Lão nông làm du lịch trên đỉnh đèo huyền thoại, cả vạn khách mê
Giữa đỉnh đèo Pha Đin huyền thoại núi non hiểm trở, quanh năm mây mù sương phủ, lại có một lão nông “dám nghĩ, dám làm” lên núi làm du lịch sinh thái, mỗi năm hút cả vạn khách đến tham quan.
Đó là mô hình du lịch sinh thái của ông Bùi Văn Thiệp, sinh năm 1959, bản Kiến Xương (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Với tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh núi non hùng vĩ, ông Thiệp đã nảy ra ý tưởng làm du lịch sinh thái trên đỉnh đèo Pha Đin để phục vụ du khách gần xa.
Khu du lịch sinh thái trên đỉnh đèo Pha Đin của ông Bùi Văn Thiệp.
Trong tiết trời nắng ấm tháng 3, chúng tôi có dịp lên thăm khu du lịch sinh thái của ông Thiệp trên đỉnh đèo Pha Đin huyền thoại – một trong tứ đại đèo nổi tiếng cao nhất, đẹp nhất ở vùng Tây Bắc, nối hai tỉnh Sơn La – Điện Biên, với nhiều đèo dốc, quanh co, uốn lượn, núi non hùng vĩ… Mặc dù không phải ngày lễ hay ngày nghỉ nhưng trong khu vườn của ông Thiệp luôn nhộn nhịp khách ra vào.
Khu vườn nằm ven Quốc lộ 6 với nhiều đồi dốc, rộng hơn 2 ha được quy hoạch bài bản, trồng các loại hoa, cây cảnh với nhiều sắc màu đẹp rực rỡ. Mùi hương hoa phảng phất, thoang thoảng tạo cảm giác thoải mái, thư thái, dễ chịu cho du khách.
Khu du lịch sinh thái của ông Thiệp trồng rất nhiều loại hoa, cây cảnh đẹp.
Khu vườn của ông Thiệp không có chỗ đất nào để trống. Trên con đường bê tông nhỏ uốn lượn khắp khu vườn, du khách có thể đi bộ tham quan chiêm ngưỡng phong cảnh mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Để thuận lợi cho du khách dừng chân, ông Thiệp còn dựng một ngôi nhà ngay cửa vào sát Quốc lộ, đầy đủ bàn ghế, nước uống tiện nghi. Từ công việc chăm sóc khu vườn cây, đón khách, thu vé…, ông Thiệp đều tự tay mình làm. Với nét mặt luôn tươi cười, thân thiện, nói chuyện gần gũi, ông Thiệp luôn khiến các du khách đến đây cảm thấy thích thú.
Video đang HOT
Du khách tham quan tại khu du lịch của ông Thiệp.
Ông Thiệp chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phổng Lái. Năm 2004 tôi là người triển khai mô hình nuôi nhím đầu tiên của huyện Thuận Châu. Thời điểm đó, tôi nuôi hơn 200 con nhím, mới đầu nhím sốt giá cứ ngỡ sẽ kiếm được tiền tỷ. Nhưng ai ngờ, nhím ngày càng xuống giá trầm trọng, hỏi cũng không ai mua. Bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra đều đổ sông đổ bể. Thế là tôi quyết bỏ nuôi nhím chuyển sang trồng cây ăn quả, cà phê. Khi chuyển lên núi làm du lịch, vườn cây tôi giao cả lại cho người nhà trông coi để có thời gian điều hành và đón khách”.
Một vạt hoa đang đua nở rực rỡ trong khu du lịch sinh thái của ông Thiệp.
Kể về cơ duyên với nghề làm du lịch, ông Thiệp nói rằng: Trước đây, tôi từng được nói chuyện với một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, họ nói rằng muốn làm du lịch phải làm ở nơi hội tụ đủ các yếu tố như: Khí hậu mát mẻ; có di tích lịch sử; gần quốc lộ… Đèo Pha Đin là nơi hội tụ đủ các yếu tố đó nên tôi nghĩ làm du lịch sẽ rất thuận lợi.
“Gia đình tôi bắt đầu làm khu du lịch sinh thái này từ năm 2016. Mới đầu, tôi chỉ trồng hoa tam giác mạch, vì nhiều lần xem tivi thấy hoa tam giác mạch bên Hà Giàng rất đẹp, khách lên tham quan nhiều. Đặc biệt, trong một lần đi du lịch Sa Pa, tôi thấy ở đó khí hậu mát mẻ không khác gì khu vực đèo Pha Đin, họ làm du lịch sinh thái rất tốt, rất đông khách, trở về, tôi mày mò tìm hiểu về các loại hoa và lên tận Hà Giang lấy hạt giống hoa tam giác mạch về ươm trồng. Mới đầu, tôi nghĩ chỉ làm thử vì lo hoa không hợp khí hậu, không ngờ hoa lại phát triển rất tốt, sau đó tôi cải tạo dần khu vườn, vừa trồng hoa vừa trồng kết hợp các loại cây cảnh để khu vườn có nhiều màu xanh” – ông Thiệp kể.
Khu vườn được trồng đan xen nhiều loại hoa khác nhau.
