Lật tẩy chiêu bài giả điên – ‘bùa hộ mệnh’ của giới giang hồ
Như thể bảo nhau, những kẻ được coi là “sống trong giang hồ” bằng nhiều cách khác nhau đều trang bị cho mình một bản bệnh án tâm thần và coi đó như “bùa hộ mệnh”.
Những kẻ đã chuẩn bị cho mình bản bệnh án này tỏ rõ thái độ coi thường pháp luật, chúng gây án điên cuồng và vô cùng manh động, đã có không ít những vụ án nghiêm trọng có liên quan đến những đối tượng này. Không chỉ ở Hải Phòng mà ở một số địa phương khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh, vấn nạn tội phạm cộm cán có bệnh án tâm thần ngày một gia tăng và chúng khiến cho các chế tài pháp luật đã gặp nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình xử lý…
Ở rất nhiều địa phương tồn tại tình trạng các đối tượng phạm tội hình sự khi ra cơ quan xét xử thường trình ra hồ sơ bệnh án tâm thần. Với những quy định của pháp luật hiện hành, đã có rất nhiều đối tượng được xếp vào diện nguy hiểm đã thoát khỏi những bản án nghiêm khắc nhờ có “miễn tử kim bài” này. Vấn đề này càng trở nên cấp bách và nhức nhối khi có rất nhiều dân anh chị bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã có cho mình một bệnh án tâm thần hết sức đầy đủ. Việc giả điên rồi liên tiếp gây án đã khiến cho tình hình an ninh trật tự nhiều địa phương gặp rất nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là tội phạm có tổ chức.
Tội phạm thường sử dụng chiêu bài ‘giả điên’ để trốn tránh pháp luật (ảnh minh họa)
Lấy bệnh án tâm thần như thế nào
Công an TP.Hải Phòng đã mở chuyên ánt điều tra và làm rõ hành vi của hàng loạt đối tượng có dấu hiệu giả điên. Quá trình điều tra, cơ quan công an cũng đã làm rõ được nguồn gốc của những bệnh án tâm thần. Đại diện Công an TP.Hải Phòng khẳng định, tất cả các bệnh án tâm thần có liên quan đến các đối tượng đã được chứng minh đều là hợp pháp, không có dấu hiệu làm giả. Điều tra làm rõ, nơi cấp những giấy chứng nhận này chính là Trung tâm Giám định tâm thần thuộc Sở Y tế TP.Hải Phòng.
Khi làm rõ được nơi cấp những bệnh án tâm thần kia được làm rõ, có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó vấn đề nổi cộm chính là việc liệu có hay không vấn đề “tiêu cực” phía sau những tấm giấy chứng nhận. Tài liệu điều tra cho thấy, phía Trung tâm Giám định tâm thần Hải Phòng đã làm đúng các thủ tục từ khám xét, kiểm tra cho đến theo dõi nên chắc chắn những giấy tờ kia được cấp ra là đúng quy trình.
Tuy nhiên, những đối tượng giả điên khi tìm đến Trung tâm Giám định tâm thần đã có chủ đích từ trước. Chúng sẵn sàng nhập vai để thể hiện một màn kịch bệnh lý cực kỳ công phu. Ai cũng biết việc giám định, kiểm tra bệnh tâm thần là vô cùng phức tạp, dù có sử dụng những máy móc hiện đại đến mấy nhưng khi người bệnh luôn miệng kêu đau đớn, nhức đầu, có dấu hiệu của việc đãng trí, mất kiểm soát hành vi thì dù giả hay thật thì các bác sĩ cũng rất khó có thể xác định.
Để có được một bệnh án tâm thần, các đối tượng “giả điên” sẽ tìm đến các cơ sở y tế tại chính địa phương để khám xét với yêu cầu kiểm tra các bệnh lý liên quan đến não hoặc các vấn đề về tâm thần. Sau khi lấy được phiếu khám, đơn thuốc sau một thời gian, các đối tượng này lại tiếp tục đến khám lại với lý do “bệnh tình ngày một trầm trọng hơn”. Đến lúc này, những cơ sở ở tuyến dưới buộc phải làm các thủ tục chuyển bệnh nhân lên trên vì “bệnh” đã vượt qua khả năng chữa trị.
