Lào Cai: Phát hiện hơn 100 cây thiết sam cực kỳ quý hiếm trong rừng
Theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát ( huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đơn vị này vừa phát hiện quần thể cây thiết sam quý hiếm tại tiểu khu 62 của Khu bảo tồn.
Chiều 20/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Ngô Kiên Trung – Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, cho biết: Trong đợt tuần tra rừng kết hợp với điều tra, khảo sát để đề xuất đưa vào bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại cao, tại tiểu khu 62, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thuộc xã Dền Sáng, đơn vị đã phát hiện quần thể cây thiết sam quý hiếm.
Quần thể cây thiết sam được phát hiện tại tiểu khu 62, xã Dền Sáng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát .
Theo đó, loại cây thiết sam quý hiếm này phân bố ở tỉnh Lào Cai và một số tỉnh phía Bắc, nhưng số lượng hiện tại còn rất ít. Quần thể cây thiết sam được Ban quản lý Khu Bảo tồn Bát Xát phát hiện có trên 100 cây, phân bố tập trung trên diện tích khoảng 150 ha, với đường kính từ từ 0,8 – 1 m trở lên và rất nhiều cây nhỏ, cây tái sinh phân bố ở độ cao từ 1.800m – 2.000 m so với mực nước biển.
Cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát chụp ảnh bên cạnh cây thiết sam có chu vi hơn 1m.
Cây thiết sam là 1 trong số 33 loài thông của Việt Nam, được xếp vào danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ quốc gia và quốc tế.
Video đang HOT
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cây thiết sam chỉ có ở Vườn quốc gia Hoàng Liên với một số cá thể rải rác và cây nhỏ. Còn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thì quần thể cây lớn và tập trung, nguyên vẹn, có giá trị trong nghiên cứu khoa học và bảo tồn, phát triển nguồn gen qúy hiếm.
Cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Vị lãnh đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thông tin: Trong thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ đề xuất xây dựng dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học loài đối với loài cây thiết sam quý hiếm.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Tại đây đã phát hiện trên 940 loài thực vật bậc cao có mạch và 157 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó: Có 38 loài thực vật thuộc sách đỏ Việt Nam, 5 loài thuộc sách đỏ thế giới, phát hiện một loài thực vật mới, 22 loài động vật thuộc sách đỏ Việt Nam, 13 loài động vật thuộc sách đỏ thế giới, 20 loài thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP và 6 loài động vật đặc hữu.
Theo Danviet
Sợ mất trắng vì trộm, dân Bát Xát buộc phải thu thảo quả non
Những năm qua cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo các thôn, bản vùng cao của huyện Bát Xát (Lào Cai). Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mất trộm thảo quả ở khu vực giáp ranh khiến người dân ở một số thôn, bản phải thu hoạch thảo quả non, gây nhiều thiệt hại.
Thu non vì sợ mất trộm
Cây thảo quả gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Bát Xát hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Ông Sùng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cho biết: Xã có khoảng 850 ha thảo quả. Những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân địa phương. Thế nhưng, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng trộm thảo quả ở các khu vực xa dân cư, giáp ranh với các xã khác nên một số hộ phải thu hoạch thảo quả non.
Kiểm tra thảo quả ở xã Dền Sáng.
Ông Hạng A S. (ở xã Trung Lèng Hồ), có gần 10 ha thảo quả tâm sự: "Đang là thời điểm quả thảo quả tích tụ dưỡng chất, năng suất và chất lượng chưa ở mức cao nhất nhưng gia đình tôi buộc phải thu hoạch, bởi để thêm thời gian thì rất sợ bị mất trộm".
Chỉ trồng gần 2 ha thảo quả nhưng mỗi năm gia đình ông Hầu A D. (xã Pa Cheo) cũng thu về gần 50 triệu đồng từ tiền bán thảo quả khô; có năm được mùa, được giá, con số này lên tới gần trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như gia đình ông Hạng A S., thời điểm này khi thảo quả mới chuyển sậm màu, gia đình ông Hầu A D. đã phải đến các vườn thảo quả của gia đình ở giáp ranh với các xã khác để thu hoạch.
Ông D. cho biết, vì gia đình neo người nên không trông coi nương thảo quả thường xuyên được, ông đành phải thu hoạch sớm ở những khu vực hay bị mất trộm, đặc biệt là những diện tích giáp ranh với xã khác. Vẫn biết việc này ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng quả thảo quả, song để đến cuối năm có khi còn mất trắng.
Không chỉ ông Hạng A S. và ông Hầu A D., mà rất nhiều người trồng thảo quả ở Bát Xát có chung suy nghĩ như vậy. Điều này tạo nên một phong trào thu hoạch thảo quả non trong vài năm trở lại đây.
Thiệt hại từ thu hoạch thảo quả non
Xã Pa Cheo trồng gần 300 ha thảo quả, trong đó diện tích cây thảo quả mà người dân phải thu hoạch non khoảng 50 - 60 ha. Việc người dân thu hoạch quả thảo quả non sẽ khiến năng suất giảm khoảng 30% so với thu hoạch đúng mùa vụ (tháng 11 - 12).
Ông Lê Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo cho biết, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, trưởng các thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không nên thu hoạch thảo quả non để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sự phát triển bền vững của cây thảo quả. Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhiều hộ trồng thảo quả trên địa bàn xã lo mất trộm nên đã thu hoạch thảo quả non.
Huyện Bát Xát hiện có khoảng 4.500 ha thảo quả, trong đó diện tích cây thảo quả ở khu vực giáp ranh giữa các xã trong và ngoài huyện ước tính hàng trăm ha. Như vậy, nếu người dân đều thu hoạch non ở tất cả các diện tích giáp ranh này thì sản lượng quả thảo quả sụt giảm và thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Được biết, nếu thu hoạch đúng thời điểm thì cứ 5 - 6 kg thảo quả tươi đem sấy sẽ được 1 kg thảo quả khô, còn nếu thu hoạch non thì 10 kg thảo quả tươi đem sấy mới thu được 1 kg thảo quả khô.
Không chỉ thiệt hại về năng suất, chất lượng, mà việc thu hoạch thảo quả non còn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của những khu rừng già bởi khi sấy thảo quả non, người dân phải sử dụng một lượng lớn củi lấy từ rừng. Thông thường để sấy được 1 kg thảo quả khô từ quả thảo quả đã đủ độ chín cần 50 - 70 kg củi, như vậy để sấy được 1 kg thảo quả khô từ 10 kg thảo quả non thì lượng củi sẽ phải tăng gần gấp đôi.
Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các xã đến các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch thảo quả đúng thời gian quy định, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuần tra ở các khu vực giáp ranh, kịp thời phát hiện những trường hợp thu hái trộm thảo quả non để xử lý theo quy định.
Theo Trung Nguyên (Báo Lào Cai)
Đàn ông người Dao đỏ không qua lễ này đừng mong trưởng thành Bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai luôn giữ gìn các bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải nói đến lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành. Đàn ông người Dao đỏ mỗi người ít nhất phải trải qua một lần lễ cấp sắc mới được coi là...