Lao động cải tạo, biện pháp nhân văn trong thi hành án phạt tù
Là những người gắn bó với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, hơn ai hết, các cán bộ trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam hiểu rõ giá trị của lao động đối với cải tạo con người.
Chính vì vậy, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) đã chỉ đạo các trại giam phối hợp với trung tâm dạy nghề để đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân; phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động.
Kết quả lao động đã đưa lại lợi ích rất lớn. Cụ thể, các trại giam đã sử dụng kết quả này để đầu tư các nhà xưởng cho phạm nhân lao động, tổ chức chọn lọc nghề để truyền dạy cho phạm nhân, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Bên cạnh đó, kết quả lao động được bổ sung vào bữa ăn, khen thưởng các phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, động viên các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, đồng thời trích lại để tái hoà nhập cộng đồng, giúp phạm nhân sau khi ra trại có một chút vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng (nay là Trung tướng), Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thăm, kiểm tra xưởng sản xuất của phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4 (ngày 2/6/2020).
Nói về công tác tổ chức lao động cho phạm nhân, Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD – Bộ Công an cho biết, nội dung giáo dục bằng lao động giữ vị trí, vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Thông qua tổ chức lao động, dạy nghề, giúp phạm nhân từng bước thay đổi hành vi, nhân cách, hình thành thói quen lao động, rèn luyện kỹ năng để sau khi chấp hành xong hình phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, tránh tái phạm tội.
“Mặt khác, quá trình lao động, học nghề còn tạo ra những sản phẩm để cải thiện, nâng cao đời sống, tạo mối quan hệ gắn bó với tập thể, nâng cao sức khoẻ, phát huy năng lực sở trường của phạm nhân. Việc quản lý giam giữ phạm nhân trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ học nghề sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn trại giam. Do đó, công tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là một trong những biện pháp không thể thiếu trong công tác quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo trong trại giam” – Trung tướng Lê Minh Hùng chia sẻ.
Gắn bó gần như cả cuộc đời với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD – Bộ Công an cho rằng, lao động không chỉ giúp các phạm nhân hiểu được giá trị của cuộc sống, phấn đấu, cải tạo mà còn giúp họ hướng thiện, vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời.
Đồng chí chia sẻ: “Các cụ dạy rằng “nhàn cư vi bất thiện”, điều đó rất đúng, đặc biệt đúng đối với công tác quản lý trại giam vì nếu không có lao động thì các phạm nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Trong công tác quản lý phạm nhân, chúng tôi lo ngại nhất là những ngày nghỉ vì phạm nhân rảnh rỗi, không lao động, học tập, ăn ở tập trung rất dễ xảy ra va chạm, xích mích, vi phạm kỷ luật. Nhiều khi chỉ vì tranh nhau đánh răng trước hoặc đợi nhau đi vệ sinh cũng có thể mâu thuẫn, thậm chí đánh, cãi nhau, ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục”.
Theo khảo sát của Bộ Công an đối với người đã chấp hành xong án phạt tù tại 63 tỉnh, thành phố trong khoảng thời gian từ 2002 -2017, đã có hơn 220 nghìn người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định, chiếm 83,98%. Tỷ lệ tái phạm giảm từ 30,37% năm 2010 xuống còn 26,16% năm 2019. Chỉ tính riêng năm 2020, các trại giam đã tổ chức 221 lớp dạy nghề cho 7.095 phạm nhân gồm các nghề: xây dựng, gò hàn, điện công nghiệp, mộc dân dụng, chăn nuôi, may mặc, sửa chữa động cơ, trang trí nội thất… Ngoài ra, còn có gần 80% phạm nhân chấp hành án phạt tù trong trại giam được truyền nghề phổ dụng.
Video đang HOT
Trại giam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp cho phạm nhân.
Từng là một trong những phạm nhân may mắn được học nghề đá mỹ nghệ khi đang thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, anh Trần Tuấn Sùng ở Nga Sơn (Thanh Hóa), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Tuấn Thành đã dùng chính nghề học được trong trại để khởi nghiệp.
Đến nay, anh đã có công ty riêng, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động. Anh vốn là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Suốt 4 năm học, năm nào anh cũng là sinh viên giỏi. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp sắp trở thành hiện thực thì cuộc đời Sùng bước sang một ngã rẽ khác, anh phạm phải một sai lầm “chết người” khi nghe bạn bè rủ đi buôn tiền giả. Kết quả bị tuyên án 7 năm tù, thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình).
“Lúc bị kết án, tôi như sụp đổ, những ngày tháng đầu ngồi tù bị sụt hẳn 10kg, nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt từ đây. Nghĩ về các em nhỏ, bố mẹ ở quê khiến tôi càng chán nản, nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết”, anh Sùng nhớ lại. Rồi cơ may đến với Sùng khi trại giam liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ ở xã Ninh Khánh cho phạm nhân làm. Sùng như bị cuốn vào công việc này và tự nhủ mình phải học bằng được cái nghề đá mỹ nghệ để sau này làm “cần câu cơm”. Cứ thế, anh cần mẫn làm, học hỏi…
Ra tù với hai bàn tay trắng, anh đi từ Bắc tới Nam làm thuê nhưng vì mang tiếng người từng đi tù nên anh luôn bị kỳ thị. Chán nản, Sùng quay về quê với nghề đá mỹ nghệ học được trong tù. Nhờ nỗ lực không ngừng, anh đã từng bước thành công, trở thành doanh nhân thành đạt. “Nếu không có nghề học được ở trại thì tôi sẽ không biết việc làm, không có cơ hội được như ngày hôm nay” – Sùng cho biết.
Ông Đỗ Quỳnh Nhiễu, SN 1957, ở xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang từng chịu mức án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Ở trại, ông được học nghề chăn nuôi – việc mà trước kia ông chưa từng làm vì mải mê theo “nàng tiên trắng”. Những ngày đầu vào trại giam, ông luôn bị ám ảnh và thấy bế tắc, mất niềm tin. “Ngày qua ngày, được các cán bộ quản giáo cảm hóa, tôi dần thức tỉnh. Tôi tự nhủ phải cố gắng cải tạo tốt mới mong sớm được tự do”. Nhờ cải tạo tốt nên ông được Chủ tịch nước cho đặc xá trở về với gia đình.
Ngày ra tù, ông Nhiễu quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách sử dụng nghề học trong trại để kiếm kế sinh nhai. Ông thuê trang trại rồi nuôi gà, nuôi cá. Sau nhiều năm tháng gian nan, đến nay, ông trở thành điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Đang thi hành án ở Trại giam Đắk Tân (Đắk Lắk), phạm nhân Nguyễn Thanh Văn, SN 1977, trú ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, nhờ chịu khó lao động, cải tạo nên bản thân được bầu làm đội trưởng đội tự quản phạm nhân. “Tôi thấy rằng, nếu chịu khó học tập, lao động thì có cơ hội được làm nghề phù hợp với xã hội, được trả công để bồi dưỡng thêm, được trích quỹ để sau khi về nhà có chút tiền trang trải cuộc sống trước mắt”- phạm nhân Văn cho biết.
Để làm tốt công tác giáo dục cải tạo phạm nhân thông qua tổ chức lao động, dạy nghề, góp phần hạn chế tái phạm tội, Trung tướng Lê Minh Hùng cho biết, mục tiêu, yêu cầu trong quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo các đối tượng và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là giúp họ có nhận thức, kiến thức và định hướng nghề nghiệp, biết được một nghề nhất định để sau khi chấp hành xong án phạt tù có thể tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống. Kết hợp đồng bộ giữa giáo dục lao động với giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân, giúp họ nhận thức đầy đủ về lao động, học nghề để thay đổi hành vi, nhân cách, tự giác học tập, hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động…
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giam giữ giải quyết khó khăn trong thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề, giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay, giúp họ không chỉ có cơ hội học nghề, làm nghề mà còn sớm được tiếp xúc với xã hội, sớm hoàn lương, làm lại cuộc đời.
Từ 1/9, phạm nhân được ra ngoài trại giam học nghề, lao động được trả công
Việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức.
Sáng nay (16/6), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 467/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,78%. Như vậy với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Nghị quyết quy định việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an giam, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo đó, trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Kế hoạch hợp tác giữa trại giam với tổ chức trong nước do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.
Nghị quyết quy định số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.
Nghị quyết nêu rõ, việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định, không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên, phạm nhân tái phạm nguy hiểm. Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm, phạm nhân là người nước ngoài, phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Phạm nhân dưới 18 tuổi, phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên, phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại "kém" hoặc đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc hay thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.
Để đảm bảo tính khả thi, Nghị quyết nêu rõ, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với trại giam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 5 năm./.
9X khéo tay vừa bán bánh vừa mở lớp dạy nghề, thu nhập 50-70 triệu đồng mỗi tháng Thay vì chọn con đường học đại học, cô gái 9X ở Bình Dương đã chọn khởi nghiệp với những chiếc bánh... để vừa trở thành cô chủ tiệm bánh online Tina Homemade Cake&Class, vừa là giáo viên lan tỏa tình yêu bánh đến những người cùng đam mê. Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, cô gái trẻ Nguyễn Ti Na...