“Lãnh thổ di động” cho F-35
Loại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 được xem là một lợi thế lớn của Mỹ trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào liên quan đến Triều Tiên.
Quân đội Mỹ đang tăng cường khả năng sử dụng tiêm kích tàng hình ở Thái Bình Dương bằng cách triển khai tàu USS Wasp đến căn cứ hải quân Sasebo ở tỉnh Nagasaki – Nhật Bản.
Nền tảng tấn công tiên tiến
Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp về cơ bản không khác gì một tàu sân bay nhỏ với chiều dài 257 m, lượng choán nước 40.000 tấn và có thể mang theo 31 máy bay. Con tàu này được đóng vào những năm 1980 trước khi nâng cấp để phục vụ hoạt động của tiêm kích tàng hình F-35B.
So với tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đóng ở Nhật, Wasp chỉ có kích thước bằng một nửa nhưng sự hiện diện của nó tạo cảm giác Mỹ đang có một tàu sân bay thứ hai trong khu vực.
Sức mạnh này sắp được bổ sung sau khi Hải quân Mỹ hôm 7-1 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường đến khu vực Tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 11-2017, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện 3 tàu sân bay Mỹ được triển khai ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để tập trận cùng nhau lần đầu tiên ở Thái Bình Dương trong 10 năm.
Tiêm kích tàng hình F-35 B cất cánh từ tàu USS Wasp Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Video đang HOT
Giới chuyên gia nhận định động thái trên bảo đảm các nền tảng tấn công trên không tiên tiến nhất của Mỹ được triển khai đến nơi cần.
“Con tàu (Wasp) giúp có thêm lựa chọn cho những tính toán về Triều Tiên. Theo luật pháp quốc tế, tàu chiến Mỹ đóng vai trò lãnh thổ quốc gia nên F-35B giờ đây không khác gì được triển khai trên một vùng lãnh thổ di động của Mỹ” – ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Trung tâm Thông tin tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói về lợi ích của bước đi.
Theo chuyên gia tại Trường ĐH Hawaii Pacific (Mỹ) này, hải quân Mỹ giờ đây có thể phóng máy bay từ tàu chiến mà không cần phải thông báo trước hoặc xin phép nước liên quan, khác với yêu cầu đối với căn cứ Mỹ ở hải ngoại.
Dù vậy, Wasp cũng có những hạn chế nhất định so với tàu sân bay thông thường. Quan trọng nhất, nó không có hệ thống phóng máy bay hạng nặng. Tiêm kích F-35B khi hoạt động trên Wasp sẽ cất hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Điều đó có nghĩa nó không thể mang theo lượng nhiên liệu và vũ khí tối đa. “Quy tắc chung trong cất, hạ cánh thẳng đứng là phải giảm 50% tải trọng (nhiên liệu, vũ khí)” – ông Schuster giải thích.
Một hạn chế khác là tàu tấn công đổ bộ mang theo ít máy bay hơn tàu sân bay lớp Nimitz – hiện chở theo cả máy bay cảnh báo sớm, máy bay gây nhiễu radar và chiến đấu cơ F/A-18. Những hạn chế này đồng nghĩa Wasp nhiều khả năng hoạt động cùng với một tàu sân bay lớp Nimitz trong tình huống khẩn cấp.
Dù vậy, sự hiện diện của Wasp chắc chắn giúp F-35B phát huy sức mạnh thời gian tới. Loại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này được xem là một lợi thế lớn của Mỹ trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào liên quan đến Triều Tiên bởi các hệ thống phòng không Bình Nhưỡng được cho là chưa thể phát hiện được nó.
Thông điệp mạnh mẽ
Với 3 biến thể (phiên bản A dành cho Không quân, B dành cho Thủy quân lục chiến và C dành cho Hải quân), máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 là một trong những hệ thống vũ khí đắt giá và gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ. Phe ủng hộ tin rằng tiêm kích tàng hình này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ tiếp tục thống trị bầu trời ngay cả khi chi phí 400 tỉ USD của dự án này dẫn đến không ít chỉ trích.
Theo đài CNN, quân đội Mỹ vào đầu năm ngoái quyết định triển khai F-35B đến căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Yamaguchi – Nhật Bản với kỳ vọng nó sẽ là trụ cột năng lực phòng thủ của mình tại Thái Bình Dương. Đến giữa tháng 11-2017, việc triển khai phi đội F-35B tại khu vực được hoàn tất sau khi 3 chiếc cuối cùng đến căn cứ này. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết phi đội này hiện có đầy đủ sức mạnh với 16 chiếc F-35B.
Không như những phiên bản khác, F-35B có khả năng cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng nên có thể hoạt động trên tàu tấn công đổ bộ và không cần đến hệ thống phóng máy bay. F-35B được phát triển để thay thế các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet, AV-8B Harrier và EA- 6B Prowler, giúp “mang đến sự linh hoạt chiến lược, cơ động chiến đấu và ưu thế chiến thuật đối với Thái Bình Dương” và hỗ trợ liên minh Mỹ – Nhật tốt hơn, theo tuyên bố của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Giới phân tích cho rằng việc triển khai F-35B nói trên không chỉ nêu bật mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ đến cả đồng minh lẫn đối thủ tiềm tàng của Washington ở khu vực. Một nguồn tin cho hãng tin Jiji biết quân đội Mỹ dự địnhđưa F-35B lên tàu Wasp và sử dụng chúng để răn đe cả Triều Tiên và Trung Quốc. Động thái này không gây nhiều ngạc nhiên bởi F-35B từng tham gia các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản gần đây.
Ông Schuster cho rằng với sức mạnh tiềm tàng, việc triển khai F-35B là tín hiệu gửi đến Triều Tiên – nước gần đây liên tục có các hành động đe dọa và dĩ nhiên là Trung Quốc, quốc gia đang có tranh cãi chủ quyền với Nhật ở biển Hoa Đông.
Giới chức quốc phòng Mỹ đánh giá F-35 nói chung có khả năng vượt trội so với các loại chiến đấu cơ tàng hình hàng đầu của Trung Quốc (như J-20) nhờ sự kết hợp giữa những công nghệ tàng hình, radar và cảm biến tiên tiến nhất, cộng với hệ thống tác chiến điện tử và khả năng tương thích với những nền tảng khác.
Một trong những nền tảng này là máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không E-2D Advanced Hawkeye của Hải quân Mỹ. Loại máy bay có khả năng phát hiện máy bay tàng hình của đối phương này cũng được triển khai đến căn cứ Iwakuni năm ngoái.
Theo Phương Võ
Người lao động
Mỹ chuẩn bị đi vào vết xe đổ của F-35 khi chế tạo tàu ngầm
Tàu ngầm lớp Columbia được ứng dụng nhiều công nghệ chưa được kiểm chứng, khiến chi phí và thời gian chế tạo tăng đáng kể.
Bản mẫu thiết kế của siêu tàu ngầm lớp Columbia: Ảnh: USNI.
"Hiện không rõ liệu các công nghệ quan trọng trên tàu ngầm lớp Columbia, bao gồm hệ thống năng lượng tích hợp, lò phản ứng hạt nhân, khoang tên lửa chung (CMC), hệ thống đẩy và nhiều thiết bị khác có thể hoạt động như dự kiến hay sẽ bị trì hoãn và đội giá so với kế hoạch", Sputnik dẫn báo cáo do Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) công bố hôm 21/12.
GAO cho rằng hải quân Mỹ đã che giấu các nguy cơ của dự án siêu tàu ngầm Columbia trong báo cáo hồi năm 2015. Theo đó, lực lượng này không xếp những công nghệ trên vào nhóm "đặc biệt quan trọng", dù chúng có ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành và chiến đấu của tàu ngầm lớp Columbia.
Việc ứng dụng những công nghệ chưa được hoàn thiện và kiểm chứng có thể kéo dài thời gian phát triển lớp Columbia, điều từng xảy ra với siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford. Các tàu ngầm này cũng có thể đi vào vết xe đổ của máy bay F-35, với chi phí nghiên cứu chế tạo vượt gấp nhiều lần dự kiến, trở thành dự án vũ khí tốn kém nhất lịch sử Mỹ.
Tàu ngầm lớp Columbia dài 170 m, được thiết kế với tính năng tàng hình và nhiều công nghệ hiện đại của thế kỷ 21. Hạm đội 12 chiếc Columbia được kỳ vọng sẽ thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trong biên chế hải quân Mỹ hiện nay. Lò phản ứng thế hệ mới của lớp Columbia cho phép tàu hoạt động với tần suất cao hơn và không cần nạp nhiên liệu trong thời gian dài hơn.
Mỗi tàu ngầm lớp Columbia được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Trident D5, mang được tối đa 192 đầu đạn với tổng sức nổ tương đương 91,2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Các đầu đạn có thể được phóng độc lập vào nhiều mục tiêu khác nhau, tăng đáng kể sức hủy diệt của các tàu ngầm lớp Columbia.
Mỹ dự định đóng mới 12 tàu ngầm lớp Columbia, chiếc đầu tiên sẽ được khởi đóng vào năm 2021. Quá trình chế tạo theo kế hoạch sẽ kéo dài trong 10 năm, mỗi tàu lớp Columbia có thể được biên chế trong vòng tối thiểu 42 năm.
Theo Tử Quỳnh (VnExpress)
Thế giới mạnh tay chi tiền mua vũ khí Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng 1,9% so với năm trước đó, đạt 374,8 tỷ USD. SIPRI nói rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán vũ khí "đã được dự báo trước" và xuất phát từ việc "triển khai các chương trình vũ khí...