Lắp đèn thắp sáng đường quê
Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng là mô hình đang được các xã trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang) thực hiện và nhân rộng.
Hệ thống chiếu sáng công cộng đã tạo nên diện mạo nông thôn văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, cải thiện đời sống dân sinh.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), 5 năm qua, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Phú An được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Từ nguồn ngân sách và nhân dân đóng góp, xã đã nâng cấp láng nhựa tuyến đường K26 dài 7,2km và bê-tông 700m tuyến kênh Phú Hiệp, rải đá các tuyến đường cộ nội đồng, mở thêm nhiều tuyến đấu nối với trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa nông sản.
Đặc biệt, địa phương đã lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng toàn tuyến Tỉnh lộ 954 và tuyến kênh Phú Hiệp, đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông đi lại và tình hình an ninh trật tự, từng bước tạo cảnh quan xanh – sáng – sạch – đẹp vùng nông thôn. Hoàn thành chương trình xây dựng NTM năm 2019, trong những thành công huy động sức dân, xã Bình Thạnh Đông đã được nhân dân ủng hộ đóng góp thực hiện mô hình đèn đường với tổng chiều dài 9,5km, kinh phí 187 triệu đồng, “phủ sáng” các tuyến đường trên địa bàn thêm hiện đại, văn minh.
Đoàn viên thực hiện công trình lắp đặt đèn chiếu sáng tại xã Hòa Lạc.
Ở các xã vùng sâu, khi hệ thống điện đã được đầu tư phủ khắp, chính quyền địa phương phát động người dân thực hiện đóng góp kinh phí làm cột cờ kết hợp lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa, vừa tạo vẻ mỹ quan, vừa góp phần đảm bảo cho các tuyến đường quê thêm an toàn. Hệ thống công trình đèn đường chiếu sáng lộ giao thông nông thôn ở xã Phú Thành có chiều dài 7km, kinh phí thực hiện 150 triệu đồng, là một trong những thành quả thiết thực từ sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân. Hiện nay, toàn xã đã có trên 300 trụ đèn được lắp đặt, hàng đêm thắp sáng đường trên các tuyến trọng điểm 3 ấp của xã.
Cũng như Phú Thành, xã vùng sâu Phú Long tiến hành xã hội hóa lắp đèn chiếu sáng 3/3 ấp trên địa bàn. Để công trình phát huy giá trị sử dụng lâu dài, người dân đều ý thức bảo vệ, đóng góp tiền trả chi phí điện hàng tháng. Trên các trục lộ chính về trung tâm xã, các đoàn thể và người dân còn trồng các loại hoa, cây xanh, góp phần tạo cảnh quan sáng đẹp hơn.
Video đang HOT
Tham gia vào phong trào này, thời gian qua, lực lượng đoàn viên cũng góp phần tích cực mang ánh sáng về các xã. Mỗi năm, gắn với Tháng Thanh niên, hè tình nguyện, Huyện đoàn chọn 1 xã tập trung thực hiện các công trình góp phần xây dựng NTM, như: làm đường, dọn vệ sinh, trồng cây xanh, lắp hệ thống đèn ở 1 tuyến đường trọng điểm.
Riêng năm nay đã hoàn thành 2 tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp” với hệ thống đèn chiếu sáng điện và đèn năng lượng mặt trời, làm công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” năm 2020, xã Long Hòa giao cho Đoàn Thanh niên chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.
Hệ thống đèn đường kết hợp tạo cảnh quan ở các xã nông thôn mới.
Với phần việc lắp 20 đèn chiếu sáng công cộng bằng điện năng lượng mặt trời, qua gần 1 tháng đưa vào sử dụng nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân, chiếu sáng dọc tuyến kênh K5 thuộc ấp Long Thành 2, giáp xã Phú Long, dài 1km.
Bí thư Xã đoàn Phú Long Cao Đình Hiệp cho biết, ấp Long Thạnh 2 còn những đoạn thiếu ánh sáng vào ban đêm, đặc biệt tình hình an ninh trật tự, giao thông đi lại khó khăn. Sau phần việc này, Đoàn thanh niên sẽ tiếp tục phối hợp Ban Nhân dân ấp vận động xã hội hóa lắp đặt những đoạn còn lại, góp phần để xã Long Hòa từng bước hoàn thành lộ trình xây dựng NTM.
Tham gia đóng góp kinh phí để lắp đèn, ông Nguyễn Hữu Nhàn phấn khởi chia sẻ: “Hàng ngày, từ 18 giờ 30 phút đến 5 giờ, nhờ có đèn sáng nên người dân đi lại rất thuận tiện, kể cả những ngày mưa. Do kinh phí đóng góp còn hạn chế nên đèn lắp hơi thưa. Thời gian tới, nếu có thêm kinh phí mong chính quyền địa phương lắp đặt thêm một số bóng đèn xen kẽ để ánh sáng đều hơn”. Ngoài công trình này, xã Long Hòa còn xã hội hóa gắn đèn hoa dọc Tỉnh lộ 954, tổng chiều dài 1,5km, với 22 bảng đèn hoa được trang trí hoa văn bằng bóng đèn led.
Ánh sáng ở các vùng quê cũng là điểm sáng của NTM, đã và đang giúp những con đường làng thêm rực rỡ vào ban đêm, tạo thêm diện mạo mới, hiện đại, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội cho địa phương.
Tấm lòng người dân với chủ trương xây dựng nông thôn mới
"Ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp công", là tinh thần phổ biến ở các địa phương khi huy động sức dân xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Tân (An Giang).
Bên cạnh những công trình mang giá trị cụ thể bằng số tiền lớn do nhà nước, nhà hảo tâm hỗ trợ thì trong thành quả chung của NTM không thể bỏ qua mồ hôi, công sức của những người trực tiếp đóng góp ngày công lao động.
Nhân dân tham gia đóng góp ngày công miễn phí thực hiện các công trình cầu, đường nông thôn
Từ xây cầu, làm đường, cất nhà, giặm vá mặt đường xuống cấp... người dân có thể đóng góp bằng nhiều hình thức, như: góp tiền, hiến đất, lao động trực tiếp tại các công trình, gián tiếp giúp đỡ các tổ từ thiện bằng việc lo cơm ăn, nước uống để giảm chi phí tối đa.
Không câu nệ nhiều hay ít, mức độ đến đâu, quan trọng là ai cũng thấy mình phải có một phần trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương và khi thụ hưởng thành quả chung, niềm vui, niềm tự hào được san sẻ như nhau.
Qua nhiều năm xây dựng NTM, ở xã Bình Thạnh Đông, trên bảng vàng tri ân người đóng góp, mọi công trình đường dân cư, cầu bê-tông đều thống kê rất chi tiết, kể cả số tiền 5.000 đồng của 1 cá nhân trong công trình trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Đón nhận tất cả tấm lòng và phát huy tối đa các tổ, đội từ thiện trên địa bàn, chính quyền và nhân dân xã Bình Thạnh Đông đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với tinh thần không trông chờ, ỷ lại.
Tại xã Phú Thành, chỉ riêng việc xây dựng cầu bê-tông, năm 2019 đã hoàn thiện được 3 cây cầu. Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành Lý Thị Lệ Hằng cho biết, ngoài nguồn kinh phí thì nhân công đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có đội ngũ này, mỗi cây cầu phải tốn thêm chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Trên địa bàn xã có Tổ từ thiện ấp Phú Quới do ông Nguyễn Văn Tre làm tổ trưởng và hơn 40 thành viên. Tổ hoạt động rất rộng rãi, tham gia xây dựng tất cả cây cầu trên địa bàn huyện, mỗi đợt huy động từ 150-200 lao động trong những ngày đổ trụ, đổ mâm, đổ đà.
Theo ông Tre, nhiều năm qua, sự đổi mới của làng quê đều ghi dấu của tất cả người dân, "kẻ công, người của", ai cũng có vai trò của mình. Do còn lo làm việc đồng áng, mọi người phân công nhau để giữ lực lượng xây cầu. Đàn ông đảm nhận lao động chính; phụ nữ hỗ trợ cơm nước hàng ngày, rau màu cũng do bà con đem tới nên không phát sinh thêm chi phí, cứ như vậy tự đến làm, tự lo ăn uống đến khi hoàn thành công trình.
Năm 2009, ông Nguyễn Văn Bay tập hợp một số người có lòng hảo tâm thành nhóm tự nguyện sửa chữa đường trên địa bàn xã Phú Hưng. Sau 4 năm, UBND xã thành lập nhóm của ông thành tổ sửa chữa cầu, đường với 24 người. Ông Bay cho biết, hầu hết thành viên là nông dân, đại đa số anh em có đời sống còn khó khăn.
"Mỗi người có 1 mớ ruộng đủ để sống qua ngày, khấm khá thì chưa nhưng không đến nỗi thiếu thốn, chủ yếu đi tham gia tiếp công. Anh em tranh thủ việc đồng áng để làm việc xã hội, có thể sáng theo tổ giặm vá đường rồi chiều ra đồng hoặc ngược lại. Cứ như vậy, dành tổng cộng khoảng 20 ngày/tháng đóng góp công lao động cho công việc từ thiện - xã hội. Vì vậy, thời gian qua chuyện sửa đường, sửa cầu khó khăn không đáng kể, còn thuận lợi thì rất nhiều, đi đến địa phương nào cũng được Đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa"- ông Bay chia sẻ.
Gần đây nhất, tổ của ông Bay đã hoàn thành việc bắc cầu qua bờ tây kênh Thần Nông - một trong những cầu bê-tông cuối cùng hoàn thiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Phú Hưng. Cầu trị giá 650 triệu đồng và trên 100 ngày công của thợ, kinh phí nguyên liệu phần lớn được xã hội hóa.
Thường ngày, tổ còn đi vòng khắp các xã để kiểm tra mặt cầu, đường, phát hiện hư hỏng chỗ nào lập tức huy động lực lượng đến sửa chữa. Các "ổ voi", "ổ gà" được khắc phục kịp thời, đảm bảo việc đi lại của bà con. Tổ chủ trương không thực hiện vận động kinh phí trong người dân, chỗ nào đến sửa, bà con thấy thì đóng góp tùy điều kiện và tấm lòng, nếu không đã có quỹ của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã tiếp trợ.
Bằng những việc làm thực tế, không đợi khấm khá mới có thể đóng góp cho quê hương, từng người dân ở xứ đạo đều phấn khởi đồng lòng với địa phương chung tay xây dựng NTM. Mỗi công trình dân sinh vì vậy càng thêm ý nghĩa.
MỸ HẠNH
Theo AGO
An Phú khơi dậy sức dân chăm lo xây dựng địa phương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) do Thủ tướng Chính phủ phát động đến nay đã 10 năm. Đây là một chủ trương lớn, có tầm chiến lược của Đảng và nhà nước. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây...