Lãnh đạo Iran – Mỹ lần đầu điện đàm trong hơn 30 năm
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 27/9 đã trò chuyện với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani qua điện thoại và đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước kể từ năm 1979.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
Ông Obama đã nói về “cơ hội duy nhất” để cải thiện quan hệ với ban lãnh đạo mới của Iran, trong bối cảnh có các nỗ lực ngoại giao về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Trước đó, Tổng thống Rouhani cho hay Iran đã sẵn sàng để sớm đi tới một thỏa thuận. Ông cũng khẳng định rằng Iran không tìm cách phát triển bom nguyên tử như các cường quốc phương Tây lâu nay vẫn nghi ngờ.
Miêu tả các cuộc gặp tại Liên hợp quốc hồi tuần này là “bước đi đầu tiên”, nhà lãnh đạo Iran nói ông tin rằng vấn đề hạt nhân có thể được dàn xếp “trong tương lai không xa”.
Ông Rouhani nói các cuộc thảo luận ban đầu đã diễn ra trong bầu không khí khác hẳn với quá khứ.
Hãng tin Irna của Iran đưa tin, cuộc điện đàm với ông Obama được thực hiện ngay trước khi Tổng thống Rouhani rời New York, nơi ông đã tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Giới chức Nhà Trắng miêu tả cuộc điện đàm kéo dài 15 phút do ông Rouhani đề xuất là chân thành.
Trong cuộc điện đàm, ông Obama đã nêu ra những lo ngại về các tù nhân Mỹ tại Iran, nhưng phần lớn cuộc trò chuyện là về các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hạt nhân.
Sau đó, ông Obama nói: “Mặc dù sẽ còn những trở ngại lớn và sự thành công chưa được đảm bảo, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể đi đến một giải pháp toàn diện”.
Ông Rouhani, người được xem là một nhân vật ôn hòa và mới đắc cử hồi tháng 6, cho biết ông muốn đi đến một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân trong thời gian từ 3-6 tháng.
Video đang HOT
Tổng thống Iran nói ông được lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trao toàn quyền để đàm phán về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Rouhani phát biểu tại một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc ngày 27/9: “Bất kể kết quả nào mà chúng tôi đạt được thông qua các cuộc đàm phán, chỉnh phủ của tôi sẽ có sự ủng hộ hoàn toàn của tất cả các cơ quan quyền lực chính tại Iran cũng như người dân”.
Và ông Rouhani nói ông muốn một thỏa thuận “trong thời gian rất ngắn”.
Các cuộc đàm phán liên tiếp trong tháng 10
Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay tổ chức này đã có các cuộc đàm phán “rất xây dựng” với Iran tại Vienna, Áo.
Phó tổng giám đốc IAEA Herman Nackaerts không tiết lộ các thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán ngày 27/9, nhưng cho biết hai bên sẽ gặp lại nhau vào ngày 28/10.
Đại phái viên Iran tại IAEA, ông Reza Najafi, cũng cho biết “cuộc đàm phán mang tính xây dựng” và mục đích là đi đến một thỏa thuận “càng sớm càng tốt”.
Hôm 26/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có cuộc gặp hiếm hoi với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.
Mỹ và Trung Quốc cho biết họ đang đợi Iran trả lời về một đề xuất hiện có do nhóm P5 1 (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đưa ra.
Nhóm P5 1 đã đề nghị Iran ngừng sản xuất và tích trữ uranium làm giàu 20% – một bước đi nhằm tránh khỏi việc đạt được khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhóm cũng yêu cầu Iran đóng cửa cơ sở làm giàu dưới lòng đất Fordo, gần thành phố Qom.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và P5 1 dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 và Tổng thống Rouhani cho biết Iran sẽ mang đến cuộc gặp một kế hoạch, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
An Bình
Theo BBC
Quan hệ Iran và phương Tây: Băng dần tan chảy?
Vào ngày thứ Năm tuần này (26/9), Ngoại trưởng Iran sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng của 6 cường quốc hàng đầu thế giới để bàn thảo về chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của nước này, hãng thông tấn IRNA của Iran hôm qua (23/9) đưa tin.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao của Iran và nhóm P5 1 đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York vào ngày 26/9 tới.
Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Iran và những người đồng cấp đến từ các nước P5 1 kể từ sau cuộc đàm phán ở Almaty, Kazakhstan hồi tháng Tư. Tại cuộc gặp, các nước sẽ thảo luận về cách thức trấn an những lo ngại về việc Tehran có thể sử dụng công nghệ hạt nhân của mình để sản xuất vũ khí nguyên tử.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr
Cuộc đàm phán sắp tới cũng là cuộc gặp đầu tiên trong vòng 6 năm giữa Ngoại trưởng Mỹ và Iran kể từ khi bà Condoleezza Rice gặp cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manoucher Mottaki ở Ai Cập hồi tháng 5/2007. Diễn biến mới này hứa hẹn dấu hiệu tan băng trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran , vốn bị cắt đứt kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Quyết định tổ chức cuộc đàm phán vào ngày 26/9 được đưa ra sau cuộc gặp giữa Cao ủy Đối ngoại của Liên minh châu Âu - bà Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tại đây, ông Zarif cho biết: "Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Ashton và đã nhất trí nối lại đàm phán giữa Iran và Ngoại trưởng các nước P5 1 tại New York vào ngày thứ Năm tuần này". Trong khi đó, bà Ashton cho biết: "Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận tốt đẹp và mang tính xây dựng. Chúng tôi không thảo luận về chi tiết những gì chúng tôi sẽ làm. Mục đích của cuộc họp này là để thiết lập cách thức chúng tôi tiến về phía trước".
Cũng trong hôm qua, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama không loại trừ khả năng sẽ tổ chức một cuộc gặp với người đồng cấp Iran bên thềm cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần nay mặc dù chưa có cuộc đối thoại song phương nào được lên kế hoạch trước đó.
"Chúng tôi không loại trừ một cuộc hẹn", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng - ông Ben Rhodes cho biết, đề cập tới cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ sử dụng chuyến thăm tới trụ sở Liên Hợp Quốc để giới thiệu "diện mạo thật của Iran", đồng thời theo đuổi các cuộc đàm phán và hợp tác với phương Tây nhằm chấm dứt những tranh cãi xoay quanh chương trình hạt nhân của Tehran .
Tuyên bố của ông Rouhani có đoạn: "Thật không may, trong những năm gần đây, bộ mặt của Iran , một nước lớn và văn minh, đã được thể hiện theo một cách khác. Tôi và những đồng nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để giới thiệu về diện mạo thực của Iran , một quốc gia văn minh và yêu chuộng hòa bình".
Mỹ và các cường quốc phương Tây từ lâu đã nghi ngờ Iran đang ngầm sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Iran một mực bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình là sản xuất điện năng.
Với quan điểm cứng rắn và có phần đầy thách thức của cựu Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad , Iran tuyên bố sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân đến cùng bất chấp mọi sự trừng phạt và sức ép của cộng đồng quốc tế. Khác với giọng điệu đầy "gai góc" của cựu Tổng thống Amadinejad, ông Rouhani có vẻ "mềm mỏng" hơn, nhưng chưa biết quan điểm của ông về chương trình hạt nhân có giống với người tiền nhiệm hay không.
Nga bàn giao nhà máy hạt nhân Bushehr cho Iran
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày hôm qua (23/9), Nga đã chính thức bàn giao nhà máy điện hạt nhân Bushehr cho Iran , người phát ngôn của tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga - Rosatom cho hay.
"Hôm nay, ở Bushehr, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran đã được chuyển giao cho khách hàng", người phát ngôn cho biết.
Tổng thống Iran - ông Hassan Rouhani nói trong một tuyên bố về sự kiện này rằng, Tehran luôn "mở rộng" hợp tác về năng lượng hạt nhân và sẵn sàng thiết lập nền tảng cho sự hợp tác ngày một toàn diện hơn. Ông Rouhani cũng bày tỏ hy vọng rằng, tất cả các quốc gia sẽ nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Nhà máy điện nguyên tử này có tổng công suất 1.000 MW, sẽ được phía Nga bảo hành trong 2 năm với sự hướng dẫn và giúp đỡ kỹ thuật của đội ngũ chuyên gia Nga.
Ông Salehi, người có mặt tại buổi lễ bàn giao vào ngày 23/9, bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm kết thúc các vòng đàm phán hiện nay về việc Nga giúp Iran xây dựng thêm một nhà máy điện nguyên tử nữa trong tương lai.
Bushehr là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Iran nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung. Ban đầu, nhà máy được Công ty Kraftwerk Union AG thuộc Tập đoàn Siemens của Đức khởi công xây dựng năm 1975 nhưng sau đó đã bị ngừng lại do cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran (2/1979) và chiến tranh Iraq-Iran (1980-1988). Năm 1994, Nga đồng ý hoàn thiện nốt việc xây dựng nhà máy, nhưng mọi việc chỉ được thực sự bắt đầu sau đó một năm.
Hồi tháng 8/2012, Nga và Iran đã cho vận thành thử nghiệm toàn bộ công suất thiết kế của tổ máy đầu tiên trong nhà máy điện nguyên tử Bushehr.
Năm 2013, toàn bộ phần việc xây dựng nhà máy được hoàn tất sau nhiều lần bị trì hoãn do những quan ngại của Mỹ, phương Tây và các nước Ả-rập trong khu vực.
Theo_VnMedia
Tổng thống Mỹ và Iran không gặp nhau tại New York Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã không gặp nhau bên lề phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 68 ở New York, cho thấy sự không tin tưởng lẫn nhau vẫn còn sâu sắc. Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Các nguồn tin tại...