Lao động VN bị đánh ở Algeria: Thân nhân và lao động kêu cứu xin về nước
Sáng 15/10 tại Hà Nội, gần 50 thân nhân của lao động VN làm việc tại Algeria đồng loạt gửi đơn và tới gặp Công ty Simco Sông Đà, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu khẩn cấp đưa người nhà về nước vì bị bỏ đói, đe dọa sức khỏe và tinh thần.
Thân nhân lao động làm việc với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ảnh chụp sáng 15/10.
Trước đó, từ tháng 6-7/2015, 55 lao động VN được Công ty cổ phần Simco Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria).
Chỉ sau 1 thời gian làm việc, xô xát diễn ra giữa nhóm công nhân với phía chủ sử dụng lao động – Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô hôm 16/9. Hậu quả khiến 2 lao động VN bị thương, đó là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.
Từ đó tới nay, người lao động làm việc thấp thỏm, không yên tâm làm việc vì sợ bị hành hung. Trong khi đó, nhiều ngày lao động bị chủ không bố trí bữa ăn. Chủ sử dụng đã tách 55 lao động thành 2 nhóm (15 người và 38 người) ở các nơi khác nhau. Hai lao động bị hành hung được bố trí tại trụ sở của chủ sử dụng lao động.
Sáng 15/10, trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Hà (quê Ba Vì, Hà Nội), có chồng là Nguyễn Hữu Tới thuộc nhóm lao động trên, lo lắng: “Chồng tôi gọi về bảo tinh thần rất lo lắng vì sợ bị hành hung. Chủ sử dụng lao động dọa đánh nếu không đi làm. Bữa ăn thì lúc có lúc không…”
Chị Nguyễn Thị Hà đề nghị Công ty và Cục quản lý lao động ngoài nước khẩn cấp đưa chồng về nước. “Tôi nhắn chồng cứ tạm thời đi làm để bảo toàn tính mạng. Còn bên này chúng tôi sẽ nhờ người kêu cứu để đưa các anh về. Các anh ở đó rất nguy hiểm về tính mạng” – chị Hà cho biết thêm.
Thân nhân lao động đồng loạt yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa người thân, Cty Simco Sông Đà đưa lao động về nước.
Thay mặt nhóm 15 lao động từ Algeria, anh Cao Văn Nhân nghẹn ngào nói qua điện thoại về nước: “Chúng tôi muốn về nước càng sớm càng tốt. Từ ngày 14/10 tới nay, chủ sử dụng không lo bữa ăn cho chúng tôi nữa. 15 anh em chúng tôi dùng số tiền 200 USD do dại điện Cty Simco Sông Đà đưa cho hôm trước để mua gạo ăn dè xẻn”.
“Tâm trạng người lao động rất bất an, muốn trở về nước. Nhóm chúng tôi có 15 người mấy hôm nay bị chủ cắt cơm. Anh dùng 200 USD do đại diện Cty đưa cho trước đó mua đồ lặt lặt vặt tạm qua ngày” – Anh Cao Văn Nhân nói.
Ở nhóm 38 lao động còn lại, anh Nguyễn Đình Hoàng (33 tuổi) gọi về: “Nguyện vọng của anh em đều muốn về nước. Đợt trước, đại diện Công ty đưa cho nhóm 38 người số tiền 500 USD để phòng chi tiêu khi chủ sử dụng không lo bữa ăn. Từ ngày 10/10 tới nay, chủ sử dụng cắt cơm. Anh em tằn tiện dùng đó để mua gạo và thức ăn lặt vặt sống qua ngày…”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Ba (Đô Lương, Nghệ An), bố của lao động Trần Văn Trung, cho biết: “Con tôi đi từ 19/7, mới gửi về 2,3 triệu đồng. Hiện, chủ sử dụng ép phải ốp được 30 m2 gạch lát/ngày mới chấp nhận. Anh em phản đối thì bị đánh và bỏ đói. Con tôi và gia đình mong muốn về nước. Nhà tôi đã thế chấp sổ đỏ được 50 triệu đồng. Tình hình này thì tính mạng con người còn quan trọng hơn tiền bạc”.
