Lật mở ‘điểm lạ’ trong hồ sơ năng lực đơn vị cấp bò cho hộ nghèo ở Điện Biên
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai khẳng định chưa từng cấp chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cho Công ty Đại Thành, đơn vị cung ứng số lượng lớn bò giống cho hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên.
Quá trình phản ánh về điểm bất thường trong việc cấp bò giống cho hộ nghèo tại tỉnh Điện Biên, PV VietNamNet đã tìm tới địa chỉ Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Đại Thành (viết tắt Công ty Đại Thành; doanh nghiệp cung ứng số lượng lớn bò giống) tại tỉnh Lào Cai, gặp các đơn vị chức năng của tỉnh Lào Cai để làm rõ một số thông tin liên quan doanh nghiệp này.
Lật mở hồ sơ năng lực của doanh nghiệp cung ứng bò
Theo tài liệu thu thập được và những thông tin công bố rộng rãi, từ cuối tháng 12/2023 đến ngày 10/1/2024, có 18 xã thuộc huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thực hiện dự án cấp bò giống sinh sản cho đối tượng là hộ nghèo. Tổng số bò đã cấp là 2.160 con. Bò được cấp có giá 100 nghìn đồng/kg/con, mỗi con dao động từ 170 – 220kg.
Trước khi dự án được triển khai, vào tháng 10/2023, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Điện Biên Chu Văn Bách ký văn bản số 567 giới thiệu doanh nghiệp cung ứng bò giống là Công ty Đại Thành để các xã tham khảo.
Theo thông báo công khai của Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, Công ty Đại Thành có trụ sở tại số 539, đường Điện Biên, phường Cốc Lếu ( TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai); giám đốc là ông Mai Văn Dương kèm theo số điện thoại để liên hệ.
Theo tìm hiểu của PV, có ít nhất 2/18 xã của huyện Điện Biên nhận bò giống sinh sản từ Công ty Đại Thành với tổng số gần 350 con. Tuy nhiên, chưa đầy 30 ngày sau khi bàn giao bò cho người dân, một xã đã tạm dừng dự án và tiến hành các bước thu hồi bò trả lại cho doanh nghiệp cung ứng. Lý do thu hồi được đưa ra là vì gặp vấn đề về nguồn gốc và hồ sơ.
Biển tên Công ty Đại Thành tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai vào trưa 17/1. Ảnh: ĐB
Để tìm hiểu về nguồn gốc số bò mà Công ty Đại Thành đưa tới cho hộ nghèo ở Điện Biên, PV được ông Chu Văn Bách cung cấp bộ hồ sơ năng lực của công ty này với độ dài 132 trang dưới định dạng PDF, là bản sao công chứng.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ trên, PV nhận thấy có 3 văn bản đáng chú ý thể hiện năng lực của Công ty Đại Thành, gồm ( PV trích dẫn nguyên văn số hiệu văn bản thể hiện trên hồ sơ):
Thứ nhất: Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi số 23/005/2023/ĐKCN do Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai) ký ngày 26/7/2023. Nội dung văn bản này thể hiện, Công ty Đại Thành có trang trại chăn nuôi tại địa chỉ xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đơn vị này được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa, dê, lợn) với số lượng 300 con.
Thứ hai: Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh số 218/QĐ-UBND ngày 1/8/2023. Quyết định này lại do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai ký ban hành. Nội dung thể hiện trang trại tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được công nhận an toàn dịch bệnh, có trách nhiệm thực hiện mọi quy định của pháp luật về thú y đối với cơ sở an toàn dịch bệnh.
Trong bộ hồ sơ năng lực của Công ty Đại Thành, văn bản này có dấu hiệu bất thường.
Video đang HOT
Thứ ba: Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 75/GXN-UBND ngày 6/6/2023 do UBND TP Lào Cai ban hành. Giấy xác nhận này thể hiện nội dung: Là căn cứ để cơ quan kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của dự án. Ở phần nơi nhận của văn bản có ghi “UBND xã Gia Phú (để kiểm tra, giám sát)”, tuy nhiên TP Lào Cai không có đơn vị hành chính là xã Gia Phú.
