Lãnh đạo PVC nói gì khi hàng loạt cựu lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam?
Chưa bao giờ cái tên PVC (Tổng Cty Cổ phần xây lắp dầu khí) nổi như lúc này. Chuyện đúng, sai ra sao, cơ quan chức năng sẽ kết luận. PVC những ngày này ra sao?
“Việc thoái vốn tại các đơn vị không dễ dàng vì khó thu hút nhà đầu tư. Chúng tôi cố gắng đảm bảo việc làm, đời sống của trên 4.000 cán bộ, công nhân viên và người lao động. Tuy số tiền lãi từ năm 2014 đến nay chưa lớn, nhưng đã cải thiện, xoay chuyển tình thế, giúp PVC từ nhiều năm thua lỗ chuyển sang hoạt động có hiệu quả”, một đại diện PVC nói.
Tại trụ sở PVC (trên đường Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội), trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đồng, nói: “Mọi việc đều chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Chiều qua (19/9), Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo PVC, đại diện các phòng ban và đơn vị trực thuộc thông báo tình hình hoạt động tổng công ty, động viên cán bộ công nhân viên yên tâm làm việc và chờ quyết định cuối cùng của cơ quan điều tra. Lãnh đạo phòng ban về phổ biến cho toàn bộ cán bộ nhân viên, người lao động. Hầu như ai cũng biết là chuyện từ giai đoạn trước”.
Công nhân PVC xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Đồng kể, thời gian qua, một vài phóng viên muốn viết về kết quả hoạt động và người lao động PVC từ khi có lãnh đạo mới, nhưng ông xin khất. Bởi vì “lúc này, những kết quả tốt, chúng tôi làm được từ 2014 đến nay dù có nói cũng không ai nghe mình. Nói ngược dòng thông tin chung (về các sai phạm – PV) lại thành lạc lõng, thậm chí gây phản ứng ngược”.
Video đang HOT
Về sự việc miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc Trần Minh Tuấn, ông Đồng cho biết, quyết định này dựa trên nguyện vọng cá nhân của ông Tuấn.
“Anh Tuấn có đơn xin từ chức cách đây cả tháng, trước khi quyết định khởi tố vụ án. Để miễn nhiệm, chúng tôi phải theo quy trình báo cáo lên lãnh đạo tập đoàn. PVC đã niêm yết trên sàn chứng khoán, vì vậy mọi thông tin đều có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong vòng 24h. Thời điểm nhận quyết định miễn nhiệm ông Tuấn trùng hợp với khi công bố khởi tố vụ án tạo nên nhiều nghi ngờ không tốt cho PVC”, ông Đồng nói.
Hiện, PVC triển khai thi công tại các công trình, dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, Nhà giàn DK… PVC tiếp tục tái cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty PVC; xử lý khoản công nợ tại các dự án.
Từ năm 2014 đến nay, hoạt động của PVC bắt đầu có lãi. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tổ hợp năm 2014 đạt 10,31 tỷ đồng; năm 2015 là 22,69 tỷ đồng; 6 tháng năm 2016 đạt 148,45 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận của Cty mẹ tăng lên nhanh chóng, từ 53 tỷ đồng năm 2014 lên 2,5 lần (tương đương 137 tỷ đồng) năm 2015; 6 tháng đầu năm 2016 lợi nhuận đạt gần 179 tỷ đồng.
Theo Quỳnh Nga
Tiền Phong
Ông Trịnh Xuân Thanh có bị dẫn độ nếu đang lưu trú ở Đức
"Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, dù hiệp định giữa hai nước đã hết hiệu lực", nguồn tin của VnExpress cho biết.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, ngày hôm qua đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, ra quyết định truy nã quốc tế về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, ngày 15/9, nhà chức trách đã khởi tố vụ án về cùng tội danh để làm rõ việc thất thoát gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. Hiện cựu tổng giám đốc PVC cùng hai cấp phó và kế toán trưởng đã bị bắt.
Trước thông tin đồn thổi có thể ông Thanh đã trốn sang Đức sau khi xin phép ra nước ngoài điều trị bệnh, nguồn tin của VnExpress cho biết Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức có hiệp định về tương trợ tư pháp nhưng hiện không còn hiệu lực. "Tuy nhiên, Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, không cần hiệp định", vị này nói.
Theo thượng tá Đào Anh Tuấn (Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Nội), thông thường lệnh truy nã quốc tế được phát ra nếu cơ quan điều tra có căn cứ hoặc nghi ngờ nghi can có dấu hiệu trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam. Khi đó, cơ quan điều tra cùng các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để truy tìm, bắt và dẫn độ nghi phạm.
Với trường hợp nghi can Trịnh Xuân Thanh, thượng tá Tuấn cho rằng lệnh truy nã quốc tế sẽ được cơ quan chức năng thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Công an) gửi cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Từ đây, Interpol quốc tế thẩm định rồi tải lên trang web của tổ chức này để phát "lệnh" trên mạng toàn cầu. Các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra của Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh trên toàn thế giới.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, dẫn độ tội phạm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự quốc tế và được thực hiện chủ yếu dựa trên các Điều ước quốc tế đa phương và Điều ước quốc tế song phương, nhằm trao trả người có hành vi phạm tội cho quốc gia mà người đó là công dân.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Nghi can Trịnh Xuân Thanh đang bị phát lệnh truy nã quốc tế. Ảnh: Công an nhân dân
Sai phạm liên quan ông Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong năm 2007-2013, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... Hậu quả, doanh nghiệp này mắc nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Ủy ban Kiểm tra chỉ ra, những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Với cương vị người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính.
Ông Thanh sau khi rời PVC ngập trong thua lỗ đã được luân chuyển nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ Công Thương như Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ tại Đà Nẵng, Vụ trưởng... trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Hiện sau những lùm xùm bị phát hiện, ông Thanh bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Ngày 8/9, Ban Bí thư kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Thanh.
Hơn một tháng qua, ông Thanh xin nghỉ phép ra nước ngoài để trị bệnh gout, đã đến thời hạn đi làm nhưng chưa thấy trở lại nhiệm sở. Số điện thoại ông thường sử dụng, nhiều ngày qua không liên lạc được.
Mai Chi
Theo VNE
Trịnh Xuân Thanh: Từ "thuyền trưởng" PVC đến bị truy nã quốc tế Sau khi ngồi ghế "thuyền trưởng" Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và chèo lái để tổng công ty thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh vẫn có một con đường công danh trải đầy hoa hồng, thăng tiến với tốc độ "siêu nhanh". Không ai có thể ngờ "con đường hoa hồng" ấy lại...