Lật tẩy lão nông có tài… “chạy án”
Cơ quan điều tra đang lấy lời khai Nguyễn Văn Quyền.
“Chém gió” mình có khả năng chạy án, lão nông 71 tuổi Nguyễn Văn Quyền đã chiếm đoạt tổng cộng 134.000.000 đồng của các bị hại. Ông Quyền dùng phần lớn số tiền này vào việc mua phân bón chăm sóc cà phê và tiêu xài cá nhân…
Ngày 21/9, cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Quyền (71 tuổi), trú thôn Kẻ Đọng, huyện Đắk Mil, để điều tra làm rõ về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/8, cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil nhận được thông tin từ TAND huyện về việc ông Nguyễn Văn Quyền có hành vi nhận tiền của một số bị can trong một vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử nhằm mục đích chạy án. Sau khi tiếp nhận nguồn tin, Công an huyện Đắk Mil đã vào cuộc điều tra, nhanh chóng xác minh làm rõ vụ việc.
Theo đó, vào ngày 27/7/2011, cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Hướng, Trần Hữu Luân, Hồ Đức Thạch, Lê Xuân Huy và Ngô Diệp Linh (cùng trú xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) về tội cố ý gây thương tích.
Trong thời gian được tại ngoại, nghe tin ông Quyền có quen biết nhiều người làm trong ngành Tòa án có thể chạy được án nên vào đầu tháng 12/2011, Hướng cùng với vợ là Nguyễn Thị Bình đến nhà ông Quyền đặt vấn đề nhờ giúp đỡ. Sau khi nghe vợ chồng Hướng trình bày vụ việc, ông Quyền hứa là sẽ chạy được án giảm nhẹ tội cho các bị can với giá 5.000.000 đồng/người.
Nghe ông Quyền nói vậy, vợ chồng Hướng đã đồng ý và về báo cho mọi người chuẩn bị tiền. Đầu tháng 1/2012, Hướng cùng với vợ mang 25.000.000 đồng đến nhà giao cho ông Quyền và được ông Quyền hứa sẽ giúp chạy án cho các bị cáo hưởng mức án treo. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền ông Quyền không thực hiện như đã hứa mà dùng số tiền này vào việc mua phân bón chăm sóc cho vườn cà phê của gia đình.
Video đang HOT
Đến gần Tết Nhâm Thìn 2012, do thiếu tiền tiêu xài nên ông Quyền tiếp tục điện thoại cho Hướng nói mỗi người phải đưa thêm 1.000.000 đồng để ông lo lót cho mọi người không bị bắt giam trong dịp Tết. Ngày 3/1/2012 (âm lịch), Hướng, Linh, Thạch, Huy và Luân mỗi người mang 1.000.000 đồng đến nhà giao cho ông Quyền. Tại đây, ông Quyền tiếp tục vòi vĩnh mỗi người phải nộp thêm 15.000.000 đồng nữa để cho ông lo nốt việc chạy án.
Đến đầu tháng 2/2012, khi vụ án sắp được TAND huyện Đắk Mil đem ra xét xử, cộng với việc đang thiếu tiền đầu tư chăm sóc cho vườn cà phê nên ông Quyền gọi điện hối thúc Hướng đem thêm tiền. Ngày 11/2, Hướng cùng với vợ mang thêm 30.000.000 đồng đến nhà giao cho ông Quyền. Ngày 17/2, TAND huyện Đắk Mil đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Hướng, Luân mỗi bị cáo 24 tháng tù giam, còn Linh, Thạch và Huy được hưởng án treo.
Không được tòa án xét xử như lời ông Quyền đã hứa, gia đình Hướng và Luân đến gặp ông Quyền để đòi lại số tiền đã đưa, nhưng do tiền ông Quyền đã dùng hết vào việc mua phân bón chăm sóc cà phê và tiêu xài cá nhân nên không có trả.
Chưa dừng lại ở đó, ông Quyền tiếp tục huênh hoang rằng mình có quen biết với nhiều cán bộ làm việc ở TAND tỉnh Đắk Nông rồi chỉ cho Hướng và Luân làm đơn kháng cáo để chạy án ở cấp phúc thẩm. Để hai người tin tưởng, ông Quyền đã dẫn vợ chồng Hướng và Luân sang nhà ông Phan Tuấn Đào (Nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Mil) trú tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) gặp. Tại đây, ông Quyền đã kể lại toàn bộ nội dung vụ án và có ý nhờ ông Đào giúp đỡ nhưng ông Đào chỉ nói mọi người ra về để vụ việc ông xem xét sau.
Sau khi từ nhà ông Đào ra về, ông Quyền tiếp tục bắt Hướng và Luân phải giao thêm 50.000.000đ để chạy án ở cấp phúc thẩm. Từ ngày 24/3 đến 2/4, cả Hướng và Luân đã tổng cộng 4 lần đưa cho ông Quyền số tiền 74.000.000 đồng để nhờ chạy án và mỗi lần nhận tiền, ông Quyền đều viết tay xác nhận. Ngày 16/5, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử và tuyên y án sơ thẩm. Biết mình bị lừa, gia đình Hướng và Luân tìm cách đòi nợ ráo riết, ông Quyền chỉ trả lại cho mỗi người 10.000.000 đồng, số còn lại không chịu trả nên gia đình Hướng và Luân đã khởi kiện ra TAND huyện Đắk Mil để đòi lại tiền.
Tính đến ngày vụ việc bị cơ quan điều tra phát hiện bắt giữ, ông Quyền đã chiếm đoạt tổng cộng 134.000.000 đồng của các bị hại. Được biết, đối tượng Nguyễn Văn Quyền trước đây đã bị Công an huyện Đắk Mil bắt giữ, xử phạt nhiều lần về tội trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Vụ án sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Quyền sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng đây cũng là bài học đắt giá cho những người nông dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật đã nghe vào những lời đường mật của kẻ xấu để rồi “tiền thì mất” mà “tật vẫn cứ mang”, đến khi tỉnh ngộ thì đã muộn.
Theo 24h
Lừa tiền tỉ từ kẽ hở cấp giấy nhà đất
Có trường hợp cùng một thửa đất, một căn nhà nhưng lại được cấp đến hai giấy chứng nhận.
VKSND TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Thường trực UBND TP xem xét, chấn chỉnh công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và cập nhật biến động sau chuyển quyền.
Theo VKSND TP, công tác quản lý đất đai, cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại một số quận, huyện trên địa bàn TP còn lỏng lẻo, vi phạm quy trình nghiệp vụ và pháp luật. Trong đó, nhiều trường hợp cấp đến hai GCN cho cùng một thửa đất, một căn nhà. Từ đó đã tạo điều kiện cho một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan nhà nước.
Những phi vụ bạc tỉ
Năm 1999 ông Trần Văn Hào và bà Vũ Thị Cung được UBND quận 7 cấp giấy đỏ số N.241134 với diện tích đất 873 m2 ở phường Phú Mỹ, quận 7. Đến năm 2003-2004, ông Hào và bà Cung xây ba căn nhà trên khu đất này rồi làm thủ tục tách thửa. UBND quận 7 đã cấp tiếp ba giấy hồng cho ba căn nhà trên với tổng diện tích 629 m2 nhưng lại quên chỉnh lý biến động diện tích trên giấy đỏ số N.241134 đã cấp, cũng không thu hồi GCN này để cấp GCN mới theo đúng diện tích đất 244 m2 còn lại.
Người dân đang làm thủ tục nhà đất tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Do vậy, năm 2007, ông Hào - bà Cung sử dụng ba giấy hồng bán ba căn nhà với giá 11 tỉ đồng. Sau đó, đến năm 2010, hai người này lại sử dụng giấy đỏ số N.241134 bán tiếp toàn bộ khu đất 873 m2 (trong đó có phần đất 629 m2 của ba căn nhà trên) cho người khác với giá 7,5 tỉ đồng.
Một trường hợp khác, lợi dụng công tác cấp GCN lỏng lẻo, sau khi chuyển nhượng một phần diện tích đất, ông Lê Văn Hai (thị trấn Nhà Bè) đã cớ mất GCN quyền sử dụng đất và được UBND huyện Nhà Bè cấp lại GCN mới gom luôn cả phần diện tích đã bán. Nhờ vậy, ông Hai lại tiếp tục bán phần đất này lần thứ hai cho người khác để chiếm đoạt 865 triệu đồng.
Một nhà hai giấy
Tại quận Gò Vấp, sau khi được mẹ tặng cho căn nhà 30/6E Quang Trung, phường 12, Gò Vấp (có giấy hồng số 3412/2002), ông Huỳnh Văn Cấu và bà Nguyễn Thị Nghe tiếp tục khai báo gian dối để được cấp mới GCN quyền sử dụng đất căn nhà với địa chỉ "ma" 30/6A Quang Trung, phường 12, Gò Vấp. Thực tế, hai địa chỉ này cũng chỉ là một căn nhà nhưng cũng "qua mặt" được UBND quận Gò Vấp để được cấp GCN thứ hai. Năm 2007, ông Cấu - bà Nghe đã dùng hai GCN trên để bán căn nhà cho hai người mua khác nhau, ẵm gọn hơn 1 tỉ đồng.
Tương tự, tại Thủ Đức, sau khi được cấp GCN quyền sử dụng đất nhà 56/6E đường số 4, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, bà Huỳnh Thị Theo đã ký hợp đồng tặng cho nhà và chuyển cho con mình đứng tên GCN quyền sử dụng đất. Sau đó, bà Theo làm tiếp bộ hồ sơ xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và cũng được cấp thêm GCN thứ hai rồi đem bán nhà cho người khác. Đến khi chủ mới xây lại nhà thì UBND quận Thủ Đức phát hiện ra lô đất có đến hai giấy chủ quyền.
Lập đường dây nóng
VKSND TP cũng kiến nghị thành lập đường dây nóng ở UBND cấp huyện, xã, nhất là vùng ven để hỗ trợ cung cấp thông tin về nhà đất, tạo thuận lợi cho người dân kiểm tra thông tin liên quan trước khi ký hợp đồng giao dịch. Đồng thời, để tránh chồng chéo chức năng và đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND phường, xã và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện khi có vi phạm xảy ra, UBND TP cần quy định phân rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của hai đơn vị này trong việc kiểm tra, xác minh hồ sơ cấp chủ quyền nhà, đất.
Trong thời gian tới, VKSND TP sẽ phối hợp với TAND TP chọn những vụ án điển hình để xét xử lưu động nhằm tăng cường giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo VNN
"Màn kịch" ngoạn mục - nữ công an lừa hàng chục tỷ đồng Lợi dụng là cán bộ công an, dễ gây lòng tin ở người khác, Trần Thị Ngọc Hà đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người. Khi không còn khả năng trả nợ, bị đòi ráo riết, Hà đã đến trình diện cơ quan công an để lánh nạn. Trần Thị Ngọc Hà khóc nức nở khi bị các...