Thân nhân của lao động đang ngóng chờ cơ quan chức năng giúp đỡ đưa người nhà về nước.
Theo anh Nguyễn Danh Trung (Mê Linh, Hà Nội) người thân của Lê Văn Hường, hợp đồng của công ty với người lao động không có những nội dung công việc phát sinh ở Algeria. “Họ đã vi phạm hợp đồng với người lao động” – anh Nguyễn Danh Trung nói.
Video đang HOT
“Người thân gọi về bảo, chủ sử dụng nói ai muốn về phải đóng 4.000 USD/người tiền bồi thường phá hợp đồng mới cho về nước. Khả năng chi trả của người thân không thể trả được. Chúng tôi là người tỉnh xa nghèo, đã phải vay tiền để đi XKLĐ. Nay lại phải lo món tiền lớn thế thì không biết lấy ở đâu ra” – anh Nguyễn Danh Trung lo lắng.
Lao động ăn uống cầm chừng vì nguồn cung cấp lương thực đang cạn kiệt. Ảnh do thân nhân lao động cung cấp
Trong sáng 15/10, gần 50 thân nhân gia đình của lao động trên đã tới trụ sở của Công ty Simco Sông Đà để yêu cầu có giải pháp nhanh chóng đưa người thân về nước.
Cùng ngày, các thânnhân lao động đã tới gặp lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để nhờ can thiệp.
Ông Lê Thanh Hà – Trưởng Phòng Hàn Quốc – Tây Á – Châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước) sau khi lắng nghe nguyện vọng của thân nhân lao động, cho biết: “Chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng của thân nhân lao động đang làm việc ở Algeria. Cục thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán VN ở Algeria và đại diện công ty Simco Sông Đà để có những chỉ đạo sát sao và có lợi nhất cho người lao động”.
Khẳng định quan điểm của Cục, ông Lê Thanh Hà nói: “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu đại diện Công ty Simco Sông Đà hỗ trợ tiếp tiền ăn để lao động VN không bị đói.
Cục tiếp tục yêu cầu đại diện Công ty trao đổi với chủ sử dụng lao động để giúp người lao động có thể chuyển công trường làm việc mới. Trường hợp lao động muốn về nước, công ty sẽ có trách nhiệm lo cho họ về nước. Còn các vấn đề liên quan sẽ xử lý sau”.
Hoàng Mạnh
Theo Dantri
Bài 1: Người lao động VN bị hành hung tại Algeria
"Chúng tôi muốn về nước càng nhanh càng tốt, chủ sử dụng người Trung Quốc dọa nếu không đi làm sẽ bị đánh. Vừa qua, họ còn không cho chúng tôi ăn mấy ngày. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc để giúp đỡ kịp thời".
Thân nhân lao động tại trụ sở Cty Simco Sông Đà
Anh Lê Tuấn Anh, 32 tuổi - công nhân xuất khẩu lao động đang làm việc tại Algeria - trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, hôm 6/10 .
Hành hung công nhân VN
Anh Lê Tuấn Anh cùng nhóm 54 lao động VN được Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6/2015.
Gọi điện thoại từ Algeria về VN, anh Lê Tuấn Anh cho biết: Chủ sử dụng lao động - Cty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô - đã không thực hiện đúng thực tế. Cụ thể, hợp đồng lao động ghi là làm việc theo công nhật, nhưng sau đó lại bắt lao động làm khoán với giá thấp.
Chưa hết, chủ sử dụng còn đánh lao động VN. "Sự việc xảy ra hôm 16/9, chủ sử dụng đã bố trí công nhân của họ đánh công nhân VN. Lý do vì anh em nghỉ việc để phản đối. Họ bảo không đi làm thì đánh. Sau khi bị đánh, chúng tôi chạy vào phòng để cố thủ. Bên ngoài, họ dùng cuốc xẻng đập cửa kính" - anh Lê Anh Tuấn kể.
