Lão nông khốn khổ vì tin đồn sở hữu 1.000 tấn vàng
Khi cơn sốt đi tìm kho báu vàng lá ở thị trấn Óc Eo ( huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vừa mới lắng xuống thì tại xã Cô Tô (huyện Tri Tôn) lại rộ lên thông tin có kho báu khổng lồ cả ngàn tấn vàng. Nhiều đầu nậu có tiếng trong giới săn kho báu, đồ cổ nghe tin đã lén lút mời “nhà ngoại cảm” về tìm kiếm. Thậm chí đã có người từ TP. HCM lặn lội xuống vùng này, bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để mua một mảnh đất vì tin rằng dưới tầng sâu ẩn chứa kho báu.
Trộm đất đêm giao thừa
Sau khi mời nhà ngoại cảm về tìm kiếm, các đầu nậu tìm vàng đã xác định kho báu nằm tập trung trong khu vườn trồng dưa của một người dân tộc Chăm tại ấp Tô An (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang). Họ liên tục tìm tới xem xét và lập kế hoạch khai thác. Khi những người này đặt vấn đề mua lại khu vườn để tiện khai thác thì chủ đất đã kiên quyết từ chối. Sau khi thuyết phục gia chủ không thành, các đối tượng đã đột nhập khu vườn trộm đất tìm vàng.
Trong đêm Giao thừa năm 2013, khi mọi người đang vui vầy đón năm mới thì các đối tượng tìm vàng đã âm thầm đột nhập vườn dưa đào bới. Chỉ tới khi khổ chủ ra thăm vườn thì mới biết, mảnh đất trồng dưa của mình đã bị xới tung. Ông Chau Thi (54 tuổi, chủ khu vườn dưa) nhớ lại: “Mồng Một Tết, khi đi ra vườn, tôi giật mình khi phát hiện khu đất cả ngàn mét vuông chỗ nào cũng có dấu vết đào bới. Chẳng biết họ tìm được gì không nhưng gần 2000 gốc dưa của tôi chết sạch. Tôi đã trình báo vụ việc và viết đơn ủy quyền cho xã quản lý khu đất để tránh bị tiếp tục phá hoại”.
Bẵng đi một thời gian, tại ấp Tô An lại xuất hiện một đoàn khách lạ khoảng 20 người, đi ô tô đến cúng kiếng, có nhiều biểu hiện khả nghi liên quan đến vụ đào bới đất nhà ông Chau Thi. Ngay lập tức, công an xã đến mời nhóm người này về làm việc. Tại đây, bà Phan Lê Yến (SN 1950, ngụ phường 8, Q.3, TP HCM) tường trình: “Chúng tôi đến xã Cô Tô du lịch và tìm hài cốt của người họ hàng, đã từng tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam những năm 1940. Chúng tôi thắp hương, bày đồ cúng theo tâm linh, hy vọng sẽ sớm tìm thấy hài cốt. Chúng tôi chưa hề đào bới gì. Tôi thừa nhận chúng tôi không có giấy phép tìm kiếm hài cốt, cũng chưa trình báo với chính quyền địa phương là vi phạm”.
Khu vườn được đồn đoán có kho báu 1.000 tấn vàng. Ảnh TG
Theo công an xã Cô Tô, trong quá trình điều tra, bà Yến không khai báo gì thêm nên chính quyền yêu cầu các đối tượng ra khỏi địa phương. Tuy vậy, theo tường trình của ông Chau Thi thì bà Yến thương lượng với ông để khai quật tìm vàng chứ không phải tìm hài cốt. Đoàn của bà Yến không trực tiếp đào bới mà giao cho một mình ông tiến hành. “Khoảng tháng 5/2013, một người đàn ông tên Việt từ Hà Nội tìm tới và nói cho tôi biết rằng, trên phần diện tích đất 1.000m2 của gia đình tôi có khoảng… 1.000 tấn vàng, một hũ kim cương. Bởi hàng ngàn năm trước, nơi này là đền Vua Hùng Vương. Họ yêu cầu tôi đào xuống chiều sâu mặt đất 3,8m để tìm kho báu và hứa nếu tôi đào thấy sẽ chia đôi (vì họ có công phát hiện). Nhưng sau đó, người này bặt vô âm tín, cho tới giờ thì xảy ra chuyện này”, ông Thi nói.
