Lãnh đạo phải thế nào mới được nhận lương 60-70 triệu đồng/tháng?
Trước đề xuất lương lãnh đạo một số công ty có thể lên đến 70 triệu đồng/tháng, đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến, ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, chuyên gia tiền lương – cho rằng điều này không khả thi.
Dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến. Theo nội dung dự thảo thì, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có thể từ 60-70 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, các thành viên còn có thể nhận mức lương kế hoạch được xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận…
Mức lương áp dụng với các vị trí chức danh trong tập đoàn và tổng công ty nhà nước dự kiến được thí điểm. Ảnh: I.T
Bàn về nội dung trong dự thảo, ông Phạm Minh Huân cho rằng: “Tôi không hiểu lý do vì sao Bộ LĐTBXH lại đưa ra dự thảo và đề xuất thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với 3 tập đoàn, tổng công ty là: Công ty mẹ – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNTP); Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ – Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) (gọi chung là công ty). Không hiểu 3 đơn vị này có gì đặc thù?”.
Mặt khác, ông Huân cũng thắc mắc không hiểu việc triển khai, đánh giá tác động và mục đích của việc thí điểm này để làm gì. Ông Huân cho biết, trước đây ông được Viettel mời về làm chế độ tính lương cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị này. Đây là đơn vị đặc thù vì vừa làm nhiệm vụ kinh tế lại vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Lợi nhuận kinh tế thu về càng lớn thì tiền lương cũng càng tăng. Đài Truyền hình Việt Nam cũng vậy. Việc áp lương, thưởng đều tính trên hiệu quả kinh doanh và sản phẩm làm ra.
“Tôi thắc mắc, không hiểu Bộ LĐTBXH trình dự thảo lấy ý kiến với mục đích gì hay do mấy tổng công ty nhà nước kêu lương thấp, muốn đẩy lương lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức lương 36 triệu đồng đang trả cho người lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước là mức lương không thấp. Đây là lương cơ bản còn thực tế, doanh nghiệp làm ăn được thì doanh nghiệp vẫn có cơ chế thưởng” – ông Huân nói.
Ông Phạm Minh Huân.
Ông Huân cũng không đồng tình với đề xuất lương lãnh đạo của mấy công ty này lên đến 70 triệu đồng. “Lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng chỉ là người làm thuê cho Nhà nước. Lương phải gắn với hiệu quả kinh doanh, mức lương trong dự thảo đề xuất đang cao gấp đôi hiện tại” – ông Huân nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, việc ban hành Dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một bước nhằm hướng tới thực hiện cải cách toàn diện tiền lương trong cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp trơng thời gian tới.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, muốn cải cách gì thì cải cách lương phải gắn với hiệu quả, với thị trường. Đặc thù doanh nghiệp Nhà nước sở hữu tài sản công, ông tổng giám đốc chỉ làm thuê cho Nhà nước vì thế không thể đòi trả lương cao hơn so với giá thị trường. Một số đơn vị tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước bộ máy thì cồng kềnh, năng suất không tăng, lợi nhuận không tăng thì làm sao tăng lương được” – ông Huân nêu ý kiến.
Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án tiền lương áp dụng:
Phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành):
Loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hoạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.
Loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.
Phương án 2 (căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại công ty):
Loại 1, áp dụng đối với công ty mẹ – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Loại 2, áp dụng đối với công ty mẹ – Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Về mức tiền lương kế hoạch, dự thảo quy định:
Mức tiền lương kế hoạch xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề như sau:
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 02 lần mức lương cơ bản.
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn không quá 50% so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 02 lần mức lương cơ bản nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề.
Trường hợp lợi nhuận thấp hơn dưới 50% so với lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 01 lần mức lương cơ bản và tối thiểu bằng 50% so với mức lương cơ bản.
Trường hợp không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% so với mức lương cơ bản; lỗ thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% so với mức lương cơ bản.
Dự thảo hết hạn lấy ý kiến vào ngày 5/8/2019.
Theo Danviet
Lao động ngộp thở vì nắng nóng
Nắng nóng cao điểm khiến nhiều người lao động kiệt sức. Nhưng tối đến, họ cũng không ngủ được trong những khu nhà trọ giá rẻ, quạt không dám bật nhiều, điều hòa không dám lắp do lo ngại giá tiền điện tăng cao.
Tiền điện hết một góc tiền lương
Anh Đinh Văn Toàn (thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), công nhân may tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long cho biết, nhà nghèo, công việc chủ yếu làm nông nghiệp không đủ ăn nên hai vợ chồng anh phải rời quê lên Hà Nội tìm việc.
Dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều công nhân lao động vẫn phải núp trong những căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức. Ảnh: Tạ Nguyệt
"Công nhân lao động chính là lực lượng tạo ra của cải, vật chất, góp phần vào việc tạo ra những con số về GDP, xuất khẩu, vì vậy chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến họ".