Video đang HOT
Khi những những bộ hồ sơ này được chuyển lên tuyến trên mà cụ thể là cấp tỉnh, thành phố, các đối tượng giả điên tiếp tục diễn một vở kịch “giả bệnh”. Chúng kêu đau, kêu chóng, nói rằng có dấu hiệu hay quên, trong mộtvài trường hợp còn bảo rằng không kiểm soát được hành động của mình. Thậm chí có những kẻ còn “diễn sâu” tới mức, chúng còn nói với bác sĩ là không nhớ tên mình là gì, nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi… chúng giả mạo tất cả các câu trả lời khi được bác sĩ hỏi để khám xét.
Trước những dấu hiệu này, thường thì chúng sẽ đề đạt là “chữa bệnh tại nhà” vì vậy đã có rất nhiều trường hợp cấp thuộc để mang về nhà uống. Lẽ dĩ nhiên, số thuốc này sẽ được vứt đi ngay sau đó và đến kỳ hạn khám lại chúng sẽ tiếp tục đến để khám. Và sau khi khám đi khám lại vài ngày liền những đối tượng này sẽ được bác sĩ chỉ định cho đi điều trị tại bệnh viện. Khi nhập viện cũng có nghĩa là bệnh viện phải làm bệnh án để điều trị bình thường. Bằng cách nào đó những đối tượng giả điên sẽ “diễn như thật” trong thời gian “nằm viện điều trị”.
Việc được nhập viện và điều trị bệnh lý tâm thần đã coi như những đối tượng giả điên đã có được “miễn tử kim bài”. Đến lúc này, chúng tiếp tục có những biểu hiện như thể có dấu hiệu phục hồi để được bệnh viện cho về nhà. Và dĩ nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi cổng viện, những kẻ giả điên lại trở thành bình thường, chúng sẽ hiện nguyên hình là những tay giang hồ máu lạnh, giờ đây có thêm “bùa hộ mệnh” chúng như “sói mọc thêm nanh”, đúng với nghĩa “nay đã trở lại, lợi hại hơn xưa”.
Đại diện phòng PC45 – Công an TP.Hải Phòng cho rằng, trong vấn đề các đối tượng giả điên có bệnh án tâm thần không thể nào quy trách nhiệm rằng y bác sĩ khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế vì họ thực hiện đúng các qui trình. Vấn đề là ở chỗ, bệnh lý tâm thần có những đặc thù rất riêng, có những vấn đề rất phức tạp và khó xác định chính xác nên việc giám định bệnh lý chỉ ở mức tương đối. Trong trường hợp này cần phải thông cảm với các cơ quan y tế vì để xác định chính xác kẻ nào giả điên là một việc không hề đơn giản.
Chính việc nắm bắt rõ những thủ đoạn mà đám giang hồ giả điên, Công an TP.Hải Phòng đã có sự phối hợp chặt chẽ với Viện Gám định Pháp y tâm thần Trung ương cùng Bệnh viện Tâm thần Trung ương để tiến hành giám sát khi đưa những đối tượng được yêu cầu đi điều trị bắt buộc. Vấn đề then chốt ở chỗ phải chứng minh được chúng giả điên, có những tài liệu chứng cứ xác thực để vạch mạch mặt chúng.
Như trong trường hợp của đối tượng Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”) khi được đưa lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương điều trị, đối tượng này tưởng chừng như những trò giả bệnh, quậy phá sẽ che được mắt lực lượng chức năng tuy nhiên, từng giờ, từng phút hoạt động trong viện đều đã được giám sát vô cùng chặt chẽ. Tộ “tích” chỉ có thể giả bệnh trước mặt cán bộ bệnh viện nhưng khi không có ai đối tượng này lại trở thành bình thường, những lúc như thế đều có người giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc “giải mã” thành công việc Tộ “tích” giả điên chính là các xét nghiệm khoa học. Khi mà Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương đưa ra kết luận Tộ “tích” không có bệnh thì ngay lập tức cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ đối tượng này. Hai công việc này diễn ra song song khiến cho kẻ giả bệnh không kịp trở tay.
