Lãnh đạo các ngân hàng nói gì sau quyết định giảm lãi suất mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước?
Trước và sau quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 – 0,5%/năm.
Chiều tối ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND.
Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Song song với quyết định của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank và MSB đã công bố hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong những ngày cuối năm. Trong đó, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Còn TPBank trong lần điều chỉnh này giảm lãi suất huy động 0,1%/năm ở kỳ hạn từ 6 – 13 tháng và 0,3%/năm kỳ hạn trên 13 tháng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vốn vừa hạ lãi suất huy động 0,2 – 0,3% ở kỳ hạn 18 tháng, nay lại lên kế hoạch giảm các kỳ hạn ngắn…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn SCB cho biết, xét ở góc độ vĩ mô, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho động thái hạ lãi suất.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018), chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%.
Ngoài ra, nguồn vốn FDI thực hiện tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn góp mua cổ phần tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
TPBank giảm lãi suất huy động từ 0,1 – 0,3%/năm theo các kỳ hạn.
Về thanh khoản hệ thống ngân hàng, trạng thái dồi dào là điểm nổi bật trong tháng 10. Lãi suất liên ngân hàng có nhiều thời điểm thấp hơn lãi suất tín phiếu và giảm sâu dưới ngưỡng 2%/năm.
Việc thanh khoản hệ thống dư thừa trong tháng vừa qua xuất phát từ hai nguyên nhân chính: i) Việt Nam có cán cân thanh toán thặng dư lớn (xuất siêu, vốn FDI giải ngân tăng, vốn góp mua cổ phần tăng); ii) Giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì số dư lớn.
Do thanh khoản dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường phát hành tín phiếu nhằm hút ròng tiền về. Số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 10 đã lên tới 72.000 tỷ đồng (thay cho mức 0 đồng vào tháng 8). Lãi suất tín phiếu cũng được Ngân hàng Nhà nước liên tiếp cắt giảm, hiện chỉ còn 2,25%/năm.
“Với những thông tin được công bố cho thấy, dự trữ ngoại hối đạt hơn 70 tỷ USD cho 12 – 14 tuần nhập khẩu giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định được thị trường ngoại hối, điều này còn thể hiện ở chỗ giá ngoại tệ USD trên thị trường tự do còn thấp hơn ngân hàng”, ông Hoàn nói.
Được biết, từ thứ 6 tuần trước, VietinBank đã họp để đưa ra kế hoạch giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàn Nhà nước. Tuy nhiên, một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết, rất khó để đưa ra mức giảm là bao nhiêu phần trăm ở những lĩnh vực nào, bởi lĩnh vực ưu tiên có thể nhiều hơn so với lĩnh vực thông thường hay nhóm khách hàng tốt được cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
“Quan điểm của Ban lãnh đạo Ngân hàng cho rằng, đưa ra con số cụ thể giảm là bao nhiêu là không cần thiết, bởi điều này có thể khiến thị trường cho rằng ngân hàng đang ở mức cao nên phải đưa xuống thấp. Trong khi đó, VietinBank luôn nghiêm túc thực hiện trách nhiệm chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp nên luôn luôn duy trì mặt bằng lãi suất có thể nói là thấp nhất”, vị lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.
Một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank cho biết, hiện chỉ có 1 kỳ hạn của Ngân hàng có lãi suất trên 8%/năm, còn lại đều dưới quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dẫu vậy, để đồng hành cùng toàn hệ thống trước chủ trương của Chính phủ, LienVietPostBank cũng sẽ tiếp tục giảm các kỳ hạn với mức độ khác nhau.
“Trước mắt là giảm lãi suất huy động để làm nền tảng cho giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”, vị lãnh đạo LienVietPostBank nói.
Với SCB, ông Hoàn nói: “Giai đoạn cuối năm, SCB đã dự phòng thanh khoản đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nên việc giảm lãi suất sẽ được chấp hành thực hiện từng bước. Tôi cho rằng, quý I/2020 lãi suất sẽ còn giảm hơn nữa”.
Nhuệ Mẫn
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Diễn biến bất ngờ về lãi suất tiền gửi tiết kiệm, cho vay
Cả nhà điều hành và nhiều ngân hàng thương mại liên tiếp trong mấy ngày qua đều phát đi thông báo về việc lãi suất cả cho vay lẫn huy động.
Theo đó, chính sách điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay và trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực từ sáng nay.
Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ hôm nay, ngày 19-11.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Trước đó, Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên trong nhóm "big 4" điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, dù quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay này có hiệu lực từ ngày hôm qua nhưng tất cả những doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng vay vốn tại Vietcombank kể từ 1/11/2019 thì đều được hưởng chính sách hấp dẫn này.
Trong một diễn biến khác, thì một số ngân hàng thương mại lớn nhỏ đều tạm ngưng cuộc đua tăng lãi suất huy động và điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Ví dụ, Vietcombank giảm 0,2%/năm với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng. VietinBank giảm 0,25/năm với các kỳ hạn từ dưới 1 tháng - trên 36 tháng. Ngay cả lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 và 36 tháng cũng được nhà băng này giảm 0,2%/năm so với trước, xuống 6,8%/năm. BIDV giảm 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng.
MB cũng giảm nhẹ lãi suất 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn từ ngắn đến trung, dài hạn. Đầu tháng 11 này, một số ngân hàng như VPBank, Eximbank, VietCapital Bank... cũng đã có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Có thể nói, thông tin giảm lãi suất huy động của đồng loạt nhiều ngân hàng cho thấy các ngân hàng đang dần tiết giảm chi phí đầu vào. Nhờ đó, trong thời gian tới, hy vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa cuối năm giảm bớt gánh nặng lãi suất.
Thuỳ Linh
Theo Plo.vn
Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tiền gửi tối đa Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn...