Lập 69 tài khoản để thao túng thị trường, một cựu chủ tịch bị phạt tù 18 tháng
Cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KSA và Công ty cổ phần (CPCT) Chứng khoán VSM vừa bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản, tự mua, tự bán tạo cung cầu giả, gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo hồ sơ vụ án, từ cuối năm 2015, Phạm Thị Hinh (Cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KSA và CTCP chứng khoán VSM) đã thực hiện tăng vốn điều lệ Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,05 triệu cổ phiếu mã KSA chào bán ra công chúng và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp, nên Phạm Thị Hinh đã tiến hành lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo cổ phiếu KSA, nhằm tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản.
Đồng thời, Phạm Thị Hinh tiếp tục chỉ đạo Trần Hồng Ngọc là nhân viên Công ty chứng khoán VSM lập ra 69 tài khoản rồi bàn bạc cùng Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng (Nhân viên Công ty chứng khoán Maritime – MSI) sử dụng 69 tài khoản đó liên tục thực hiện mua, bán chứng khoán KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả trên thị trường đối với mã cổ phiếu KSA để thu hút các nhà đầu tư.
Tính trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, hành vi của Phạm Thị Hinh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3 Công ty chứng khoán gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, CTCP Chứng khoán Phú Hưng, CTCP chứng khoán Dầu khí cho vay đối với các tài khoản do Phạm Thị Hinh, Trần Hồng Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn sử dụng giao dịch chéo cũng bị thiệt hại hơn 760 triệu đồng.
Ngày 26 và 27/5, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo Phạm Thị Hinh, Nguyễn Anh Tuấn (có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trần Hồng Ngọc (địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Trọng Hùng (địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội “ Thao túng thị trường chứng khoán”.
Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Hinh đã bị tuyên phạt 18 tháng tù; 3 bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng cùng bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngoài ra, bị cáo Phạm Thị Hinh còn bị buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
"Cháy" tài khoản trong phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh
Dấu hiệu "làm giá" chứng khoán phái sinh xuất hiện rõ nét trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa ngày 21/5 vừa qua, khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng (mã VN30F2005) đáo hạn với giá đóng cửa đột ngột tăng trần, bỏ xa chỉ số cơ sở, khiến một số nhà đầu tư lãi lớn, còn một số nhà đầu tư khác bị "cháy" tài khoản.
Video đang HOT
Trước khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) ngày 21/5, giá hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng dao động quanh mức tham chiếu 807,5 điểm, tiếp tục bám khá sát chỉ số cơ sở VN30.
Bởi lẽ, đây là phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng này, những ai không đóng vị thế mà duy trì cho đến cuối phiên thì theo quy định, cơ sở để thanh toán lãi - lỗ sẽ là mức giá đóng cửa của VN30. Diễn biến giá chứng khoán phái sinh trong phiên ATC cũng vậy, bám sát biến động giá của các mã cổ phiếu trong VN30.
Thực tế giao dịch trong những phiên hợp đồng tương lai đáo hạn cho thấy, các nhà đầu tư phái sinh theo dõi rất sát sao biến động giá trên thị trường cơ sở để có giải pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt là trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
Cụ thể, nếu giá phái sinh đóng cửa ở mức cao hơn VN30 thì mở vị thế bán trong phiên ATC sẽ lãi, mở vị thế mua sẽ lỗ; ngược lại, giá phái sinh đóng cửa ở mức thấp hơn VN30 thì mở vị thế mua trong phiên ATC sẽ lãi.
Với nhà đầu tư đã mở vị thế mua trước khi phiên ATC diễn ra, họ sẽ duy trì vị thế nếu dự đoán VN30 sẽ tăng, hoặc đóng vị thế trong phiên ATC khi thấy giá phái sinh dự kiến khớp ở mức cao hơn VN30.
Còn nhà đầu tư đã mở vị thế bán trước khi phiên ATC diễn ra, họ sẽ duy trì vị thế nếu dự đoán VN30 sẽ giảm, hoặc quyết định đóng vị thế trong phiên ATC bằng cách giao dịch đối ứng (tức đặt lệnh mua) khi thấy giá phái sinh dự kiến khớp ở mức thấp hơn VN30.
