Lắp thiết bị hỗ trợ cảnh báo đường ngang tự mở
Theo con số thống kê mới đây cho thấy, trên tuyến đường sắt bắc – nam có hơn 5.700 giao cắt đồng mức; trong đó, đường ngang chính tắc chỉ có 1.500, còn lại 4.200 lối đi tự mở. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hiện mới có 654 rào chắn và gác chắn ở các đường ngang chính tắc, còn lại hơn 800 đường ngang chưa có.
Mới đây, VNR đề nghị các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua, lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) tại các lối đi tự mở.
Ngành đường sắt lắp đặt thiết bị cảnh báo tại đường ngang giao cắt với đường sắt.
Tai nạn đường sắt ở mức cao
Trong 11 tháng năm nay, tuy tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương, nhưng số liệu thống kê cho thấy, số vụ TNGT đường sắt vẫn còn ở mức cao, trong đó, có tới 64% số vụ xảy ra tại các vị trí giao cắt là lối đi tự mở. Phó Tổng Giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch cho rằng, các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng ở vị trí giao cắt gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát và không chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT khi đi qua các vị trí giao cắt. Điển hình là hai vụ xảy ra trong tháng 8, lúc 13 giờ 17 phút ngày 7-8, tàu SE5 đến Km 1429 947 khu gian Hòa Trinh – Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận (đường ngang biển báo), đã va ô-tô tải chở muối, khiến đầu máy 954 bị trật bánh hai trục, lái xe và phụ xe bị thương; đầu máy 954 và ô-tô bị hư hỏng nặng. Vụ thứ hai lúc 10 giờ ngày 25-8, tàu SE8 đến Km 324 300 (đường ngang biển báo), khu gian Yên Xuân – Vinh, tỉnh Nghệ An, đã va vào xe ô-tô 7 chỗ, làm chết hai người, bị thương hai người; ô-tô và đầu máy bị hỏng.
Đến nay, các đơn vị đã xóa bỏ gần 150 lối đi tự mở; thu hẹp 20 lối đi tự mở; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 218 vị trí; phối hợp với các địa phương xây dựng 272 gờ giảm tốc. Tuy nhiên, các tuyến còn tồn tại hơn 4.000 lối đi tự mở. Chính vì thế, để tăng cường tính hiệu quả hơn nữa đối với tín hiệu cảnh báo cho người tham gia giao thông đường bộ trước khi đi qua điểm giao cắt với đường sắt, từ tháng 11-2017 đến tháng 6-2018, VNR đã tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng thử nghiệm hai loại hình thiết bị cảnh báo hỗ trợ bảo đảm ATGT tại bốn vị trí giao cắt là lối đi tự mở thường hay xảy ra tai nạn. Trong đó, loại hình thiết bị thứ nhất là sử dụng tín hiệu đèn vàng kết hợp tín hiệu chuông và phát loa lời cảnh báo: “Chú ý có tàu qua”, được điều khiển bật, tắt bởi nhân viên gác ghi tại các ga mỗi khi tàu đi qua; loại hình này có chi phí khoảng 70 đến 90 triệu đồng. Loại hình thiết bị thứ hai sử dụng tín hiệu đèn vàng (sử dụng nguồn pin năng lượng mặt trời) nhấp nháy liên tục 24 giờ trong ngày, chi phí lắp đặt khoảng 50 đến 70 triệu đồng. Sau một thời gian thử nghiệm, tại tất cả bốn vị trí lắp đặt thiết bị cảnh báo, kết quả đều bảo đảm tuyệt đối ATGT đường sắt. Trên cơ sở đó, VNR đã và đang triển khai lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo tại 51 vị trí lối đi tự mở ở một số ga trên các tuyến đường sắt. Vì vậy, VNR giới thiệu và đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua nghiên cứu, lắp đặt rộng rãi hai loại hình thiết bị trên tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt trên địa bàn. “Việc lắp đặt thiết bị cảnh báo hỗ trợ bảo đảm ATGT tại các vị trí lối đi tự mở là một giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm do không phải bố trí trực cảnh giới ở các đường ngang bất hợp pháp”, Phó Tổng Giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch đánh giá.
