Lãnh đạo đảng đối lập Campuchia vu cáo Việt Nam
“Căn cứ nào để tuyên bố đảo Phú Quốc không phải của Việt Nam? Người dân Việt Nam đã sống ở đó từ rất lâu đời, đó là sự thật rõ như ban ngày”, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia Vũ Mão trả lời phỏng vấn VnExpress xung quanh tuyên bố của lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia Sam Rainsy về vấn đề biên giới lãnh thổ.
Nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia Vũ Mão. Ảnh: Vũ Hà
- Xin ông cho biết Sam Rainsy là ai, có vai trò gì ở Campuchia và quan điểm của ông này về Việt Nam?
Ông Sam Rainsy là Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng về thứ hai trong cuộc bầu cử hôm 28/7, sau đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo.
Tôi từng chủ trì đón tiếp đón vợ chồng ông Sam Rainsy thăm Việt Nam hơn 10 năm trước, khi ông ấy là nghị sĩ trong quốc hội Campuchia và tôi là Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đồng thời là Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Khi đó, vợ chồng Rainsy bày tỏ nguyện vọng sang thăm Việt Nam và phía Việt Nam đồng ý và giao cho tôi chủ trì đón tiếp và làm việc.
Tháng 10/2011, Sam Rainsy tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nhổ sáu cọc dấu tạm thời mang về Phnom Penh. Sau đó, ông này bị xử tù 11 năm về tội tuyên truyền thông tin sai lạc và phá hoại tài sản quốc gia, giả mạo, phát hành tài liệu và bản đồ sai trái nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia. Rainsy sống lưu vong tại Pháp để trốn tránh bản án và vừa được Hoàng gia Campuchia ân xá trong tháng 7.
Lần ấy ông Sam Rainsy đã giãi bày với tôi nhiều điều. Ông tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự chí tình chí nghĩa của quân đội và nhân dân Việt Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát ra khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Ông cũng mong muốn đảng của ông cũng như cá nhân ông có được mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.
Tuy nhiên, sau kết quả bầu cử và đảng do ông này lãnh đạo thất bại, ông ta đã có những phát ngôn có tính vu cáo liên quan đến Việt Nam, khiến tôi khá bất ngờ.
- Vì sao ông này lại đưa ra quan điểm chống lại Việt Nam?
Video đang HOT
- Theo tôi, những phát biểu và hành động của Rainsy trong những năm gần đây chống lại và vu cáo Việt Nam, là có ý đồ riêng của ông, bất chấp chân lý và sự thật, và phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, để mưu lợi cho đảng của ông ta trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Tôi nghĩ rằng, là một người có học vấn, là một chính khách, đáng nhẽ ông ấy phải có lương tâm và có hiểu biết, phải tôn trọng sự thật chứ không phải vì mục đích chính trị cho bản thân và cho đảng của mình, mà đổi trắng thay đen, chà đạp lên chân lý, vu cáo nước khác mà nhất là Việt Nam, nước đã hết lòng giúp đỡ trong thời kỳ khó khăn nhất của Campuchia. Rainsy không xứng đáng là một công dân và không xứng đáng là một chính khách.
- Ông đánh giá thế nào về quan điểm của ông Rainsy đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở đảo Phú Quốc của Việt Nam, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Hun Sen hiến đất cho Việt Nam trong gần 30 năm cầm quyền và Campuchia sẽ đuổi Việt kiều về nước?
- Về Phú Quốc, có căn cứ nào chứng tỏ đó không phải là lãnh thổ Việt Nam? Cư dân Việt Nam đã sinh sống ở đó từ rất lâu đời, đó là sự thật rõ như ban ngày. Việt Nam luôn giữ quan điểm “không lấy một tấc đất của ai”.
Về việc đổ lỗi, vu cáo ông Hun Sen, cũng là một hành động không tốt. Các vu cáo đó không phải là sự thật. Bản thân Thủ tướng Hun Sen từng nói rằng trước các sự kiện chính trị quan trọng của Campuchia, đảng đối lập thường nói xấu đảng Nhân dân Campuchia của ông cũng như cá nhân ông, thậm chí chính quyền của ông Hun Sen còn bị chỉ trích vì thân Việt Nam. Ban đầu ông cũng bỏ qua, nhưng sau khi những lời vu khống xuất hiện quá nhiều, Thủ tướng Hun Sen phải công khai xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để phản đối những lời phát biểu của phe đối lập.
Theo ông Hun Sen, thời điểm mà Campuchia lâm nguy nhất, chính Việt Nam đã không quản gian khó và hy sinh để sang cứu giúp nhân dân Campuchia. Trung Quốc không giúp đỡ, Mỹ cũng không nhảy vào, mà chỉ có Việt Nam xuất hiện vào thời khắc Campuchia khó khăn nhất, nên ông Hun Sen và nhân dân Campuchia vô cùng biết ơn nhân dân Việt Nam.
Trong các chuyến thăm Campuchia của các đoàn Cựu quân tình nguyện Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, các mẹ, các chị, các anh và người dân Campuchia đều hết lòng cảm ơn Việt Nam. Ông Hun Sen cũng nhiều lần chia sẻ rất chân thành rằng: Chúng tôi không hề ngượng ngùng vì chúng tôi thân thiết với Việt Nam. Các nước khác trên thế giới ở bên ngoài, họ không thể hiểu được hết mối ân tình này.
Trong tương lai, cộng đồng quốc tế cứ theo dõi những hành động của các bên ở Campuchia thì mọi người sẽ tự hiểu thêm về bản chất của mỗi bên và của ông Sam Rainsy.
Hình ảnh những tử tù Campuchia tại nhà tù Tuol Sleng, khu di tích ghi lại tội ác diệt chủng của chế độ Pol Pot. Ảnh: Đoàn Loan
- Trong một cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến lập trường của CNRP, ông Rainsy nói: “Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc”, theo ông, vì sao Sam Rainsy công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển?
- Ông ấy chẳng có căn cứ gì. Nếu có căn cứ ông ta sẽ đưa ra và Việt Nam sẵn sàng trao đổi. Dư luận quốc tế và Campuchia có thể đánh giá được những phát biểu của ông ấy thực ra chỉ là sự xu nịnh để có lợi cho đảng và cá nhân ông ta.
Đáng nhẽ sau khi được ân xá, ông Sam Rainsy phải hiểu được việc làm ân nghĩa của Quốc vương Norodom Sihamoni và Thủ tướng Hun Sen, tạo điều kiện để ông quay về xây dựng đất nước, nhưng ông ta lại bôi đen lịch sử, nịnh hót và phá hoại mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Đây không phải là hành động của một chính khách tử tế.
- Cộng đồng quốc tế có quan điểm như thế nào về việc ông Rainsy yêu cầu điều tra kết quả bầu cử?
- Đây là công việc nội bộ của Campuchia, họ vẫn đang giải quyết với nhau nên các nước khác và cộng đồng quốc tế không can thiệp. Về phía Thủ tướng Hun Sen, ông sẵn sàng cho xem xét, kiểm tra lại các khâu của cuộc bầu cử để đảm bảo tính dân chủ, công bằng, minh bạch, công khai. Đây là một hành động rất thiện chí, tôn trọng đối thủ của ông Hun Sen.
Nếu gian lận, áp đặt trong bầu cử thì không thể xuất hiện kết quả đảng CNRP có thêm nhiều ghế so với cuộc bầu cử trước. Tôi cho rằng ông Rainsy kêu gào vậy là “cố đấm ăn xôi”, bất chấp tất cả mọi thủ đoạn để có lợi cho mình.
Các phát biểu của ông Rainsy mang màu sắc tính toán chính trị, lợi dụng cuộc bầu cử để kích động nhân dân Campuchia. Như vậy có thể có lợi nhất thời, nhưng không phải là chân lý và hướng đi đúng đắn, nên sẽ phải chuốc lấy thất bại.
Chúng ta vẫn luôn tin tưởng rằng nhân dân Campuchia yêu mến và biết ơn sâu sắc đối với Việt Nam như lời của Thủ tướng Hun Sen và các bà, các mẹ và người dân Campuchia đã nói.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VNE
Campuchia thay tư lệnh quân cảnh Phnom Penh
Chính phủ Campuchia hôm nay bổ nhiệm Phó Tư lệnh quân cảnh, tướng Pi Sen, thay trung tướng Da Kim Ay làm Tư lệnh quân cảnh thủ đô Phnom Penh.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 diễn ra hôm 28/7 vừa qua.
Một số nguồn tin cho rằng tướng Da Kim Ay bị cho là phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vụ xung đột giữa những cử tri ủng hộ đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) với lực lượng quân cảnh ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh trong thời điểm diễn ra bầu cử, khiến hai xe quân cảnh đang làm nhiệm vụ bị lật đổ và đốt cháy.
Một ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 tại Campuchia kết thúc, Tổ chức Đại hội quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hiệp hội các đảng dân chủ châu Á-Thái Bình Dương (CAPDI) tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 ở Campuchia diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.
Người ủng hộ đang CPP của ông Hun Sen trên đường phố. Ảnh: AFP
Tại cuộc họp báo báo tổ chức ở Phnom Penh sáng 29/7, Chủ tịch CAPDI, ông Jose Devenecia nhấn mạnh rằng tổng kết hoạt động giám sát bầu cử cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 đã thành công, kết quả bầu cử phản ảnh ý nguyện của cử tri, cho thấy dân chủ ở Campuchia đã được củng cố.
Hôm nay đảng bảo hoàng FUNCINPEC đã đề nghị thành lập một ủy ban độc lập để điều tra những vi phạm trong cuộc bầu cử. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, FUNCINPEC không giành được ghế nào trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, trong khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền được 68 ghế, đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập được 55 ghế trong Quốc hội 123 ghế.
Cùng ngày, Chủ tịch đảng CNRP đối lập Sam Rainsy cũng gửi kiến nghị lên Ủy ban Bầu cử Quốc gia yêu cầu thành lập ủy ban chung điều tra những sai phạm trong bầu cử. Ủy ban bầu cử chung sẽ gồm đại diện của các chính đảng, Liên hợp quốc và các tổ chức dân sự. Trước đó ông Sam Rainsy dọa sẽ kêu gọi biểu tình toàn quốc để phản đối kết quả bầu cử. CNRP cũng tổ chức họp báo tuyên bố không công nhận kết quả này.
Chủ tịch đảng CNRP Sam Rainsy trong cuộc họp báo ngày 29/7, nói không công nhận chiến thắng về phía CPP. Đảng của ông Sam Rainsy giành được thêm nhiều ghế, từ 29 lên 55 trong bầu cử lần này. Ảnh: AFP
Theo VNE
Campuchia: Đảng CPP giành thắng lợi bầu cử Quốc hội khóa V Người phát ngôn chính phủ Campuchia cho biết đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội lần V với số phiếu thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Trong khi đó, bạo lực hậu bầu cử đã xảy ra tại một số điểm. Đảng CPP cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen...