Lấy 8X Việt, chàng trai Trung Đông cao lớn “tái mặt muốn ngất” khi nhìn vợ nằm trên bàn đẻ
Lai 2 dòng máu Việt – Trung Đông nên em bé nhà chị Phương Ngô vừa chào đời đã nhận không ngớt lời khen của bác sĩ.
Một ngày của chị Phương Ngô (SN 1988, Cà Mau) hiện nay chỉ xoay quanh bên gia đình từ nấu ăn, chăm con đến chợ búa,… rồi làm youtube chia sẻ cuộc sống ở Mỹ. Ông xã chị – anh Esmir Alemic (SN 1987, người Trung Đông, sinh sống ở Mỹ từ nhỏ) là kỹ sư mạng bận rộn với công việc nên việc chăm con chủ yếu chị đảm nhận. Mặc dù từ ngày theo chồng sang Mỹ sinh sống không đi làm, cuộc sống có chút gò bó nhưng chị hạnh phúc với tổ ấm hiện tại mình đang có.
Tổ ấm nhỏ của chị Phương và ông xã Trung Đông.
Mang bầu lo lắng tiểu đường thai kỳ
Chị Phương Ngô sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Lớn lên chị đi học đi làm ở Sài Gòn 10 năm rồi về quê phụ gia đình trông coi quán ăn. Năm 2017, chị có cơ duyên gặp ông xã Trung Đông Esmir Alemic trong một lần người bạn ở Mỹ về chơi có đưa anh về chung. Lúc đó, chị cũng chỉ biết anh đơn giản như vậy bởi chị nói tiếng Anh dở nên không nói chuyện nhiều. Nào ngờ cuộc gặp gỡ đó lại bắt đầu chuyện tình yêu của anh chị và giúp chị rẽ sang một hướng mới, thay đổi cả cuộc đời.
Chị Phương kể, sau khi về lại Mỹ, anh Esmir kết bạn Facebook rồi nhắn tin nói chuyện với chị. Vài tháng sau sinh nhật chị, anh rủ chị đi Bali chơi và chị đã đồng ý. Vậy là anh chị bắt đầu tìm hiểu từ đó rồi quen nhau. Chị lên Sài Gòn học tiếng Anh. Trong thời gian đó chị cùng anh đi du lịch rất nhiều nơi như Thái, Hàn, Singapore, Philippines… Cuối năm 2019, chị qua Mỹ và cùng anh đi đăng ký kết hôn.
“Mình dự định qua đây chơi rồi về Việt Nam tổ chức đám cưới nhưng dịch đến giờ vẫn chưa về được. Sau khi đăng ký kết hôn, 2 vợ chồng mình đi tuần trăng mật ở Hawaii và lên dự định có em bé luôn. Đến tháng 4/2020, mình nhận tin vui có bầu. Anh Esmir hạnh phúc vỡ òa nhưng cũng bối rối vì lần đầu tiên được làm bố”, chị Phương cười.
Mang bầu lần đầu lại ở nơi xa xứ nên chị Phương gặp rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Không chỉ đối diện với cơn nghén như nhiều bà bầu khác, chị còn phải đối diện với những nguy cơ khi bị tiểu đường thai kỳ từ tháng thứ 7. Chính vì vậy cả thai kỳ chị phải chăm sóc kỹ lưỡng, ăn theo chế độ khoa học cũng như phải thử đường mỗi ngày.
Nói đến đây, chị Phương cho biết, mặc dù mang bầu lần đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng bác sĩ ở Mỹ hướng dẫn, chăm sóc rất chu đáo trong thai kỳ. Chị được bác sĩ hướng dẫn cách ăn, giảm bớt tinh bột, các loại như cơm bún,… không ăn ngọt nhiều và đồ ăn nêm nếm nhạt lại. Cùng với đó, chị mua máy thử đường tại nhà mỗi ngày thử 3 lần. Chị cứ cố gắng duy trì như vậy cho lượng đường không lên cao.