Khi sự việc lắng đi chưa được bao lâu thì đầu nậu tên Mai Văn Bé (74 tuổi, ấp Tô Phước, xã Cô Tô) liên hệ trực tiếp với xã và thương lượng nếu chính quyền địa phương đồng ý cho tìm vàng thì đoàn tìm vàng sẽ trích 50% số vàng tìm được nộp vào ngân sách Nhà nước. Theo nhận định của người này, ngoài Óc Eo thì Cô Tô là nơi còn chứa nhiều vàng lá nhất. Màn thương lượng của ông Bé đã bị xã Cô Tô từ chối thẳng thừng, vì nếu dưới lòng đất Cô Tô còn hàng trăm tấn vàng lá thật thì đó cũng là tài sản quốc gia. Ông Chau Thi cho biết: “Sau khi thuyết phục xã không thành, ngày nào ông Bé cũng tìm tới thúc giục gia đình tôi cho khai thác và hứa sẽ chia phần. Không những thế, ông ấy còn thỏa thuận với tôi rằng, nếu không khai thác thì bán cho ông ấy một lớp đất thôi, giá bao nhiêu tùy tôi lựa chọn. Nhưng tôi nhất quyết không nghe vì mảnh đất ấy, tôi đã ủy quyền cho xã”.
Video đang HOT
Lão nông trần tình nỗi khổ “sở hữu kho báu khổng lồ”
Khi tìm hiểu thông tin liên quan tới lời đồn “kho báu 1.000 tấn vàng”, chúng tôi được biết, khoảng những năm 90, từng có rất nhiều người ở nơi khác về đây đào bới tìm vàng và cổ vật. Sau khi bị lực lượng chức năng ngăn cấm, các đối tượng này không xuất hiện nữa. Chuyện kho báu từ lâu đã được truyền tai nhau, chỉ có điều không ai dám đi tìm vì sợ kinh động tới người đã khuất.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Phó Trưởng Công an xã Cô Tô) kể lại: “Không biết vì sao, người ta đồn nơi nào có mảnh sành sứ (bát, chén, vật dụng gia đình khác…) của người xưa thì nơi ấy ắt hẳn sẽ có tài sản quý giá. Ở xã Cô Tô xuất hiện rất nhiều các vật dụng ấy, có cái nguyên, có cái đã sứt mẻ, có lẽ vì thế mà họ đổ xô về đây. Người bòn vàng đa phần là dân tứ xứ, từ Châu Phú, Châu Đốc, Châu Thành, Thoại Sơn… đến, chứ người dân địa phương không mấy mặn mà”.
Có 3 điểm thuộc ấp Tô Lợi, Sóc Triết, Tô An là bị tập trung đào bới nhiều nhất, trong phạm vi khoảng 6km2. Họ đồn tìm thấy những đoạn dây chuyền vàng 7 non bị đứt thành nhiều đoạn, bàn cờ và các quân cờ được viền hoa văn bằng vàng, nải chuối cau cũng viền vàng óng ánh nhưng bị mất 2 trái… Cơn sốt vàng ở địa phương chỉ thật sự lắng dịu khi lực lượng công an vào cuộc mạnh tay. “Không biết có ai phất lên nhờ tìm được vàng hay không, vì khai thác xong là họ về. Đa phần trong số họ bị lỗ tiền công, chi phí, thời gian, công sức. Họ xới tung đất đai làm ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng trọt của người dân địa phương.
