình chồng như nô lệ, chị L. còn phải làm thêm ở xưởng may. Tiền bạc chị làm ra bị gia đình chồng thu hết. Nếu chị không làm việc nhà chồng sẽ bỏ đói.
Cũng theo lời chị L., chị có với người chồng 1 con trai. Mới vừa sinh con được 15 ngày, thân xác còn rã rời nhưng ông chồng liên tục đòi quan hệ thân xác. “Do ban ngày phải làm việc vất vả, chiều về lại lao đầu vào việc nhà, mệt lả người, thế mà hễ nhìn thấy mặt là người chồng lại đòi hỏi, bắt tôi phải phục vụ tới bến với những tư thế kì quái khiếp đảm mà ông ta “sưu tập” được. Mặc cho mình nài nỉ, van xin thì ông ta cũng bỏ ngoài tai”- chị L. chia sẻ.
Do phải trải qua một thời gian dài bị khủng hoảng và thường xuyên đau đầu trầm trọng, bi kịch đã xảy ra, chị trở thành một người điên thật sự! “Một ngày cuối tháng 5/2014, gia đình chồng đã tìm cách đưa tôi đến biên giới Trung Quốc rồi đón xe cho tôi trở về nhà. Còn đứa con trai thì họ giữ lại. Mẹ tôi đã ngất lên ngất xuống khi nghe tin này, bà ngậm ngùi ôm tôi và khóc. Còn tôi phải vào bệnh viện tâm thần cho đến nay”, chị L. cay đắng kể lại.
Video đang HOT
Chị T. đang chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ
Thường xuyên phải đến Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ chữa trị định kỳ còn có chị Lê Thị T. (33 tuổi) – ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Chị cho biết bản thân cũng từng rơi vào cảnh bị người chồng Hàn Quốc bạo hành tình dục, cùng áp lực phải sinh con trai. Chị chiêm nghiệm, cuộc hôn nhân không tình yêu rủi ro như một canh bạc!
Kể từ khi xuất ngoại, chị T. không phụ giúp được cho gia đình thêm đồng nào ngoài số tiền người chồng cho trong ngày cưới. Chị T. mâu thuẫn với chồng về chuyện tiền bạc rồi dẫn đến gây gổ, đánh nhau. Sau khi chị T. đòi ly hôn, người chồng không chịu và thường xuyên hành hạ chị… Khi bị trả về quê nhà với căn bệnh tâm thần cùng 2 đứa con gái, trong người chị không còn tài sản gì quý giá. Gia đình chị phải bán đi căn nhà đang ở để lo chữa chạy cho chị T. và nuôi dưỡng 2 đứa cháu.
Theo các bác sĩ ỡ Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, bệnh viện này đã và đang điều trị cho nhiều bệnh nhân phát bệnh điên sau khi lấy chồng nước ngoài. Chủ yếu là những trường hợp vừa sinh con xong. Cũng có những trường hợp bị ngược đãi quá mức trong hôn nhân khiến người mẹ mắc bệnh tâm thần và bị trả về nước. Cũng theo các bác sĩ, những ca này điều trị rất khó lành dứt điểm vì chấn động tâm lý quá lớn.
Ông Dương Văn Khương – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ bệnh nhân tâm thần và người vô gia cư (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ) chia sẻ: “Trung tâm đang nuôi dưỡng và điều trị cho một số bệnh nhân nữ sau khi lấy chồng ngoại quốc mắc bệnh tâm thần bị gia đình phía người chồng trả về nước, trong đó, có 2 trường hợp bị gia đình bỏ rơi vì quá nghèo, số còn lại là người lang thang ngoài đường không nơi nương tựa được đưa về nuôi dưỡng.
Trung tâm Bảo trợ bệnh nhân tâm thần cũng từng tiếp nhận những trường hợp mẹ bị tâm thần ôm theo con cùng vào nương tựa như những người “tứ cố vô thân”. Ở đây họ được đặt tên, mua bảo hiểm và được điều trị mỗi khi họ ốm đau nhập viện. Và còn biết bao hoàn cảnh bị kịch, đáng thương hơn, chấp nhận sống ở đây cho đến khi chết mà cũng không có người thân nào đến nhận!”.
Phạm Tâm
Theo Dantri
Trái cây: Giá giảm thê thảm
ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ trái cây nhưng nhà vườn rất khó khăn trong tiêu thụ. Đáng buồn hơn, những sản phẩm phải tốn hàng ngàn USD để làm chứng nhận GlobalGAP nhưng chỉ bán được trong nước.
Ông Võ Văn Rô (ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết gia đình ông canh tác 10 công xoài cát chu, hiện đang thu hoạch rộ nhưng thương lái chỉ mua với giá 7.000 đồng/kg. Trong khi cách đây một tháng, thương lái đến tận vườn mua với giá 15.000 đồng/kg.