Ngày 17/1, ông Chu Văn Bách khẳng định với PV, khi Công ty Đại Thành về huyện Điện Biên làm việc, họ đã cung cấp những hồ sơ nêu trên và huyện nhận thấy công ty có đủ điều kiện theo quy định.
Cụ thể, theo ông Bách, công ty có Giấy đăng ký kinh doanh và những văn bản do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cấp. Khi triển khai dự án, ông Bách cho biết “đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu kỹ trước khi quyết định”.
Năm 2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai không cấp giấy tờ cho Công ty Đại Thành
Để lật tìm sự thật phía sau hồ sơ năng lực của Công ty Đại Thành, ngày 17/1, PV đã có cuộc làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai để xác minh các văn bản có liên quan đến đơn vị này.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: “Quá trình rà soát, tôi khẳng định Chi cục không hề cấp văn bản nào cho Công ty Đại Thành liên quan đến trang trại chăn nuôi gia súc”.
Ngày 18/1, ông Uyên ký văn bản số 15 gửi báo VietNamNet có nội dung: “Trong năm 2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y không nhận được văn bản, đơn đề nghị và không cấp hai thủ tục hành chính gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành có địa chỉ tại số nhà 359, đường Điện Biên, tổ 14, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai”.
Ảnh bên trái là ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai xem văn bản do PV cung cấp. Ảnh bên phải là văn bản trả lời VietNamNet do ông Uyên ký ngày 18/1. Ảnh: NT
Ông Uyên thông tin thêm, về thể thức văn bản thủ tục hành chính có điểm bất thường, việc văn bản của Sở NN&PTNT nhưng ở dưới số hiệu ghi là UBND (ủy ban nhân dân-PV) là sai sót cơ bản.
Liên quan đến văn bản Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 75/GXN-UBND ngày 6/6/2023 trong hồ sơ năng lực Công ty Đại Thành, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND TP Lào Cai chiều 17/1 khẳng định: Qua rà soát, TP không ban hành văn bản nêu trên. Sau khi tiếp nhận thông tin, TP sẽ chuyển cho cơ quan chức năng để làm rõ về dấu hiệu giả mạo văn bản.
“Có một điểm dễ nhận biết về dấu hiệu giả mạo đối với văn bản trên là việc người ký là ông Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ tịch UBND TP) vào ngày 6/6/2023. Bởi vì thực tế, ông Nguyễn Trường Giang có quyết định chuyển công tác khỏi UBND TP Lào Cai từ 1/6/2023 nên không thể ký văn bản nêu trên được”, ông Hoàng Đăng Khoa nêu.
Ngoài ra, như đã thông tin, địa chỉ trang trại của Công ty Đại Thành cung cấp trong hồ sơ năng lực gửi UBND huyện Điện Biên là tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, khi PV có mặt tại xã Gia Phú thì ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch xã khẳng định nhiều năm nay xã không có trang trại nào của Công ty Đại Thành.
Đại diện UBND TP Lào Cai khẳng định ông Nguyễn Trường Giang chuyển công tác ngày 1/6/2023 nhưng văn bản trong hồ sơ năng lực của Công ty Đại Thành lại đề thời gian ông này ký là ngày 6/6/2023.
Sáng 18/1, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thông tin, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra các nội dung gồm: Hồ sơ triển khai dự án, con giống và quy trình cấp bò giống.
Khi PV cung cấp thông tin về việc Công ty Đại Thành không có trang trại tại tỉnh Lào Cai, ông Bình cho biết: “Tôi nghe anh em báo cáo xã và tổ cộng đồng đã đi Lào Cai nhưng không biết thực hư có đúng không?”.
Trước câu hỏi đến nay Công ty Đại Thành đã cung ứng bao nhiêu con bò giống cho huyện Điện Biên, ông Bùi Hải Bình cho biết chưa nắm được vì có nhiều đơn vị cung ứng bò trên địa bàn huyện.
Về văn bản giới thiệu Công ty Đại Thành của Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, ông Bùi Hải Bình cho rằng văn bản này chỉ mang tính chất giới thiệu chứ không áp đặt, chỉ định các xã (là các chủ đầu tư) phải chọn doanh nghiệp Đại Thành cung ứng bò giống cho dự án.
Đại biểu Lò Thị Luyến: “Huyện Điện Biên đã làm rất cẩn thận”
Trả lời PV VietNamNet bên lề Quốc hội, Đại biểu Lò Thị Luyến – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chia sẻ những thông tin liên quan đến vụ việc bất thường cấp bò giống tại huyện Điện Biên.
Bà Luyến chia sẻ: “Theo tôi tìm hiểu, huyện Điện Biên đã làm rất cẩn thận là thành lập hội đồng thẩm định để xem xét các nhà cung ứng có đủ năng lực hay không và giao cho các chủ đầu tư là cấp xã đến tận nơi để xem bò. Khi xã chấp nhận, các nhà cung ứng mới vận chuyển bò về Điện Biên để cấp cho người dân”.
Về giá bò, bà Luyến cho biết đã được hội đồng định giá gồm có các cơ quan chuyên môn của huyện tham gia thẩm định. Các điều kiện, tiêu chuẩn của con giống thì giao cho chủ đầu tư là cấp xã trực tiếp thẩm định.
Ngoài ra, theo quy định, các con giống này phải được bảo hành trong 21 ngày sau khi cấp cho người dân nhưng huyện Điện Biên đã yêu cầu các con giống này được bảo hành 1 tháng.
“Như vậy, tôi cho rằng, huyện đã rất chủ động để triển khai, thực hiện chính sách này. Vấn đề là trong quá trình giao cho các xã triển khai thực hiện, các đơn vị cung ứng con giống có thực hiện đảm bảo đúng như cam kết với xã hay không, còn chuyện có vấn đề này kia hay không thì phải để các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra mới kết luận được”, ĐBQH Lò Thị Luyến nêu.
Theo bà Luyến, hiện nay huyện Điện Biên đang rà soát và đã cho thu hồi 180 con giống. Việc thu hồi con giống chưa đảm bảo trong thời gian còn bảo hành để thay bò mới đảm bảo chất lượng cho người dân cũng là việc bình thường.
Đề cập đến những khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, bà Luyến cho biết: Hiện nay Nghị định 38/2023 có quy định “ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…” nhưng các địa phương chưa triển khai được quy định này, do vướng mắc về tiêu chuẩn giống vật nuôi và việc xác định giá thị trường.
Cụ thể về tiêu chuẩn con giống, tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn xin ý kiến của Bộ NN&PTNT và được Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời là: Đề nghị địa phương mua con giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan. Do đó, khi triển khai có khó khăn vì người dân trên địa bàn các xã khó khăn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, giống bản địa, không thể đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Điện Biên thu hồi hàng trăm con bò cấp cho hộ nghèo, rà soát hồ sơ nguồn gốc
UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cử đơn vị chuyên môn rà soát hồ sơ cấp bò giống cho hộ nghèo.
Trong khi đó, có xã chủ động thu hồi bò đã cấp vì chưa đảm bảo hồ sơ, chất lượng.
Liên quan vấn đề phản ánh của người dân trên địa bàn các xã thuộc huyện Điện Biên về việc Dự án cấp bò sinh sản không đảm bảo chất lượng, ông Chu Văn Bách - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Điện Biên đã thông tin về quá trình xử lý.
Theo ông Bách, UBND huyện đang lập các đoàn kiểm tra hồ sơ và chất lượng con giống thuộc dự án nêu trên. Trong quá trình kiểm tra thấy hồ sơ và con giống không đảm bảo chất theo quy định của Luật chăn nuôi, huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư và đơn vị cung ứng, rồi tiến hành họp bàn với Tổ công tác cộng đồng để đưa ra các phương án xử lý phù hợp.