Các toan tính của cả bên mua và bên bán nhằm có cơ hội hưởng lợi và hạn chế thiệt hại vô hình trung giúp thị trường cân bằng, giá phái sinh trong phiên đáo hạn và chỉ số cơ sở chênh lệch nhau rất ít, phổ biến quanh mức 1 điểm.
Vậy nhưng, trong phút cuối cùng của phiên giao dịch ngày 21/5, lệnh mua tại giá khớp lệnh (ATC) cũng như lệnh mua giá trần bất ngờ đổ vào sàn phái sinh, khiến giá hợp đồng tương lai đáo hạn trong phiên này vọt tăng, đóng cửa tại mức trần, đạt 864 điểm, cao hơn 48,45 điểm so với mức giá đóng cửa của VN30 (815,55 điểm).
Trong khi đó, VN30 đóng cửa ở mức cao nhất phiên, nhưng cũng chỉ tăng hơn 12 điểm so với cuối phiên 20/5.
Theo đó, với các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên ATC, mức lỗ đến từ sự chênh lệch giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở là 4,845 triệu đồng/hợp đồng (1 điểm tương đương 100.000 đồng), còn bên mở vị thế bán trong phiên ATC có mức lãi tương ứng.
Thông thường, rất ít nhà đầu tư thực hiện mở mới vị thế trong phiên ATC, mà đa số lệnh được khớp trong phiên này là của các nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận hoặc cắt lỗ.
Vì thế, mức lãi hay lỗ 4,845 triệu đồng/hợp đồng đến từ việc giá phái sinh cao hơn 48,45 điểm so với chỉ số VN30 chủ yếu là của các nhà đầu tư mở vị thế mua/bán từ trước.
Mức lãi/lỗ trong phiên 21/5 của nhà đầu tư có thể lớn hơn, vì mức giá phái sinh khi đóng cửa cao hơn 56,5 điểm so với giá tham chiếu cũng như so với các mức giá giao dịch trước khi bước vào phiên ATC.
Theo thống kê, khối lượng giao dịch của mã phái sinh VN30F2005 đáo hạn ngày 21/5 tính riêng trong phiên ATC là hơn 3.600 hợp đồng.
Như vậy, giá trị chênh lệch so với VN30 là gần 17,5 tỷ đồng (3.603 hợp đồng x 4,845 triệu đồng). ối với các nhà đầu tư mở vị thế mua/bán trước khi đợt ATC diễn ra và duy trì vị thế cho đến hết phiên giao dịch thì mức lãi/lỗ được tính dựa trên chỉ số VN30 lúc đóng cửa (815,55 điểm).
Trong đó, so với cuối phiên 20/5, mức lãi/lỗ chỉ là 0,805 triệu đồng/hợp đồng (VN30 đóng cửa phiên 21/5 cao hơn 8,05 điểm so với giá tham chiếu của mã VN30F2005).
Trong phiên ATC ngày 21/5, trên thị trường cơ sở có một số cổ phiếu tăng giá mạnh, nhất là nhóm ngân hàng, trong đó mã EIB và HDB tăng trần, khiến thị trường phái sinh tăng theo.
Tuy nhiên, mức tăng của chỉ số VN30 không lớn, trong khi giá hợp đồng tương lai VN30F2005 tăng trần vào thời điểm cuối phiên, dù đây là phiên đáo hạn, mức lãi/lỗ được tính theo VN30, nên có các ý kiến cho rằng, hiện tượng "làm giá" chứng khoán phái sinh tái xuất hiện.
"Mua giá trần trong phiên chứng khoán phái sinh đáo hạn cầm chắc thua lỗ nên tôi cho rằng đây là hiện tượng làm giá, nhiều khả năng do một nhóm nhà đầu tư gây ra.
Nhóm này vừa đặt lệnh mua giá cao để kích giá phái sinh, vừa đặt lệnh bán nhằm hiện thực hóa lợi nhuận từ các vị thế mua tại thời điểm giá thấp, thậm chí rất thấp trước đó. Khoản lãi từ việc đóng vị thế mua cũ sẽ lớn hơn nhiều mức lỗ từ việc mở vị thế mua mới", một nhà đầu tư phái sinh nói.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng .
Trên thị trường phái sinh, luôn có người lãi và lỗ, nhưng hiện tượng tăng giá trần trong phiên ngày 21/5/2020 là bất thường, dù những ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai thường có biến động không nhỏ.