Ông Ngọ Duy Hiểu
Anh Toàn tâm sự: "Hai vợ chồng tôi mỗi tháng làm được chừng 9 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt cũng gần hết. Khổ nhất là vợ đang nghỉ sinh, thu nhập của tôi chỉ được 5 triệu đồng, không biết lấy gì mà sống".
Hiện vợ chồng anh Toàn đang thuê một căn phòng cấp 4, vệ sinh chung với giá 500.000 đồng/tháng và giá điện là 3.000 đồng/1 số điện. Theo anh Toàn, mặc dù đây đã là loại phòng rẻ nhất nhưng hàng tháng vợ chồng anh vẫn phải trả chi phí từ 800 đến 1,3 triệu đồng cho tiền nhà và điện. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, chi phí này còn phát sinh tăng cao hơn.
"Trời nắng nóng, phòng mái tôn, nhiệt độ trong phòng có lúc lên đến 35-37 độ C, không bật điều hòa, đến người lớn cũng không chịu nổi chứ đừng nói con nhỏ. Nhưng bật điều hòa thì chúng tôi đến nhịn ăn để trả tiền điện. Như tháng vừa rồi, tiền điện hết 1,3 triệu đồng" - anh Toàn nói.
Theo anh Toàn, vợ chồng anh cũng như nhiều công nhân KCN khác khi thuê phòng trọ đa phần không nghĩ đến việc sinh sống lâu dài, nên không làm hợp đồng thuê nhà, mọi giao dịch với chủ nhà trọ chỉ là thỏa thuận miệng, nếu ở cảm thấy an ninh không tốt thì 2-3 tháng lại chuyển đi nơi khác.
Chị Vũ Thị Thu (công nhân Công ty Daiwa Plastics (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ, mức giá 3.000 đồng/1 số điện đang khiến nhiều công nhân đang thuê trọ như chị phải tìm chỗ chuyển đi nơi khác. "Đi làm cả ngày về mệt muốn nghỉ ngơi, nhưng phòng chật, nhà mái tôn rất nóng, có muốn bật điều hòa chút để ngủ ngon, nghĩ lại tiếc tiền điện" - chị Thu nói.
Khó quản lý giá điện riêng cho công nhân
Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Tuy nhiên, rất nhiều công nhân hiện nay chỉ có thể mua điện theo "giá thỏa thuận miệng" với chủ nhà (thường đổ đồng một giá cao - PV) mà không có hợp đồng mua bán điện để được mua giá điện theo quy định ngành điện.
Thừa nhận những khó khăn trong việc tiếp cận giá điện của công nhân, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện toàn xã có hơn 4.000 công nhân từ nơi khác đến thuê trọ. "Do địa bàn xã có số lượng công nhân đến thuê trọ quá lớn trong khi cơ sở vật chất, giao thông, đường điện... chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, việc quá tải thường xuyên xảy ra. Người lao động thường xuyên thay đổi địa điểm thuê trọ, không cố định nên việc làm mỗi hộ thuê nhà một hợp đồng điện không dễ" - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện quy định về giá bán điện cho người thuê nhà vẫn còn các trường hợp các chủ thuê trọ tự ý thu tiền điện cao hơn quy định. Vấn đề này đã có chế tài kiểm tra xử lý, nhưng việc ký kết hợp đồng thuê nhà thường không dùng hợp đồng cụ thể, mà chỉ thỏa thuận miệng giữa 2 bên trong đó có cả các chi phí như điện, nước... khiến công tác kiểm tra, xử lý việc vi phạm rất khó khăn. Công ty điện lực huyện đã có những hướng dẫn tách riêng song các chủ trọ thường tìm cách thu tăng tiền thuê trọ nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Thắng cho biết, điện lực huyện Đông Anh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã Kim Chung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường hợp thu giá điện công nhân sai quy định. Khi kiểm tra phát hiện sẽ lập hồ sơ chuyển sang Sở Công Thương để xử phạt hành chính.
Mới đây, trong cuộc họp tại tổ của các Đại biểu Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ ra thực tế đáng buồn về chất lượng sống của công nhân lao động. Theo ông Hiểu, những ngày qua, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C, nhiều công nhân lao động và con cái họ phải sống trong những dãy nhà thuê trọ lợp fibro ximăng chật hẹp, nóng bức. Giá điện tăng cao, tiền lương của họ không đủ trả tiền điện, tiền nhà, tiền sinh hoạt, nuôi con cái đi học...
Theo Danviet
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xin ứng 39 tỷ để trả lương Can bô va ngươi lao đông cua ban chi nhân đươc hai thang lương theo mưc cơ sơ tư cuối tháng 1 đên nay. Trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị (BQL) xin tạm ứng 39 tỷ đồng để chi tiền lương, thu nhập, khen thưởng và phúc lợi, đào tạo... cho người lao động nhằm...