Lẩu cá chép giòn chua ngọt hài hòa
Cá chép giòn được nhiều người yêu thích bởi thịt săn chắc, ít mỡ và có thể chế biến thành những món ăn ngon như cá chép giòn chiên xù, nướng muối ớt, nấu canh chua hay lẩu cá chép giòn chua chua cay cay.
Lẩu cá chép giòn có vị chua chua, the the nơi đầu lưỡi kết hợp với độ săn chắc của cá mang đến những hương vị mới mẻ và hấp dẫn. Ảnh minh họa: Huyhaisan
Ngày xưa cá chép là một loại thực phẩm thượng hạng được các vua chúa sử dụng trong các bữa ăn. Cá chép tuy nhiều xương, không mềm nhưng đổi lại thịt rất ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đặc điểm của cá chép rất riêng mà các loại cá khác đều không có đó chính là lớp thịt dày và béo, thớ thịt trắng mịn, mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu quan trọng nhất cho nồi lẩu cá chép giòn chính là cá chép. Bạn cần chọn được con cá chép còn tươi, thịt chắc và béo để nồi lẩu sẽ béo ngậy dậy mùi hơn.
Cá chép giòn là giống cá lai tạo giữa cá chép ta và cá giòn của Nga hay Hungari. Da của cá chép giòn có màu nhạt hơn, mình cá dài, thon hơn. Cá chép ta hình dáng có phần tròn trịa hơn cá chép giòn. Khi đặt cá chép giòn lên tay, cá không giãy mạnh như cá chép ta, thường cá chỉ cong đuôi vì thịt và mình cá chắc và cứng. Đặc biệt, cá chép giòn có khối lượng nặng hơn cá chép ta.
Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện cẩn thận bước sơ chế cá để món ăn không có mùi tanh. Cá chép giòn khi mua về, bạn đánh sạch vẩy, làm sạch phần bụng và mang cá, rồi đem cá rửa sạch. Để cá không bị nhớt và tanh, bạn dùng muối hột cùng gừng băm nhỏ chà xát vào quanh thân và bụng cá rồi rửa lại nhiều lần với nước.
Cá chép có thể phi lê hay cắt khúc ngay từ lúc sơ chế rồi nhúng cùng với rau khi ăn hoặc có thể để nguyên con cho đẹp mắt. Tuy nhiên, nếu nhúng cùng với rau, nên cho đầu cá vào nấu trước vì nó lâu chín hơn thịt.
Ngoài ra các bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu phụ như cà chua, rau cần, rau thèo lèo, hành tím, gừng, tỏi, muối, nước mắm, hạt nêm và mẻ. Nếu không có mẻ, bạn có thể dùng me để thay thế. Bên cạnh đó chuẩn bị những loại rau để ăn cùng cũng rất quan trọng. Với món lẩu cá chép giòn bạn có thể ăn kèm với các loại rau như rau cần, bắp chuối, rau muống, bạc hà, cải thảo, cải cúc hay nấm rơm, nấm hương. Tùy vào sở thích mà bạn chọn loại rau cho phù hợp. Dọn kèm đĩa nước mắm mặn nguyên chất cùng với vài lát ớt để chấm với cá chép và rau cho món ăn thêm đậm đà tròn vị.
Video đang HOT
Lẩu cá chép giòn có vị chua chua, the the nơi đầu lưỡi kết hợp với độ săn chắc của cá mang đến những hương vị mới mẻ và hấp dẫn. Nồi lẩu nóng hổi, thịt cá chép giòn ngọt, săn chắc, thơm phức ăn kèm rau với ít bún tươi thì còn gì thật tuyệt vời cho bữa trưa đổi vị cuối tuần lạ miệng, thơm ngon.
Tại TPHCM, bạn có thể thưởng thức món lẩu này tại một số địa chỉ sau: Nhà Hàng Việt – Ẩm thực Việt – Phan Chu Trinh (quận 1), Nếp Vàng – Restaurant & Coffee (quận 7), The River – Cafe & Restaurant (quận 2), Lẩu Cây Bàng (quận 6), Thích Ăn Lẩu (quận 7), Quán Lẩu Cá 099 (quận 1), Đặc Sản La Ngà (quận 11), Bản Việt – Cơm, Lẩu (quận Tân Bình)… Theo đó, một phần lẩu cá chép giòn có giá bán khoảng 300.000 – 500.000 đồng.
Món ngon từ cá chép
Cá chép là món ăn quen thuộc trong mỗi mâm cơm gia đình người Việt. Thịt cá mềm, ngọt và thơm. Các món ăn từ cá chép chẳng những có hương vị ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng. Theo Đông y, giá trị dinh dưỡng trong cá chép khá cao và còn là bài thuốc quý...
Quen thuộc, dễ làm
Theo các nghiên cứu khoa học, cá chép có chứa thành phần protein amino acid rất cần thiết cho cơ thể và dễ dàng để hấp thụ. Hàm lượng đạm cao, chất xơ tốt, do đó thịt rất mềm và mịn. So với thịt gia súc và gia cầm, thịt cá chép dễ tiêu hóa hơn nhiều. Cá chép chứa một lượng khá nhiều các axit béo không bão hòa, chủ yếu là các axit béo không bão hòa đa omega-3.
Có rất nhiều cách chế biến cá chép, từ đơn giản đến phức tạp như kho, xào, nấu canh... Tùy theo trọng lượng của cá, người ta có thể chế biến thành những món ăn phù hợp. Thường thì một gia đình 4 người có thể mua con cá chép trên dưới 1kg là đủ. Đầu và đuôi thì nấu canh chua, mình cá thì rán giòn chấm nước mắm tỏi kèm rau sống, rau thơm.
Cá chép bán ngoài chợ bây giờ chủ yếu là cá nuôi, còn những con cá tự nhiên được đánh bắt lên thường được chuyển thẳng đến các nhà hàng lớn trên địa bàn. Nếu so sánh, giá cá nuôi với giá cá tự nhiên là một trời một vực. Cũng có khi, tiện việc đi đâu đó, hoặc về chợ quê, những người sống ở thành phố đôi khi có cảm giác như "trúng số" khi may mắn mua được con cá chép tự nhiên với giá rẻ. Loại cá đó cho thịt đỏ au hệt như thịt bò vậy.
Các bước chuẩn bị một bữa cơm "chuyên đề" cá chép nói chung khá đơn giản. Cá được làm sạch, mổ bỏ ruột, cắt khúc. Đầu và đuôi cá để riêng, có thể rán sơ trước khi nấu. Có rất nhiều biến thể của canh chua cá, có thể nấu với quả dọc, dấm bỗng, mẻ, hoặc cũng có thể nấu với khế, dọc mùng. Thường thì thao tác để cho ra thành phẩm bắt đầu từ phi thơm hành hoa đã đập dập băm nhỏ, rồi đổ cà chua đã thái múi cau vào xào. Cà chua chín mềm thì cho nước vừa đủ ăn, nước sôi thì thả cá đã rán sơ vào, tiếp đến cho thêm quả chua. Nếu là quả dọc thì nên nướng qua cho thơm và dễ bóc. Nếu là mẻ, dấm bỗng thì lọc sơ qua rồi thêm gia vị, nước mắm. Cũng có thể cho thêm một ít nghệ giã nhuyễn và lọc lấy nước...
Nếu canh cá nấu với dọc mùng thì phải sơ chế dọc mùng bằng cách tước vỏ, thái vát, bóp với muối và rửa sạch bằng nước lạnh cho khỏi ngứa. Khi nồi canh sủi tăm là cá chín thì thả dọc mùng rồi bắc ra, nêm nếm lại một lần nữa rồi các loại gia vị như hành hoa, thìa lá thái nhỏ rắc lên bát ăn nóng.
Đủ cách chế biến
Cũng chẳng phải là nguyên tắc gì, nhưng nhiều bà nội trợ thường không nấu canh riêu cá với quả sấu, muỗm, me... vì chúng tuy có thể làm chua nhưng lại khiến màu nước đục, nhìn không đẹp mắt. Nếu có khế chua, canh riêu cá với khế cũng rất đặc sắc. Ở Hà Nội bây giờ có nhiều người quen vị miền Nam, canh riêu cá cứ phải nấu với dứa. Dứa cho vị ngọt, thơm chứ không hẳn chua như các thứ quả đã nói ở trên. Song, nếu ai ưa hương bị "chuẩn gốc Bắc" thì rất không thích riêu cá có dứa.
Đầu và đuôi cá đã xong một món. Mình cá thì cắt khúc rán giòn và ăn nóng. Khi ăn chấm với nước mắm tỏi, hạt tiêu, vắt chút chanh. Bữa cơm với riêu cá thường có thêm rau sống gồm: xà lách, mùi ta, húng Láng, ngổ, tía tô... Có thể ăn với cơm, nếu không mua thêm cân bún. Canh riêu cá chan với bún cũng rất hợp.
Cá chép kho cũng là món hấp dẫn. Thường thì cá chép kho nên chọn con to vừa phải, cắt khúc vừa ăn rồi thì tùy, kho cách nào thì chuẩn bị nguyên liệu tới đó. Người Hà Nội thường có thói quen kho cá với giềng. Bao giờ cũng là một lớp giềng bánh tẻ được xếp dưới đáy nồi, rồi có thể chẻ mía thành những thanh nhỏ xếp lên trên, kế đến là lớp cá, rồi lớp thịt ba chỉ thái miếng bằng 2 đầu ngón tay, rồi lại thêm một lớp giềng, ớt, hạt tiêu... đổ nước hàng, mắm muối vừa đủ, kho nhừ. Cũng như nhiều loại cá kho khác, cá chép nên kho 2 lửa, lúc ấy xương cá mềm ra, khúc cá đanh lại, ăn với cơm rất ngon. Chẳng thế mà các cụ xưa đã từng có câu tục ngữ: "Có cá đổ vạ cho cơm".
Cá chép đem nấu su hào cũng rất ngon. Người viết bài này, cách đây ít lâu đã từng chia sẻ món cá chép nấu su hào lên mạng xã hội, nhiều người vào bình luận bảo "món gì mà dã man, cá chép kho su hào ăn tanh lắm". Nhưng cũng có nhiều người để lại bình luận nức nở, đại khái là "nhìn món này lại nhớ quê" hoặc "lâu lắm rồi không được thưởng thức". Hóa ra, ở một số miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ, cá nấu su hào là món ăn dân dã thân quen. Cá thường phải rất tươi, vừa đánh dưới ao lên là làm sạch, cắt khúc. Hành khô đập dập phi thơm xào cùng một ít cà chua. Cá rán dở, cho vào cùng một chút nước đun liu riu. Su hào thái miếng vừa phải đổ vào đun cùng. Đến khi su hào chín mềm thì cá cũng chín, rắc thìa là, hạt tiêu ăn nóng. Cá chép với su hào cho vị béo, thanh mát và ngọt. Món ăn này chỉ thích hợp trong mùa đông miền Bắc.
Một món nữa khi nhắc đến cá chép thì không thể không kể, ấy là cá chép om dưa. Bây giờ, ở nhiều nhà hàng món này là chủ đạo vì ngon, bổ, rẻ, dễ ăn. Vừa là món ăn chơi, đồng thời là món chính, vừa thay lẩu, lại vừa nóng sốt. Cá chép om dưa thường để cả con (nếu điều kiện nồi xoong cho phép). Nó tương tự như nấu canh dưa cá, nhưng ít nước hơn. Khi ăn bắc khay lên bếp cồn, đun liu riu sao cho cá nóng suốt bữa ăn. Món này dưa thì chua nhẹ thanh thanh, cá thì thịt ngọt, mềm...
Nếu muốn đổi món hơn nữa thì ngoài nấu, kho... có thể làm món cá chép sốt cà chua. Cá rán vàng, thả vào với cà chua đã chưng sền sệt, đun nhỏ lửa cho cá và sốt cà chua thấm vào nhau rồi bắc ra rắc hành thìa là ăn nóng. Món này ăn với cơm, thích hợp cho nhà có trẻ nhỏ. Ngoài sốt cà chua ra có thể rim nước mắm tiêu. Cũng là cá chép rán vàng, nhưng khi vớt ra từ chảo mỡ thì cần chuẩn bị sẵn một cái nồi nhỏ bên cạnh với nước mắm, hạt tiêu, ớt quả. Thả cá vào nồi, thêm một chén con nước đun riu riu cho hỗn hợp nước mắm, mì chính ngấm vào cá là có thể tắt bếp. Ngoài ra, cá chép cũng có thể nấu cháo tẩm bổ cho người ốm, phụ nữ mang thai cần nhiều dưỡng chất....
Cách làm lẩu cá chép giòn thơm ngon, đậm vị Lẩu cá chép giòn sẽ mang lại cho không khí ngày cuối tuần lạnh lẽo thêm ấm cúng, quây quần với cách làm đơn giản, nhanh chóng này. Nguyên liệu làm lẩu cá chép giòn Cá chép: 1 con (khoảng 0,8 kg - 1kg) Cà chua: 300g Hành tím, gừng, tỏi, mẻ Thì là, hành tươi Các loại rau nhúng: Rau cần, rau...