“Mang bầu khoảng thời gian này mình lo nhất vì nếu lượng đường lên cao quá sẽ ảnh hưởng lúc sinh em bé. Nếu không tự kiểm soát được thì phải uống thuốc, mà bé sinh ra cũng có thể bị tiểu đường, với sinh sẽ khó khăn hơn”, chị Phương tâm sự.
Video đang HOT
Thai kỳ chị tăng 12kg.
May mắn tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ nên em bé ổn. Mặc dù cân nặng ban đầu tăng nhanh nhưng khi bị tiểu đường thai kỳ nhờ kiểm soát tốt nên cân nặng của chị tăng khá ít. Cả thai kỳ chị chỉ tăng 12kg.
Vợ đi sinh, chồng chóng mặt muốn ngất xỉu
Được biết, chị Phương sinh bé ở tuần thứ 37 thai kỳ. Bé chào đời nặng 3,2kg bằng phương pháp sinh thường. Chị Phương kể, đến tuần thứ 37 chị bị ra máu nhưng vào bệnh viện bác sĩ kiểm tra thấy không sao nên cho chị về. Đến đêm chị bắt đầu đau chuyển dạ nhưng mãi đến trưa hôm sau chị mới đến phòng khám bác sĩ theo dõi thai định kỳ để khám. Lúc này bác sĩ kêu chị chuyển dạ rồi vào bệnh viện. Thế nhưng chị vẫn bình tĩnh chưa vào liền mà còn về nhà tắm rửa, soạn đồ, ăn uống đến tối mới vào. 7h tối chị được tiêm gây tê màng cứng và đến 11h đêm chị bắt đầu sinh. Sau hơn nửa tiếng, em bé chào đời, nặng 3,2kg. Vì sinh thường nên chị ở bệnh viện thêm một tối nữa là về nhà.
“Lúc sinh người ta cho chồng ở bên vợ khi sinh. Chồng mình thấy nhiều máu sợ quá tái mặt. Bác sĩ hỏi có sao không, anh nói chóng mặt muốn xỉu. Bé nhà mình chào đời bác sĩ khen lắm, ai cũng nói giống ba vì ba bé là người Trung Đông gốc Bosnia, di cư sang Mỹ từ nhỏ”, chị Phương cho hay.
Chị Phương đi sinh, 2 vợ chồng chị xoay sở với nhau.
Chị Phương sinh ở bệnh viện ngay trung tâm tuy hơi nhỏ nhưng rất sạch sẽ, nhanh gọn. Mặc dù chi phí sinh ở Mỹ đắt nhưng có bảo hiểm nên chị chỉ phải chi trả hơn 2000 USD (khoảng 46 triệu). Chị theo bác sĩ riêng khám hàng tháng nên bác sĩ đỡ đẻ cho chị là người Việt Nam và vô cùng chu đáo.
Chị Phương chia sẻ, đối với chị đi sinh không đáng sợ mà sau sinh bị tác dụng phụ của thuốc tê mới đáng sợ. Chị bị nhức đầu kinh khủng cứ ngồi là đau đầu, chỉ nằm xuống mới đỡ. Thậm chí chị bị đau đến mức bác sĩ cho uống thuốc cũng không hết, dù đợi 2-3 ngày triệu chứng đau nhức đầu của chị vẫn nặng hơn.
“Mình phải vào bệnh viện để họ chích lại chỗ đó 1 lần nữa, giống như lắp máu tự thân, chỗ đó có mấy lỗ rỗng nên phải lắp lại. Sau đó thì đỡ hẳn”, chị Phương cho biết.
Bé nhà chị chào đời nặng 3,2kg.
Sau sinh vài ngày, con chị cũng phải đi viện nằm chiếu đèn rồi truyền nước một đêm vì bị vàng da. Đối với chị thời điểm sau sinh vô cùng khó khăn và gian nan bởi chỉ có 2 vợ chồng, ông xã là đàn ông không biết gì nhiều nên chị khá stress, không được nghỉ ngơi hay ở cữ.
Không chỉ vậy, do uống nhiều thuốc giảm đau nên chị không có nhiều sữa cho con bú. Bé phải vừa uống sữa mẹ vừa uống sữa công thức. Và đến 4 tháng tuổi, chị không còn sữa cho con uống, phải để bé uống sữa công thức.