30 giây quan sát và “văn hóa nhanh chân”
Video đang HOT
Nhấn mạnh giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh khuyến cáo, mỗi người chỉ cần dành ra 30 giây quan sát trước khi băng ngang qua đường ngang giao cắt với đường sắt thì sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn. “Có khi chỉ nhanh 30 giây thôi nhưng đổi cả sinh mạng, cuộc đời, liệu điều đó có xứng đáng không? Có nhiều gác chắn, nhân viên đường sắt đã kéo ba-ri-e rồi nhưng người lái ô-tô, xe máy vẫn cố vượt qua. Trong vòng năm vừa qua, có hơn 100 vụ phương tiện đâm gãy cần chắn, giờ lắp ca-mê-ra truy xuất và gắn trách nhiệm người đâm. Cần chắn tự động không phải bức tường nên nhiều chủ xe thản nhiên nâng lên để chui qua. Trước hiện tượng này, có vị đại biểu Quốc hội đã ví von “một bộ phận người dân khi băng qua đường sắt vẫn còn tồn tại… văn hóa nhanh chân”, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh chia sẻ.
Thời gian qua, VNR đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao ATGT đường sắt tại các vị trí giao cắt đường bộ – đường sắt, lối đi tự mở. Trong đó, lắp đặt ca-mê-ra hỗ trợ giám sát tại toàn bộ 263 phòng trực ban chạy tàu; lắp ca-mê-ra quan sát hành trình và ca-mê-ra ca-bin cho toàn bộ 266 đầu máy; lắp ca-mê-ra trong và ngoài nhà gác tại toàn bộ 621 đường ngang có gác; lắp ca-mê-ra tại toàn bộ 380 đường ngang cảnh báo tự động. Đồng thời, kết nối tín hiệu từ ca-mê-ra về trung tâm giám sát của các đơn vị, nhằm ngăn ngừa các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, phối hợp các địa phương duy trì 239 điểm cảnh giới tại các lối đi tự mở, đơn vị đường sắt duy trì cảnh giới tại 119 vị trí; bố trí lao động cảnh giới tại 55 đường ngang biển báo có nguy cơ cao. Hiện, VNR đang khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp, lắp đặt tín hiệu cảnh báo tự động và cần chắn tự động cho 100 đường ngang biển báo, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Cùng đó, triển khai lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo an toàn cho 51 lối đi tự mở giao cắt với đường sắt trong ga, trên các tuyến đường sắt, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 và 2019.
Thừa nhận TNGT tại lối đi tự mở và đường ngang dân sinh là vấn đề cốt lõi và hết sức nan giải trong công tác bảo đảm ATGT đường sắt, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh cho rằng, các địa phương đã rất nỗ lực khi phối hợp nhưng vì thiếu nguồn kinh phí cho nên thực tế triển khai lập lại trật tự ATGT đường sắt còn rất khó khăn. “Đơn cử, muốn có người cảnh giới, địa phương có kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ này không? Rào các đường ngang dân sinh lại thì người dân đi như thế nào? Có kinh phí để làm đường gom không? Đó là hàng loạt câu hỏi không dễ tìm ngay được lời giải. Không phải là địa phương không muốn làm mà phải có nguồn lực và ngân sách để triển khai”, người đứng đầu ngành đường sắt nhìn nhận.
Bài và ảnh: TRANG LY
Theo Nhan dan
Đình chỉ hàng loạt Trưởng ga, Giám đốc đường sắt... sau tai nạn liên tiếp
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa ra quyết định đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ là Trưởng ga, Giám đốc, lái tàu... liên quan trực tiếp và có trách nhiệm liên đới tới 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGT) nghiêm trọng tại Thanh Hóa và ga Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa tổ chức họp, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến 2 vụ tai nạn tàu đâm ô tô, gây đổ tàu xảy ra ngày 24/5 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và vụ 2 tàu đâm nhau xảy ra ngày 26/5 tại ga Núi Thành (Quảng Nam).
Với vụ tai nạn tại Thanh Hóa khiến 12 người thương vong, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn đường ngang thuộc Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa và lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi không chấp hành các quy định về ATGT trước khi đi qua vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đình chỉ công tác kể từ ngày 24/5 để phục vụ công tác điều tra, phân tích đối với các chức danh Cung trưởng Cung chắn Hoàng Mai Lê Nhân Bảo, 2 nhân viên gác chắn là Phạm Văn Vui và Nguyễn Văn Hùng. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tĩnh Gia đã có lệnh bắt tạm giam 2 nhân viên này để phục vụ công tác điều tra.
Vụ TNGT đường sắt tại Thanh Hóa khiến 12 người thương vong (ảnh: Bình Minh)
Cùng đó, tạm đình chỉ công tác kể từ ngày 29/5 để phục vụ công tác điều tra, phân tích đối với Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt số 5 Đào Khánh Thiện. Yêu cầu 2 người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa kiểm điểm trách nhiệm và báo cáo Tổng công ty xem xét, quyết định là các ông Chủ tịch HĐQT Lê Minh Tuấn và Giám đốc Hoàng Gia Khánh.
Với vụ 2 tàu hỏa tông trực diện tại ga Núi Thành, trên cơ sở tài liệu thu thập và các chứng cứ liên quan tại hiện trường, báo cáo giải trình bằng văn bản của các tập thể, cá nhân liên quan, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do các chức danh làm công tác chạy tàu không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp.
Cụ thể, trực ban chạy tàu ga Núi Thành (Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình) không phổ biến đầy đủ, rõ ràng kế hoạch tác nghiệp chạy tàu tại ga cho các chức danh liên quan. Trưởng dồn ga Núi Thành đã tự ý thực hiện thao tác cắt móc toa xe N giáp sau đầu máy 350 tàu 2469 trong khi ga đang thực hiện kế hoạch đón tàu ASY2 thông qua ga Núi Thành, không phổ biến kế hoạch dồn cho lái tàu đầu máy 350 biết.
Lái tàu đầu máy 350 tàu 2469 (Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng) điều khiển đầu máy dịch chuyển khi không có phụ lái tàu, không quan sát tín hiệu phía trước; Điều khiển đầu máy 350 để dồn trong khi không có trưởng dồn dẫn máy.
Căn cứ vào lỗi vi phạm và trách nhiệm nói trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đình chỉ công tác kể từ ngày 29/5 đối với Trưởng ga Núi Thành Dương Văn Minh; đình chỉ công tác kể từ 17h00 ngày 26/5 để phục vụ công tác điều tra, phân tích đối với các chức danh: Trực ban chạy tàu Phạm Minh Tâm, Trưởng dồn Nguyễn Văn Hải, gác ghi phía Nam Bùi Ngọc Lâm.
Vụ 2 tàu hỏa tông nhau trong ga Núi Thành là sự việc hi hữu
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các chức danh lãnh đạo, quản lý của chi nhánh kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo Tổng công ty xem xét, quyết định đối với: Giám đốc Chi nhánh Cao Minh Hỷ, Phó giám đốc phụ trách an toàn Nguyễn Thanh Sang, Trưởng phòng KHKD-KTAT Hà Văn Lưu, Phó trưởng phòng KHKD-KTAT Nguyễn Tấn Dũng, Giám sát an toàn khu vực Huỳnh Bá Hạt.
Đối với Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, đình chỉ công tác kể từ ngày 28/5 để phục vụ công tác điều tra, phân tích đối với các chức danh lái tàu Dương Trần Chí Hiếu và phụ lái tàu Nguyễn Văn Công.
Yêu cầu các chức danh lãnh đạo, quản lý của Chi nhánh kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo Tổng công ty xem xét, quyết định đối với Giám đốc Chi nhánh Trương Văn An, Phó giám đốc phụ trách an toàn Lê Xuân Linh, Trưởng phòng An toàn - Bảo vệ an ninh quốc phòng Trần Nhật Chung, Quản đốc Phân xưởng vận dụng Nguyễn Xuân Quang, Đội trưởng Đội lái tàu 3 Phan Tiến Sỹ.
C.N.Q
Theo Dantri
Đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại trong Tết Kỷ Hợi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm 2018, trong đó, phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Kỷ Hợi... Ngày 28-11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể đã chỉ...