Lãnh đạo công ty xổ số lương trung bình 60 triệu, nhân viên 26 triệu
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang trả lương bình quân cho viên chức quản lý 60,8 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của 121 cán bộ công nhân viên khác gần 26,2 triệu đồng/người/tháng nhưng vừa bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu nộp bổ sung ngân sách nhà nước trên 98,8 tỷ đồng.
Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang (Ảnh: Minh Giang).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Tiền Giang không thực hiện đúng quy định của Thông tư 171/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về công khai thông tin đối với công chúng.
Cụ thể, trong năm 2013-2014 công ty chỉ đăng thông tin về báo cáo tài chính mà không công khai các thông tin như các quyết định, nghị quyết quan trọng của HĐQT, các thông tin về lao động tiền lương (số lượng người lao động, tiền lương người lao động, tiền lương bình quân tháng/năm, số lượng viên chức quản lý).
Theo số liệu do công ty cung cấp, tiền lương và các khoản thu nhập khác năm 2014 gồm: Lương viên chức quản lý (4 người) có thu nhập bình quân 60,8 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân năm là 730 triệu đồng/người/năm.
Thu nhập bình quân của 121 cán bộ công nhân viên gần 26,2 triệu đồng/người/tháng và 314 triệu đồng/người/năm. Ban kiểm soát có 3 người, thu nhập bình quân 4,14 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phát hiện vào năm 2013 Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang trích 60 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển để chuyển cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định 71/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Năm 2014, công ty này trích 60 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển khi đã được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ, theo Thanh tra Chính phủ, là trái với quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số.
Ngoài ra, tại biên bản làm việc ngày 2/7/2015 giữa Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang đã thống nhất công ty này phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước số tiền trên 38,8 tỷ đồng về khoản chênh lệch do trích quỹ dự phòng tổn thất đầu tư tài chính vượt mức quy định đối với việc trích dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đối với khoản đầu tư tại Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm đến 31/12/2014.
Kết luận thanh tra cho biết tại Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng quy định: Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung theo quy định với Sở Tài chính, sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, về Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
“Tuy vậy, công ty chưa thực hiện quy định này. Trách nhiệm này thuộc Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang”- cơ quan thanh tra khẳng định.
Video đang HOT
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang nộp bổ sung ngân sách nhà nước số tiền trên 98,8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, mới đây báo chí đã phanh phui sự việc vào tháng 10/2014, ông Nguyễn Văn Khang (Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) đã ký quyết định cử hai đoàn đi công tác ở Mỹ để học tập kinh nghiệm về… xổ số. Theo quyết định này, UBND tỉnh Tiền Giang cử cán bộ đi công tác ở Mỹ căn cứ đề nghị của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang với mục đích nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Toàn bộ kinh phí chuyến đi sử dụng từ nguồn hoạt động kinh doanh năm 2014 của công ty, riêng tiền tiêu vặt của 5 cán bộ lãnh đạo tỉnh thì lấy từ nguồn kinh phí của Sở Ngoại vụ.
Tiếp đó, như Dân trí phản ánh, vào tháng 11/2015 người dân tỉnh Tiền Giang còn xôn xao về việc UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định cử cán bộ đi “học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập do tác động biến đổi khí hậu toàn cầu” tại Hà Lan và Nga từ ngày 24/11 đến ngày 5/12 với đoàn gồm 14 người là cán bộ nhà nước và 6 chủ doanh nghiệp.
Danh sách 14 người là cán bộ nhà nước gồm: ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Minh Điều – Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Cần – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Ngô Văn Tuấn – Giám đốc Sở Công thương; ông Huỳnh Dũng Tiến – Viện trưởng VKSND tỉnh; ông Nguyễn Thành Diệu – Phó Giám đốc Sở ngoại vụ; ông Trần Văn Dũng – Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh; bà Phạm Thi Mai Tiên – Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp; ông Trần Hoàng Nhật Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây; ông Nguyễn Thiện Pháp – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi; ông Nguyễn Đức Minh – Chủ tịch HĐND TP Mỹ Tho; ông Phạm Thanh Tâm – Trưởng phòng Kinh tế (Văn phòng UBND tỉnh); ông Dương Hữu Lộc – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang.
Ngoài ra còn mời thêm 6 chủ doanh nghiệp là Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang; Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuận Phú; Giám đốc Công ty Xăng dầu Hồng Đức; Giám đốc Công ty Xây dựng Dịch vụ thương mại Hữu Đức và Phó giám đốc Công ty CP Hùng Vương .
Tham gia chuyến đi “học tập” này hầu hết là cán bộ sắp về hưu hoặc cán bộ không thuộc chuyên môn. Chuyến đi “học tập kinh nghiệm” kỳ lạ với kinh phí dự kiến được lấy từ nguồn xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang gây bức xúc dư luận và chỉ đến khi báo chí phanh phui, phản ánh thì mới bị hủy bỏ.
