Lào hối thúc nhóm có nguy cơ cao tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 10/10, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 508 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 507 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 28.540 trường hợp; trong đó có 26 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Viêng Chăn khi địa phương này ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày, với 400 trường hợp. Bộ Y tế Lào đang lo ngại các bệnh viện tại nước này sẽ quá tải khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, thậm chí nghiêm trọng hơn là số ca tử vong sẽ tăng do không được điều trị kịp thời. Đáng chú ý, những ca nhiễm và tử vong gần đây do COVID-19 tại Lào hầu hết chưa được tiêm phòng và đều là người cao tuổi, có bệnh nền.
Chính vì vậy, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào kêu gọi người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế để được cung cấp vaccine ngừa COVID-19. Bộ này khẳng định tiêm chủng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm và giảm các triệu chứng nặng của bệnh. Đồng thời, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn yêu cầu ngành y tế nhanh chóng đưa người mắc COVID-19 đi điều trị và người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly kịp thời; tiến hành vệ sinh khử khuẩn địa điểm làm việc và nơi ở của người nhiễm bệnh; tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động cho cá nhân chưa được tiêm chủng.
* Cũng trong ngày 10/10, Bộ Y tế Malaysia cập nhật dữ liệu cho thấy có 89,7% dân số trưởng thành của quốc gia này đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19, tương đương với khoảng 66% dân số.
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn phát biểu của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tại cuộc họp báo chiều 10/10 tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).
Phát biểu trước báo giới, ông Ismail cho biết đây là một quyết định khó khăn trước áp lực của người dân và giới chuyên gia y tế. Tuy nhiên, chính phủ tin tưởng người dân Malaysia sẽ tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Ông Ismail cho biết dù các chốt cảnh sát trên đường cao tốc đã được dỡ bỏ nhưng cảnh sát có thể kiểm tra chứng nhận điện tử hoàn thành tiêm chủng của người dân tham gia giao thông trên đường cao tốc bất cứ lúc nào.
Hiện 70,4% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19. Giới chức Malaysia kỳ vọng với độ phủ vaccine tương đối rộng, quốc gia này có thể tự tin từng bước nới lỏng những hạn chế trước đây và chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 như căn bệnh đặc hữu.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Trung tâm y tế Mawar, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết việc dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang là quyết định đúng đắn và đúng thời điểm vì bất kỳ sự trì hoãn nào có thể dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề liên quan, đặc biệt là vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Lệnh cấm dịch chuyển liên bang đã được dỡ bỏ một thời gian ngắn vào năm ngoái, nhưng được áp đặt trở lại vào tháng 1/2021 sau khi số ca mắc COVID-19 hằng ngày tăng đột biến. Lệnh cấm được thực hiện chặt chẽ từ sau tháng 5, nhất là sau khi Malaysia đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do nhiều người bất chấp lệnh cấm về quê vào dịp tết của người Hồi giáo.
COVID-19 tới 6h sáng 10/10: Thế giới vượt 238 triệu ca mắc; Ca tử vong mới ở Nga cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 323.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 238 triệu ca, trong đó trên 4,86 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 41.000 ca), Anh (34.950 ca) và Nga (29.362 ca).
Video đang HOT
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (968 ca), Mỹ (578 ca) và Mexico (489 ca).