Đến nay, khu vườn sinh thái của ông Thiệp trồng hàng chục loại hoa cây cảnh như: Hoa hồng, hoa anh đào, hoa nhài, oải hương… Mới đầu, khách thưa vắng, cả ngày chỉ có vài người đến, nhưng đến nay thì mỗi ngày ông Thiệp đón từ 150 đến 200 lượt khách, những ngày lễ, ngày nghỉ lên tới 5.000 – 6.000 lượt khách, với giá vé 10.000 đồng/người.
Từ khu du lịch của ông Thiệp, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, những bản dân tộc Thái, Mông trải dọc theo các sườn đồi… Hiện ông Thiệp đang tiếp tục đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái của mình để ngày càng đẹp hơn, biến nơi đây thành điểm trải nghiệm, chụp ảnh lý tưởng của du khách.
Theo Danviet
Trồng cỏ nuôi con uống nước lã, mỗi năm kiếm đôi trăm triệu đồng
Nhờ trồng cỏ voi, nuôi bò nhốt chuồng, mỗi năm "đều như vắt chanh" anh Lò Văn Quý, dân tộc Thái, bản Lè B (xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Bà con trong bản nói vui: Nhờ nuôi con ăn cỏ, uống nước lã mà anh Quý thu lãi trên trăm triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đất cằn thuộc bản Lè B, xã Tông Cọ, anh Quý chỉ học xong cấp 2 rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Anh Quý bảo: "Gia đình tôi là một trong những hộ đông con nhất bản. Nhà có đến 10 cái bụng ăn, bố mẹ làm ngày làm đêm cũng không đủ ăn. Mình cũng muốn học tiếp nhưng thấy ông bà tuổi cao sức yếu, mình đành từ bỏ con đường học tập ở nhà giúp bố mẹ làm nương ngô, nương sắn".
Từ mô hình nuôi bò nhốt chuồng, anh Quý có thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Sau khi lập gia đình, anh Quý ra ở riêng với 2 bàn tay trắng. Để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, anh làm rất nhiều nghề, từ nghề xe ôm, phụ hồ, buôn trâu bò, làm thuê, làm mướn... Cũng chính từ một trong những nghề này đã đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình anh đến tận bây giờ.
Ông Lò Văn Ngoạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tông Cọ trao đổi với anh Qúy về cách chăm sóc đàn bò.
Anh Qúy kể: "Năm 2014, mình cùng mấy anh em lên Co Mạ, Long Hẹ mua bò về bán. Thấy nghề này tuy vất vả một chút nhưng thu nhập khá ổn nên mình quyết định mua bò giống về nuôi".
Tháng 5.2015, với số vốn tích góp được từ trước cộng với số tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè, anh Quý mua 8 con bò cái về nuôi. Để có thức ăn cho đàn bò, ngoài tận dụng thức ăn từ cỏ tự nhiên anh Quý trồng thêm 5.000m2 cỏ voi.
Để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò, anh Quý trồng 5.000m2 cỏ voi.
Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi năm đàn bò đẻ một lứa. Hết năm 2016, đàn bò của anh Quý đã tăng lên 16 con. Đối với con đực, ngoài cho ăn cỏ, anh Quý bổ sung thêm cám ngô để vỗ béo. Đối với con cái, anh quý không bán mà giữ lại để làm giống.
"Hiện tại, đàn bò của mình là 20 con. Mình bán cả bò thịt và bò giống. Với bò giống, chỉ cần nuôi một năm là có thể xuất bán với giá từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/con. Với bò thịt phải nuôi từ 2,5 năm đến 3 năm, bán mới được giá cao. Giá mỗi con từ 25 triệu đến 30 triệu" - ông Quý cho biết.
Để nâng cao thu nhập, anh Quý trồng thêm 130 gốc chanh leo. Mỗi năm, từ bán chanh leo, anh Quý bỏ túi 30 triệu đồng.
Theo anh Quý để đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt nên làm chuồng trại ở những nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Phải vệ sinh chuồng bò, máng ăn thường xuyên và đảm bảo luôn sạch sẽ. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi đàn bò, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường cần phải báo ngay cho cán bộ thú y và khuyến nông đến kiểm tra và kịp thời có biện pháp xử lý.
"Trung bình, mỗi năm mình xuất bán hơn chục con bò thịt và bò giống. Từ bán bò, mỗi năm tôi thu được 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê người cắt cỏ và thuốc thang lãi khoảng 140 triệu đồng" - anh Quý cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lò Văn Ngoạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tông Cọ, cho biết: Anh Quý là hội viên nông dân điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Từ những nỗ lực trong sản xuất, anh đã được Hội Nông dân tỉnh Sơn La ghi nhận và tặng giấy khen. Bước đầu, mô hình trồng cỏ voi, nuôi bò nhốt chuồng đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo Danviet
Dịch tả lợn Châu Phi: 2 ngày leo đồi rừng mới bắt được 108 con lợn Ngày 14.3, chúng tôi có mặt tại bản Huổi Ái (xã Huổi Ái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) địa phương vừa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Theo chân đoàn cán bộ của xã, huyện vây bắt đàn lợn thả rông của bà con dân bản trên các sườn đồi, rừng cây, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất...