Lẩu cá kèo miền Tây trên phố mới Hoàng Cầu
Một chút đắng của mật cá, vị mềm ngọt, thơm thơm của thịt cá hòa quyện trong nước lẩu lá giang chua nhẹ khiến thực khách say mê.
Ẩm thực miền Tây vốn dĩ luôn chiếm được thiện cảm của khách bốn phương, thậm chí là cả với những người chưa từng đặt chân tới nơi đó, mà chỉ được thưởng thức các món ăn do các đầu bếp vùng sông nước mang đi quảng bá khắp cả nước.
Miền Tây trù trú, nhiều sản vật cá tôm khiến ẩm thực nơi đây cũng đậm đà hương vị và dồi dào về số lượng. Các món ăn đa phần đều có hương vị rất rõ ràng, vị nào ra vị đó, điển hình là 3 vị: mặn, ngọt và cay được chế biến hài hòa, ăn ý, làm cho món nào cũng hấp dẫn vô cùng.
Lẩu cá kèo có giá 330.000 đồng, đủ cho 2-3 người ăn no.
Các món lẩu đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực sông nước miền Tây, mà điển hình nhất có lẽ là lẩu cá kèo lá giang chua chua thanh thanh khó lẫn. Thoạt nhìn qua, nhiều người sẽ e ngại những con cá nhỏ xíu bằng ngón tay cái, da nhớt, bỏ trực tiếp vào nồi lẩu khi còn sống, khi ăn sẽ bị tanh. Tuy nhiên, miếng cá khi chín rất ngọt thịt, mềm và không có xương dăm nên khá dễ ăn.
Các món miền Tây có nguyên liệu tươi sống, mơn mởn nên không cần quá cầu kỳ trong cách chế biến mà vẫn rất ngon miệng. Nồi lẩu cá kèo chỉ có hai thành phần chính, một là cá kèo, hai là rau gia vị. Chỉ vậy thôi nhưng tạo ra hương vị ngon khó cưỡng cho bất kỳ ai từng có cơ hội thưởng thức.
Góp phần vào hương vị đặc biệt của món lẩu cá kèo chính là nồi nước dùng gồm 2 thành phần chính là lá giang với vị chua chua chát chát như lá chè và rau đắng, loại rau thân thuộc ở miền Nam. Nồi lẩu muốn ngon nhất thiết không được thiếu 2 loại gia vị đặc biệt này.
Cá kèo chấm mắm me chua ngọt hấp dẫn.
Với món ăn này, thực khách phương xa có thể đảm bảo rằng mình được thưởng thức món ăn tươi ngon nhất có thể với những con cá kèo tươi còn bơi, quẫy được trước khi được thả vào nồi. Do vậy, con cá vẫn còn nguyên ruột và mật khi ăn. Một chút đắng đắng của mật cá cùng rau đắng, vị mềm ngọt, thơm thơm của thịt cá hòa quyện trong nước lẩu lá giang chua nhẹ khiến thực khách mê lòng. Món ăn này ăn kèm với các loại rau sống như hoa chuối, rau đắng, giá đỗ, rau muống chẻ.
Thịt cá kèo còn được chấm với loại mắm me chua ngọt, đặc trưng của miền sông nước Nam bộ. Mắm me được làm từ me chín, tỏi, ớt, gừng băm nguyễn và nước mắm tạo thành thứ nước chấm sền sệt, phù hợp với các loại cá nướng, cá hấp.
Ở Hà Nội, các quán miền Tây không có nhiều nhưng luôn đông khách bất kể đông hay hè. Ngoài những địa chỉ vốn đã nổi tiếng như các quán ở Văn Cao, Ngụy Như Kon Tum hay Chùa Láng, thực khách Hà thành, đặc biệt là dân văn phòng thường mách nhau về Hẻm Quán nằm trên phố mới Hoàng Cầu, đoạn gần với Thái Hà.
Video đang HOT
Cơm cháy kho quẹt giá 80.000 đồng.
Quán có khuôn viên rộng rãi, khang trang, có cả trong nhà lẫn bên ngoài thoáng mát, phù hợp với nhiều mục đích khác nhau từ hẹn hò, ăn gia đình, họp lớp hay liên hoan công ty. Thực đơn quán rất phong phú, không chỉ có riêng đồ ăn miền Tây mà còn có rất nhiều món miền Nam khác. Tuy nhiên, lẩu cá kèo là món được khách ăn nhắc tới nhiều nhất. Giá một nồi lẩu cá kèo là 330.000 đồng đủ cho 2-3 người ăn.
Lẩu cá kèo ở đây được đầu bếp cho thêm tóp mỡ nên tăng thêm vị ngầy ngậy, hấp dẫn mà không quá ngấy. Đây là điểm sáng tạo mới của quán và cũng nhận được nhiều lời khen từ khách hàng. Nếu mê các món miền Tây thì ở Hẻm Quán còn có một số đặc trưng như cơm cháy kho quẹt hay cá kèo nướng hương vị cũng khá ổn. Tuy nhiên, mắm kho quẹt để chấm hơi mặn.Quán đông vào buổi tối, đặc biệt là tối cuối tuần nên nếu đi đông bạn nên đặt trước chỗ cho yên tâm. Quán năm ở địa chỉ 68 Hoàng Cầu Mới, gần hồ Hoàng Cầu. Quán có chỗ để xe máy và ôtô thuận tiện.
Bài và ảnh: Nguyên Chi
Theo Ngôi Sao
Một số món ngon không thể bỏ qua khi tới Sài Gòn
Nếu dịp lễ này bạn chọn Sài Gòn là điểm đến, nếu lễ này bạn không đi du lịch và ở lại Sài Gòn, hãy dành ra vài ngày để tận hưởng một Sài Gòn trọn vẹn cả cảnh sắc và nhiều nét ẩm thực thú vị.
Dù ở quận nào, mặt đường lớn hay hẻm sâu hun hút, không khó khăn để thực khách tìm cho mình một quán ốc lai rai.
Chắc có lẽ không nơi đâu quán ốc, các món ốc lại đa dạng và tuyệt vời như ở Sài Gòn. Bất kể bạn là ai, khi đến quán ốc, cũng đều có thể tìm cho mình được món phù hợp. Từ ốc móng tay, óc hương, ốc nhung, sò long, sò huyết, sò điệp, hàu... cho đến "đồ hiếm" như ốc giấm, ốc vú nàng, ốc ngựa... đều xuất hiện trong menu của các quán.
Đến Sài Gòn nhất định phải tìm ăn ốc (Ảnh: Internet)
Cách chế biến ốc cũng phong phú và hấp dẫn, nào hấp, luộc, nào xào, chiên, nào nướng, nào cháy tỏi, đút lò kết hợp với rau muống, tỏi, me... Món nào cũng thơm lừng khó cưỡng và mang vị đặc trưng của riêng nơi này. Tùy theo quán, theo món mà các loại nước chấm khác nhau, nhưng rau răm, tắc, muối tiêu thì quán nào cũng phục vụ kèm.
Các con đường ốc phải kể đến như Thành Thái (Q.10), Vĩnh Khánh (Q.4), khu bờ kè... với giá từ 30.000 đồng/phần.
Cơm tấm
Thứ "cơm nhà nghèo" của ngày xưa dần trở thành món đặc sản của miền Nam. Cơm tấm có sự kết hợp hài hòa giữa những hạt cơm nhỏ, màu trắng, rời, khô và các món cơ bản thông dụng như sườn nướng, chả trứng, trứng ốp la, bì và nhiều món khác. Được ưa thích nhất là cơm tấm sườn với miếng sườn heo phải được ướp đúng gia vị, khi ăn vừa có độ dai nhưng phải chín toàn diện, tỏa hương thơm ngào ngạt quyến rũ.
Cơm tấm là món không thể không ăn khi ghé Sài Gòn cũng như người Sài Gòn bao năm qua vẫn không ngán món này (Ảnh: Internet)
Phía trên đĩa cơm được rưới một chút mỡ hành cho cơm tấm có độ béo đặc trưng. Đồ chua thường làm từ đu đủ, cà rốt, củ cải, dưa leo, đôi khi là cà chua giúp cơm tấm có vị chua ngọt. Tất cả đi kèm thứ nước mắm ngọt dường như chỉ hợp với cơm tấm mà thôi. Mắm ấy đơn giản lắm, gồm mắm pha với nước lọc, thêm đường, chút ớt xay là ngon. Đặc biệt, cơm tấm dọn ra trên đĩa, dùng muỗng và nĩa để ăn.
Cơm tấm ngon ở Sài Gòn rất nhiều nhưng muốn ăn "đúng chất" thì bạn nên ghé Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận), cơm tấm khuya chợ Tân Định, An Dương Vương (Q.5), và một số hệ thống như Thuận Kiều, Mộc... với giá từ 25.000 đồng/phần.
Hủ tiếu/hủ tíu
ẩm thực Sài Gòn mang trong nó một danh sách dài các loại hủ tíu: hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu bò viên, hủ tíu Tàu... Được ưa thích và phổ biến nhất là hủ tíu Nam Vang và "hủ tíu gõ".
Hủ tíu Nam Vang, có nguồn gốc từ Campuchia nhưng được chế biến theo phong vị Hoa, biến đổi phù hợp với Sài Gòn. Các quán hủ tíu Nam Vang nổi tiếng ở Sài Gòn tọa lạc trên đường Kỳ Đồng, Võ Văn Tần, Nguyễn Thượng Hiền (Q.3)... với giá từ 50.000 đồng/tô.
Tùy từng loại mà các phụ liệu trong hủ tíu khác nhau, khiến cho vị của chúng cũng khác nhau (Ảnh: Internet)
Còn hủ tíu gõ có giá bình dân hơn, chỉ từ 10.000 đồng/tô. Khắp các ngõ, hẻm, con đường đều dễ dàng tìm thấy xe hủ tíu nghi ngút khói, nhất là lúc chiều về. Hủ tíu gõ giản dị mà vẫn luôn đông khách với hương vị nhẹ nhàng và không kém phần thơm ngon. Sợi hủ tíu dai, nước lèo ngọt, thanh, ăn với giá sống, hẹ, tóp mỡ, hành phi với thịt, bò viên, giò... hấp dẫn. Trước khi ăn có thể cho vào ít xì dầu, tiêu, chanh, ớt, tỏi, tương ớt tùy khẩu vị. Đặc biệt, khó có món ăn nào mà thịt lại được cắt mỏng như món hủ tíu gõ này.
Bò bía, gỏi cuốn
Bò bía và gỏi cuốn tương đối giống nhau về hình dáng nhưng nguyên liệu thì có sai khác. Bò bía có nhân cuốn là củ sắn luộc, lạp xưởng, tôm khô, salad. Nó được dùng chung với tương đen xay, bỏ chút ớt, đồ chua, đậu phọng, hành phi, tạo ra mùi vị khá đặc biệt.
Trong khi đó, gỏi cuốn có đầy đủ rau sống, rau thơm, bún, tôm, thịt ba chỉ, dễ ăn và thân thiện hơn bò bía. Nước chấm gỏi cuốn là điểm thu hút và thể hiện "đẳng cấp" của từng quán. Chỉ với 2 loại: nước tương đen và mắm nêm nhưng do cách pha chế và tay nghề khác nhau mà có chỗ khách "ăn hoài không ngán" nhưng có chỗ chỉ chừng 1 - 2 cuốn là khách bỏ đi. Với các nguyên liệu đa dạng kết hợp một cách tuyệt vời, đánh thức ngũ vị khiến gỏi cuốn phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, đáng để thử.
Gỏi cuốn là một trong 50 món ăn ngon nhất thế giới (Ảnh: Internet)
Gỏi cuốn bình dân được bày bán rộng rãi ở khắp các hàng rong, quán cóc, chợ và cả siêu thị... nhưng có nhiều trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) với giá chỉ từ 2.500 đồng/cuốn. Món bò bía thì tập trung bán nhiều nhất trên đường An Dương Vương, gần đại học Sư Phạm (Q.5).
Lẩu
Sài Gòn nắng nóng, tưởng là không hợp với lẩu nhưng thật ra, người Sài Gòn ăn lẩu quanh năm và đó luôn là món được chọn trong các buổi họp mặt hay tiệc tùng. Sài Gòn có đủ loại lẩu: mắm, cá, lẩu Thái, lẩu nấm... Mỗi loại lẩu có hương, vị khác nhau song đều mang đến những trải nghiệm thú vị, nhất là lẩu cá kèo và lẩu dê.
Hãy chọn lẩu cá kèo hoặc lẩu dê để thấy hương vị miền Nam đậm đà và đặc trưng (Ảnh: Internet)
Lẩu cá kèo mang hương vị miền Nam đặc trưng và hương thơm khó quên. Cá kèo chín, ăn cả con, thịt có vị ngọt bùi, thấm thêm vị chua chua chát chát của lá dang, chấm thêm vị mặn của nước mắm ớt tươi cay nồng, thỉnh thoảng nghe đắng ở đầu lưỡi vì mật cá mới tròn vị. Thực khách chan nước lẩu đang sôi vào chén bún, thêm chút mắm, vừa thổi vừa ăn, vừa hít hà cái vị tổng hòa chua cay mặn ngọt thật dễ gây nghiện. Các loại rau ăn kèm: chuối, rau nhút, rau đắng... cũng ngon không kém tạo thêm nét riêng cho loại lẩu này. Lẩu cá kèo ngon ở Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Diệu, Sư Thiện Chiếu (Q.3).
Lẩu dê được đánh giá là ngon phải thơm và còn thoang thoảng mùi hăng của dê. Ăn lẩu dê không thể thiếu cải bẹ xanh, tần ô và lá tía tô. Ngoài ra, các nguyên liệu đi kèm như đậu hũ, tàu hũ ky, khoai môn cũng góp phần tạo nên hương vị đặc biệt của lẩu. Cũng khó có loại nước chấm nào thay thế được chao trong món này. Bởi vị béo, độ mặn và mùi đặc trưng của chao hợp một cách tuyệt vời với thịt dê, làm cho vị ngọt của thịt càng tăng lên.
Những người "sành" thường tới lẩu dê Trương ịnh, Nguyễn Công Trứ ((Q.1), quán ở góc Ngô Quyền - Lý Thái Tổ (Q.10)
Món ngon Sài Gòn còn rất rất nhiều món ngon khác đang chờ bạn khám phá, nào là phá lấu, các loại bún, bột chiên, bánh tráng trộn, gỏi khô bò... Món nào cũng làm cho thực khách ngây ngất và khó mà quên được. Trong mấy ngày nghỉ lễ, hãy tranh thử thời gian để thưởng thức những món mà bạn ưu tiên lựa chọn nhé!
Những chú ý cần thiết khi du lịch Sài Gòn
- Về phương tiện di chuyển: Các địa điểm tham quan ở đây cách nhau khá xa, vì thế tốt nhất là bạn nên mua bản đồ, thuê xe máy tự tìm tòi. Hoặc di chuyển bằng taxi, xe ôm. Nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ, tuân thủ quy định an toàn giao thông đường bộ.
- Về nơi lưu trú: Bạn nên chọn các khách sạn trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, 3/2 để tiện cho việc tham quan. Nếu không phải khách sạn lớn, thì mặt bằng chung của các khách sạn tại Sài Gòn dao động từ 150.000 - 300.000 đồng. Nhưng tốt nhất, bạn nên gọi hỏi giá và đặt phòng trước.
- Lưu ý khác: Trang bị bao tay, kính, khẩu trang rất cần thiết vì Sài Gòn mùa này nắng và nóng hơn; hạn chế các đồ dùng lỉnh kỉnh vì tại Sài Gòn, bạn cần cái gì cũng có mà giá cũng không chênh bao nhiêu so với nhiều nơi khác.
Theo Eva
Khám phá xôi ốc lạ lẫm ở phố Hoàng Cầu Lần đầu tiên nghe cái tên "xôi ốc", tôi đã không thể không hiếu kì và phải hỏi bằng được địa chỉ để đến mục sở thị. Nơi bán món ăn này là một nhà hàng có tên Ốc Đảo Sài Gòn trên đoạn phố Hoàng Cầu Mới. So với các quán Sài Gòn tiên phong như ốc Vi, ốc Ken, ốc Bông...