TTCK phái sinh đã có 3 năm hoạt động, giao dịch trên thị trường tăng nhiều so với thời gian đầu, nhưng những người tham gia chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư cá nhân, hoặc các nhóm nhà đầu tư tập hợp lại chơi chung, với sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ ít người tham gia).
Vì thế, dòng tiền trên thị trường này tăng, nhưng quy mô còn nhỏ, mà nhà đầu tư cá nhân nhiều thì sự biến động giá càng lớn.
Với cơ cấu thị trường như hiện tại, quy mô và sản phẩm chưa nhiều, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có sự biến động lớn tương tự trong thời gian tới trên thị trường phái sinh.
Với các nhà đầu tư không chịu được rủi ro cao, ít kinh nghiệm, phụ thuộc vào đội/nhóm đầu tư khác, thì tốt nhất không nên giao dịch trong những phiên hợp đồng đáo hạn.
Với những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, chịu rủi ro cao, hiểu được thị trường, hiểu được chênh lệch giá..., thì những ngày đáo hạn và gần đáo hạn là cơ hội kiếm được lợi nhuận tốt nhất.
Sàn phái sinh có nhiều cơ hội kiếm lời, nhưng rủi ro cao vì đòn bẩy lớn, biến động giá cao hơn. Trên thế giới, thị trường chứng khoán phái sinh là sân chơi đỉnh cao của giới đầu tư, mà ngay cả tiền kỹ thuật số hiện nay đã có không ít sàn quốc tế cho phép giao dịch phái sinh.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Một lực mua giá trần cực lớn đổ vào hợp đồng tương lai tháng 5 trong ngày đáo hạn 21/5 ngay trước khi khớp ATC khiến bên bán không kịp trở tay là hiện tượng hiếm gặp.
Cụ thể, lực cầu khoảng 1.000 hợp đồng của bên mua (Long) trong khoảng thời gian rất ngắn ngay trước khi thị trường đóng cửa khiến bên bán (Short) không phản ứng kịp và hợp đồng tháng 5 đóng cửa ở mức giá trần, chênh lệch so với chỉ số cơ sở VN30 lên tới hơn 48 điểm.
Tôi cho rằng, động thái trên chủ yếu đến từ hoạt động đầu cơ Long trong phiên ATC để tìm kiếm chênh lệch với VN30, mặc dù có sự kết hợp với việc mua vào nhằm đóng vị thế của bên Short. Hiện tượng giá bất thường này là hệ quả của hoạt động đầu cơ có chủ đích, không phản ánh đúng cung cầu thực của thị trường.
Trong những phiên đáo hạn hợp đồng tương lai, nhà đầu tư thường đối mặt với rủi ro biến động mạnh của chỉ số và không loại trừ rủi ro cao là "bị làm giá", đặc biệt trong phiên ATC.
Nhà đầu tư cần ý thức được các rủi ro trên để chủ động có các chiến lược phòng ngừa. Cá nhân tôi cho rằng, các vị thế hợp đồng tương lai tốt nhất nên được đóng trước phiên giao dịch ATC để tránh rơi vào trạng thái bị động.
Tại mức giá tham chiếu 807,5 điểm cho phiên 21/5 của mã VN30F2005, giá trị danh nghĩa của 1 hợp đồng là 80,75 triệu đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ gần 14 triệu đồng. Theo đó, với mức lãi/lỗ 4,845 triệu đồng/hợp đồng tính riêng cho phần chênh 48,45 điểm so với VN30, nhà đầu tư phái sinh có tỷ lệ lãi/lỗ khoảng 35%.
Khối lượng giao dịch của mã phái sinh VN30F2005 trong phiên ATC ngày 21/5 là hơn 3.600 hợp đồng, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên là hơn 90.300 hợp đồng, khối lượng hợp đồng mở cuối phiên trước đó là trên 17.500 hợp đồng.
Tiền gửi của người dân trong tài khoản thanh toán giảm mạnh Trong quý I/2020, tổng lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã giảm hơn 23.000 tỷ đồng so với quý IV/2019, bất chấp số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng lên.4 Số liệu của Ngân hàng Nhà nước về số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng quý I đang cho thấy sự giảm mạnh...