Lãnh đạo công khai trang Facebook: Sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của người dân
Khi thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được đăng tải lên một trang facebook của các lãnh đạo, có nghĩa là sẽ có rất nhiều người biết, và đương nhiên lãnh đạo đó cũng biết, nên họ khó có thể “lờ đi” mà không có lý do chính đáng.
Ảnh chụp trang Facebook của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Những ngày gần đây, báo chí trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo một số cơ quan nhà nước đã chính thức công bố trang Facebook của mình để lắng nghe ý kiến nhân dân và tiếp nhận thông tin liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực do mình quản lý. Có thể thấy đây là cách làm mở ra triển vọng khả quan trong việc tiếp nhận thông tin từ cộng đồng phản ánh về hoạt động của các cơ quan công quyền cũng như những cá nhân có liên quan. Mở rộng ra và xem xét khía cạnh tích cực hơn nữa, nhiều người cho rằng cách làm này cũng sẽ rất có hiệu quả đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, một vấn đề đang rất bức xúc hiện nay.
Có thể thấy, việc người sử dụng mạng xã hội đăng tải lên trang cá nhân của mình những hình ảnh, video ghi lại những hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà rất ít trường hợp người đứng đầu các cơ quan được đề cập lên tiếng phản hồi khi nội dung này chưa được các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước lên tiếng. Thậm chí có những trường hợp bị “bỏ quên” hoặc rơi vào im lặng do thông tin không đến được với người có thẩm quyền. Do vậy, việc người đứng đầu các cơ quan công quyền lập trang cá nhân trên mạng xã hội để tiếp nhận thông tin từ công dân là cần thiết, bởi nó đảm bảo được rằng, người gửi thông tin đã gửi tới đúng địa chỉ và họ có thể được nhận phản hồi từ người có thẩm quyền ngay tại địa chỉ đó mà không cần phải chờ đến khi các cơ quan báo chí xác minh, lên tiếng.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì rõ ràng đây cũng là một kênh tiếp nhận thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Và với khả năng cũng như tốc độ lan truyền thông tin của mạng xã hội thì người có thẩm quyền và cơ quan quản lý khó có thể “lờ đi” hoặc không lên tiếng trả lời một cách chính thống.
Một trong những vấn đề khó khăn đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần liên kết số Đại An phân tích: Để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân khi cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nói riêng và các thông tin khác nói chung lên mạng xã hội, người đăng tải có thể ẩn danh bằng cách không công khai thông tin cá nhân, thậm chí có thể lập một tài khoản mới không chứa đựng các thông tin cá nhân của mình rồi dùng tài khoản đó để đăng tải. Cách làm này khiến người bị tố cáo khó xác định ai là người đăng tải nội dung, tài liệu tố cáo họ. Điều này có nghĩa là, nếu cơ quan chức năng hoặc người đứng đầu các cơ quan này có trang mạng xã hội của cá nhân mình, công khai nó và sẵn sàng tiếp nhận đơn thư, tài liệu tố cáo tham nhũng, tiêu cực qua mạng xã hội, thì chưa cần đến sự bảo vệ của các cơ quan có thẩm quyền, người đăng tải nội dung tố cáo có thể tự biết cách bảo vệ mình một cách khá hiệu quả.
“Tuy nhiên, nếu những thông tin được cung cấp là bịa đặt, giả mạo thì bằng những biện pháp nghiệp vụ, trong một chừng mực nào đó, cơ quan chức năng vẫn có thể tìm ra ai là người đã đăng tải những nội này” – Ông Nguyễn Thành An lưu ý.
Theo quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông: Nhà nước ta không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội mặc dù không phủ nhận những mặt trái của nó. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần làm tốt công tác thông tin truyền thông, trong đó có việc cung cấp thông tin chính thống lên mạng xã hội. Vậy nên có thể thấy, việc các cơ quan quản lý nhà nước và nhất là người đứng đầu các cơ quan này công khai trang mạng xã hội của cá nhân mình, trong đó có trang Facebook, để tiếp nhận thông tin và đưa ra những phát ngôn chính thống sẽ tạo được nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
Video đang HOT
Ngoài Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thiết nghĩ sắp tới sẽ xuất hiện thêm nhiều trang Facebook công khai như thế. Tại sao không?
Theo Công Lý
BT Bộ Y tế mở fanpage: "Facebook không phải phép thần"
"Bộ trưởng Y tế lập Facebook, hiệu quả cao hay thấp phải tùy thuộc vào cá nhân bà Bộ trưởng, bởi Facebook không phải là phép thần".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chính thức tham gia Facebook. Bà là vị chính khách đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm lập Facebook để "lắng nghe và thấu hiểu" người dân.
Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ do bà trực tiếp quản lý, điều hành, cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ánh của nhân dân.
Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế
Phong cách làm việc mới
Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, Bộ tưởng Y tế mở trang Facebook cá nhân thể hiện phong cách làm việc mới, dân chủ, gần dân.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết
"Facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến với thông điệp "lắng nghe và thấu hiểu" chắc chắn sẽ được hoan nghênh, qua đó bà Tiến có thể tiếp nhận được nhiều ý kiến của người dân và cung cấp cho người dân nhiều thông tin về ngành Y tế cũng như về việc chăm sóc sức khỏe", GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Theo ông, ở Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ Facebook chính thức là việc làm rất dũng cảm mặc dù các nước trên thế giới chính khách tham gia mạng xã hội là việc rất bình thường.
Chẳng hạn: Ở Trung Quốc, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có Facebook từ rất lâu. Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là "ông vua mạng xã hội" khi có tài khoản hàng loạt mạng xã hội khác nhau, từ Facebook, Twitter...
GS. Nguyễn Minh thuyết cho rằng: "Chính khách lập Facebook là một hình thức giao tiếp với dân trên quan điểm dân muốn Bộ trưởng phải lắng nghe thực sự. Tuy nhiên, duy trì Facebook sao cho hiệu quả là điều người dân, xã hội quan tâm hơn".
"Người bận rộn như Bộ trưởng, mở Facebook ra liệu có thời gian để xử lý những thắc mắc ý kiến của người dân hay không? Dân góp ý Bộ trưởng tiếp thu đến đâu? Facebook có duy trì được hay không, còn phụ thuộc và cá nhân bà Bộ Trưởng", GS Thuyết bày tỏ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, điều ông quan tâm nhất đến việc mở Facebook của một chính khách là hiệu quả bởi có người mở ra Facebook nhưng không thể xử lý được thắc mắc của những người quan tâm.
Sẽ có nhiều chiều bày tỏ thái độ
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đánh giá, xét về mặt xã hội, Bộ trưởng lập Facebook là việc làm tốt. Vị tư lệnh ngành mở trang Facebook là chuyện bình thường.
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình
Ông lý giải, Facebook là mạng xã hội, giúp con người tương tác, thực hiện giao tiếp xã hội. Lập Facebook là điều kiện để nhà quản lý thực hiện giao tiếp xã hội với số lượng người nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, giao tiếp trên mạng có xã hội chắc chắn sẽ nhiều chiều bày tỏ thái độ nhưng đó lại là điều kiện để nhà quản lý điều chỉnh tốt hơn.
"Bộ trưởng Y tế lập Facebook, hiệu quả cao hay thấp phải tùy thuộc vào cá nhân bà Kim Tiến bởi Facebook không phải là phép thần. Facebook cũng có mặt trái nhất định, nếu cá nhân không vượt qua có thể tác dụng ngược", TS. Trịnh Hòa Bình nói.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, Bộ trưởng nên lắng nghe ý kiến của dân, người dân góp ý phần nào tiếp thu được, phần nào không thu. Ngoài ra, những gì người dân góp ý đúng mà ngoài khả năng của Bộ trưởng nên báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo ông, Bộ trưởng lập Facebook nên có bộ phận kỹ thuật để lọc các ý kiến bởi nếu giao tiếp trên mạng xã hội của Bộ trưởng tuy không phải cổng thông tin chính thức của cơ quan nhà nước nhưng cũng là chính khách nên người dân tham gia vào thì phải có tên tuổi đàng hoàng, dùng ngôn ngữ nghiêm chỉnh. Người dân có thể phê bình công việc của ngành y tế nhưng nên giao tiếp có trách nhiệm, sử dụng ngôn ngữ có văn hóa.
TS Hà Anh Đức, Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết: "Fanpage của Bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận, sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xứ lý thích hợp.
Theo TS Hà Anh Đức, vì bản chất Facebook là một kênh để đưa các thông tin đến với dư luận, nên ngành y tế không thể ngồi viết mà phải lấy thông tin từ các báo chính thống, qua đó nhận được những phản hồi của cộng đồng sử dụng.
Theo Diệu Thu (Danviet.vn)
Fanpage Bộ trưởng Y tế có số "like" tăng chóng mặt Sau khi thông tin về fanpage chính thức của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được công bố, số lượng fan của trang tăng chóng mặt. Giao diện fanpage Bộ trưởng Y tế Tính đến 19h40 hôm 3/3, thông tin do chính fanpage này cho thấy, đã có tới 111.626 lượt người thích trang. Riêng trong hôm 3/3 fanpage này đã...