Sẽ còn giảm nữa
Ông Trương Văn Đời (ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trồng hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ nhưng 2 tháng nay, giá cứ lên xuống thất thường. "Mỗi lần thương lái lại vườn là tôi lo lắng vì giá thanh long ruột đỏ "lên ít xuống nhiều". Có lúc họ mua 60.000 đồng/kg, khi thì 40.000 đồng/kg, lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg. Dự báo giá thanh long còn giảm nữa khi nhiều nơi đồng loạt thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi" - ông Đời lo lắng.
Vào mùa thu hoạch rộ là trái cây ở ĐBSCL liên tục rớt giá. Ảnh: Ca Linh
Chua chát nhất là người trồng ổi, hiện giá ổi bán tại vườn chỉ từ 3.000-4.000 đồng/kg. Mang 2 giỏ ổi không hạt ra chợ Trà Ôn bán, bà Bùi Thị Năm (ngụ xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) buồn rầu: "Năm nay, vườn ổi trúng mùa nhưng ngặt nổi nhà ai cũng thu hoạch nên giá bán chỉ 10.000 đồng/3 kg mà chẳng ai mua".
Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu nhưng chỉ bán được trong nước. Ông Trần Văn Tây, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, than: "Tháng 10-2014, khách hàng Nga đặt mua 200 tấn bưởi/tháng với giá 26.000 đồng/kg nhưng HTX phải từ chối vì không đủ số lượng giao. Với hơn 26 ha bưởi, mỗi vụ chỉ thu hoạch vài chục tấn nên HTX không dám ký hợp đồng với đối tác, sợ không có hàng giao thì phải đền". HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hình thành đã gần 9 năm nhưng luôn trong tình trạng thiếu vốn, trình độ xã viên còn yếu...
"Hơn 1 năm nay, bưởi đạt chứng nhận GlobalGAP chỉ bán trong nước" - ông Tây ngậm ngùi.
Trung gian hưởng lợi
Chiều muộn, chợ tự phát trên đường Trang Tử (quận 5, TP HCM) đoạn bên hông bến xe Chợ Lớn tấp nập người. Thấy chúng tôi dừng xe, chị bán trái cây đon đả mời: "Mua trái cây đi em, đang rộ mùa nên rẻ, "bao" ngon. Ổi 10.000 đồng/kg, xoài cát chu 20.000 đồng/kg, dưa lê 9.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 45.000 đồng/kg...".
Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá bán lẻ dưa hấu từ 5.000-6.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi 20.000-25.000 đồng/kg, xoài cát chu 15.000-20.000 đồng/kg (tùy trọng lượng), ổi 6.000-7.000 đồng/kg, bưởi da xanh 55.000-65.000 đồng/kg... Theo một tiểu thương ở chợ Bình Điền, hiện một số loại trái cây đang rộ mùa nên giá rất rẻ. Tuy nhiên, xoài cát Hòa Lộc thất mùa, bưởi, cam nghịch mùa nên giá bán vẫn cao.
Trong các siêu thị, giá bán hầu hết mặt hàng trái cây tương đương giá chợ, riêng một số trái cây đặc sản như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc có mức chênh lệch khá cao: ổi 10.000-11.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 55.000-58.000 đồng/kg, bưởi da xanh (loại đẹp, bao lưới) 76.000-79.900 đồng/kg, bưởi năm roi 34.900-38.000 đồng/kg.
Giải thích lý do giá một số loại trái cây - đặc biệt là các loại đặc sản như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng... - bán ở siêu thị cao hơn giá thị trường, các siêu thị cho rằng trái cây vào siêu thị phải đạt tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GlobalGAP, được lựa chọn khá đồng đều về mẫu mã, trọng lượng và "cõng" thêm các chi phí vận chuyển, thuế, chi phí bán hàng cùng phần lợi nhuận của nhà bán lẻ.
Điệp khúc nông sản, trái cây được mùa - rớt giá lặp đi lặp lại nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng hơn. Trong khi đó, giá trái cây, nông sản từ nhà vườn đến bàn ăn của người tiêu dùng có khoảng chênh lệch giá không nhỏ. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên nhân chính là do trái cây, nông sản qua quá nhiều khâu trung gian trước khi được bán cho người tiêu dùng. GS-TS Võ Tòng Xuân lấy ví dụ: Ở Thái Lan, giá bán 1 kg đường khoảng 7.500 đồng, qua biên giới Tây Nam của Việt Nam tăng lên 8.500 đồng/kg do chỉ tốn tiền vận chuyển. Trong khi đó, cũng 1 kg đường đó, tại siêu thị Thái Lan bán đến 22.000/kg vì qua nhiều khâu và chịu nhiều khoản thuế, phí. Càng qua ít trung gian thì chi phí càng giảm, chênh lệch giá càng ít. Mặt hàng trái cây cũng vậy.
Bài toán đầu ra: Vẫn không lời giải
Theo thống kê ở một số địa phương vùng ĐBSCL, nếu trái cây được giá và ổn định thì thu nhập hằng năm của người trồng sầu riêng Ri 6 đạt khoảng 600 triệu đồng/ha; thanh long 300-500 triệu đồng/ha; măng cụt khoảng 400 triệu đồng/ha; chôm chôm 600-800 triệu đồng/ha; bưởi da xanh khoảng 700 triệu đồng/ha; xoài 500 triệu đồng/ha... cao gấp nhiều lần trồng lúa. Thực tế, rất nhiều nhà vườn làm giàu nhờ cây ăn trái. "Vấn đề là tổ chức sản xuất bài bản, đẩy mạnh mô hình liên kết, tính toán rải vụ hợp lý, ứng dụng công nghệ cao, đa dạng về giống; tính toán giảm chi phí giá thành, tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia cho cây ăn trái" - một lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp nói.
TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), phân tích: "Nhiều nơi nông dân còn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào nên chất lượng và mẫu mã không đẹp, chi phí cao. Thấy cây nào có lợi nhuận cao thì thi nhau trồng dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó là số lượng bao tiêu mặt hàng trái cây còn khiêm tốn". Với những mô hình làm VietGAP thì chỉ vài chục hecta, sản lượng không nhiều và không liên tục trong năm. Ông Hòa cho rằng Việt Nam có sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giá thấp hơn so với GlobalGAP nhưng quy trình làm không khác nhiều nên nhà vườn có thể thực hiện. Sofri đang cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trường ĐH Cần Thơ thực hiện đề án liên kết vùng để có nhiều sản phẩm giúp nhà vườn phát triển bền vững.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng để bán được giá tốt, trước hết nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất: từ bỏ cách trồng trọt theo phong trào. Nếu thích gì trồng nấy, không đầu tư cho chất lượng cây trồng thì sẽ phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá. Thay vào đó, nhà vườn nên tham gia vào các HTX nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất... để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra, giá cả.
"Ở các nước phát triển như Pháp, Nhật..., nhà nước đưa ra dự báo về nhu cầu thị trường, các hội sản xuất sẽ ngồi lại với nhau để tính toán mức cung nhằm có kế hoạch sản xuất đủ theo nhu cầu thị trường nên không có tình trạng sản xuất dư thừa, mất giá. Việt Nam cũng có thể làm được nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đưa ra được dự báo chính xác và có định hướng hỗ trợ nông dân từ cây giống đến canh tác, bảo quản sau thu hoạch" - GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết.
Nhiều HTX thoi thóp Khoảng 3 năm trở lại đây, HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa liên tục thay đổi lãnh đạo vì nội bộ lủng củng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP làm nhiều xã viên ngán ngẩm. Ông Trần Văn Tây phân trần: "HTX được cấp chứng nhận GlobalGAP lần 2 vào ngày 28-2-2014. Đến nay đã hết hạn 2 tháng, để làm lại chứng nhận thì cần phải có 4.000 USD nhưng hiện các xã viên đang thiếu vốn". Tương tự, 16 xã viên tại HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng không chịu được yêu cầu khắt khe của chứng nhận GlobalGAP nên đã rút khỏi HTX.
Vấn đề không mới nhưng... Thời gian qua, các hệ thống bán lẻ tham gia tích cực vào việc "giải cứu" mặt hàng trái cây, nông sản; giúp nông dân tiêu thụ với giá bảo đảm có lãi và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn vấn đề.
Để có mặt trong siêu thị, trái cây phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được lựa chọn khá đồng đều về mẫu mã, trọng lượng Ảnh: Tấn Thạnh.
Để hạn chế tình trạng sản xuất tràn lan, cung vượt cầu gây ùn ứ, rớt giá và bảo vệ quyền lợi người trồng thì nhà nước phải nghiên cứu được các thông tin về năng lực sản xuất, cung ứng, tiêu thụ của thị trường để cảnh báo cho nông dân, doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến sau thu hoạch. Song song đó, cần mở rộng kênh tiêu thụ thông qua xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. "Đây không phải vấn đề mới, cơ quan chức năng biết rất rõ nhưng quan trọng có bắt tay vào thay đổi thực trạng này hay không" - ông Võ Hoàng Anh nhấn mạnh. T.Nhân
Theo Ca Linh - Thanh Nhân
NLĐ
ĐBSCL: Sau "lũ ngọt" là "hạn mặn" Trung tuần tháng 3/2015, tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh ven biển ở ĐBSCL. "Một ngày nào đó, ở hạ lưu ĐBSCL sẽ không có nguồn cung cấp nước ngọt vào mùa khô kiệt" - chuyên gia thủy lợi cảnh báo. Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang xây dựng hệ thống cống ngăn mặn "Lưỡi...