Anh Đậu Hoàng Anh (ảnh do lao động tại Algeria cung cấp)
Theo Lê Tuấn Anh, chủ sử dụng còn hành hung anh Đậu Hoàng Anh - người đại diện Công ty SIMCO Sông Đà tại Algeria.
"Chúng tôi rất hoang mang và mong được về nước. Bây giờ làm theo m2 mà giá rẻ hơn VN thì khó sống. Để được đi XKLĐ, gia đình tôi đã vay mượn 50 triệu đồng..." - người đàn ông quê Thanh Hóa này tâm sự.
"7 lao động bị chủ sử dụng lao động chuyển công trường ngay sau hôm 16/9. Họ không bị đánh đập. Khi tách ra, chủ sử dụng có thu sim điện thoại của họ để hạn chế liên lạc với đồng nghiệp. Cty đấu tranh và chủ sử dụng lao động đã mua sim mới để cấp cho họ" - đại diện công ty Simco Sông Đà nói.
Không chỉ riêng anh Lê Anh Tuấn, một công nhân trong nhóm 55 lao động trên là anh Đào Ngọc Cường (quê Lý Nhân, Hà Nam), cho biết: "Hôm 16/9, công nhân Trung Quốc đánh đại diện của Công ty ngay trước mặt anh em công nhân. Do đông công nhân Trung Quốc quá nên chúng tôi chạy vào trong nhà để trốn...".
Vì chạy chậm, anh Đào Ngọc Cường bị vụt vào chân bầm tím. Ngày hôm sau sự việc, anh Cường còn bị chủ sử dụng dùng gậy đánh nhiều lần vào tay, chân.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị M - thân nhân của một lao động đang làm việc ở Algeria, đề nghị giấu tên - rất lo lắng. Chị đã gửi đơn tới cơ quan chức năng để nhờ sự can thiệp.
Một lao động với vết tím do bị đánh (ảnh do lao động VN tại Algeria cung cấp)
Chị M cho biết: "Công ty đã cử người sang để giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Một số anh em còn bị cách ly ra nơi khác. Ngoài ra, từ ngày 2-4/10 công nhân bị bỏ đói, cắt điện. Chúng tôi thực sự hoang mang không biết tính mạng của người thân ra sao bên Algeria".
Được biết, sáng 5/10 tại Hà Nội, gần 50 thân nhân của nhóm lao động trên đã tới trụ sở của SIMCO Sông Đà để yêu cầu thông tin cũng như có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người thân.
Đại diện công ty nói gì?
Ngày 6/10, ông Đỗ Văn Hải - Phó giám đốc Trung tâm XKLĐ số 3 (SIMCO Sông Đà) đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Ông Đỗ Văn Hải xác nhận sự việc một số công nhân Trung Quốc đã hành hung công nhân VN hôm 16/9 tại thành phố Khenchela (Algeria). Hậu quả khiến 3 công nhân VN bị thương.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới xô xát và việc công nhân VN đình công. Ông Đỗ Văn Hải cho biết: Căn nguyên của sự việc từ chuyện chi trả tiền ăn liên quan tới lương khoán cho công nhân VN.
Tin nhắn của lao động VN tại Algeria gửi cho người thân tại VN (ảnh do người nhà lao động cũng cấp)
Theo đó, chủ sử dụng đã thay đổi cách tính lương từ làm công nhật (450 USD - 650 USD/tháng) sang cách tính lương theo khoán.
"Theo tìm hiểu của đại diện Cty cử sang Algeria hôm 24/9: Chủ sử dụng lao động phát hiện một số lao động VN làm việc đối phó. Chủ sử dụng yêu cầu người lao động phải thực hiện công việc khoán, mới có thể lĩnh lương công nhật. Cụ thể: Phải hoàn thành trong ngày định mức 21m2 trát/thợ trát và 14 m2/thợ ốp lát".