Khi công an xã, huyện đóng chốt cấm bòn vàng, họ vẫn không chấp hành. Họ ngoan cố đào, hễ công an đến lại bỏ chạy tứ phía. Hoặc họ lén xúc đất ban đêm để đem về chỗ ở mà bòn. Có khi họ đặt vấn đề mua hẳn vài công đất của dân với giá cao nhưng chủ đất không đồng ý”, ông Liêm nói. Hiện nay, người dân địa phương ít biết thông tin về chuyện kho báu và không còn mấy ai quan tâm nữa. Người quản lý chùa Chi-tà-mun (nơi cũng chịu tin đồn có kho báu) cho biết: “Chuyện kho báu trên chúng tôi không hề nghe thấy, dù đã sống lâu đời ở đây. Phải khẳng định là khu vực này có kiến trúc lâu đời. Khi chùa Chi-tà-mun sửa chữa nhỏ, thiếu vật liệu xây dựng, chúng tôi sử dụng gạch thẻ nung màu đỏ, chiều dài khoảng 2 tấc đào được để xây dựng. Có khả năng, nơi đây từng là một đền đài, hoặc chùa chiền nhưng đã bị vùi lấp. Người dân địa phương vẫn truyền miệng gọi khu đất chánh điện cũ”.
Còn ông Chau Thi cho biết, ông nội của ông vốn là người Hoa, lưu lạc về vùng đất này và định cư luôn. Sau đó, các con cháu đều theo dân tộc Chăm. Theo những gì ông được nghe kể lại, khu đất của gia đình vốn là nền móng của hoàng thành vương triều Phù Nam khi xưa. Còn chuyện có kho báu hay không thì ông chưa nghe ai kể, chỉ khi có những người lạ tìm tới thì ông mới hay tin là có kho báu…. “Có một điều lạ là trong khu đất, nhiều chỗ dùng cuốc hay thuổng thì chỉ có thể đào xuống khoảng 1 mét. Bởi khi đào tới đó, tôi thấy có một nền cứng như đá không thể tiếp tục đào lên nữa”, ông Chau Thi tiết lộ.
Theo Hồng Châu – Lê Hằng (Gia đình & Xã hội)
Lão nông thất thu hàng trăm triệu đồng vì cho đàn vạc "ở nhờ"
Đã 7 năm trôi qua, khu vườn nhãn của ông Lê Văn Chìa (SN 1946, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) có hàng ngàn con vạc về trú ngụ. Do bảo vệ đàn vạc, gia đình ông thất thu hàng trăm triệu đồng vì chẳng thu hoạch được nhãn.
Vạc trú ngụ trong vườn nhãn ông Chìa
Cơ duyên ông Chìa "kết thân" với đàn vạc là năm 2007. Khi đó khu vườn nhãn rộng hơn 1ha của ông có mấy chục con vạc kéo đến ở vào ban ngày, ban đêm lại bay đi kiếm ăn. Lúc đó ông không đành xua đuổi vạc vì nghĩ "đất lành chim đậu".
Có lẽ thấy vườn nhãn yên tĩnh, không ai quấy phá nên số lượng đàn vạc kéo đến vườn ông ngày càng tăng, từ vài chục con ban đầu lên đến vài trăm con rồi cả ngàn con. Khi số lượng vạc quá nhiều, ông Chìa bắt đầu lo vườn nhãn của mình bị hư hại, không thể thu hoạch.
Hàng ngàn con vạc đêm bay đi kiếm ăn rồi lại quay về vườn nhãn vào buổi sáng
Ông Chìa kể: "Khi đó đàn vạc ngày nào cũng về đậu ở vườn nhãn nên khi nhãn ra bông rồi kết trái bị vạc làm hư hết. Mặt khác khu vực vạc đậu tôi cũng không dám xịt thuốc, chăm sóc nhãn vì sợ vạc bỏ đi".
Vậy là ông bỏ luôn 6.000 m2 vườn nhãn phía trong để cho vạc trú ngụ, còn lại khoảng 8.000 m2 phía ngoài được ông chăm sóc để thu hoạch. Tuy nhiên, tới kỳ thu hoạch, nhà ông cùng phải làm theo hình thức cuốn chiếu hết liếp này đến liếp khác vì sợ kinh động tới vạc.
Khi số lượng đàn vạc nhiều lên cũng là lúc ông bỏ hết công ăn việc làm để lo bảo vệ vườn; vì kẻ trộm luôn rình rập vào vườn để săn bắn vạc. Thấy ông canh giữ gắt gao, kẻ trộm chuyển sang câu, bẫy vạc vào ban đêm. Vậy là ông lại thức cả đêm để canh giữ đàn vạc.
Vạc đậu khắp vườn nhãn của ông Chìa
Số lượng đàn vạc ngày càng tăng, ông gửi đơn khắp nơi để cầu cứu các cơ quan chức năng giúp đỡ, cùng ông bảo vệ loài chim này. Năm 2011, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long đến khảo sát nhưng chẳng thể giúp được gì cho ông vì cho rằng khu vườn nhỏ khó bảo vệ, lượng thức ăn xung quanh không phong phú nên trước sau gì đàn vạc cũng bỏ đi nơi khác kiếm ăn.
Không ai đồng cảm giúp đỡ, ông Chìa phải một mình bảo vệ đàn vạc. Xung quanh vườn không có hàng rào, ông phải tuần tra liên tục phòng có kẻ gian đột nhập vào vườn. Tới mùa nước nổi, ông đặt dớn rồi đem vào mương vườn thả tôm, cá cho vạc có nguồn thức ăn. Vậy mà lâu lâu cũng có kẻ gian đột nhập dùng cần câu móc mồi để nhử cho vạc ăn.
Xác một con vạc chết khô trong vườn sau khi bị kẻ trộm câu lén
Ông Chìa mói: "Hễ hở ra một chút là có người vào vườn bẫy vạc. Trong nhà tui có rất nhiều bẫy, cần câu thu gom được từ bọn trộm. Vậy mà lâu lâu lại có con vạc dính lưỡi câu chết ngoài vườn". Ông cầm một xác vạc bị dính lưỡi câu, đã chết khô, giọng buồn thiu: "Tụi nó bẫy thế này thì đàn vạc thế nào cũng sợ hãi bỏ đi hết mà đến nơi khác mất thôi".
Chuyện đàn vạc về vườn nhãn của gia đình trú ngụ gây thất thu lớn về kinh tế khiến vợ ông cằn nhằn, nhưng ông kiên quyết bảo vệ đàn vạc đến cùng. Ông nói mình sẽ cố gắng bảo vệ đàn vạc hết khả năng; nhưng giờ ông đã gần 70 tuổi, ông chỉ lo mai mốt ông già yếu rồi chết đi, có ai còn hứng thú bảo vệ đàn chim này?
Nguyện vọng của ông bây giờ là có tiền làm một hàng rào dây chì gai xung quanh vườn để ngăn không cho kẻ trộm vào bắt vạc; thay thế vườn nhãn thành vườn dừa để cho đàn vạc trú ngụ, bản thân ông cũng có thu nhập từ vườn.
"Bây giờ không có vốn, không được tổ chức nào giúp đỡ nhưng tôi tự bỏ tiền ra cải tạo vườn, bảo vệ đàn vạc tới lúc nào hay lúc đó. Mỗi ngày ra vườn nghe đàn vạc kêu, chiều tối chúng lũ lượt bay đi kiếm ăn, sáng sớm lại quay về là tôi vui rồi" - ông Chìa chia sẻ.
Minh Giang
Theo Dantri
Lão nông từ chối 4 tỷ đồng, quyết giữ đồi cò Gần 30 năm qua, lão nông Phạm Văn Của đã chăm sóc, bảo vệ đồi cò của của gia đình, có người đã trả ông 4 tỷ đồng nhưng ông thẳng thắn từ chối, dù rằng ông vẫn là một nông dân nghèo... Nhiều người đi trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ngang qua khu vực thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ,...