“Thời gian đầu sinh vô cùng khó khăn vì mình không có kinh nghiệm, không được ngủ nhiều, không có người thân nên thấy nhớ nhà. Mình cũng giống như trầm cảm nhẹ qua mấy tháng đầu là hết và mình cũng quen. Em bé chủ yếu mình chăm, anh chỉ nấu ăn rồi làm việc nhà giúp mình. Dù không giúp được vợ nhiều nhưng anh luôn bên cạnh động viên mình“, chị Phương bộc bạch.
Chị Phương hiện đang làm Youtube chia sẻ cuộc sống của mình ở Mỹ.
Từ khi theo chồng sang Mỹ đến giờ chị Phương chỉ ở nhà, kinh tế phụ thuộc quá nhiều nên chị không thấy thoải mái. Vì con còn nhỏ, không muốn gửi bé sớm, chị muốn ở cạnh con để con có những kỷ niệm đẹp, không thiếu thốn tình cảm nên chị chấp nhận hy sinh tất cả. Đối với chị tiền bạc cũng quan trọng nhưng con cái vẫn quan trọng hơn. Kể từ khi có con vợ chồng chị cũng thay đổi khá nhiều, ít cãi nhau hơn, kiên nhẫn hơn. Mỗi ngày hiện tại của vợ chồng chị đều là một ngày vui vì có thành viên nhí đáng yêu này.
Đi siêu âm, người mẹ sốc khi biết trường hợp mang thai của mình 200 triệu ca mới có một
Tưởng rằng mình chỉ mang thai một đứa con, người mẹ này đã vô cùng sốc khi biết ca sinh của mình có tỷ lệ chỉ 1/200 triệu ca trên thế giới.
Năm tháng trước, cô Gina và chồng là anh Craig Dewdney, sống tại hạt Cheshire, nước Anh, đã vô cùng hạnh phúc khi chào đón 3 đứa con cùng lúc. Ba đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này vô cùng đặc biệt bởi chúng giống hệt nhau và cùng chia sẻ một nhau thai trong bụng mẹ, được sinh ra với tỷ lệ chỉ 1 trong 200 triệu ca trên thế giới.
Cô Gina kể lại rằng chỉ vài tuần sau khi biết tin mang thai, cô đã có linh cảm mình mang thai nhiều hơn một đứa trẻ. Cô nhớ lại: "Tôi nghĩ trong đầu rằng mình sẽ nhiều thời gian để có thai vì mọi người cũng thường mất vài năm. Nhưng tôi phát hiện ra mình có thai từ rất sớm. Chri vài tuần sau đó, tôi bắt đầu bị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng dù trước đây không hề bị. Nó không chỉ gây đau đầu mà còn ảnh hưởng thị giác và gây mất ngủ, tôi thường xuyên thức giấc lúc nửa đêm. Tôi đã nói điều đó với chồng tôi nhưng chúng tôi không nghĩ gì nhiều mà đợi tới ngày siêu âm".
Cô Gina và anh Craig không hề mong đợi sẽ có nhiều hơn một đứa con, vì vậy cặp vợ chồng đã rất sốc trong lần siêu âm đầu tiên ở tuần thai thứ 13 rằng họ có tới 3 đứa con cùng lúc.
"Lần siêu âm của tôi là ở tuần thai thứ 13 và bác sĩ nhanh chóng thông báo rằng đó là một cặp song sinh. Tôi khá sốc trước chuyện đó. Nhưng khi bác sĩ siêu âm thêm 15-20 phút nữa, một khoảng lặng yên tĩnh bất thường xuất hiện trong phòng khám và 3 cái đầu xuất hiện trên màn hình. Chồng tôi lập tức hỏi: "Đó có phải là cái đầu thứ ba không?"", cô Gina kể.
Sau khi vượt qua được cú sốc về chuyện mang thai 3 đứa con cùng lúc, vợ chồng cô Gina và anh Craig lại phải đối mặt với một vấn đề lớn. Các bác sĩ nói rằng cô Gina đang mang thai 3 bé trai giống hệt nhau và chúng cùng chia sẻ một nhau thai. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề như tiền sản giật hoặc hội chứng truyền máu, khi các mạch máu của 3 đứa trẻ dính liền vào nhau, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Các biến chứng khác cũng cần lưu ý là tiểu đường thai kỳ, sự phát triển của thai nhi bị hạn chế, tai biến dây rốn và sa tử cung.
Các bác sĩ ước tính tỷ lệ 3 đứa trẻ sinh 3 giống nhau một cách tự nhiên là rất thấp, chỉ 1 trong 200 triệu ca. Và tỷ lệ để 3 em bé có chung nhau thai lại càng thấp hơn thế.
Điều khiến ca sinh 3 này càng thêm đặc biệt là một trong 3 em bé có túi ối riêng, trong khi 2 bé còn lại chung một túi ối, là một thành mỏng huyết tương bao quanh thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai. Tên khoa học của hiện tượng này là Monochorionic diamniotic triplets.
Đến tuần thai thứ 16, các bác sĩ lại thông báo cho cô Gina và anh Craig rằng không phải họ đang mang 3 bé trai mà là một bé trai và 2 bé gái. Phấn khởi và hồi hộp, cô Gina đã sớm mua sắm quần áo và đồ dùng cho một con trai và 2 con gái, thậm chí còn hình dung cuộc sống của các con sau này sẽ ra sao khi ở bên nhau.
Tuy nhiên, khi đi siêu âm ở tuần thứ 24, các bác sĩ một lần nữa khẳng định đó là 3 bé trai. Sự nhầm lẫn của họ là hết sức bình thường bởi rất khó nhìn trong quá trình siêu âm khi chân của bé này có thể cản trở đầu của bé khác và che mất nhau.
Các bác sĩ đã lên kế hoạch sinh mổ cho cô Gina nhưng đáng tiếc cô không thể chờ tới ngày dự sinh. Ở tuần thai thứ 34, cô Gina đã vỡ ối và chuyển dạ nên các bác sĩ phải tiến hành ca sinh mổ khẩn cấp. Ngày 26/4, 3 bé trai của cặp vợ chồng này đã chào đời mạnh khỏe và an toàn tại Bệnh viện Phụ nữ Liverpool. Ba cậu bé được đặt tên lần lượt là Jimmy, Jensen và Jaxson. Trong đó, Jaxson là người có túi ối riêng, còn Jimmy và Jensen cùng nằm trong một túi ối.
Vì việc mang thai của cô Gina có nguy cơ cao và là ca sinh non nên có tới 30 y bác sĩ trong phòng sinh. Sau đó, mỗi em bé được chăm sóc và hỗ trợ bởi một đội ngũ sơ sinh riêng.
Ba em bé Jimmy, Jensen và Jaxson đã phải nằm lại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh trong vòng 6 tuần, sau đó được trở về nhà và quay lại kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Giờ đây, 3 bé trai đã được 5 tháng tuổi.
Cô Gina cho biết việc chăm sóc và nuôi nấng 3 đứa con cùng lúc vô cùng khó khăn. Cô thường xuyên bị thiếu ngủ nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn khi nhìn các con.
"Các con bắt đầu cười đùa và phát triển tính cách cá nhân. Điều thú vị là cả 3 con có vẻ ngoài giống hệt nhau nhưng tính cách lại khác nhau", cô Gina chia sẻ.
Ăn nửa kg vải thiều mỗi ngày cùng nhiều loại hoa quả khác, mẹ bầu đau đớn mất con gần sát ngày dự sinh vì bệnh lý nguy hiểm Vải chứa một hàm lượng lớn đường, nếu ăn nhiều, đặc biệt lúc bụng đói sẽ gây tiểu đường thai kỳ, nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và em bé. Khi mang thai, người mẹ nào cũng muốn con mình sinh ra được bụ bẫm, trắng trẻo, khỏe mạnh. Họ nghĩ rằng, cứ ăn nhiều trái cây sẽ tốt cho em bé...