Nhưng khi áp dụng mức này, nhiều lao động VN có thể làm tới 30-40 m2 trát/người/ngày. Thấy vậy, chủ sử dụng đã thỏa thuận với người lao động chuyển hẳn mức lương công nhật sang mức khoán 1,9 USD/m2. Nếu thực hiện mức này, lương của người lao động có thể tăng lên tới 2.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, mức khoán 1,9 USD/m2 không bao gồm việc chủ sử dụng lao động bao ăn. Nếu bao ăn, mức lương sẽ chỉ còn 1,6 USD/m2. Sau khi nhận được thông tin trên, người lao động cho rằng chủ sử dụng đã tự ý thay đổi mức lương. Họ đã không đi làm 3 ngày".
Ông Đỗ Văn Hải nói: "Chúng tôi thừa nhận sai sót của anh Hoàng Anh - đại diện Cty ở Algeria - không quyết liệt và không giải thích rõ với lao động VN về việc thực hiện mức khoán. Dù lương khoán có thể đạt 2.000 USD/tháng, công ty kiên quyết không đồng ý. Lý do mức khoán này là do chủ sử dụng tự ý đàm phán với người lao động, chưa có sự đồng ý của Cty. Đồng thời không phải ai cũng làm được mức này".
Ông Đỗ Văn Hải cũng cho biết thêm, do lao động không đi làm nên chủ sử dụng muốn gặp để trao đổi với ông Đậu Hoàng Anh - đại diện Cty. Nhưng nhiều lần ông Đậu Hoàng Anh không tới gặp. Thậm chí, chủ sử dụng còn nhìn thấy lao động VN cầm thanh sắt để ngăn cản ông Đậu Hoàng Anh tới gặp chủ sử dụng.
Do không hiểu sự việc, chủ sử dụng đã hô hào công nhân Trung Quốc hành hung công nhân VN. Đây cũng chính là tình tiết dẫn tới vụ xô xát hôm 16/9.
Cũng theo đại diện SIMCO Sông Đà, ngày 24/9, công ty đã cử đại diện sang Algeria để năm tình hình và hỗ trợ công nhân VN. "Cán bộ báo cáo về, sau buổi xô xát đó, người lao động không bị uy hiếp tinh thần. Chủ sử dụng lao động cam kết không uy hiếp tinh thần và đánh đập. Bước đầu, chủ sử dụng đảm bảo 3 người lao động bị thương nếu có nhu cầu về nước sẽ được bao chi phí".
Ông Đỗ Văn Hải cho biết: Một số lao động trong nhóm 55 lao động trên đã được chuyển sang công trình khác để làm việc. Một số còn lại vẫn chưa đi làm.
"Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể lại với từng người. Nếu ai có nhu cầu ở lại làm việc thì sẽ bố trí chỗ làm việc mới. Còn những lao động có nhu cầu về nước, Cty sẽ đàm phán với chủ sử dụng và xác định cụ thể lỗi của 2 bên".
Cty sẽ đứng ra giải quyết mọi người. Nếu lao động không bị uy hiếp và đánh đập mà đòi về thì phải chịu một phần trách nhiệm.
Đại diện SIMCO Sông Đà đã có cuộc làm việc với gần 50 thân nhân của nhóm lao động đang làm việc tại Algeria hôm 5/10 tại Hà Nội. Công ty cho biết: Trong thời gian xác minh sự việc, công ty đảm bảo sẽ không xảy ra sự việc người lao động bị đánh đập, bỏ đói từ chủ sử dụng lao động. Nếu chủ sử dụng lao động cắt cơm thì đại diện công ty sẽ đảm bảo cung cấp thức ăn cho người lao động.
Công ty sẽ giải quyết mọi tồn tại và nếu công nhân nào có nhu cầu về nước sẽ được đáp ứng trước ngày 30/11/2015.
Hoàng Mạnh
Bài 2: Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nói gì về việc lao động VN bị hành hung ở Algeria?
Theo Danviet
Làng tỷ phú: Xuất ngoại sắm xe sang, lấy vợ nước ngoài Hơn chục năm trước thôn 5, xã Hòa Khương là một trong những làng khó nghèo nhất nhì xã. Bây giờ, làng nghèo đã thay da đổi thịt. Nhà lầu, biệt thự, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng mỗi khi Tết đến. Giàu từ nghề chủ thầu Trong số hàng chục nhà tầng, biệt thự được xây gần đây, to lớn...