Giả điên không chỉ có ở Hải Phòng!
Khi mà ở Hải Phòng nổi lên những trường hợp cụ thể về việc giả điên thì ở một số địa phương khác cũng xuất hiện các đối tượng giả bệnh tâm thần để né tránh việc bị pháp luật truy cứu. Trong số này, đáng kể nhất phải nhắc tới cái tên Vi “ngộ”. Đối tượng này tên đầy đủ là Nguyễn Văn Vi (SN 1981, ngụ tại phố Đào Duy Từ, phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa). Vi “ngộ” vẫn được biết đến là một đối tượng giang hồ cộm cán, là kẻ cầm đầu một băng nhóm chuyên tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Thuộc dạng có tên tuổi trong giới “giang hồ xứ Thanh”, Vi “ngộ” giàu lên nhanh chóng bằng cách mở sới bạc. Các sới bạc của Vi “ngộ” xuất hiện ở khắp nơi và thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh việc bị cơ quan chức năng dòm ngó. Bên cạnh đó, Vi còn tổ chức cho vay nặng lãi và sẵn sàng cho đàn em đi siết nợ bằng những thủ đoạn côn đồ nếu như các con nợ chưa chịu trả.
Trước những hoạt động có phần phức tạp của Vi “ngộ”, tháng 11/2007, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành điều tra và triệt phá sới bạc do đối tượng này tổ chức tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Tuy nhiên, trong cuộc truy kích đó, Vi “ngộ” đã nhanh chân trốn chạy nên cơ quan công an buộc đã phát lệnh truy nã và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, bắt giữ.
Sau một thời gian bỏ trốn, đến tháng 2/2010, Vi “ngộ” bất ngờ ra đầu thú. Đến lúc này, cơ quan công an đã tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành xử lý đối tượng này trước pháp luật. Tiếp theo đó, TAND huyện Hà Trung đã nhiều lần mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Văn Vi. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi Vi “ngộ” lại có hồ sơ, bệnh án đang điều trị tâm thần tại các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương.
Trước tình huống này Tòa án đã buộc phải ra quyết định cho Vi “ngộ” đi điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, khi có lệnh đi điều trị bắt buộc, Vi “ngộ” lại chẳng ở bệnh viện một phút nào mà ngay lập tức quay trở về Thanh Hóa để tổ chức, điều hành các hoạt động trước đây. Dường như đã “nhờn” nên Vi “ngộ” tỏ ra manh động hơn trước, đối tượng này liên tiếp gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản có liên quan đến tín dụng đen, tổ chức đánh bạc quy mô lớn.
Hoạt động liên tục trong vài năm liền, đến năm 2012, quá trình thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Thanh Hóa nắm được việc Vi “ngộ” đang có những hoạt động phạm pháp hết sức phức tạp nên đã khởi động lại quá trình điều tra để xem xét lại căn bệnh tâm thần của đối tượng này. Nhận định Vi “ngộ” giả điên nên cơ quan công an đã có những biện pháp cụ thể để giám định bệnh tình cho đối tượng này.
Tuy nhiên, vì biết kế hoạch đã lộ nên Vi “ngộ” đã nghĩ ra một kế hoạch vô cùng chi tiết để “giả điên”. Trong lần được cơ quan công an đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh để giám định lại bệnh lý tâm thần, Vi đã sai đàn em lấy một tổ ong vò vẽ rồi để ở một gốc cây trong khuôn viên viện. Khi Vi đi qua khu vực này trong sự giám sát của lực lượng công an, đối tượng này đã dùng “khổ nhục kế”, lao đến dẫm đạp lên đàn ong như thể một người bị điên loạn thực sự.