"Hiện tại, xã Hẹ Muông đã cùng nhà cung ứng thu hồi toàn bộ số bò giống (trên 180 con) không đảm bảo chất lượng đã cấp cho người dân theo dự án trước đó", ông Bách thông tin.
Trả lời VietNamNet, ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông xác nhận: Xã có 9 Tổ cộng đồng, với 185 hộ, mỗi hộ được thụ hưởng 1 con bò giống. Tuy nhiên, con giống không tốt nên hai bên thống nhất xin dừng dự án. Do vậy, xã tổ chức họp và thống nhất thu hồi lại toàn bộ số bò đã cấp.
"Lý do thu hồi là hồ sơ và nguồn gốc con giống không đảm bảo theo quy định", ông Trần Văn Tới khẳng định.
Chị Lường Thị Duyên (bản Pa Sáng) bên con bò mà chị nhận xét là "vừa gầy, vừa già". Ảnh: Thái Dương
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, toàn huyện có 21 xã, trong đó có 18 xã đã triển khai thực hiện dự án cấp bò giống sinh sản theo chương trình mục tiêu Quốc gia. Tổng số bò được cấp phát cho các hộ dân huyện Điện Biên trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH là 2.174 con.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV, nhiều người dân phản ánh về việc dự án cấp bò sinh sản lại là bò già, gầy yếu và không đảm bảo chất lượng.
Đơn cử, gia đình chị Lường Thị Duyên và anh Hờ Ánh Dương ở bản Pa Sáng (xã Hua Thanh) được UBND xã cấp cho 2 con bò giống sinh sản nhưng quá trình nuôi thì thấy bò vừa già, vừa gầy. Thậm chí, ngày mới nhận bò về có con còn không ăn và uống nước được, gia đình phải chăm sóc, nấu cám, nấu cháo cho ăn.
Gia đình chị Lò Thị Thanh ở bản Tâu cũng chung tình trạng khi được chính quyền hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Thanh, khi nhận về chẳng hiểu vì lý do gì mà 1 con thường xuyên bị ngã và rất gầy yếu.
"Lúc đầu tôi nghĩ nó chỉ bị vài hôm sẽ khỏi. Có hôm con bò ngã giơ bốn chân lên trời, gia đình tôi cứ tưởng nó sẽ chết nên đã báo cho cán bộ thú y xã. Khi cán bộ thú y xuống, họ mang đi đổi nhưng đến nay chưa thấy mang bò lại cho gia đình", chị Lò Thị Thanh nói.
Người dân băn khoăn về chất lượng bò được hỗ trợ. Ảnh: Thái Dương
Trước thông tin trên, huyện Điện Biên đã có các công văn chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các xã (Chủ đầu tư) chấn chỉnh công tác tổ chức triển khai thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cho cộng đồng dân cư để sản xuất thuộc chương trình MTQG (Mục tiêu quốc gia).
Trước phản ánh bò gầy, yếu, không đảm bảo chất lượng con giống, UBND huyện Điện Biên chỉ đạo đơn vị chức năng đến từng hộ tham gia dự án để kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng con giống đảm bảo đủ trọng lượng, độ tuổi, con giống khỏe, không có dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, yêu cầu đơn vị cung ứng cấp đổi lại đối với những con bò giống đã cấp nhưng không đảm bảo về hồ sơ con giống, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đã cam kết về bảo hành con giống.
Lào Cai: Điện lưới quốc gia về với thôn khó khăn nhất của xã Pa Cheo Bản Giàng là thôn khó khăn nhất xã Pa Cheo, 45% hộ dân là hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Có điện, điều kiện sống của bà con thôn Bản Giàng sẽ được cải thiện, con em học hành thuận lợi hơn. (Ảnh minh họa: Xuân Triệu/TTXVN) Ngày 19/12, Công ty Điện lực Lào Cai đã tổ chức đóng điện, chính thức...