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Với các con số trên, có thể thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Nga khi số ca mắc và tử vong mới ở nước này đều thuộc hàng cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Đặc biệt, số ca tử vong còn ở mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Cho đến nay, Nga có tổng cộng 7.746.718 ca nhiễm, trong đó có 215.453 người không qua khỏi.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trong tuần qua cho biết chính quyền Nga đang rất lo ngại trước tỷ lệ tử vong cao vì COVID-19 ở nước này và nguyên nhân chính là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. Ông Peskov cũng cho hay Điện Kremlin đã tăng cường các biện pháp nâng cao hiểu biết cho người dân về sự cần thiết của tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường hệ thống y tế
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/10 cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế của nước này thông qua việc chỉ định thêm nhiều bệnh viện công tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Phát biểu với báo giới sau khi lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 kể từ khi nhậm chức ngày 4/10, Thủ tướng Kishida nêu rõ Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất". Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới cuộc sống của người lao động, trong đó có các nhân viên y tế. Theo Thủ tướng Kishida, cần tạo ra môi trường để người lao động cảm thấy yên tâm và chính phủ cần cải thiện thu nhập của người lao động.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo của nước này đã giảm xuống còn 82 ca - mức thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020. Hiện số ca nhiễm mới tại Nhật Bản cũng có xu hướng giảm, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn quan ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.
Trong đợt bùng phát thứ 5 dịch COVID-19 vào mùa Hè, các bệnh viện tại nước này đã rơi vào tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân bị trả về điều trị tại nhà. Trong chiến dịch tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 29/9, ông Kishida cam kết sẽ đưa số bệnh nhân mắc COVID-19 không được điều trị y tế xuống còn 0.
Gần 60% dân số Hàn Quốc đã được tiêm đủ hai mũi vaccine
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/10/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Số người được tiêm chủng đầy đủ ở Hàn Quốc đã vượt mốc 30 triệu người khi quốc gia này tăng tốc độ tiêm chủng và từng bước thúc đẩy chương trình "sống chung với COVID-19".
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết khoảng 30,3 triệu người, tương đương 59,1% tổng dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng từ tháng 2 vừa qua. Theo KDCA, riêng trong ngày 8/10 đã có gần 1,1 triệu người được tiêm mũi thứ hai và đây là con số cao kỷ lục tính theo ngày.
Số liệu công bố ngày 9/10 cũng cho thấy tỷ lệ người Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ là 68,7%. Trong khi đó, số người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên lên tới 39,9 triệu người, chiếm 77,7% tổng dân số.
Hàn Quốc hiện có kế hoạch hoàn thành việc tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng này và dần dần triển khai chương trình "sống chung với COVID-19" vào đầu tháng 11 tới.
Mỹ chấp nhận "hộ chiếu vaccine" được FDA và WHO phê duyệt
Một người Israel giới thiệu thẻ quốc tế và giấy Chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm y tế Sheba ở Ramat Gan, gần Tel Aviv, ngày 14/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo nước này sẽ mở cửa với các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.
Trong một thông báo, người phát ngôn của CDC Mỹ cho biết những người sử dụng một trong "6 loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép/phê duyệt hoặc được WHO liệt kê để sử dụng khẩn cấp sẽ đáp ứng các tiêu chí để đến Mỹ ".
Phản ứng trước thông báo mới nhất, Airlines for America - hiệp hội thương mại gồm các hãng hàng không American Airlines Co, Delta Air Lines, United Airlines và nhiều hãng khác - bày tỏ "hài lòng" và mong chờ thực hiện quy định mới về vaccine và xét nghiệm toàn cầu từ đầu tháng 11/2021.
Trước đó, ngày 20/9, Nhà Trắng đã thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, thông báo khi đó không nói rõ loại vaccine nào sẽ được chấp nhận. Trong số các nước này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran và phần lớn các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Thời gian tới, CDC Mỹ sẽ phải quyết định và công bố các quy định mới về truy vết tiếp xúc đối với du khách quốc tế. Văn bản về việc này đã được gửi tới Nhà Trắng ngày 15/9 để đánh giá. Cơ quan trên cũng sẽ phải đưa ra các quy định chi tiết về các trường hợp ngoại lệ, trong đó có trẻ em chưa đến tuổi được tiêm vaccine hoặc du khách từ các nước chưa có đủ vaccine để tiêm cho người dân. Chính quyền cũng sẽ phải quyết định có cho phép nhập cảnh hay không với những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19, những người mới mắc bệnh nhưng đã khỏi bệnh cũng như những người không đủ điều kiện y tế để được tiêm phòng.
