Lật lại hồ sơ bom chống ngầm của Liên Xô (2)
Kể từ cuối những năm 1950 – đầu 1960, chương trình phát triển bom chống ngầm của Liên Xô đạt tới đỉnh cao với sản phẩm RGB-60.
Trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, các nhà sản xất vũ khí tích cực nghiên cứu tăng tốc độ bom chống ngầm lặn sâu xuống nước nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng loại vũ khí này. Song bom chống ngầm đầu tiên sản xuất trong nước Nga có tốc độ lặn xuống nước nhanh chỉ xuất hiện vào năm 1950. Bom BPS là sản phẩm dựa trên mẫu của nước ngoài, được nghiên cứu ở Nga trong quá trình khai thác bom của nước ngoài được chuyển giao cho Nga theo lend- lease (hệ thống viện trợ của Mỹ cho các nước đồng minh chống phát xít trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, bao gồm việc chuyển giao cho vay hay thuê vũ khí, đạn dược và lương thực thực phẩm).
Bom BPS có thân hình giọt nước giảm lực cản và đuôi định hướng. Đồng thời kích thước bao hình của bom cũng tương tự như của BB-1. Để thuận tiện cho sử dụng, phần đầu và đuôi bom có gắn các đai hình tròn cho phép đặt bom đứng thẳng trên mặt phẳng hoặc lăn trên thanh ray của thiết bị ném bom. Với tổng trọng lượng 138kg, bom BPS mang 96kg thuốc nổ. Do dùng thân có hình dáng chống cản của nước nên tốc độ lặn xuống nước của nó đạt tới 4-4,2 m/giây. Đầu tiên bom BPS được lắp ngòi nổ K-3, sau năm 1953 chúng được lắp ngòi nổ K-3M mới hơn.
Không lâu sau khi xuất hiện, đã có đề nghị dùng BPS cho không chỉ thiết bị ném bom dùng thanh ray, mà cả cho bệ phóng bom BMB-2. Cũng giống như với bom BB-1, khi dùng bom BPS phóng bom loại này có thể tấn công mục tiêu ở cự li 40, 80 và 110 mét. Cần ghi nhận, là việc dùng bom có tốc độ lặn xuống nước nhanh hơn hầu như không có tác động đến khả năng tác chiến của hệ thống. Đến đầu những năm 1950 đã không còn ai nghi ngờ là tương lai thuộc về thiết bị phóng bom chống ngầm có khả năng bắn loạt.
Bom chống ngầm phản lực RGB-25
Bom chống ngầm phản lực RGB-25.
Video đang HOT
Từ năm 1957, trên các tàu chiến của Hải quân Liên Xô bắt đầu lắp đặt các bệ phóng bom mới nhất RBU-2500 Smerch (Vòi rồng), được chế tạo có tính đến kinh nghiệm khai thác các hệ thống có trước đây của lớp này. Để tăng tính năng của hệ thống, Liên Xô đã khởi động chương trình nghiên cứu chế tạo bom chống ngầm phản lực mới RGB-25. Cũng như trước đây, đã có kiến nghị tấn công tàu ngầm đối phương bằng đạn phản lực không điều khiển có thể đạt đến độ sâu nhất định.
Về kết cấu bom RGB-25 trông giống các loại đạn phản lực đã có dùng cho bệ phóng bom chống ngầm. Thân bom có đường kính 212 mm chứa ngòi nổ và 25,8kg thuốc nổ. Tổng chiều dài bom là 1,34 mét, tổng trọng lượng 85kg. Động cơ phản lực nhiên liệu rắn cho phép bom RGB-25 bay xa 550 đến 2.500 mét. Cự li bắn được xác định bằng cách thay đổi góc nâng các thanh dẫn hướng của bệ phóng bom. Dạng khí/thủy động của thân bom cùng với tốc độ theo chiều thẳng đứng tại thời điểm tiếp nước cho phép đạt tốc độ lặn xuống nước khá cao, đến 11m/ giây. Sức công phá của đầu đạn cho phép sát thương mục tiêu trong bán kính 5 mét.