Lần đó, Vi bị ong đột nên bị thương tật khá nặng và được nằm tại bệnh viện điều trị. Nếu quan sát việc Vi “ngộ” trêu ong thì bất kỳ ai cũng nghĩ rằng đối tượng này bị điên thật. Chỉ có những người có vấn đề về thần kinh mới làm việc như vậy. Tuy nhiên, dù là Vi “ngộ” có chấp nhận đau đớn thật nhưng vẫn không thể qua mắt được cơ quan công an.
Trước khi có yêu cầu bên Tòa án hủy quyết định cho điều trị bắt buộc và ra lệnh bắt giam trở lại, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có đầy đủ bằng chứng, tài liệu về việc trong khoảng thời gian “chữa bệnh” từ cuối năm 2010 đến 2012, Vi “ngộ” là một con người hết sức bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, những hoạt động của Vi trong khoảng thời gian này đều có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật nên cần phải xử lý một cách triệt để.
Ngoài việc giám định bệnh lý theo đúng các quy định của pháp luật, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu thập đầy đủ tài liệu về tội trạng của đối tượng. Khi cơ quan y tế có giấy giám định kết luận về việc Vi “ngộ” hoàn toàn không có bất kỳ bệnh lý nào thì cũng là lúc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố lại và chuyển hồ sơ sang phía VKS để tiến hành truy tố đối tượng.
Nhận xét về việc điều tra làm rõ hành vi giả điên của Vi “ngộ”, đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu không làm triệt để thì chắc chắn giới tội phạm sẽ “làm tới”. Bấy lâu nay chúng cho rằng, cứ có bệnh án tâm thần là sẽ thoát tội. Điều này cho thấy nhưng kẽ hở mà các cơ quan chức năng cần phải chỉnh sửa một cách triệt để không cho giới tội phạm có thể lợi dụng. Pháp luật vẫn có những chế tài cụ thể khi xử lý những người bị bệnh tâm thần gây án nhưng đối với những kẻ giả bệnh, lấy bệnh án làm bức bình phòng thì phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa.
Việc Vi “ngộ” bị bắt đã khiến cho “giang hồ Thanh Hóa” một phen rúng động. Chưa có con số cụ thể rằng ở Thanh Hóa có bao nhiêu đối tượng hình sự có bệnh án tâm thần, tuy nhiên, chắc chắn con số thực sẽ khiến nhiều người giật mình. Chính vì vậy mà việc cơ quan công an “bóc mẽ” trường hợp của Vi ngộ như một cú đánh mạnh, khiến cho những kẻ giang hồ, tội phạm chuyên nghiệp hiểu rằng, “giả điên đã không còn tác dụng”.
Diệt trừ tận gốc
Ngoài trường hợp của Vi “ngộ”, ở Thanh Hóa còn phải kể tới việc cả gia đình nhà ông trùm tín dụng đen Hùng “máu” đều có bệnh án tâm thần. Hùng “máu” cùng hai gã con trai là Hoàng “máu”, Hiệp “máu” và em trai của Hùng là Thắng “què” đều mang bên mình bệnh án tâm thần. Bản thân đối tượng Hoàng “máu” cũng nhờ vào “bùa hộ mệnh” này mà thoát tội trong một vụ án giết người xảy ra tại địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo của Hoàng “máu”, hai người con trai cùng em trai của hắn đã tạo ra một tổ chức tín dụng đen lớn bậc nhất Thanh Hóa. Những hoạt động của gia đình Hùng “máu” đã khiến cho tình hình an ninh trật tự ở tỉnh Thanh Hóa trong một thời gian dài xảy ra rất nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tín dụng, cho vay lãi suất cao.
Bản thân Hùng “máu” nhờ có thế lực, lại có bệnh án tâm thần chống lưng mà đối tượng này hống hách, mặc sức tác oai tác quái. Hùng “máu” tự cho mình cái quyền bắt người khác phải tuân lệnh. Có lần chỉ một vụ va chạm nhỏ trên trường, Hùng bắt một người dân phải đền cho mình tới vài trăm triệu bởi đã… trót làm xước xe của gã.
Trước những vấn đề nổi cộm như vậy, Công an tỉnh Thanh Hóa đã mở chuyên án bắt giữ cha con Hùng “máu” và đối tượng Thắng “què”. Chuyên án thành công khi mà tài liệu chứng cứ tội trạng đã thu thập một cách hết sức đầy đủ. Tuy nhiên, khi ra Tòa xét xử, Hùng “máu” lại trình bệnh án tâm thần của mình ra hòng thoát tội. Tuy nhiên, vì đã dự liệu từ trước cũng như quyết tâm vạch mặt những kẻ giả điên để thoát hỏi sự truy cứu của pháp luật, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có những kế hoạch trong việc giám định lại bệnh tình của Hùng “máu” cũng như các đối tượng liên quan.
Những tội danh được thu thập trong tài liệu điều tra cho thấy, kẻ vi phạm không thể là một người tâm thần, thậm chí còn có suy nghĩ hiểm độc hơn rất nhiều người dân bình thường. Tuy nhiên, pháp luật đúng là luôn dựa trên những tài liệu, chứng cứ rõ ràng và thuyết phục vì vậy mà Công an tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều biện pháp khiến “bùa hộ mệnh” của hắn “mất thiêng”.
Ngày Hùng “máu” cùng em trai gã bị bắt, người dân Thanh Hóa đã tỏ rõ sự vui mừng, xã hội đã loại trừ được một kẻ coi thường pháp luật và đặc biệt là quần chúng tin vào sức mạnh của kỷ cương, phép nước. Sau ngày lực lượng công an đã làm rõ Hùng “máu” giả điên và khi đối tượng này nhận bản án 4 năm tù giam thì tất cả người dân Thanh Hóa đã tin rằng, công lý đã được thực thi, kẻ phạm tội đã bị trừng trị đích đáng.
Theo Câu chuyện Pháp luật
Vụ bé 5 tuổi tử vong sau khi tiêm: Chưa xác định nguyên nhân vì ngày nghỉ
Chiều 21.9, ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho PV Thanh Niên biết hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân tử vong của cháu Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, trú tại Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng). Theo ông Khánh, do đang là ngày nghỉ nên đầu tuần tới, hội đồng chuyên môn, hội đồng điều trị sẽ bắt đầu xem xét toàn bộ quy trình dẫn đến tử vong của cháu bé để xác định rõ nguyên nhân.
Cũng theo ông Khánh, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra Sở đã vào cuộc để kiểm tra, làm rõ; đồng thời Sở cũng yêu cầu Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng họp kiểm điểm, rà soát quy trình, báo cáo Sở. Ông Khánh cũng khẳng định, đây là trường hợp "bệnh nhân bị viêm phổi khối và đã bị đi bị lại nhiều lần" và "Toàn bộ quy trình từ khi bệnh nhi nhập viện cho đến lúc tử vong, các y bác sĩ rất có trách nhiệm, đã thử phản ứng trước khi tiêm kháng sinh".
Khoảng 11 giờ ngày 19.9, cháu Nhi nhập Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi viêm phổi thùy. Khoảng 11 giờ 30 phút, Nhi được các bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh Cefotaxim. Đến 16 giờ, cháu Nhi tiếp tục được chỉ định tiêm thêm kháng sinh Gentamycin và tiêm thử tets thuốc kháng sinh Cefotaxim trước khi tiêm tĩnh mạch 15 phút; thấy không phản ứng, các nhân viên y tế tiếp tục tiêm kháng sinh Cefotaxim để điều trị viêm phổi. Tuy nhiên, sau khi rút kim tiêm chừng 15 phút, cháu Nhi có biểu hiện tím tái, khó thở. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực để xử lý sốc thuốc kháng sinh quá mức. Đến hơn 17 giờ cháu Nhi có phản ứng tích cực, nhưng đến đêm lại tái sốc và tử vong lúc gần 8 giờ ngày 20.9.
Theo TNO