Thế Kha
Theo Dantri
Đi ngược lòng dân, bất chấp Phó chủ tịch chỉ đạo, quận Ba Đình "thúc" xây cống mới
Vụ 146 Quán Thánh đang trở thành tâm điểm của dư luận bởi cách ứng xử của chính quyền với lòng dân. Bất chấp chỉ đạo của Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, đi ngược với lòng dân, UBND phường Quán Thánh vừa có văn bản cho biết quận Ba Đình đã tiếp tục chốt lịch "thúc" xây bằng được đường cống mới.
"Truy" nguyên nhân nhấn chìm nhà 146 Quán Thánh trong xú uế
Một chiếc cống tắc tại số nhà 146 Quán Thánh đã không chỉ còn là câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật của người dân tại đây bởi nó đang nhận được sự quan tâm và theo dõi đặc biệt của cả vạn người dân trên cả nước. Phía sau sự hồ hởi khi Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng quyết liệt chỉ đạo thanh tra sổ đỏ nhà 5 Đặng Dung, yêu cầu quận Ba Đình lên phương án đồng thuận với người dân để xử lý ô nhiễm ở nhà 146 Quán Thánh, thì cả vạn người dân "nín thở" theo dõi động thái chống lệnh bất thường của chính quyền quận Ba Đình.
Các nội dung chỉ đạo của Phó chủ tịch TP. Hà Nội chưa được quận Ba Đình và phường Quán Thánh thực hiện nghiêm túc.
Việc người dân số nhà 146 Quán Thánh căng băng rôn, khẩu hiệu, dàn hàng phản đối dữ dội quận Ba Đình xây cống mới thì đã rõ nhưng để có thông tin tham khảo cho UBND quận Ba Đình về lòng dân, báo Dân trí mở cuộc thăm dò dự luận có hơn 12.000 người dân tham gia, thì tới 92,79% ủng hộ việc khôi phục đường cống cũ bị tắc bởi bê tông, giẻ rách dưới nền nhà số 5 Đặng Dung thay vì xây đường cống mới bằng ngân sách theo chủ trương của Chủ tịch UBND quận Ba Đình.
Lòng dân là như thế. Chỉ đạo quyết liệt của Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng là thuận với lòng dân.
Tuy nhiên, khi người dân chưa thống nhất với phương án xây đường cống mới do quận Ba Đình và phường
Thế nhưng, ngày 4/11/2015, bất chấp lòng dân, UBND phường Quán Thánh vừa tiếp tục ban hành một văn bản gửi các hộ dân 146 Quán Thánh lạnh lùng chốt thông báo: Ngày 10/11/2015 (ngày mai - PV), chính quyền sở tại sẽ tiếp tục thi công giai đoạn 2 hệ thống thoát nước bao gồm các phần nằm trong biển số nhà 146 Quán Thánh.
Việc UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh " nỗ lực" đẩy nhanh tiến độ thi công phần cống trong khuôn viên số nhà 146 Quán Thánh ở thời điểm sắp công cố kết luận thanh tra sổ đỏ nhà số 5 Đặng Dung khiến dư luận đặt dấu hỏi: Vì sao chính quyền địa phương phải cố thi công bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân? Vì lý do gì UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh sốt sắng thi công hoàn thành "kế hoạch"? Và tại sao chính quyền tại đây lại bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo thành phố để đi ngược lòng dân?
Người dân số nhà 146 Quán Thánh phản đối kịch liệt việc xây đường cống mới khi chưa công bố kết luận thanh tra sổ đỏ nhà số 5 Đặng Dung.
Bất chấp việc hàng chục người dân "ăn trực nằm chờ" phản đối, UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh vẫn quyết tâm xây dựng đường cống mới khi chưa tìm được sự đồng thuận theo chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng.
Theo người dân sống tại nhà 146 Quán Thánh, sở dĩ họ cực chẳng đã phải kịch liệt phản đối phương án xây đường cống mới của UBND quận Ba Đình bằng ngân sách bởi 3 nguyên nhân. Thứ nhất, thay vì thông đoạn ống cống có từ bao đời nay vốn chỉ tắc có 5m, UBND quận Ba Đình lại muốn nối một đường ống thay thế chạy dài gấp 10 lần đi vòng, làm thế quá tốn kém, phi lý.
Thứ hai, là mặt đường Quán Thánh cao hơn nền nhà số 146 rất nhiều, nên để làm được đường ống thoát nước ra ngoài, phía thi công sẽ phải đào sâu xuống dưới nền đất. có tới 4 hố ga), nên khi đường ống đi lòng vòng, hố ga bị tắc thì người dân lo lắng không biết lại phải cầu cứu đến ai. Hơn nữa, nhà 146 Quán Thánh là một ngôi biệt thự cổ gần 100 năm tuổi, lại nhiều năm bị ngập nước thải. Nếu đưa máy móc vào đào xới rầm rầm để làm đường cống mới sẽ gây nguy cơ đổ sập thì hậu quả khôn lường.
Thứ ba, việc xây dựng đường ống cống thì phải đập miếu thờ và bể nước chung ở sân, đó không chỉ là nếp sinh hoạt hàng ngày, mà còn là đời sống tâm linh của dân bao năm ở đây.
Vì vậy, người dân chỉ muốn thông đoạn ống cống vốn chỉ tắc có 5m nhưng họ không hiểu tại sao UBND quận Ba Đình lại cứ khăng khăng muốn xây đường cống mới để "né" một hộ dân nhà số 5 là hộ nhà ông Nguyễn Xuân Minh ở khu này vốn đã bị tố bịt đường ống cống chung, dẫn tới việc nước cống không thể thoát đi đâu và gây ô nhiễm nặng nề.
Trong khi đó, nhà ông Minh vẫn bình chân như vại vì nhà ông ta có cửa thông ra sân chung nhưng luôn đóng chặt và không bị ảnh hưởng vì đã trổ cửa ra mặt phố Đặng Dung. Vì muốn "né" hộ này mà chính quyền quận sở tại chấp nhận tốn kém và không quan tâm đến phương án họ đưa ra ảnh hưởng tới chục hộ khác.
Trong câu chuyện 146 Quán Thánh này, lòng dân chẳng hợp lý và đáng được trân trọng hay sao?
Thông báo sẽ tiếp tục thi công đường cống mới vào ngày 10/11/2015 của UBND phường Quán Thánh đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của các hộ dân.
Nguy cơ nhãn tiền vẫn còn trước đó khi ngày 6/10/2015, nhiều công nhân cùng máy móc đã tập trung khoanh vùng khu vực ngay trước lối dẫn vào khu nhà 146 Quán Thánh, tiến hành đào xới thẳng đến trước cổng vào khu nhà. Hàng chục người dân tại đây đã tập trung, chắn kín lối vào để phản đối cùng với tâm băng rôn: "Nhân dân 146 Quán Thánh phản đối việc cưỡng ép đào cống mới, yêu cầu khôi phục trả lại đường cống cũ bị bịt phá".
Đón nhận thông báo của UBND phường Quán Thánh về việc ngày 10/11/2015, tiếp tục thi công phần cống trong khuôn viên nhà 146 Quán Thánh, bà Lê Tuyết Băng đại diện cho số nhà 146 Quán Thánh không giấu nổi bức xúc, bà Băng cho biết: "Phó chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo quận Ba Đình họp bàn thống nhất với người dân, nhưng UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh vẫn "bỏ ngoài tai" và tổ chức đưa người, máy vào thi công rầm rộ bất chấp sự phản đối của người dân. Nhà 146 là biệt thự cổ có tuổi thọ hàng trăm năm đã xuống cấp, nếu việc thi công đường cống trong khuôn viên biển số nhà dẫn đến việc sập nhà như đã xảy ra ở biệt thự 107 Trần Hưng Đạo thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm?.
Vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo là nỗi ám ảnh với người dân nhà 146 Quán Thánh, ngôi biệt thự cũng đã có tuổi thọ trên 100 năm.
Những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ cho nhà số 5 Đặng Dung cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm, cống tắc ở đâu phải thông ở đó mới đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật. Người dân 146 Quán Thánh luôn tin tưởng Phó chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng sẽ giám sát chặt chẽ những chỉ đạo đã đưa ra đối với Thanh tra Thành phố, cũng như UBND quận Ba Đình. Người dân mong chờ TP. Hà Nội sẽ sớm công bố kết luận thanh tra và có biện pháp xử nghiêm sai phạm, chừng nào kết luận thanh tra chưa được công bố người dân số nhà 146 Quán Thánh sẽ phản đối đến cùng việc xây đường cống mới trong khuôn viên số nhà...".
Thêm một câu chuyện để thử thách lòng dân ngay tại quận trung tâm của cả nước. Nếu ngày mai, quận Ba Đình quyết ra quân xây bằng được đường cống mới thì quả thực họ đã thắng hơn 10 hộ dân 146 quán Thánh nhưng đó lại là một bàn thua trước lòng dân.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Ngọc Cương
Theo Dantri
Nhiều sai phạm ở BV Đa khoa trung tâm An Giang Thanh tra tỉnh An Giang vừa tổ chức công bố kết luận thanh tra về việc thất thoát vật tư y tế kho y cụ và thanh tra toàn diện khoa Dược, khoa Xét nghiệm thuộc BV Đa khoa trung tâm An Giang. Thanh tra tỉnh đã phát hiện hàng loạt sai phạm và hai trong số đó đã được chuyển sang cơ...