Vào thời điểm được đưa vào trang bị, bom chống ngầm phản lực RGB-25 được lắp ngòi nổ điều khiển từ xa hoặc va chạm UDV-5. Ngòi nổ này cho phép kích nổ đầu đạn ở độ sâu từ 10 đến 320 mét hoặc khi chạm vào tàu ngầm của địch. Năm 1960, các nhà phát triển đã lắp ngòi nổ âm thanh không tiếp xúc VB-1M lên bom cùng với ngòi UDV-25. Ngòi nổ VB-1M cho phép bom có phản ứng với mục tiêu ở cách xa đến 6 mét. Ngoài ra, ngòi nổ âm thanh đảm bảo kích nổ theo đồng thời cả vài quả bom trong loạt phóng. Khi ngòi nổ va đập của một bom phát nổ thì tất cả bom trong bán kính 90-100 mét sẽ cùng phát nổ hết. Việc sử dụng ngòi nổ âm thanh cùng với ngòi nổ va chạm và thủy tĩnh đã nâng xác suất sát thương tàu ngầm địch khi phóng loạt gồm 16 bom chống ngầm.
RGB-60
Bệ phóng bom RBU-6000 bắn bom chống ngầm RGB-60.
Sự phát triển tiếp theo của các hệ thống phóng bom phản lực trong nước là hệ thống RBU-6000 Smerch-2 (Vòi rồng-2), được nghiên cứu chế tạo với mức độ tự động hóa cao nhất việc nạp đạn và bắn. Tất nhiên, bên cạnh đó Liên Xô cũng triển khai nghiên cứu phát triển bom chống ngầm RGB-60 cho bệ phóng bom 12 ống thế hệ mới. Toàn hệ thống bắt đầu triển khai rộng rãi trên chiến hạm Hải quân Liên Xô từ những năm 1960.
Bom RGB-60 là sự nâng cấp tiếp các loại có trước đó của họ bom này và có rất ít sự khác biệt bên ngoài. Đường kính thân bom là 212 mm, chiều dài 1,83 mét và trọng lượng 119kg (khối thuốc nổ 23,5kg). Bom có dạng khí/thủy động, được gia tốc khi bay, lặn xuống nước với tốc độ đến 11m/ giây. Bán kính sát thương hiệu quả khi nổ không quá 5-6 mét. RGB-60 có một trong những liều phóng mạnh nhất, nhờ nó mà bom có thể được dùng để tấn công mục tiêu ở cự li từ 300 đến 5.800 mét.
Về ngòi nổ, đầu tiên RGB-60 sử dụng ngòi nổ va chạm- điều khiển từ xa UDV-60 cho phép kích nổ đầu đạn ở độ sâu đến 450 mét. Để tăng độ tự động hóa quá trình chuẩn bị bắn ngòi nổ được lắp bộ nối chuyên dùng 5 tiếp điểm, nhờ bộ nối đó đã tiến hành lắp đặt ngòi nổ ban đầu. Khi đưa bom vào nòng dẫn hướng của bệ phóng bom, bộ nối đầu đạn của ngòi được kết nối vào bộ nối của thiết bị phóng. Trước khi bắn thì có sự ngắt mạch.
Hiện nay, RBU-6000 vẫn được sử dụng rộng rãi trên nhiều tàu chiến hiện đại của Nga và nhiều quốc gia khác. Trong ảnh, tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Việt Nam phóng bom RGB-60.
Từ năm 1966, bom RGB-60 bắt đầu được lắp ngòi nổ âm thanh VB-2. Giống như ngòi nổ VB-1M, ngòi nổ VB-2 được lắp trong thân ngòi nổ va đập – điều khiển từ xa chính. VB-2 có thể “nghe thấy” mục tiêu ở cự li đến 6 mét. Ngoài ra, khi một trong số bom của loạt phóng được kích nổ thì nó sẽ kích thích ngòi nổ âm thanh của các bom khác ở cách xa đến 100 mét.
RGB-10
Cùng với hệ thống phóng bom RBU-6000, Liên Xô còn nghiên cứu chế tạo hệ thống tương tự RBU-1000 Smerch-3 (Vòi rồng-3) dùng những loại bom khác. Phương tiện tiêu diệt tàu ngầm địch cho tổ hợp này đã được chế tạo là bom chống ngầm phản lực RGB-10. Hệ thống RBU-1000 chỉ có 6 nòng, nhưng sự khác nhau về số lượng bom trong loạt phóng dự kiến sẽ được bù lại bằng sức mạnh công phá của bom.
Bom RGB-10 lớn hơn và nặng hơn RGB-60. Nó có đường kính 305 mm và dài 1,7 mét. Hình dáng bên ngoài của bom tương tự các thế hệ trước, phần đầu hình trụ có chụp chống cản và ống đuôi tương đối mỏng có thiết bị giữ ổn định hình vòng tròn. Tổng trọng lượng bom là 196kg với 80 kg thuốc nổ ở đầu đạn. Lượng nổ lớn như vậy cho phép tăng bán kính tiêu diệt mục tiêu lên đến 8-10 mét. Công suất liều phóng cho phép phóng bom RGB-10 xa không quá 1.000 mét. Tốc độ lặn xuống nước đạt 11-12 m/giây.
Bệ phóng bom chống ngầm RBU-1000.
Bom RGB-60 và RGB-10 có ngòi nổ giống nhau, va đập – điều khiển từ xa UDV-60. Theo một số tài liệu, từ giữa những năm 1960, bom RGB-10 được lắp ngòi nổ phức hợp trên cơ sở UDV-60 và ngòi âm thanh VB-2. Việc sử dụng những hệ thống như vậy cho phép bom RGB-10 phát nổ khi va chạm với mục tiêu, cách mục tiêu một khoảng cách không lớn hoặc ở độ sâu định trước.
Quá trình phát triển bom chống ngầm ở Nga diễn ra trong mấy chục năm và đã tăng đáng kể hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, các loại đạn chống ngầm mà chúng ta đã xem xét dựa trên một số tương đối ít ý tưởng. Các bom chống ngầm đầu tiên sản xuất chỉ là thùng thuốc nổ dùng để thả qua mạn tàu hoặc đuôi tàu (xuồng) nhờ một số loại thiết bị ném khác nhau. Sau đó đã có ý tưởng phóng bom đi xa khỏi tàu một cự li nhất định nhờ thiết bị phóng bom, và sự phát triển tiếp của loại vũ khí này đã đi theo cách như vậy. Cuối những năm 1940 ý tưởng phóng bom bắt đầu phát triển theo hai hướng: hướng thứ nhất là sử dụng các hệ thống tích cực bắn bom đi xa; hướng thứ hai dùng các động cơ phản lực nhiên liệu rắn.
Đến cuối những năm 1950 đã thấy được là triển vọng lớn hơn thuộc về các hệ thống phản lực, do đó tất cả các phóng bom hiện đại của tàu chiến được chế tạo theo nguyên tắc này. Các bệ phóng bom có cần đẩy và không có cần đẩy, cũng như bom chống ngầm thả qua mạn dần không được dùng nữa.
Cho đến nay, thậm chí các bệ phóng bom phản lực cũng đã dần tiệm cận tới các tính năng khả dĩ tối đa. Dù đã xuất hiện các hệ thống phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm mới, cự li bắn bom chống ngầm phản lực không vượt quá vài km. Hiệu quả của việc bắn bom như vậy cũng còn phải được nâng cao hơn: Xác suất tiêu diệt mục tiêu của thậm chí những phóng bom chống ngầm mới nhất bằng cả loạt bom cũng không vượt quá mấy chục phần trăm.
Vì vậy hoàn toàn không có gì ngạc nhiên là trong những thập niên gần đây Hải quân Nga ưu tiên đặt hàng cho công nghiệp không phải các bệ phóng bom phản lực, mà là các tổ hợp tên lửa chống tàu ngầm hiện đại. Chắc là, hãy còn sớm để nói thời của bom chống ngầm đã qua. Tuy nhiên, chúng đã không còn là vũ khí nguy hiểm và hiệu quả, có khả năng ảnh hưởng lớn đến diễn biến chiến tranh trên biển nữa.
Theo Kiến Thức