Lào Cai: Vẻ đẹp thác Bạc giữa đại ngàn Bảo Yên
Đặt chân lên đất Tân Tiến (Bảo Yên), người ta đã nghe thấy tiếng nước chảy ào ào từ trên cao phía thượng nguồn Cán Chải.
Đó chính là âm thanh phát ra từ con thác ở giữa lòng Tân Tiến mà bấy lâu nay người Dao, người Tày nơi đây vẫn gọi nó bằng cái tên rất sang – thác Bạc.
Thác Bạc hòa mình vào thiên nhiên, hoang sơ đến thuần khiết (ảnh Huy Trường)
Từ trung tâm xã Tân Tiến ngược lên khoảng 800m tại bản Thác Xa, dòng thác nằm ngay bên cạnh đường đi dưới chân núi. Từ lâu đời rồi, dòng thác ấy vẫn đời đời ban tặng cho con người dòng nước chắt ra từ trong lòng núi trong vắt và ngọt ngào. Thác Bạc ở Tân Tiến không khi nào cạn nước. Vào những khi mùa khô, nước vẫn dồi dào, trong vắt, chỉ riêng ở đoạn Thác Xa nước mới trắng xóa một màu.
Đến thác Bạc, du khách như được lạc vào một không gian rất đỗi hoang sơ, tinh khiết và trong lành. Thác nước chia thành nhiều cung bậc khác nhau. Từ trên cao, thác chảy xuống thẳng đứng theo vách đá tựa như một tấm thảm lụa trắng được dệt từ triệu triệu những cánh hoa mận ở vùng cao nguyên Bắc Hà. Xuống chân vách, thác lại đổi dòng tạo thành một trường đoạn phức hợp nhưng thú vị. Nước sầu lên trắng xóa làm những dòng nhỏ vọt lên không trung. Sau đó, nước thác lại nhẹ nhàng lách qua những tảng đá tròn nằm ngổn ngang dưới chân núi để rồi đổ xuống một chiếc vũng, sâu trong vắt. Ở vũng này, người ta có thể tắm mát rồi phơi mình ở bờ cát trắng mịn cạnh đó. Đứng từ trên tảng đá to, du khách có thể thả mình xuống hồ nước nhỏ một cách mạo hiểm nhưng rất hấp dẫn.
Nước chảy từ trên thác xuống tạo thành vũng sâu dưới chân núi, du khách có thể tắm mát
Thác Bạc không hề đứng trơ trọi một mình mà nó hòa mình vào thiên nhiên. Hai bên thác hầu như ít dấu chân người, hoang sơ đến thuần khiết. Chỉ cần đến đầu thác, du khách đã được hòa mình trong một thế giới trong lành, thế giới của cỏ cây, thiên nhiên. Vì thế, đến đây, người ta đã cảm nhận được “mùi vị” của núi rừng, đó là mùi thơm của hoa dại, của cỏ thơm hòa quyện vào nhau thành một hương vị man mác dễ chịu.
Video đang HOT
Bên thác, cây đa cổ thụ vắt ngang dòng nước, bên trên có những cụm phong lan rừng thi nhau trổ hoa buông lơ lửng xuống dòng thác. Những vạt hoa rừng như hoa ban, hoa chôm chôm rừng, hoa chuối rừng thi nhau khoe sắc bốn mùa. Những đàn cá suối đuôi hồng thỏa sức bơi lượn trong những xoáy nước nhỏ trông thật gần gũi, những chú chim thi nhau hót vang tạo thành một “hòa âm” của núi, của thác, của mây trời. Đặt chân tới đây, du khách như quên đi những bộn bề của cuộc sống thường ngày để hòa mình vào thiên nhiên, đắm mình trong bức tranh sơn thủy tuyệt diệu.
Dòng thác nằm ngay cạnh đường đi dưới chân núi, tựa như một tấm thảm lụa trắng (ảnh Huy Trường)
Giữa núi rừng đại ngàn dòng thác trắng bạc thơ mộng và huyền ảo. Dòng thác mang trong mình nét hoang sơ, thi vị và tinh khiết. Thác Bạc hôm nay đang cất lên lời vẫy gọi là điểm dừng chân của du khách trong chuyến hành trình đến với Bảo Yên. Tuy chưa được khai thác nhiều, nhưng chắc chắn rằng thác Bạc nay mai sẽ trở thành một điểm du lịch lý tưởng nơi miền sơn cước này.
Con đường Hạnh Phúc - Cung đường phượt thủ yêu thích khi đến Hà Giang
Có người đến Hà Giang vì mải mê ngắm những vườn hoa mận, hoa tam giác mạch, hoa đào điểm xuyết trên những vách đá tai mèo.
Nhưng cũng có không ít người đến với nơi đây vì mải mê cảm giác lái xe trên những con đường ngoằn ngoèo giữa bạt ngàn vách đá cao vút, thỏa sức ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp và tìm hiểu về lịch sử Quốc lộ 4C mang tên Đường Hạnh Phúc.
Cung đường phượt thủ yêu thích
Con đường Hạnh Phúc được gọi là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ, Vách đá trắng... đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch kết nối tới tất cả các điểm di sản, di tích, danh thắng vùng công viên địa chất, thu hút đông đảo phượt thủ trong và ngoài nước ưa mạo hiểm.
Dốc Bắc Sum
Hành trình trên cung đường này đầy ắp những cung bậc quanh co, lên xuống, phượt thủ ngỡ ngàng như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Cung đường với những khúc cua tay áo uốn lượn, những con đường ngoằn ngoèo vắt lưng chừng núi tạo cảm giác "say cảnh trời".
Trên cung đường ấy, hãy trèo qua những sườn núi và ngắm nhìn những phiến đá tai mèo nhọn hoắt với nhiều hình thù khác nhau và khi lên đỉnh của đèo Mã Pì Lèng, đó là lúc bạn thực sự thích thú với những gì đang hiện ra ngay trước mắt.
Phượt thủ chinh phục dốc Thẩm Mã
Trong bức tranh tổng hòa con đường Hạnh Phúc, dốc Thẩm Mã như một điểm nhấn với ấn tượng khó quên. Con dốc bao gồm 9 khúc cua trông rất đẹp, nhưng chinh phục là một thử thách rất lớn đối với dân phượt. Nhưng bù lại sự gian nan ấy là cảnh tượng vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với những bông hoa tam giác mạch tuyệt đẹp mọc lên giữa những ghềnh đá hiểm trở. Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng cùng sự mềm mại của những cung đường uốn lượn khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để lưu lại những khoảnh khắc khó quên trong đời.
Trải nghiệm con đường Hạnh phúc tới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ dừng lại những cánh đồng hoa tam giác mạch nở trên đá, khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn hiểu về công trình phá đá mở đường bằng ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết của thế hệ đi trước.
Lịch sử hào hùng Đường Hạnh Phúc - con đường máu và hoa
Đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện phía bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đã đi vào lịch sử là đại công trường ghi nhận cuộc trường chinh của tuổi trẻ Việt Nam chiến thắng sự khốc liệt của cao nguyên đá.
Đèo Mã Pì Lèng
Được khởi công từ 9/1959, từ hàng ngàn quả đồi núi trập trùng dựng đứng, hàng trăm vực sâu dốc thẳm, sau gần 6 năm vạt núi, xẻ đồi, san khe đá chung sức của hàng vạn thanh niên xung phong và dân công từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương), toàn bộ con đường dài 185km chính thức hoàn thành vào tháng 3/1965.
Họ mở đường với dụng cụ lao động thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu thốn về vật chất, cùng với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Đoạn khó khăn nhất của con đường chỉ có 21km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc nhưng phải mất gần 2 năm vất vả thi công. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường.
Không thể kể hết được những khó khăn gian khổ trong suốt gần 6 năm xẻ núi mở đường; không thể nói hết được những nhọc nhằn, sự hi sinh của anh chị thanh niên, công nhân quyết tâm xây dựng con đường. Máu đã đổ để hình thành con đường lịch sử.
Vách đá trắng
Sau 6 năm xây dựng với bao khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, con đường dài gần 200km đã được hình thành với khát vọng lớn lao mang lại đổi thay cho vùng đất giáp biên nghèo khó nơi cực Bắc Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, năm 1965 Bác Hồ kính yêu đã đặt tên là Con đường Hạnh Phúc. Con đường nối liền khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, đem lại ánh sáng văn minh, giao thương phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội cho đồng bào các dân tộc đã bao đời "sống trong đá chết vùi trong đá" nơi biên cương Tổ quốc. Hoa đã nở trên cao nguyên đá tai mèo. Cuộc sống đồng bào nơi đây đã đổi thay từng ngày.
Hoa tam giác mạch
Gần 200 km chạy dài xuyên rừng, vượt núi, có hàng trăm đoạn đường khúc khuỷu, cua tay áo, đó là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đi trên những cung đường ngoằn nghèo, đứng giữa thung lũng ngô xanh mướt trải ngút ngàn như tấm thảm, hoặc đứng trên đỉnh núi Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn như giải lụa mềm dưới vực sâu - một cảm giác thiêng liêng, yêu người dân nơi đây, yêu Tổ quốc Việt Nam đến vô cùng.
Ngắm mây trên đỉnh Lùng Cúng - Một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam Nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, với độ cao 2.913m so với mực nước biển, đỉnh Lùng Cúng đang thu hút một lượng lớn những người yêu thích leo núi bởi địa hình rừng núi đẹp, khí hậu mát mẻ, mây mù bao phủ. Đỉnh Lùng Cúng thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (tỉnh...