Lãnh đạo thế giới chia buồn với Cuba
Lãnh đạo các nước trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu gửi lời chia buồn với Cuba về sự ra đi của cựu chủ tịch Fidel Castro.
Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ảnh: Reuters.
Cựu chủ tịch Fidel Castro, biểu tượng cách mạng Cuba, qua đời tối ngày 25/11 tại thủ đô Havana ở tuổi 90. Ngay sau khi biết tin cựu chủ tịch Fidel qua đời, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chia buồn tới chính phủ Cuba.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi cựu chủ tịch Fidel Castro là “biểu tượng của thời đại”.
“Tên của chính khách nổi bật này được coi là biểu tượng của lịch sử thế giới hiện đại”, Tổng thống Putin cho biết trong bức điện gửi Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm nay, theo Điện Kremlin. “Fidel Castro là một người bạn chân thành và đáng tin cậy của Nga”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia nước này, khẳng định Fidel Castro sẽ sống mãi. “Người dân Trung Quốc đã mất đi một người đồng chí tốt”, AFP dẫn lời ông Tập nói. “Đồng chí Castro sẽ sống mãi”. Ông mô tả Fidel Castro là “người đàn ông vĩ đại trong thời đại này” và “lịch sử cùng người dân sẽ nhớ đến ông”.
Video đang HOT
Nhà Trắng, đặc biệt là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), vẫn chưa có bình luận nào. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đăng dòng trạng thái ngắn gọn trên Twitter rằng “Fidel Castro đã mất!”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi Fidel là “nhà cách mạng và hùng biện huyền thoại”.
Federica Mogherini, Cao uỷ về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), ca ngợi tầm quan trọng lịch sử của ông Fidel, khẳng định quan hệ giữa Cuba và liên minh sẽ tiếp tục cải thiện. Bà mô tả cựu chủ tịch Cuba là “người đàn ông quyết đoán, một biểu tượng lịch sử”, cho biết thêm ông qua đời vào thời điểm Havana phải đối mặt “với nhiều thay đổi lớn”, toàn cầu bất ổn, theo Reuters.
“Tôi thương tiếc trước sự ra đi của Fidel Castro Ruz, lãnh đạo cách mạng Cuba, biểu tượng của thế kỷ 20. Fidel Castro là một người bạn của Mexico, người thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng, đối thoại và tình đoàn kết”, Tổng thống Mexico Pena Nieta viết trên Twitter cá nhân.
Tổng thống Venezuela kêu gọi “mọi nhà cách mạng trên thế giới tiếp tục kế thừa di sản và ngọn cờ độc lập, chủ nghĩa xã hội” của cựu chủ tịch Fidel Castro.
“Ông ấy là người vĩ đại. Fidel đã qua đời. Cuba muôn năm! Mỹ Latinh muôn năm!”, Tổng thống Ecuador Rafael Correa viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Anh và Tây Ban Nha cũng ra thông cáo chia buồn với Cuba.
Cuba thông báo để tang cựu chủ tịch Fidel từ ngày 26/11 đến 4/12 và đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, thành phố Santiago de Cuba, vào ngày 4/12. Thi hài ông được hỏa táng theo ý nguyện.
Như Tâm
Theo VNE
Bài hùng biện trước tòa biến Fidel Castro thành người hùng Cuba
Khi bị chính quyền độc tài Batista đưa ra toà vào năm 1953, Fidel Castro đã có bài diễn thuyết kéo dài 4 tiếng với tên gọi "Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi".
Fidel Castro bị thẩm vấn sau cuộc tấn công trại lính Moncada. Ảnh: BBC.
Tài hùng biện và khả năng diễn thuyết tuyệt vời của cố chủ tịch Cuba Fidel Castro được biết đến lần đầu tiên vào năm 1953. Sau khi bị đưa ra tòa vì cuộc tấn công trại lính Moncada, ông đã tự bào chữa cho mình với bài phát biểu dài hơn 4 tiếng mang tên "Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi", theo Marxist.org.
Castro ra tòa lần đầu tiên vào ngày 21/9/1953 tại thành phố Santiago, Cuba cùng 100 bị cáo khác, trong đó có 65 thường dân không trực tiếp tham gia cuộc tấn công. Fidel Castro từng là luật sư, ông quyết định tự bào chữa cho mình trước tòa. Ông tuyên bố hành động của mình nhằm chống lại sự vi hiến của chính quyền độc tài Batista.
Ông tham gia vào buổi bào chữa thứ hai vào ngày 22/9, nhưng vắng mặt ở buổi thứ ba (25/9). Castro đã gửi một bức thư tay tới thẩm phán để yêu cầu được bảo vệ đặc biệt, sau khi có nhiều lời đe dọa ông trong tù. Tòa chấp nhận yêu cầu của Castro, đồng thời cho phép ông tự bào chữa trong một vụ riêng sau đó.
Những lời bào chữa của Castro và đồng đội thành công tới mức chỉ có 31 người bị kết tội, hầu hết chỉ nhận các án phạt nhẹ. 19 lính du kích được miễn tội cùng với 65 dân thường. 4 người dẫn đầu cuộc tấn công, bao gồm cả em trai Raul của Fidel Castro, bị kết án 13 năm tù.
Bản thân Fidel Castro ra tòa trong phiên xử riêng rẽ ngày 16/10/1953. Tại đây, ông đã phát biểu trong suốt 4 tiếng liền để bào chữa cho mình, đồng thời vạch ra kế hoạch cho đất nước Cuba. Trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, người dân Cuba trở nên giận dữ với cách đối xử tù nhân của chính quyền Batista.
Nội dung bài phát biểu không được ghi lại, nhưng sau này chủ tịch Fidel Castro đã biến nó thành tuyên ngôn của Phong trào 26 tháng 7 do ông lãnh đạo. Trong đó, đoạn kết đã trở thành tên của bài phát biểu:
"Tôi biết ngục tù đối với tôi sẽ khó khăn hơn bất kỳ ai, với đầy những lời đe dọa hèn nhát và sự tàn bạo đáng ghê tởm. Nhưng tôi không sợ nhà tù, cũng như không sợ cơn giận dữ từ kẻ độc tài tàn bạo đã lấy đi mạng sống của 70 người đồng chí của tôi. Hãy kết tội tôi. Nó không quan trọng. Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi."
Một thẩm phán địa phương đã gọi điện tới văn phòng Batista để than phiền, trong khi giám mục thành phố Santiago kêu gọi miễn tội cho Fidel Castro và tìm kiếm sự ủng hộ từ giới thượng lưu Cuba. Dù bị kết án 15 năm tù, phiên tòa đã biến Fidel Castro thành người hùng của Cuba.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Sự nghiệp cách mạng của huyền thoại Cuba Fidel Castro Ông Fidel Castro là biểu tượng cho sự kiên cường đấu tranh vì tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng của người dân Cuba. Ông Fidel Castro trong một sự kiện ở Cuba tháng 5/2004. Ảnh: Reuters Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, tại Biran, một thị trấn nhỏ ở miền đông Cuba trong một...