Lạp xưởng bò
Lạp xưởng bò (còn gọi lạp bò), là sản phẩm của người Kinh ở An Giang phát triển và nâng cao từ món ngon “tung lò mò”, đặc sản truyền thống nổi tiếng của đồng bào Chăm ở An Giang.
Để có món “tung lò mò”, dùng thịt bò vụn sau khi loại bỏ hết gân và bầy nhầy, xắt nhuyễn, bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài gia vị bí truyền. Thịt trộn xong, để thấm, dồn vào ruột bò đã cạo rửa sạch bên trong, phơi hơi se, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt ngón tay, phơi chừng ba nắng. Bí quyết để “tung lò mò” ngon, theo người Chăm, phải có cơm nguội trộn vào trong thịt, nướng ăn có vị chua đặc trưng.
Ở An Giang, lạp xưởng bò được sản xuất và bán phổ biến tại Phũm Xoài (TX.Tân Châu), nhiều nhất là xã Vĩnh Trung (H.Tịnh Biên), thế nhưng không ngon bằng lạp xưởng bò Tri Tôn. Nhìn khoanh lạp xưởng bò trắng ngà nằm phơi mình trên bếp than hồng lúc cuộn lên làn khói trắng thơm phức, rồi từ từ ửng màu đỏ hấp dẫn, tôi nhớ ngay đến khúc lạp xưởng bò bán dạo năm xưa. Chấm miếng lạp xưởng bò vào chén muối tiêu, cắn một cái, tôi nghe tổng hòa hợp âm ẩm thực đầy cuốn hút.
Một cụ bà gần 80 tuổi cho biết, gia đình bà bán đặc sản này tại Tri Tôn đã mấy chục năm qua. Bà khoe làm một lần 40 kg, bán trong 2 ngày. Bán từ 16 giờ tới 21 giờ. Lạp xưởng bò của bà không phơi nắng cho khô mà để tươi, nướng tới đâu bán tới đó. Khách phải chịu khó đứng chờ. Được vậy là vì lạp xưởng bò được làm từ bắp, sụn, nạc, đùi lóc từ xương bằm nhỏ, trộn với một ít mỡ bò, ngũ vị hương, tiêu, tỏi, bột ngọt, chút rượu và đường. “Bao bì” cho lạp xưởng bò của bà được chọn từ ruột bò, cạo cho đến khi mỏng vừa, rửa thật sạch, không dai khi nướng chín. Điểm quan trọng là gia đình bà không dùng cơm nguội.
Bò miệt Tri Tôn thì được người đời khen tặng là “số một”, lại nữa nó là loại thịt mới xả còn tỏa hơi nóng. Thêm một ưu điểm nữa là ngũ vị hương ướp lạp xưởng bò có thể là một loại gia vị đặc trưng của Tri Tôn mà tôi đã thưởng thức trong món lạp xưởng bò từ gần mười năm trước. Loại ngũ vị hương này ngoài mùi thơm dìu dịu còn có vị ngọt quyến rũ, hơn hẳn ngũ vị hương bán từng gói ngoài tiệm tạp hóa có mùi không mấy thơm lại hăng hắc đắng. Cắn miếng lạp xưởng bò của bà cụ này, tôi nghe sướng toàn bộ các chân răng. Vì, ngoài thịt bò mềm mại còn có tiếng xừn xựt của sụn bò, cảm giác như tất cả được xắt từng miếng vuông nhỏ, tạo khoái cảm khi nhai.
Để có khúc lạp xưởng bò ngon, theo bà cụ, nướng cũng là công phu mà con cháu bà không ai thực hiện được. Bí quyết đó là than đập nhỏ cho ngọn lửa lúc nào cũng đỏ đều, khiến cho khoanh lạp xưởng chín đều từ ngoài vào sâu trong ruột, không bị “sượng”. Vì có khá nhiều đường nên muốn mua lạp xưởng bò của bà đem đi xa, phải được nướng sơ, đến nhà để trong tủ lạnh được cả tuần, khi muốn ăn nướng hoặc chiên.
Theo TNO
Những món nên thử khi du lịch Campuchia
Bạn có thể nếm thử côn trùng hoặc đồ nướng, bánh thốt nốt "ngay tại trận", hoặc mua khô rắn và lạp xưởng về làm quà cho gia đình hoặc bạn bè.
Các món nên nếm qua:
Côn trùng
Từ dế, nhện, trứng kiến, đến con cà cuống... đều được người Campuchia chế thành nhiều món ăn. Đơn giản thì có chiên, xào, cầu kỳ thì dồn đậu phộng, hấp cơm hay ngâm giấm. Ấn tượng ban đầu của món ăn có thể không tốt nhưng khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm, độ giòn, béo ấn tượng. Một lưu ý nhỏ là nên đánh giá độ vệ sinh của món ăn trước khi thưởng thức.
Video đang HOT
Mắm prohok (bồ hóc)
Khác với câu chuyện rùng mình về việc một người Campuchia đi đâu cũng giắt theo một ống tre đầy muối, đi đường gặp con cá nào thì đập đầu bỏ vào hũ, một thời gian sau thành mắm bồ hóc, thực chất, mắm bồ hóc truyền thống của Campuchia được làm từ những con cá con tốt nhất.
Người ta có thể chế biến hơn 50 món từ mắm bồ hóc như hấp trứng, hấp thịt, kho, xào... Cách nhận biết mắm bồ hóc rất dễ, nếu thấy bất kỳ món ăn nào được dọn kèm với các loại rau sống thì là "chính hắn". Về khẩu vị, mắm bò hóc không quá khác với các loại mắm làm từ cá của Việt Nam như mắm cá lóc hay cá mòi, cá nục của người miền Trung.