Thủ tướng Singapore cho rằng cần 3-6 tháng để "bình thường mới"
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trấn an người dân nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với sự biến chuyển của tình hình.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược "Zero-Covid" mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, sống chung với COVID-19 không phải là hành trình dễ dàng và suôn sẻ. Số ca nhiễm mới đã gia tăng mạnh trong những ngày qua (trên 3.000 ca/ngày). Ông Lý Hiển Long cho rằng Singapore phải mất từ 3 tới 6 tháng mới có thể có được "bình thường mới". Singapore cần tiếp tục kiên định chiến lược sống chung với COVID-19 và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp.
Trước hết, người dân Singapore cần phải "cập nhật" tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Nhóm rủi ro cao nhất là những người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên nếu chưa tiêm chủng, và với những người trên 80 tuổi kể cả đã tiêm chủng. Vì thế, người cao tuổi nên sớm đi tiêm vaccine hoặc tiêm mũi bổ sung khi được thông báo.
Trẻ em dưới 12 tuổi cũng là nhóm rủi ro, nhưng không đáng quan ngại bởi thực tế vừa qua cho thấy nhóm này hầu như không bị triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Singapore đang theo dõi sát tiến triển về thử nghiệm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ và dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vào đầu năm 2022.
Thứ hai, Singapore xác định "hồi phục tại nhà" sẽ là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vaccine nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Số liệu theo dõi cho thấy trên 98% số ca nhiễm mới đã tiêm đủ 2 mũi vaccine không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những người không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc chuyển nặng sẽ được đưa tới các cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.
Thứ ba, Singapore sẽ đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân nắm được họ cần phải làm gì họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, hay tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, và các thành viên gia đình phải làm gì.
Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore xác định cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ gia tăng trong những tuần tới, tháng tới, có thể lên tới 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Singapore hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây, và sẽ tiếp tục kiên định con đường hướng tới "bình thường mới" sau đại dịch.
Campuchia hy vọng mở cửa nền kinh tế trở lại
Tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia ghi nhận 9 ngày liên tục đầu tháng 10/2021 có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, chỉ quanh ngưỡng 200 ca/ngày và điều này thắp lên hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong thông báo ngày 9/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 23 người tử vong và 220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 203 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 9/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.571 ca mắc COVID-19, trong đó có 107.376 người đã khỏi bệnh và 2.482 người tử vong.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun cho hay trong vòng 10-15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, đó là lúc mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường mới có nghĩa là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền thủ đô Phnom Penh ngày 9/10 đã ra thông báo chi tiết về chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân bắt đầu từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người dân sẽ được tiêm mũi tăng cường miễn phí bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và phải sau mũi thứ hai ít nhất 4 tháng.
Lào tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 9/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 425 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 28.032 ca, trong đó có 26 người tử vong.
Trong số các ca mắc mới có tới 419 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca cộng đồng khi ghi nhận 273 trường hợp trong một ngày. Hiện trên địa bàn thủ đô có 172 bản tại 7 quận được quy định là vùng đỏ. Đáng chú ý, các ca nhiễm mới tại thủ đô thuộc nhiều nhóm đối tượng gồm: phạm nhân trong trại giam, công nhân nhà máy may, thương nhân, cán bộ công an, quân đội, học sinh và sinh viên.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị, đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan cấp trung ương và địa phương trong việc vận động chuyên gia xét nghiệm, y, bác sĩ và cán bộ chức năng hỗ trợ ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh tại địa phương theo điều kiện thực tế.
COVID-19 tới 6h sáng 8/10: Mỹ đứng đầu về ca mắc mới; Hai nước dừng tiêm vaccine Moderna cho thanh niên Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 420.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 237,4 triệu ca, trong đó trên 4,84 triệu ca tử vong. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN...