“Lật mặt 7: Một điều ước” – Nguồn năng lượng sạch và lành từ Lý Hải
“ Lật mặt 7: Một điều ước” chạm mốc 200 tỷ đồng sau kỳ nghỉ lễ, đây có thể xem là một thành tích ngoạn mục của Lý Hải.
Ngay từ khi mới xem suất đầu, tôi đã dự đoán phim này sẽ chạm mốc từ 400 đến 500 tỷ đồng. Điều khiến tôi ngạc nhiên và tin rằng phim này sẽ tiếp tục lập kỷ lục, là Lý Hải sao có thể làm được một bộ phim “sạch” và “lành” như vậy, chạm vào cảm xúc của đại chúng đến vậy, dù vẫn còn nhiều khuôn mẫu và không phải là phim xuất sắc.
Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải (Ảnh: Facebook nhân vật).
Tại sao “Lật mặt 7″ thành công dù không phải “lật” gì?
Cho đến giờ phút này, Lý Hải và Trấn Thành đã trở thành hai “thương hiệu” bất bại tại phòng vé phim Việt. Không chỉ bất bại về doanh thu, phim sau của họ còn thành công hơn phim trước và tranh nhau phá kỷ lục.
Không quá khi nói rằng, 2 nhà làm phim này còn có công lớn khi khai phá được lớp khán giả mới và tạo nên sự kết nối giữa các thế hệ với nhau. Bằng chứng là hình ảnh cả gia đình nhiều thế hệ đi xem phim cùng nhau vì thông điệp tình thân gia đình gần gũi mà họ gửi gắm trong phim.
Lật Mặt 7: Một điều ước của Lý Hải chính xác là bộ phim như vậy. Khác với những phần trước của Lật mặt, đến phần 7, tôi tin là nhiều người con sẽ muốn đưa cha mẹ của họ đi xem. Và đây mới chính là cú “lật mặt” ngoạn mục nhất của Lý Hải với phần 7.
Anh đã phá bỏ những sở trường đã trở thành thương hiệu của loạt phim hành động hài, để kể phần kế tiếp giản dị, chân thành, chạm vào cảm xúc của khán giả bằng sự xúc động và giá trị đẹp mà anh muốn gửi gắm.
Ở phần mở phim, tôi cứ nghĩ đang xem câu chuyện “nhân tình thế thái” hơi chua xót, chịu ảnh hưởng từ Tokyo Story của huyền thoại Nhật Bản Ozu. Xem đoạn tiếp, tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung-sook.
Có một phân đoạn khác khiến tôi nghĩ đến Parasite của Bong Joon-ho, nhưng dường như Lý Hải luôn có cách để thoát khỏi sự ảnh hưởng đó bằng những câu chuyện và tình tiết rất Việt Nam, dù đôi lúc để lộ sự sắp đặt.
Lật mặt 7: Một điều ước kể về câu chuyện tình thân gia đình mà người mẹ trở thành nhân vật trung tâm. Nhân vật bà Hai ( nghệ sĩ Thanh Hiền) là người mẹ suốt đời vì con, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất như phải nuôi con một mình vì chồng qua đời sớm.
Khi bước vào tuổi già, bà sống cùng cô con gái thứ 2 (Đinh Y Nhung) – cũng là một người mẹ đơn thân, bị gã chồng cũ say xỉn làm phiền (vai cameo rất duyên của Lý Hải) ở thị trấn vùng núi yên bình, nơi mà đám trẻ thành thị thường đến để trú ngụ tìm lại cảm giác kết nối với thiên nhiên.
Bà vẫn kinh doanh nhỏ để giữ cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Bốn người con còn lại của bà, sống ở 4 nơi khác nhau, làm những nghề khác nhau, đang phải vật lộn với cơm áo gạo tiền nên chưa trả hiếu cho người mẹ già cả đời hy sinh vì họ.
Một tai nạn xảy ra khiến bà Hai phải bó bột ở chân và đi lại khó khăn, phải ngồi xe lăn. Trong khi đó, cô con gái thứ 2 đang phải chăm con dài ngày ở bệnh viện. Bốn người con còn lại phải bàn cách để chăm sóc mẹ và chốt lại mỗi người sẽ chăm sóc bà 1 tuần.
Và thế là 4 câu chuyện nhỏ của 4 gia đình người con được lồng ghép vào câu chuyện lớn kể về trách nhiệm, bổn phận của những đứa con dành cho cha mẹ.
Câu chuyện đầu tiên diễn ra ở Hà Nội, trong một gia đình trung lưu mà cha mẹ đều làm công chức, 2 đứa con tuổi thiếu niên xa cách và khó kiểm soát.
Xung đột gia đình ở nhà người anh cả Hai Khôn (Trương Minh Cường đóng) diễn ra khá điển hình và hơi “đổ khuôn”. Một cô vợ ghê gớm nhưng luôn tỏ ra biết điều, 2 đứa con đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi mới lớn” khiến nhân vật Hai Khôn mặc cảm không chăm sóc được mẹ chu toàn.
Câu chuyện xung đột ở gia đình người anh cả kết thúc trong sự êm đẹp và sự thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình bằng trận nước mắt “chan” vào bữa cơm tối. Xung đột được giải quyết tương đối nhanh và nhẹ nhàng, đó cũng là cảm nhận của tôi ở các câu chuyện còn lại.
Nhưng rõ ràng, 3 câu chuyện của 3 người con tiếp theo, ở làng chài ven biển, căn biệt thự nghỉ dưỡng trên cao nguyên và ở gia đình bình dân tại TPHCM được Lý Hải xử lý mượt mà hơn. Chứng tỏ anh có độ trải nghiệm và thấu hiểu đời sống của người bình dân – đại chúng ở miền Trung, miền Nam hơn.
Video đang HOT
Câu chuyện gia đình Tư Hậu ( Quách Ngọc Tuyên) và cô vợ Tư Thắm (Tín Nguyễn) ở làng chài ven biển là câu chuyện hay nhất, chạm vào cảm xúc nhất và có tính bản địa tốt nhất.
Tôi muốn dành lời khen cho Tín Nguyễn và Ngân Chi (vai cô con gái) vì lối diễn xuất thô mộc rất chân thực của họ. Bối cảnh làng chài ven biển được đề cao về mặt văn hóa thông qua lễ hội truyền thống dân gian được dàn dựng đẹp mắt.
Tình huống được đặt ra trong câu chuyện cũng dễ “chạm” hơn: Tư Hậu đi biển đánh bắt xa bờ khi cơn bão sắp tràn tới. Chỉ có những người làm nghề đi biển mới thấu hiểu được nỗi lo của người thân dành cho họ.
Và trong câu chuyện của gia đình Tư Hậu, nỗi lo với những dự cảm chẳng lành khiến người mẹ già, ông bố vợ đãng trí nhưng minh mẫn về biển cả (vai diễn rất đẹp của nghệ sĩ Mạnh Dung), cô vợ và đứa con gái sống trong lo sợ suốt cả đêm thâu để rồi khép lại bằng một cái kết đẹp khiến khán giả được vỡ òa cảm xúc.
Lý Hải đã kể một câu chuyện đẹp và đầy chân thực.
Câu chuyện thứ 3 và thứ 4 của hai người con còn lại: Năm Thảo (Trâm Anh) và Sáu Tâm ( Trần Kim Hải) được biên kịch Lý Hải chịu khó nghiên cứu tìm tòi về bối cảnh văn hóa, về những tình huống tréo ngoe nhưng vẫn ít nhiều hợp lý.
Xung đột trong hai gia đình Năm Thảo ở căn biệt thự vùng Tây Nguyên và gia đình Sáu Tâm trong khu phố bình dân tại TPHCM được xây dựng có đầu tư, dù như đã nói từ đầu, vẫn để lộ ra những khuôn mẫu.
Khi để cho khán giả được “đi du lịch qua màn ảnh lớn”, chứng kiến những câu chuyện gia đình khá đặc trưng và điển hình ở mỗi vùng miền Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, Lý Hải kết nối những tầng cảm xúc đã được “cài cắm” vào trước đó để làm nên đoạn kết đánh thẳng vào cảm xúc của họ: Nỗi dày vò ân hận của những đứa con không chăm sóc và báo hiếu được cho bố mẹ mình.
Đó là thứ cảm xúc mà Lý Hải đã gieo và gặt khá thành công trong Lật mặt 7: Một điều ước. Và hơn tất cả, chúng chạm vào được cảm xúc của số đông, của khán giả đại chúng.
Cách Lý Hải chinh phục đại chúng
Nguồn năng lượng “sạch” và “lành” (đến mức phim không có ai là người xấu) khiến Lý Hải ghi điểm với công chúng, mang lại được cho người xem thứ giá trị mang tính phổ quát về tình thân gia đình.
Nguồn năng lượng “sạch” và “lành” đó, theo tôi, rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội càng khiến sự kết nối gia đình ngày càng lỏng lẻo. Những đứa con có thể “facetime” (gọi video) chứ không phải “face to face” (gặp trực tiếp) để họp mặt gia đình hay về thăm mẹ.
Nhân vật người mẹ trong phim của Lý Hải khiến những đứa con xa quê như tôi có cảm giác như mẹ của mình: Hy sinh cả đời cho con cái, đầy lòng tự tôn về bản thân, không bao giờ muốn làm phiền con cái.
Nghệ sĩ Thanh Hiền, nữ diễn viên kỳ cựu nhưng chưa bao giờ đóng vai chính, đã có vai diễn thật đẹp khi nhân vật bà Hai trở thành linh hồn của bộ phim. Dù tôi vẫn muốn vai diễn này có chất “đời” và chất “người” hơn nữa, nhưng rõ ràng đây vẫn là nhân vật người mẹ thành công của Lý Hải qua diễn xuất điềm tĩnh và bao dung của nghệ sĩ Thanh Hiền.
Thành công lớn nhất của Lý Hải là anh là chinh phục được khán giả đại chúng thông qua câu chuyện về sự bao dung của người mẹ, được lấy cảm hứng từ người mẹ của chính anh.
Như đã nói ở trên, câu chuyện tôi thích nhất trong bộ phim này là câu chuyện của gia đình miền biển với những chất liệu được xử lý mượt mà, phần bối cảnh được đầu tư hoành tráng.
Đại cảnh Lý Hải tái hiện lễ hội miền biển ở Lăng thần Nam Hải thực sự công phu và cho thấy sự tìm tòi của anh trong việc tôn vinh văn hóa địa phương. Lý Hải nói rằng, lễ hội ngoài đời ra sao, anh tìm cách đưa vào phim như vậy.
Lễ hội ở miền biển rất đông người, nên số lượng quần chúng rất đông, đến mức đoàn phim phải gom hết người dân trong làng. Nhóm nghệ sĩ hát bội cũng do đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp của Quy Nhơn tham gia diễn.
Việc dàn dựng để tôn vinh nghi lễ của ngư dân ở miền biển trong phim rõ ràng đã “ghi điểm” được với người dân địa phương. Trong một video phỏng vấn hậu trường, tôi nghe nhiều thanh niên địa phương bày tỏ sự tự hào về văn hóa và con người làng biển được Lý Hải xây dựng trong phim.
Nhân vật ông bố vợ đãng trí của Tư Hậu (do nghệ sĩ Mạnh Dung đóng) cũng là một nhân vật, dù nhỏ, nhưng được đạo diễn nghiên cứu tìm tòi. Ông đãng trí, nói trước quên sau và đôi khi còn không nhận ra được người thân, nhưng mỗi khi nói đến biển, đến nghề nghiệp mà ông cả đời gắn bó, đến tập tính của thói quen và văn hóa của người ở làng chài, ông trở thành ông già minh mẫn, thậm chí thông thái.
Những nhân vật phụ khác cũng được Lý Hải xây dựng có tìm tòi về câu chuyện cá nhân, nên hầu như các nhân vật đều có chuyện để kể, không ai quá mờ nhạt, dù vậy không ai quá nổi trội.
Từ ca sĩ, Lý Hải chuyển sang làm phim và gặt hái được những thành công ngoạn mục. Cá nhân tôi từng không đánh giá cao tay nghề của anh ở những tập phim trước, dù không thể phủ nhận anh kể chuyện có duyên.
Tuy nhiên, đến Lật mặt 7: Một điều ước tôi phải thừa nhận rằng Lý Hải đã “lên tay” thấy rõ và đang càng ngày càng mở rộng được biên độ khán giả của mình hơn.
Tôi nghĩ rằng điện ảnh Việt đang cần những “ông vua phòng vé” như Trấn Thành, như Lý Hải. Từ trên dưới 2 triệu khán giả cho một bộ phim kỷ lục, họ đã kéo thêm vài triệu khán giả nữa cho các bộ phim của họ.
Khi càng có nhiều khán giả đến với phim Việt, bom tấn quốc tế bị “đè bẹp” trên sân nhà, điện ảnh nội địa sẽ ngày càng khởi sắc, nhất là với những bộ phim đậm màu sắc văn hóa và con người Việt Nam hiện tại.
Nguồn năng lượng “sạch” và “lành” đến từ Lý Hải quá đúng lúc. Vì thế, tôi tin rằng điều đó sẽ tiếp tục giúp anh tạo nên những kỷ lục mới.
Thấm thía với loạt câu thoại đầy ý nghĩa trong 'Lật mặt 7: Một điều ước'
Không chỉ có bối cảnh đẹp, cốt truyện gần gũi đầy xúc động và dàn diễn viên đỉnh cao, Lật mặt 7: Một điều ước còn khiến người xem "lắng đọng" bởi một loạt câu thoại ý nghĩa, càng suy ngẫm càng rút ra nhiều thông điệp hay ho.
"Vì tâm lý muốn thoát nghèo nên ba các con luôn nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền" - bà Hai
Dù có gia cảnh giàu sang, ấm êm nhất trong số 5 người con của bà Hai nhưng Hai Khôn lại là người có ít hạnh phúc nhất. Hai Khôn xoay vần trong áp lực công việc và vô tình khiến các con tổn thương, đánh mất tuổi thơ của mình. Thế nhưng Hai Khôn không hoàn toàn đáng trách, khi áp lực của người con cả và người trụ cột gia đình đã buộc anh trưởng thành sớm, ám ảnh với việc kiếm tiền để giúp gia đình, người thân có cuộc sống dễ dàng, thoải mái hơn.
"Cứ cái gì hư là tại em. Bộ một mình em đẻ ra nó à?" - Mai, vợ Hai Khôn
Xung đột trong gia đình Hai Khôn còn bắt nguồn từ người vợ Mai. Cô là người phụ nữ giỏi giang, đảm đang việc nhà nhưng cũng vì thế mà chịu vô vàn áp lực. Bản thân Mai cũng kỳ vọng nhiều ở các con, vô hình trung khiến chúng rơi vào khổ đau. Khi nảy sinh mâu thuẫn, Mai đã "xả" hết nỗi lòng, trong đó có sự ức chế khi phải một mình gồng gánh việc nhà.
"Mình già rồi nên phải tự kiếm niềm vui cho mình" - Hiền, hàng xóm bà Hai
Là nhân vật phụ, không có nhiều đất diễn nhưng bà Hiền (hàng xóm của bà Hai) có vai trò quan trọng chẳng kém cạnh. Bà Hiền xem bà Hai như người bạn già, đối xử với bà rất tốt. Bà thấu hiểu nỗi buồn và cô đơn của bà Hai khi chịu cảnh nhà cửa đơn chiếc, bởi lẽ bà Hiền cũng có con. Hai người phụ nữ tuổi "xế chiều" sống một mình trong ngôi nhà rộng lớn là hình tượng xót xa, khiến khán giả không khỏi xúc động. Song, cũng bà Hiền là người đã giúp bà Hai chấp nhận tự yêu thương chính mình thay vì cứ đợi chờ các con nơi phương xa.
"Con thấy hình như là biển chọn con" - Tư Hậu
Tư Hậu là người con đặc biệt của bà Hai, có tính cách hào sảng, hài hước nhưng lại chọn công việc nguy hiểm nhất. Những ngày bôn ba ngoài biển của Tư Hậu là những ngày mà vợ chồng, bố mẹ anh sốt ruột nhất. Tư Hậu cảm thấy như biển cả đã chọn mình, tuy có công việc đứng ở rìa sinh tử nhưng nó lại tạo điều kiện cho anh gặp vợ, xây dựng tổ ấm riêng.
"Nếu có thể, hãy cho bản thân thêm một cơ hội khác, nghe con!" - bà Hai
Bà Hai hiểu rằng mỗi người đều có sứ mệnh riêng, và Tư Hậu cũng vậy. Thế nhưng, bà Hai không khỏi khuyên nhiều thêm 1 câu, đơn giản mong muốn con của mình có cuộc đời bình an, hạnh phúc bên cạnh gia đình của mình. Đó là điều ước đơn thuần và chan chứa tình cảm của người mẹ dành cho con.
"Do làm ăn thất bại nên con không dám về nhà. Con sợ mẹ thất vọng về con" - Năm Thảo
Năm Thảo đã chịu nhiều cực khổ cùng chồng khi phải đi làm thuê, thế nhưng lại nói dối mẹ và các anh chị em rằng mình rất giàu sang. Khoảnh khắc bị mẹ phát hiện sự thật, Năm Thảo khóc hết nước mắt, mong ông bà chủ và nhất là mẹ tha lỗi cho mình. Thế nhưng bà Hai thật ra đã biết chuyện từ lâu, và bà không bao giờ trách móc con của mình. Bà đã rơi lệ chỉ vì xót xa con gái đã chịu khổ suốt thời gian qua.
"Giàu cha, giàu mẹ thì ham. Giàu anh, giàu chị, ai làm nấy ăn" - Sáu Tâm
Pause
00:00
00:17
00:30
Unmute
Tuy là em út nhưng Sáu Tâm lại là người thường xuyên có những câu nói để đời, thấu tình đạt lý nhất. Anh là người hiểu rõ chuyện anh em dù yêu thương đến đâu thì cũng sẽ đến lúc mỗi người một nơi, không còn liên hệ nhiều với nhau như trước. Đến nỗi chỉ riêng chuyện mượn tiền mà người mượn khó mở lời, người được mượn... khó cho mượn cơ mà!
"Nếu bà không ở đây thì bao lâu nữa nhà mình mới có một bữa cơm đàng hoàng" - Vy, con gái Hai Khôn
Trong cuộc tranh cãi gia đình Hai Khôn, cô con gái út Vy lại có nhiều chia sẻ khiến khán giả tan nát cõi lòng. Cô và anh trai Huy đã thổ lộ hết nỗi lòng tích tụ nhiều năm qua với bố mẹ. Vy đã rất biết ơn khi sự xuất hiện của bà nội đã giúp gia đình đến gần nhau hơn, khiến Vy thoát khỏi sự hiểu lầm mà bố mẹ không hề chịu lắng nghe cô.
"Con chỉ muốn một lần ba mẹ đặt mình vào vị trí của con. Điểm cao thì mẹ không bao giờ động viên, nhưng điểm thấp thì cả ba lẫn mẹ đè đầu cưỡi cổ ra chửi. Mỗi lần ăn cơm cứ như cơm chan nước mắt vậy" - Vy, con gái Hai Khôn.
Vy và Huy là trường hợp điển hình của những đứa con chịu áp lực thành tích từ bố mẹ, là nạn nhân của "tiger parenting" - hình thức nuôi dạy con khắc nghiệt. Vy đã quá chán và đau đớn bởi những lần bị bố mẹ la mắng trên bàn ăn, và cả tuổi thơ chìm trong lời chỉ trích và nước mắt. Sau cùng, Vy và Huy chỉ hy vọng ba mẹ hiểu cho mình, và đôi khi những đứa con chỉ mong cầu hạnh phúc chứ không phải giàu sang hay điểm số cao.
"Ba xin lỗi vì chỉ biết xây một ngôi nhà đẹp, mà quên việc phải xây một ngôi nhà hạnh phúc" - Hai Khôn
Sau những lời bộc bạch của vợ con, Hai Khôn đã có câu thoại hay nhất nhì trong Lật mặt 7: Một điều ước. Anh thú nhận rằng bản thân đã mải mê kiếm tiền, mắc kẹt trong guồng quay kiếm tiền mà quên mất rằng vợ con và mẹ mình cần lắm hạnh phúc, sự quan tâm và những bữa cơm đông đủ. Lời xin lỗi được thốt ra cũng là lúc gia đình hiểu nhau hơn, cho nhau một cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
"Mình già rồi phải tự tìm niềm vui cho mình, chứ trông chờ vào mấy đứa nhỏ đến thì biết đến khi nào?" - Ba Lẹ, chủ trọ Sáu Tâm
Có điểm tương đồng với lời của bà Hiền, Ba Lẹ - chủ trọ của Sáu Tâm cũng khuyên bà Hai hãy tự tìm niềm vui cho mình. Những đứa con khôn lớn rồi cũng sẽ đi tìm tự do cho bản thân, không thể ở cạnh cha mẹ mãi mãi và mọi lúc. Vì vậy, việc tìm kiếm cho mình một thú vui, sở thích cũng là cách hay để bản thân có cuộc sống vui vẻ, tích cực.
Lật mặt 7: Một điều ước đang chiếu tại các rạp.
Loạt lời thoại nhói lòng ở "Lật mặt 7": "Mẹ chỉ có điều ước duy nhất, là được chụp chung với các con một tấm hình" Bộ phim "Lật mặt 7" có những lời thoại mộc mạc, chẳng hề quá hoa mỹ nhưng vẫn chạm tới trái tim khán giả. Lật mặt 7: Một điều ước là tác phẩm mang tới một Lý Hải rất mới với khán giả. Không còn những mảng miếng hài quen thuộc, không có những cảnh hành động, cháy nổ đã giúp anh làm...