Amok
Amok chính thống gồm thịt gà hoặc ức gà kèm theo đường thốt nốt, nước dừa, mắm bồ hóc, củ ngải bún, riềng, nghệ, hành tím, tỏi, sả bằm nhuyễn nếu theo một công thức chung và được dọn trong trái dừa. Nhưng sau này, người ta cũng chấp nhậm việc thay thế thịt gà bằng phi lê cá hay cá lóc. Nếu đầu bếp khéo tay thì khi thưởng thức thực khách sẽ chỉ cảm nhận được độ béo, ngậy của cá, thịt gà và nước cốt dừa như một loại cà ri hơn là món ăn truyền thống của người dân nơi đây.
Món nướng
Rất dễ tìm thấy các hàng nướng như thế này tại Siem Riep. Một phần gồm 5 xiên nướng và một dĩa gỏi đu dủ có giá 1 USD.
Người dân Siem Riep rất thích món nướng, điều đó lý giải cho việc các món nướng heo, gà, bò xuất hiện với mật độ dày ở đây. Hầu hết các món nướng đều nướng trên bếp than và được tẩm ướp bằng đường thốt nốt nên có vị thơm, ngon đặc trưng.
Bánh bò thốt nốt
Ngoài các nguyên liệu cơ bản của bánh bò thường thấy, bánh bò thốt nốt có hai nguyên liệu đặc biệt là trái thốt nốt chín và đường thốt nốt. Nhờ hai nguyên liệu này mà bánh bò thốt nốt có màu vàng đẹp mắt cùng độ ngọt thanh, hương thơm thu hút.
Ở Campuchia có thể bắt gặp loại bánh này ở nhiều nơi, nhưng ngon nhất là tại khu vực cầu Kompong Kdei, khu vực trồng thốt nốt nhiều nhất Campuchia (tất nhiên giá cho món này tại đây cũng nhỉnh hơn).
Các món ăn từ thịt bò
Bò xào rau tại Nhà hàng Làng văn hoá tại Siem Riep.
Do đặc trưng thả rông cùng lối sống tự do, thịt bò của vùng đất này có độ mềm, thơm hơn hẳn thịt bò trong nước. Vì thế đừng quên thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt bò. Ngoài ra, đây cũng là một trong những loại thực phẩm có giá thành khá rẻ tại chợ.
Món mua về:
Đường thốt nốt
Khi chế biến, đường thốt nốt cho màu vàng sóng sánh như được sốt từ mật ong. Giá một ký đường thốt nốt từ 2 - 3 USD/kg.
Nếu quen với những viên đường thốt nốt thì khi đến đây, bạn sẽ phát hiện một sự thật từ những người nông dân Campuchia chân chất là thốt nốt không bao giờ đủ độ cứng để cô đặc thành khối. Vì thế đường thốt nốt ngon và đúng chất là loại đường ở dạng lỏng, có độ sánh và màu vàng ươm không khác gì mật ong loại tốt.
Đường thốt nốt tốt là khi để lâu sẽ nổi lên một lớp váng màu đen. Lớp váng này sẽ lại màu như cũ nếu bạn khuấy hũ. Nhờ màu vàng đặc trưng này mà khi chế biến, các món ăn sẽ có màu vàng sậm đặc trưng như sốt mật ong.
Các loại cá khô
Các loại cá khô được báo với giá từ 10 - 15 USD/kg
Campuchia có rất nhiều loại cá khô bạn có thể mua về làm quà như khô cá lóc, cá tra phồng, cá sủ... với mức giá từ 6 - 15 USD/kg. Người bán thường gói rất kỹ để bạn tiện đem về nên không gặp vấn đề bốc mùi khi di chuyển. Theo đánh giá của hầu hết du khách, do được làm từ cá nuôi thả nên khô cá ở đây nhỉnh hơn hẳn về độ ngọt, thơm so với khô cá trong nước.
Khô rắn
Khô rắn cho cảm nhận về một loại thịt dai, chắc. Giá 12 -15 USD/kg.
Người Campuchia thờ rồng và không bao giờ ăn thịt rắn nhưng với mật độ dày các loại rắn tại đây, những người Việt sang Campuchia đã biến loại bò sát này thành món đặc sản.
Không như hình dung thông thường về những con rắn khô quắp, tong teo, khô rắn được chế biến cầu kỳ đến nỗi nhìn sơ qua, rất dễ nhầm lẫn với bất kỳ loại khô cá nào nếu không có mùi đặc trưng (tất nhiên là rất ít).
Lạp xưởng
Lạp xưởng bò. Bạn có thể mua lạp xưởng với giá từ 6 - 10USD/kg.
Trong số các món được mua về, lạp xưởng bò và lạp xưởng heo là một trong những món được nhiều người ưu chuộng và mua nhiều nhất Các thành phần của lạp xưởng của Campuchia được thái khá to mang đến cảm giác dai giòn khi nhai. Song nếu nhận xét khách quan thì độ thơm, ngon của lạp xưởng Campuchia chỉ nhỉnh hơn so lạp xưởng hạng trung, còn với các thương hiệu cao cấp ở trong nước thì không thể sánh bằng.
Huỳnh Hằng
Theo Bưu Điện Việt Nam
Thưởng thức món ngon mùa lạnh Trong cái se se lạnh của tiết trời mùa đông, thật tuyệt vời khi có thể đắm chìm trong không gian ấm cúng, thưởng thức những món ăn tươi ngon từ các món nướng, lẩu cho đến các món được chế biến sẵn. Một số nơi sau đây đã rất được khách hàng yêu thích và cho vào cẩm nang ẩm thực của...